Bị “khủng bố” bằng điện thoại, nhiều khách hàng cầu cứu nhà mạng thì được chỉ qua công an nhưng công an lại bảo khó xác định đối tượng.
Chị Nguyễn Lâm Linh Trang (phường 2, quận 10, TP.HCM) là người sử dụng số điện thoại 090833... phản ánh: Một lần chị tình cờ vào mạng xã hội để trò chuyện với bạn bè thì có một người tự xưng là Tuấn chen vào tán tỉnh với những lời lẽ thô tục. Chị Trang làm lơ như không biết nhưng người này vẫn tiếp tục nhảy vào đùa cợt thô tục nhiều lần sau đó.
Liên tục “khủng bố”
Đầu tháng 5-2012, chị Trang bị một người dùng điện thoại (ẩn số) gọi đến quậy phá và nhắn tin với nội dung tục tĩu. Càng về sau máy chị càng nhận được nhiều số điện thoại lạ gọi đến cũng với mục đích quấy phá và nhắn tin dung tục, nhất là vào lúc giữa đêm. Sau nhiều lần bị quấy rối, chị Trang gọi đến tổng đài Mobifone nhờ trợ giúp thì mới biết số điện thoại ẩn đó là của Tuấn thuê bao. Vài ngày sau, lần lượt có nhiều số điện thoại lạ có đầu số 0128… (SIM khuyến mãi) liên tục gọi, nhá máy và nhắn tin quấy rối chị. Thời gian quậy phá kéo dài từ ngày 8-5 cho đến nay. Có đêm chị Trang nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn. Nhịp độ chỉ giảm bớt chút ít khi chị nhờ đến dịch vụ chặn cuộc gọi lạ nhưng sau đó cường độ quấy rối càng dày đặc hơn.
“Tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì sự quấy phá này. Kẹt nỗi số điện thoại tôi đang dùng là số thuê bao, nếu bỏ thì ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ bạn bè, làm ăn. Tôi đã gọi đến tổng đài để nhờ theo dõi, xử lý. Thế nhưng một nhân viên cho biết chỉ khi nào công an vào cuộc điều tra thì Mobifone mới can thiệp sâu hơn. Tôi đến trình báo công an thì công an cũng tiếp nhận nhưng nói rất khó giải quyết nếu nhà mạng không vào cuộc. Lý do là đối tượng quấy rối dùng SIM khuyến mãi, chỉ xài một thời gian ngắn rồi bỏ luôn nên rất khó xác định người cụ thể” - chị Trang bức xúc.
Các nhà mạng nói gì?
Theo đại diện MobiFone, đối với trường hợp của chị Trang, nhà mạng đã nhắc nhở chủ thuê bao quấy rối ba lần và các thuê bao đó đã dừng việc quấy rối. Tuy nhiên, chị Trang lại tiếp tục bị thuê bao khác quậy phá. Bộ phận giải quyết khiếu nại đã tư vấn chị chọn dịch vụ Call Barring để có thể chủ động hơn trong việc ngăn chặn thuê bao quấy rối. Khi đăng ký dịch vụ này, khách hàng có thể ngăn chặn các tin nhắn và cuộc gọi không mong muốn.
Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông của VinaPhone, cho biết: “Khi tiếp nhận đơn yêu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ kiểm tra, xác minh. Nếu tin nhắn đơn giản, nhà mạng sẽ nhắc nhở các chủ thuê bao. Trường hợp đã thông báo ba lần mà đối tượng vẫn không khắc phục thì chúng tôi sẽ tiến hành cắt số. Riêng những trường hợp bị quấy rối nghiêm trọng, liên quan đến sinh mạng thì khách hàng nên báo công an. Nhà mạng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết”.
Đại diện truyền thông của một nhà mạng lớn ở TP.HCM thông tin: “Nhà mạng nào cũng có cách xử lý như nhau đối với các trường hợp nhắn tin, gọi điện quấy rối. Thế nhưng không thể giải quyết triệt để với những SIM rác như hiện nay. Với các trường hợp cố ý nhắn tin quấy rối, kẻ xấu dùng SIM rác và liên tục thay đổi thì nhà mạng không thể dễ dàng cắt số”.
Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng, Công ty Bkav: Chống đỡ bằng phần mềm
Thời gian qua xuất hiện khá nhiều những trường hợp nhắn tin, gọi điện thoại quấy rối, gây tổn thương tinh thần cho người dùng điện thoại. Có người còn bị chơi xấu tung thông tin lên các trang web rao tình. Ngoài việc liên hệ với nhà mạng, người sử dụng điện thoại có thể sử dụng phần mềm Bkav Mobile Security để chặn tin nhắn và điện thoại của nhiều số điện thoại lạ cùng lúc, đặc biệt người dùng có thể chặn tin nhắn theo từ khóa. Khi thông báo chặn thì các tin nhắn xấu sẽ không đến được máy người nhận.
10 triệu đồng
Người sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
(Theo điểm h khoản 3 Điều 12 Nghị định 142/2004 của Chính phủ)
Có thể khiếu nại đến Sở
Người sử dụng dịch vụ khi gặp rắc rối nên chính thức khiếu nại đến đơn vị cung cấp dịch vụ. Nếu đơn vị không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì khách hàng có thể khiếu nại tiếp đến Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông BÙI VIỆT DƯƠNG, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Một số chiêu “dĩ độc trị độc”
1. Cài chế độ tự động trả lời, hễ bên kia nhá máy là bạn nhận được ngay; cứ nhận cuộc gọi nhưng im lặng, không nghe, cứ để bên kia nói và tốn tiền, vài ngày họ sẽ chán.
2. Với thuê bao trả sau, bạn sử dụng dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi khi máy bận, số chuyển tới là một số điện thoại sai, không có người nghe. Khi có số nghi ngờ gọi đến, bạn báo bận, cuộc gọi của người kia sẽ được chuyển đến cái số ảo và đầu dây bên kia sẽ được báo “thuê bao không tồn tại hoặc không có”.
3. Cài phần mềm điện thoại tự động bắt máy, đồng thời cho bên kia nghe nhạc, bên này bắt máy mà bên kia cứ tưởng nhạc chờ, bị trừ tiền riết sẽ nản.
(Theo Internet)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét