1. Giới thiệu
Tôi cho rằng để sáng tác được những tác phẩm nhiếp ảnh có ý nghĩa, thì việc trau dồi về nghệ thuật thị giác và quan điểm cũng quan trọng như việc học về kỹ thuật và sự khéo léo. Sau hơn 15 năm nhiếp ảnh kỹ thuật số thâm nhập và phát triển, rõ ràng có một nhu cầu cho các nhiếp ảnh gia nghệ thuật tập trung trở lại vào các khía cạnh nghệ thuật của nhiếp ảnh, vào bản chất của sự nhìn và thể hiện cá nhân, và các khía cạnh nền móng của nhiếp ảnh với tư cách là một bộ môn nghệ thuật.
Ở thời nhiếp ảnh phim, những bậc thầy đã sáng tác các bức ảnh đầy xúc cảm mà đâu cần có sự trợ giúp hùng hậu của nhiếp ảnh kỹ thuật số như bây giờ. Các kỹ thuật mà họ sử dụng cũng ít hơn và giản đơn. Bởi ít lựa chọn và phương tiện đơn giản đã hạn chế bớt khả năng của họ, nên có khi đó lại mang tới một lối dẫn trực tiếp hơn để thể hiện cảm xúc và quan điểm, phong cách.
Ngày nay, với nhiếp ảnh kỹ thuật số, người ta có xu hướng tập trung nhiều hơn vào công nghệ mà ít dần trải nghiệm cảm xúc để một hình ảnh có thể mang đến cho tâm trí của người xem. Ở một chừng mực nào đó, khả năng rộng lớn mà nhiếp ảnh kỹ thuật số mang lại cộng với các thách thức từ việc làm sao lĩnh hội, làm chủ cho được những khả năng này, dường như làm cho người ta giảm tập trung vào việc thể hiện cảm xúc và tầm nhìn, quan điểm.
Tuy nhiên, để có thể để lại một ấn tượng lâu dài, để có thể trở thành mẫu mực, trở thành một kiệt tác, thì một bức ảnh phải đạt được cả tác động xúc cảm lẫn kỹ thuật xuất sắc. Nó phải thể hiện được cả tay nghề và kỹ thuật lẫn ngôn ngữ thể hiện và quan điểm nghệ thuật.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những gì các bậc thầy đã làm. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh cách sử dụng các công cụ, phần mềm và chất liệu in để sáng tác ra các bức ảnh có được tác động tình cảm và kỹ thuật đỉnh cao.
2. Có đề tài rồi vẫn chưa đủ
Hai thành tố giúp cho việc sáng tác một bức ảnh đẹp:
A. Đề tài / đối tượng chụp mang lại cho ta những gì:
- Các cơ hội gây cảm hứng - Chất lượng ánh sáng - Các cơ hội về bố cục - Đặc tính của đối tượng được chụp
B. Chúng ta có thể mang lại cho đối tượng chụp những gì:
- Khả năng phát hiện chất lượng ánh sáng - Khả năng tận dụng được các cơ hội về bố cục - Sử dụng thuần thục các thiết bị máy ảnh và phụ kiện - Cởi mở với những cơ hội tạo cảm hứng - Chất lượng xử lý và tối ưu hóa hình ảnh - Khả năng sử dụng quyền sáng tạo nghệ thuật (artistic license) - Khả năng quảng bá tác phẩm của mình để nhiều người biết tới
Chúng tôi không thể chỉ phụ thuộc vào những gì đối tượng chụp mang lại cho chúng ta. Chúng ta phải mang lại cho đối tượng một chút gì đó, với tỷ lệ tương đương. Và khi ta không không thể hoàn toàn dựa vào tác động của chủ đề, thì càng cần phải mang tới nhiều hơn cho chủ đề. Đặc biệt là trong trường hợp chủ đề kém kịch tính, lặng lẽ hơn, hay ít gây ấn tượng. Và bởi vậy cách ta tiếp cận chủ đề trở nên quan trọng hơn những gì chủ đề có thể mang lại.
Chỉ dựa 100% vào những gì chủ đề nào đó mang đến cho chúng ta có lẽ không đủ để tạo ra hình ảnh có thể vượt xa hơn là ghi hình làm tư liệu.
Để tạo ra những tác phẩm hình ảnh biểu cảm (chứ không phải là ảnh tài liệu), bạn cần đóng góp không kém những gì chủ đề có thể mang đến cho bạn. Thực tế là bạn thường phải mang lại nhiều hơn so với những gì chủ đề mang đến cho bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải làm sao biến chủ thể, từ việc trông giống nhau trong mắt mọi người, trở thành một hình thái khác, theo cách nhìn của riêng bạn.
3. Động thái của Ansel Adams
Tôi rất ngưỡng mộ Ansel Adams. Tôi sưu tầm các tác phẩm của ông, và sách của ông chính là cuốn đầu tiên tôi đọc khi bắt đầu học nhiếp ảnh. Adams đã chỉnh sửa ảnh khá nhiều, thể hiện quan điểm cá nhân của ông về cảnh vật chứ không chỉ hiển thị những gì máy ảnh chụp ra. Tuy nhiên, ông cũng giới hạn mình với một vài chỉnh sửa cụ thể. Tôi gọi những thay đổi này là “Động thái của Ansel Adams”. Những lý do cho những hạn chế này là do công nghệ tại thời điểm đó cũng như lựa chọn nghệ thuật của Adams.
Những động thái này có thể được tóm tắt như sau:
- Chuyển từ cảnh quan nguyên thủy đầy màu sắc thành ảnh đen trắng - Chỉnh sửa độ tương phản trên toàn khung hình trong quá trình phóng ảnh - Chỉnh sửa tương phản cục bộ của cảnh chụp bằng phương pháp dodging and burning (dìm sáng hoặc nâng sáng từng khu vực cụ thể trong bức ảnh – chú thích người dịch) - Chỉnh sửa tương phản cục bộ bằng xử lý hóa chất từng phần - Chấm sửa loại bỏ vết bụi và chi tiết không ưa thích - Cắt cúp hình nguyên thủy chụp ra từ máy ảnh
Động thái của Ansel Adams dĩ nhiên là quan trọng trong thời nhiếp ảnh phim và được chấp nhận một cách rộng rãi bởi những nhiếp ảnh gia chụp phim hay chụp kỹ thuật số. Tất cả những động thái này đều có thể được thực hiện với nhiếp ảnh kỹ thuật số mà hiệu quả còn hay hơn nữa. Ngoài ra còn có nhiều thao tác xử lý nữa rất khả thi ở thời đại kỹ thuật số. Vậy nhưng nhiều nhiếp ảnh gia kỹ thuật số vẫn tự hạn chế mình, chỉ theo động thái của Ansel Adams mà thôi. Để ứng dụng nhiều hơn những gì kỹ thuật số có thể mang lại, cá nhân tôi quyết định đi xa hơn và thêm vào những quy tắc mới gọi là “động thái của Alain Briot”:
- Kéo giãn và uốn một số chi tiết quan trọng trong ảnh như các dãy núi - Sửa đổi căn bản bảng màu trong hình ảnh chụp ra từ máy ảnh - Loại bỏ những yếu tố khá quan trọng trong bức ảnh như con sông, cây, tảng đá … - Di chuyển các yếu tố khá quan trọng từ khu vực này sang khu vực khác trong khung hình - Nhân bản các yếu tố khá quan trọng - Kết hợp nhiều thành tố từ nhiều bức ảnh vào trong một bức ảnh - Gắn các bức ảnh lại với nhau cho mục đích sáng tác (chứ không phải để tăng độ phân giải)
4. Nhận xét về điều mới và không mới lắm
Nhiều việc đã từng rất khó khăn trong thời phim, nay trở nên rất dễ làm trong kỷ nguyên số. Và điều đó dẫn đến hệ quả là các khái niệm về sự “tầm thường” hoặc “thông thường” đã thay đổi. Bây giờ chúng ta nhìn thấy trên Facebook ảnh của những người mới tập tành chụp, về mặt kỹ thuật mà nói, cũng tương tự như những tác phẩm trước kia chụp bởi các nhiếp ảnh gia kỳ cựu mà chỉ được thấy trong các phòng trưng bày hay bảo tàng. Ngày nay, để chúng ta có thể ngạc nhiên bởi một bức ảnh, hay chúng ta phải ngắm đi ngắm lại, thì hình ảnh nào đó phải nổi bật hơn những gì chúng ta thấy hàng ngày xung quanh chúng ta.
Khi thời gian trôi đi, chúng ta sẽ cảm thấy quen với nhiều sự vật hiện tượng. Một số kiểu chỉnh sửa gây ấn tượng cách đây vài năm thì nay đã trở thành thông thường. Chúng ta từng kỳ vọng và chúng ta đã không còn bị ấn tượng bởi chúng nữa. Để tác phẩm của chúng ta nổi lên trong đám đông, chúng ta cần phải đi xa hơn và làm một cái gì đó mới hơn. Đây là lý do tại sao xử lý kỹ thuật số đang được phổ biến rộng rãi và sử dụng bởi một số lượng lớn các tay máy.
Cũng nên tự hỏi rằng liệu có phải hình ảnh của chúng ta thú vị bởi chúng được áp dụng những hiệu ứng "mới" nhưng chỉ mang tính bề nổi, mà rốt cuộc sẽ trở nên phổ biến? Phải chăng tính mới xuất hiện đó làm cho ảnh thú vị, nhưng khi nó đã trở nên phổ biến bây rồi thì tính mới này sẽ biến mất?
Hay là, hình ảnh của chúng ta thú vị bởi vì chúng đem lại các giá trị nghệ thuật cơ bản? Chúng ta tạo ra những bức ảnh truyền tải được cảm xúc và cảm nhận, hình ảnh vượt cao hơn một sự mô tả đơn thuần của đối tượng? Nếu vậy thì những hình ảnh đó có nhiều khả năng sẽ có giá trị lâu dài hơn so với hình ảnh chỉ thú vị do sử dụng các kỹ thuật bề nổi.
5. Thử thách
Khi nhiếp ảnh kỹ thuật số dần trở nên chính thống, thì việc bấm chụp một bức ảnh trở nên không còn đủ nữa. Chúng ta phải lao động nhiều hơn là chỉ đi đến những nơi thú vị và “bấm đại”. Chúng ta cần trở thành nhiếp ảnh gia tinh tế hơn mới có thể vượt lên trên cả một quần thể “nhiếp ảnh gia” mới vào nghề.
Quá trình này bắt đầu với học tập các khía cạnh cơ bản của nhiếp ảnh. Những khía cạnh cơ bản bao gồm học về ánh sáng và bố cục. Nó cũng bao gồm việc học làm thế nào để sử dụng máy ảnh của bạn cho đến khi nó trở thành một phần cơ thể chứ không phải là một thiết bị ngoại lai mà bạn cứ phải loay hoay mỗi khi bật máy lên. Bạn muốn máy ảnh là người bạn của mình chứ không phải cái thứ mà luôn chống lại bạn, chẳng chịu làm những thứ bạn muốn.
Nói một cách ngắn gọn, chúng ta phải trở nên tinh tế hơn. Điều này đạt được bằng cách làm việc chăm chỉ hơn so với các nhiếp ảnh gia khác và làm những gì người ta không sẵn sàng làm. Điều này hàm chứa cả việc nghiên cứu những thứ họ sẽ không nghiên cứu bởi vì họ không cho là quan trọng. Thành công cũng có giá của nó: chúng ta phải làm những gì mà những người không thành công đã không muốn làm.
Trong nghệ thuật, chỉ cái gì mới thì sẽ nhận được sự quan tâm của những người sưu tầm nghệ thuật và những người hâm mộ. Những gì đã được làm rồi sẽ chẳng giúp gì cho phát triển một phong cách riêng, độc đáo, làm nên tên tuổi cho chính mình, được công nhận, được sưu tập hoặc trở thành một nghệ sĩ thực sự.
6. Những câu hỏi quan trọng
Để phát triển một phong cách cá nhân, bạn có thể cần phải định hình quan điểm cá nhân về những gì bạn thích và không thích trong nghệ thuật. Phát triển một phong cách bắt đầu bằng cách thể hiện một cách trực quan, trong các tác phẩm của bạn, ý kiến cá nhân về những gì bạn thích và không thích. Quá trình này bắt đầu bằng cách tự vấn. Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng nhất:
- Chủ đề này có ý nghĩa gì với tôi? - Tôi cảm thấy khi nhìn vào chủ đề này? - Tôi đã có những cảm xúc gì? - Tôi muốn thể hiện gì trong các bức ảnh của tôi? - Tôi muốn chia sẻ cảm xúc của mình như thế nào với khán giả của tôi? - Tôi có dựa quá nhiều vào những gì chủ đề này mang lại cho tôi mà chưa đem tới gì cho chủ đề? - Tôi có mong đợi quá nhiều từ chủ đề này? - Tôi muốn cho ảnh của tôi một định hướng như thế nào? - Mục đích của nhiếp ảnh của tôi là gì? - Tôi có giới hạn bản thân chỉ với “động thái của Ansel Adams” không? - Hoặc, tôi đã khai thác khả năng sáng tạo vô hạn của xử lý kỹ thuật số hay chưa? - Nếu có, thì tôi sử dụng những khả năng nào? Cái nào tôi không sử dụng? - Màu sắc, hình dạng, cách tiếp cận nghệ thuật cụ thể nào tôi thích hay không thích?
7. Đi học và Giáo dục
Trong giáo dục, có hai từ là “đi học” (schooling) và “giáo dục thực sự” (true education), paideia là một thuật ngữ Hy Lạp. Đi học là cách chúng ta có được kỹ năng và kiến thức. Giáo dục là những gì khuấy động tâm hồn.
Nghĩa đen của từ paideia là 'dạy trẻ'. Thuật ngữ này là là nói về tất cả chúng ta sẽ như là trẻ em khi học một cái gì đó mới. Chúng ta bắt đầu từ không biết gì, và thông qua paideia chúng ta được giáo dục. Chẳng ai có ngay được kiến thức, kể cả giáo viên. Tất cả chúng ta đều phải đi qua một quá trình từ ấu trĩ cho tới khi có kiến thức. Chúng ta tuân sẽ phải theo quá trình này đối với tất cả những chủ đề mới mà chúng ta muốn học.
Áp dụng cho nhiếp ảnh, đây là sự khác biệt giữa việc học sử dụng máy ảnh, ánh sáng bố cục và làm thế nào để thể hiện cảm xúc và quan điểm trong các tác phẩm của chúng ta. Đi học là học về kỹ thuật của nhiếp ảnh mà thôi, còn Giáo dục mới là học nghệ thuật của nhiếp ảnh.
8. Kết luận
Lo sợ bị chỉ trích là lý do số một tại sao hầu hết các nhiếp ảnh gia bị kiềm chế và không bao giờ phát triển một phong cách cá nhân. Họ sợ rằng việc bộc lộ quá nhiều cái tôi trong các bức ảnh sẽ mời gọi những lời chỉ trích. Để che giấu nỗi sợ này, họ thường bày ra một loạt các vấn đề như "Tôi chưa giỏi lắm” hoặc “Tôi không có đúng loại thiết bị”, hoặc “Tôi cần học hỏi thêm nữa”, hay “Tôi chưa biết rõ địa điểm này lắm”, hoặc “tôi đâu phải là nghệ sĩ”…
Giải pháp để thoát khỏi sự sợ hãi là tập trung vào kết quả thay vì vào những rủi ro. Chỉ trích là một thực tế. Tôi sẽ nói xạo nếu cho rằng nó sẽ không bám theo bạn. Tôi bị chỉ trích một cách khá thường xuyên, nếu không phải hàng ngày thì cũng là hàng tuần. Tuy nhiên, những phần thưởng mà tôi nhận được từ công việc vượt xa những lời chỉ trích này. Điều đó giúp tôi muốn tiếp tục và đi xa hơn. Tôi không quan tâm nhiều đến chỉ trích. Tôi chú ý đến các ý kiến tích cực mà tôi nhận được. Tôi chú ý đến tác phẩm của tôi tác động tích cực như thế nào tới mọi người và đem lại những khác biệt gì.
Hãy làm như vậy. Tập trung vào phần thưởng đạt được thay vì nguy cơ. Bạn sẽ ngạc nhiên trước kết quả mà bạn sẽ có.
|
Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012
Sáng tác những bức ảnh có ý nghĩa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét