Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012
Chính sách Việt Nam của Obama, Romney?
Cuối năm 2011 tại Canberra, thủ đô Úc châu, tổng thống Barack Obama công bố chính sách “pivot” (chuyển hướng) của Hoa Kỳ đối với Á Châu Thái Bình Dương.
Barack Obama và Mitt Romney có khác biệt trong chính sách với Việt Nam?
Danh từ Việt Nam đã không được tổng thống Obama nhắc tới. Và trong cuộc tranh cử hiện nay ứng cử viên đảng Cộng Hòa, ông Mitt Romney khi nói về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cũng không bao giờ nhắc đến Việt Nam.
Lý do vì hội chứng của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn đó. Vậy thì: Nếu ông Mitt Romney đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 sắp tới thì chính sách của ông đối với Việt Nam có khác gì chính sách hiện nay của tổng thống Obama không?
Chúng ta có thể gián tiếp tìm thấy câu trả lời qua sự phân tích chính sách đối ngoại của hai ông đối với Trung Quốc. Nhìn dưới lăng kính đó chính sách của ông Romney đối với Việt Nam đậm nét hơn chính sách dè dặt của tổng thống Obama. Tuy nhiên chính sách của tổng thống Obama hay của ông Mitt Romney (nếu ông đắc cử) cũng không phải là đường một chiều mà còn tùy thuộc vào thái độ của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trở lại Tây Thái Bình Dương
Nói chung đảng Cộng Hòa của ông Romney đồng ý với chính sách trở lại Tây Thái Bình Dương của chính quyền Obama như: (1) Xem sự tự do lưu thông trên Biển Đông là quyền lợi thiết thực của Hoa Kỳ (2) Dồn lực lượng Hải quân nhiều hơn về Thái Bình Dương (3) Trao đổi quân sự thường xuyên hơn với giới chức quân sự Việt Nam.
Tuy nhiên ông Romney không quên nhấn mạnh ở một số chính sách để tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình Dương. Ông Romney chủ trương tăng cường hải lực, đóng thêm tàu bè để thuyết phục Trung Quốc rằng đi theo con đường hợp tác hòa bình tại Biển Đông trong tinh thần có trách nhiệm của một nước lớn sẽ có lợi và ít tốn kém cho Trung Quốc hơn.
Đối với các nước trong vùng, trong đó có Philippines, Việt Nam, Indonesia, ông Romney chủ trương xích lại gần nhau, hợp tác quân sự để đối đầu với quân lực Trung Quốc càng lúc càng mạnh. Ông nói sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu Thái Bình Dương không phải để gây hấn mà bảo đảm một khung cảnh hòa bình và ổn định để cùng phát triển.
Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều chú trọng đến thách thức Trung Quốc
Và Hoa Kỳ sẽ có thể bán các vũ khí phòng thủ có kỹ thuật cao để giúp các nước Á châu thêm khả năng phòng thủ, đặc biệt là khả năng điện tử dùng radar và vệ tinh để theo dõi hành tung của hải quân Trung Quốc trong Biển Đông để giảm thiểu những cuộc chạm trán bất ngờ có thể sinh ra chiến tranh.
Trong chương trình kinh tế, ông Mitt Romney có ý định thiết lập những khu trao đổi hàng hóa tự do theo công thức “Reagan Economic Zone” trên thế giới trong đó ông chú ý nhất đến các nước Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam, Indonesia... ) để giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong vùng Á châu Thái Bình Dương. Trong kế hoạch này Trung Quốc cũng sẽ được mời tham dự dù Trung Quốc sẽ từ chối không muốn tham gia.
Nhân quyền, tôn giáo
Về nhân quyền và tự do tôn giáo, chính sách của ông Romney sẽ khác biệt với chính sách của chính phủ Obama. Nếu tìm hiểu chính sách nhân quyền của ông Mitt Romney đối với Việt Nam qua lăng kính chính sách đối với Trung Quốc, có phần chắc rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy và giúp Việt Nam phát triển xã hội dân sự và giúp các nhóm đấu tranh cho nhân quyền một cách tích cực hơn, đặc biệt Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước những vụ án có tính đàn áp và bất công như vụ án của các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần v.v ...
"Nếu tìm hiểu chính sách nhân quyền của ông Mitt Romney đối với Việt Nam qua lăng kính chính sách đối với Trung Quốc, có phần chắc rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy và giúp Việt Nam phát triển xã hội dân sự và giúp các nhóm đấu tranh cho nhân quyền một cách tích cực hơn."
Trong diễn văn đọc tại trường quân sự Virginia Military Institute ông Romney báo trước một chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trường hợp ông đắc cử tổng thống là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo thế giới dù ông ghi nhận rằng Hoa Kỳ đang gặp khó khăn kinh tế, ngân sách thâm thủng, nợ nần và đang trên đường trút khỏi hai cuộc chiến tốn kém Iraq và Afghanistan. Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ không nhận trách nhiệm lãnh đạo tại Á châu thì Trung Quốc sẽ nhận lãnh vai trò đó.
Ông Romney nói với thế giới rằng: “Tôi ra ứng cử tổng thống vì tôi tin rằng [Hoa Kỳ] quốc gia lãnh đạo thế giới có trách nhiệm đối với bạn bè năm châu rằng Hoa Kỳ sẽ dùng sức mạnh và uy tín của mình một cách khéo léo và khiêm nhượng, nhưng cương quyết để xiển dương giá trị của Hoa Kỳ, ngăn cản và phòng ngừa chiến tranh và giúp làm cho thế giới ổn định hơn, tốt hơn để cùng phát triển.”
Có thể hiểu đó là lời nhắn của ông Romney đối với Trung Quốc và qua đó hé mở một chính sách đối với Việt Nam không? Cái khó của ông Romney là ước mơ và sự thật không phải là một, nhất là hôm nay Hoa Kỳ không có sức mạnh của một siêu cường đệ nhất vô nhị như trong suốt thế kỷ vừa qua.
Cái khó bó cái khôn.
Ông Trần Bình Nam là cựu sĩ quan hải quân, dân biểu VNCH pháp nhiệm 1971-1975 đại diện thị xã Nha Trang. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét