Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình Fulbright Việt Nam

Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton
Hà Nội – Việt Nam
10-07-2012
Người dịch: Dương Lệ Chi

Cảm ơn rất nhiều. Ôi, tôi rất vui khi có mặt tại đây trong dịp này, hai năm sau khi chồng tôi đã ở đây (cười). Và tôi nghĩ rằng, như cô Thảo nói, gia đình Clinton và Việt Nam có mối quan hệ rất thân mà tôi hy vọng [mối quan hệ này sẽ] tiếp tục thêm nhiều năm nữa trong tương lai. Có mặt ở đây, tại trường đại học lớn này, tôi thực sự rất cảm kích ông Chủ tịch, Chủ tịch Hoàng Văn Châu, cảm ơn ông rất nhiều, cảm ơn ông và sự lãnh đạo của ông, và cảm ơn tất cả các sinh viên và cựu sinh viên Fulbright, những người đang có mặt ở đây để chúng ta kỷ niệm 20 năm Chương trình Fulbright Việt Nam.
Tôi nghĩ, rất dễ dàng khi một người như tôi đến thăm, hoặc chồng tôi, hay Bộ trưởng [Quốc phòng] Leon Panetta vừa đến đây, tập trung vào các quan chức cao cấp, những người [mà chúng tôi] đến để viếng thăm. Nhưng thực sự là, mặc dù đó là mục đích quan trọng, nhưng điều này cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, chính là mối quan hệ hàng ngày giữa những người dân của chúng ta. Có rất nhiều người Việt Nam và rất nhiều người Mỹ làm quen với nhau, những người có cơ hội cùng làm việc với nhau hay cùng học tập với nhau, hay thậm chí sống chung với nhau để tạo ra các mối quan hệ, thực sự đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn. Cho nên tôi rất vui mừng khi có mặt ở đây, đại diện cho đất nước tôi và hàng triệu người Mỹ, những người có thiện cảm về Việt Nam và những người quan tâm sâu sắc về tương lai của đất nước này, và đặc biệt là tương lai của những người bạn trẻ như các bạn.
Một trong những cách mà chúng tôi thể hiện là hỗ trợ nghiên cứu học tập ở nước ngoài. Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài làm điều đó, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp người Mỹ đến thăm các nước khác [có cơ hội] học hỏi và hình thành các mối quan hệ lâu dài, và chúng tôi muốn người dân từ các nước khác cũng làm tương tự ở Hoa Kỳ. Không cường điệu quá khi nói rằng, các chương trình như Chương trình Fulbright đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông William J. Fulbright là người rất nổi tiếng, một thượng nghị sĩ Mỹ nổi tiếng vào thời của ông, và ông ấy đã tin tưởng mạnh mẽ rằng, điều quan trọng nhất là phá vỡ các bức tường về sự hiểu lầm và ngờ vực. Không phải chúng ta hoàn toàn đồng ý tất cả mọi điều, bởi vì không có hai người nào, nói chi tới hai đất nước, hoàn toàn đồng ý tất cả mọi thứ, nhưng chúng ta sẽ xem nhau như là những người đồng hành trong một cuộc hành trình có chung [mục đích], một cuộc hành trình mà [chúng ta] sẽ lấp đầy với tất cả mọi khả năng sẵn có cho những người dân trên khắp thế giới. Và không phải tình cờ mà chúng tôi tập trung vào việc gia tăng mối quan hệ giữa người với người của chúng ta ở đây, ở Việt Nam và ở khắp châu Á như là một cách để xây dựng nhiều và nhiều hơn nữa những mối quan hệ đó.
Vì vậy, trong hai thập niên qua, chương trình Fulbright đã giúp gia tăng các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và nó đã, như chúng ta vừa nghe, nghĩa là đã thay đổi cuộc sống của hơn 8.000 sinh viên, học giả, các nhà giáo dục, và thương gia Mỹ và Việt Nam. Thật vậy, chương trình này đã đào tạo một số nhà lãnh đạo xuất sắc, và tôi biết nó sẽ tiếp tục đào tạo các nhà lãnh đạo xuất sắc. Đã có các con số đáng kể về các cựu sinh viên Fulbright trong các chính sách Việt Nam – các phó thủ tướng, một bộ trưởng ngoại giao – ông [Phạm Bình] Minh, người mà tôi vừa mới gặp, là một cựu sinh viên Fulbright. Và những người khác đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực khoa học, kinh doanh, nghệ thuật, và chắc chắn là trong giới học thuật.
Bây giờ, một số cựu sinh viên hoàn hảo nhất từ tất cả các chương trình học bổng của chúng tôi đã có mặt ở đây với chúng ta hôm nay, và những câu chuyện đáng chú ý của họ cho thấy những gì có thể khi bạn giúp đỡ những người trẻ tuổi tài năng có được những kỹ năng và những kết nối mà họ cần có để thành công. Bây giờ, tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng trăm câu chuyện, nhưng tôi chỉ nói một ví dụ.
Đỗ Minh Thuy (?), cô Đỗ đâu rồi? Đỗ Minh Thuy có ở đây không? À, có cô đây rồi. Vâng, cô Đỗ đã sử dụng học bổng Fulbright của mình để học ngành báo chí ở trường Đại học Indiana. Và sau khi tốt nghiệp, cô đã quyết định rằng, các nhà báo đồng nghiệp của cô ở Việt Nam xứng đáng có được cơ hội tiếp cận các loại kỹ năng và kinh nghiệm mà cô đã có. Vì vậy, cô đã tuyển một số bạn bè mà cô đã gặp ở Indiana để giúp cô tạo ra một chương trình đào tạo và tư vấn các nhà báo trẻ. Và hôm nay, nhóm của cô đã điều hành các hội thảo với hơn 2.300 người tham gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ một người, một học bổng đã có tác động lan tỏa như thế trong một lĩnh vực đời sống Việt Nam.
Đàm Bích Thủy, Đàm Bích Thủy có ở đây không? Vâng. Một người có học bổng Fulbright khác, và là người tốt nghiệp tại Trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, là một trong những người phụ nữ nổi bật nhất trong lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á. Là Phó Chủ tịch Ngân hàng ANZ, cô lãnh đạo hơn 10.000 nhân viên, và cô nói rằng đi du học đã giúp cô, và tôi xin trích [lời của cô]: “để tiếp cận thế giới và người dân từ các nền văn hóa khác, với cái nhìn cân bằng hơn, không thiên vị, trong khi duy trì nguồn gốc của tôi“. Đây là một cách nói rất dễ thương.
Và tôi nghĩ rằng, hai người phụ nữ này và rất nhiều người trong số các bạn, đại diện cho các chuyên gia và các học giả đã học ở Hoa Kỳ, để rồi đem kinh nghiệm đó về thực hành ở quê nhà. Và ngay cả những người trẻ tuổi đang trên đường làm công việc tương tự. Hiện có hơn 15.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Hoa Kỳ, và tôi tin rằng thế hệ sinh viên này và các học giả có được vị trí tốt để đóng góp rất nhiều cho tương lai Việt Nam. Và không chỉ về giáo dục và kỹ năng của họ, mà còn về mối quan hệ và triển vọng mà họ có được và mang theo về nhà, sau đó sẽ được họ làm nền tảng để tạo ra cơ hội mới, cách suy nghĩ mới, đổi mới, sẽ giúp cho rất nhiều người Việt Nam khác thực hiện ước mơ của mình.
Tôi muốn nói rằng tài năng thì phổ quát, nhưng cơ hội thì không. Có nhiều người thông minh, làm việc chăm chỉ trên khắp nước Việt Nam, thật ra trên toàn thế giới, nhưng họ không có được cơ hội mà một số bạn đã có. Vì vậy, đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta tiếp tục mở những cánh cửa cơ hội đó, bởi vì đi ngang qua đó có thể là một thanh niên hay một thiếu nữ, người trở thành một nhà nghiên cứu y khoa, và khám phá ra một cách chữa lành một căn bệnh khủng khiếp, trở thành một doanh nhân và tạo ra một sản phẩm để Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới và làm như vậy, sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, trở thành một giáo sư để rồi sau đó tạo ra những thế hệ kế tiếp, kế tiếp, và kế tiếp của những người đóng góp.
Cho nên chúng tôi muốn làm nhiều hơn, và Hoa Kỳ đang tìm cách làm nhiều hơn để gia tăng số lượng các trao đổi giáo dục. Tôi vừa gặp Bộ trưởng Ngoại giao, chính ông ấy là một cựu sinh viên Fulbright, để nói về những gì chúng ta có thể làm thêm, để cho các bạn trẻ Việt Nam có được cơ hội học hành, và chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm cách thực hiện. Nhưng tôi mời các bạn, làm ơn cho chúng tôi biết ý kiến của các bạn về những gì chúng tôi có thể làm việc với các bạn nhiều hơn nữa, làm việc với chính phủ, làm việc với xã hội dân sự, làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, để tạo thêm những kết nối này. Đại sứ của chúng tôi, Đại sứ David Shear có mặt ở đây, và nếu các bạn có ý tưởng nào đó, xin vui lòng cho Đại Sứ quán của chúng tôi biết.
Bởi vì một trong những điều mà tôi ngưỡng mộ nhất, điều mà Việt Nam đã đạt được trong 20 năm qua, ngoài những điều khác, đó là sự hồi phục đáng kinh ngạc và sự cống hiến để cải thiện đời sống và xã hội, và vai trò của người phụ nữ đang thực hiện ở Việt Nam – tôi đã đi nhiều nước, nhưng vẫn chưa thấy trường hợp đó xảy ra, nhưng nó đang xảy ra ngay tại đây, ở Việt Nam, phụ nữ và nam giới cùng nhau xây dựng một Việt Nam mới – tầm quan trọng của giáo dục là điều bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp hơn, và liên tục mở cánh cửa [để đi tới] những trình độ cao hơn và cao hơn về tri thức giáo dục. Đây là cách tốt nhất mà tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tự chuẩn bị cho chính mình.
Người ta thường hỏi tôi: Một cá nhân có thể làm gì, một quốc gia có thể làm gì? Ôi, thế giới mà chúng ta đang sống thì không thể đoán trước. Không có cách nào chúng ta sẽ biết tất cả mọi thứ sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm tốt nhất là giáo dục tốt tại một trường đại học lớn như Đại học Ngoại thương hoặc một trong những trường khác ở Việt Nam, hoặc ở nước ngoài. Cho nên chúng tôi muốn làm việc với các bạn và nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các tổ chức giáo dục, cũng như chính phủ của các bạn và những người khác trong xã hội, tìm cách để chúng ta có thể trở thành đối tác tốt hơn khi nói về việc mở những cánh cửa đó cho những người bạn trẻ Việt Nam.
Vì vậy, tôi mong tất cả các bạn có được mọi điều tốt nhất khi các bạn tiếp tục sự nghiệp và nghề nghiệp của mình. Tôi hy vọng các bạn giữ liên lạc với những người mà các bạn đã gặp gỡ, đã làm việc và cùng nghiên cứu với nhau ở Hoa Kỳ. Tôi được truyền cảm hứng từ những điều mà các bạn đã đạt được trong một thời gian như thế, và tôi mong được tiếp tục mối quan hệ đối tác này giữa hai nước chúng ta. Một điều mà tôi nghĩ có thể là, như tôi đã nói trước đó, một mô hình và rằng một [mô hình] có thể càng ngày càng tốt hơn bởi vì chúng ta cùng làm việc đó với nhau. Đó không phải là Hoa Kỳ hay Việt Nam, mà đó là chúng ta cùng làm việc với nhau để tạo ra mối quan hệ kiểu mẫu và cung cấp cơ hội cho người dân hai nước chúng ta sống cuộc sống đầy đủ ý nghĩa nhất mà Thượng Đế đã ban cho. Xin cám ơn tất cả các bạn rất nhiều. (Vỗ tay).
Nguồn: Human Rights – USG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét