Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Đền bù 100m2 không mua lại nổi 1m2, dân chịu sao được?

TT - Sau khi tiếp thu gần 7 triệu ý kiến nhân dân, dự thảo Luật đất đai đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào hôm 17-4, nhưng cơ chế đền bù thu hồi đất vẫn cho là chưa được tháo gỡ.


“Tôi thấy quy định về giá đất thu hồi không có gì mới so với quy định hiện hành, đó là áp giá đất tại thời điểm thu hồi. Trên thế giới người ta không quy định đơn giản thế. Đất người ta đang sử dụng có khi rẻ như bèo, nhưng đầu tư vào thành khu đô thị thì giá khác. Nhận đền bù 100m2 mà sau đó không mua nổi 1m2 ngay tại nơi bị thu hồi thì sao người ta chịu được. Tại sao không có cơ chế cho người dân góp đất như góp vốn vào dự án?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề.

Từng loại đất giá ra sao?

“Tiếp thu ý kiến góp ý”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang nói, và cho biết đã quy định rõ trong dự thảo là “bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Dự thảo cũng quy định rõ trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi. Trường hợp chậm chi trả do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra thì ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ, người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng với mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp do người có đất bị thu hồi đất gây ra thì tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt hàng loạt câu hỏi: “Luật phải làm rõ loại đất nào thì Nhà nước thu hồi; loại đất nào thì Nhà nước không thu hồi mà trưng thu, trưng mua; loại đất nào Nhà nước không thu hồi cũng không trưng thu, trưng mua. Từng loại giá ra sao? Giá thu hồi thế nào? Giá trưng mua, trưng thu thế nào? Giá thỏa thuận thế nào? Nếu không làm rõ được thì luật không khả thi”.

Không thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội?

Cũng tiếp thu ý kiến nhân dân, ban soạn thảo quyết định bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, nếu không quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị nên phân ra hai loại dự án phát triển kinh tế - xã hội: một là các dự án phục vụ lợi ích chung thì Nhà nước thu hồi, còn loại khác vì mục đích lợi nhuận thì Nhà nước không đứng ra thu hồi mà thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng rất khó phân định như vậy, bởi kể cả các dự án của doanh nghiệp thì người ta cũng làm ăn và nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp cho xã hội.

Không chia lại đất nông nghiệp

“Chủ trương tiếp tục giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi hết thời hạn (năm 2013) và không chia lại đã được khẳng định nhất quán trong Luật đất đai qua các thời kỳ, nếu đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao khi hết thời hạn sẽ là một sự thay đổi lớn về chính sách, có thể gây xáo trộn khu vực nông thôn, tác động đến ổn định xã hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng nhiều thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề: Thực tế hiện nay có nhiều người đã thoát ly khỏi nông thôn nhưng vẫn giữ lại phần đất nông nghiệp đã được chia, Nhà nước không thu hồi được; trong khi có nhiều người sinh ra sau năm 1993 (thời điểm chia đất nông nghiệp), có nhu cầu sản xuất lại không có đất.

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dự án Luật đất đai tại kỳ họp tháng 5 tới đây.

LÊ KIÊN


Không có sở hữu tư nhân

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết có một số ý kiến đề nghị thực hiện chế độ đa sở hữu đối với đất đai; có ý kiến đề nghị thực hiện sở hữu tư nhân đối với đất ở. Ban soạn thảo cho rằng đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người VN, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét