Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Săn học bổng bằng mọi thông tin, mọi quan hệ

Nhân vật kỳ này là Phạm Yến Anh, người vừa trúng tuyển ngành tài chính đại học Drexel – được xếp vào top 100 đại học Mỹ và top 2 danh sách các đại học có triển vọng "Up and Coming" (theo U.S News & World Report). Trước đó, bạn trẻ sinh năm 1991 này đã đậu vào đại học Kinh tế TP.HCM.
Phạm Yến Anh tại Mỹ. Ảnh: nhân vật cung cấp
Hành trình đến với trường đại học danh tiếng Drexel của bạn bắt đầu như thế nào?
Tốt nghiệp phổ thông xong, em thi đậu đại học và đã có giấy báo nhập học, nhưng ngay trong thời điểm đó thì em biết đến viện Đào tạo quốc tế (IEI) thông qua các anh chị từng học tại đây trước khi chuyển tiếp ra nước ngoài. Mọi người đều rất giỏi và rất thành công. Hơn nữa, gia đình có định hướng cho em đi du học, nên chọn IEI làm bước đệm trước khi một mình em sang Mỹ học. Không những em được làm quen với chương trình học giống hoàn toàn chương trình của các bạn quốc tế, lại được thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong rất nhiều tình huống nên bây giờ em thấy tự tin hơn. Liên kết giữa sinh viên và cựu sinh viên ở đây được tổ chức rất tốt nên thông tin về các trường đối tác hoặc thông tin học bổng đều được cập nhật. Điều này giúp em rất nhiều trong việc chọn trường cũng như xin học bổng.
Nhận được học bổng rất cao trong học kỳ vừa qua khi chuyển tiếp sang giai đoạn hai tại nước ngoài, với bạn đó có phải là món quà bất ngờ?
Bất ngờ nhưng không nhiều lắm. Thật sự em đã chuẩn bị từ trước. Trong thời gian tìm hiểu thông tin học bổng từ trường, ngoài những yêu cầu cơ bản cho một hồ sơ xin học bổng thì em còn chuẩn bị tốt cho kỳ thi SAT nữa. Và ngay trong ngày mùng một tết thì em nhận được kết quả thi với số điểm đảm bảo tiêu chuẩn xét học bổng của trường xin vào.
Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ xin học bổng của bạn là gì? Đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Quan trọng nhất là xác định trước. Vì một khi đã có mục tiêu cụ thể thì sự chuẩn bị sẽ tốt hơn, và dĩ nhiên kết quả đạt được sẽ khả quan. Tiếp đến là chuẩn bị tất cả những điều cần thiết để đạt mục tiêu đó, như đảm bảo điểm trung bình cuối khoá cao, điểm thi IELTS cao, xin giấy giới thiệu từ các thầy cô, chuẩn bị các giấy tờ chứng minh, viết bài luận giới thiệu bản thân và in tất cả các mô tả môn học để gửi sang trường kia. Quan trọng nhất là tất cả quá trình chuẩn bị phải được thực hiện từ rất sớm để đảm bảo không có sai sót. Vì em đăng ký vào trường nằm ngoài hệ thống đối tác nên càng phải chuẩn bị sớm. Rất may là em nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các anh chị trong bộ phận chuyển tiếp của trường. Ngoài ra, có một yếu tố quan trọng không kém, đó là sự giúp đỡ của các anh chị hoặc bạn bè đang theo học ngay tại trường. Vì có rất nhiều thông tin cũng như các yêu cầu không phải lúc nào cũng tìm thấy trên internet.
Bạn biết đến thông tin về các chương trình học bổng này từ đâu?
Em theo dõi từ trang web của trường mà em muốn vào học trong giai đoạn hai. Em cũng thông qua hệ thống cựu sinh viên của IEI và một số bạn bè để tìm hiểu thêm về các chương trình học bổng và điều kiện mà họ cần. Nói chung là em tận dụng mọi nguồn thông tin và mọi mối quan hệ.
Bạn nghĩ đâu là điểm nổi bật của mình để “đánh bại” nhiều đối thủ và nhận được học bổng có giá trị lớn?
Thật ra em không nổi bật lắm đâu, chỉ cần tìm hiểu kỹ thông tin và xác định được mục tiêu thì việc xin được học bổng cũng không khó lắm. Những ngày học tại IEI giúp em làm quen với môi trường quốc tế và nắm bắt thông tin một cách trực tiếp thông qua kinh nghiệm được chia sẻ từ chính các anh chị cựu sinh viên. Kiến thức nền được trang bị theo đúng tiêu chuẩn mà các trường đối tác đặt ra. Đây là cơ sở đánh giá khả năng thích ứng với môi trường học tập mới của sinh viên đăng ký học bổng. Và quan trọng không kém là các hoạt động ngoại khoá được tổ chức thường xuyên, không chỉ giúp các bạn năng động và tự tin hơn mà còn là yếu tố thể hiện sự gắn kết của sinh viên đối với nhà trường.
Các bạn khi chuẩn bị đi du học thường ngán nhất “ải” thị thực, với bạn thì sao?
Theo em được biết thì khó khăn nhất trong việc xin thị thực là chứng minh việc mình sẽ quay về Việt Nam sau thời gian du học. Gia đình em không có người thân ở Mỹ nên em không khó khăn lắm. Những vấn đề khác liên quan đến thị thực thì sinh viên tụi em đã được các anh chị trong phòng chuyển tiếp hỗ trợ hết rồi nên mọi việc cũng suôn sẻ.
Yến Anh có lời khuyên nào cho các bạn đang mong muốn du học?
Đặt ra mục tiêu và hành động vì mục tiêu càng sớm càng tốt. Chuẩn bị kỹ càng mọi thứ cần có với sự hỗ trợ từ bạn bè và người đi trước. Và cuối cùng là nghĩ đến việc khi có học bổng thì sẽ hỗ trợ được cho bố mẹ về mặt tài chính, và làm bố mẹ cảm thấy tự hào, lấy đó làm động lực hướng đến mục tiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét