Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Khi ngư dân là người lính


SGTT.VN – Ông Nguyễn Văn Lượng, xã đội trưởng xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho hay, khi có chủ trương thành lập lực lượng dân quân biển tuyến lộng, con em của hàng chục tàu đánh cá trong vùng đã tự nguyện ghi danh làm lính. Đặc biệt, trong số ấy có cả các thuyền trưởng, máy trưởng và các thanh niên dạn dày hải hồ đã tham gia.
Ngư dân tham gia dân quân biển luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Lê Anh
Tại Khánh Hòa, đại tá Nguyễn Đức Phúc, phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh khẳng định, trên vùng biển Đông không chỉ có các lực lượng chuyên ngành, mà còn rất đông lực lượng của ngư dân. Hiện nay, ý thức về chủ quyền của nhân dân rất cao. Họ luôn đoàn kết, luôn sẵn sàng, chỉ cần đợi lệnh điều động là tham gia.
Trách nhiệm công dân
Ra khơi đánh bắt hải sản là nghề sinh sống của mỗi ngư dân. Thế nhưng với gần 30 thanh niên là ngư dân Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, hơn một tháng qua, mỗi khi ra biển họ còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, điều mộc mạc của các ngư dân này, khi làm lính dân quân không phải để cho… oai, mà là bảo vệ biển đảo quê hương trước các thế lực thù địch xâm phạm vùng lãnh hải và tự tung tự tác khai thác hải sản trái phép, gây hấn với ngư dân ta đang hành nghề trên biển. Thế rồi, 28 thanh niên được tuyển lựa và đứng vào lực lượng dân quân biển xã Phổ Thạnh.
Vào cuối tháng 4.2011, lực lượng này ra mắt, biên chế thành ba tiểu đội, hoạt động trên 20 tàu thuyền, đánh bắt trên vùng biển miền Trung. Đây là trung đội dân quân đầu tiên được thành lập ở Quân khu V.
Theo ông Lượng, họ ra khơi, làm ăn và thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm của người lính. Nghĩa là, lực lượng này ngoài việc phối hợp với các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng và hải quân, khi gặp tình huống sẽ độc lập chiến đấu trên biển cũng như tham gia vận chuyển, tiếp tế, phục vụ chiến đấu; báo cáo kịp thời các về tình hình trên biển Đông cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
“Hơn một tháng hoạt động trên biển, bây giờ chưa có gì, nhưng chắc chắn lúc trở về, ngành quân sự sẽ nghe dân quân thông tin nhiều điều quan trọng về tình hình an ninh trên biển”, ông Lượng cho hay.
Khó khăn nhưng không nản lòng
Thực ra ở xã Phổ Thạnh, khi chưa có lực lượng dân quân mới thành lập, ngư dân tham gia dân quân ở đây đã từng có những đợt truy bắt tàu Trung Quốc xâm nhập. Chuyện xảy ra trên vùng biển Sa Huỳnh, tổ dân quân trên hai tàu cá của ông Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Ngọc phát hiện hai tàu Trung Quốc xâm nhập. Dù hai tàu này to lớn, còn tàu ngư dân ta và biên phòng thì nhỏ, nhưng ngư dân ta vẫn sát cánh với biên phòng và cuối cùng đã khống chế được tàu Trung Quốc, đưa về giao lực lượng biên phòng xử lý.
Ngư dân Phan Bền, đảng viên, trung đội trưởng trung đội dân quân mới thành lập, khí khái: “Biết chắc là sẽ gặp nhiều khó khăn và sẽ có mất mát, nhưng anh em chắc không nản lòng. Còn ngư dân – dân quân như chúng tôi là sẽ còn giữ vững được lãnh hải quê hương”.
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Dương Thanh Phong – chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết, ngoài lực lượng dân quân tuyến lộng (hoạt động 15 ngày trên biển), tất cả các xã ven biển của huyện Đức Phổ đều có dân quân biển. Sắp đến, dân quân tuyến lộng sẽ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ quan trọng trước tình hình Trung Quốc đã có biểu hiện xâm lấn vùng lãnh hải của tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Tràng, trưởng ban dân quân tự vệ, bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài xã Phổ Thạnh, thì dân quân làm ngư dân trên biển ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cũng thế, từng tham gia với lực lượng biên phòng truy đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải đến 52 lần.
Điều đáng nói là, quá trình truy đuổi tàu nước ngoài cũng lắm bất trắc và đã có trường hợp hy sinh, nhưng không vì thế mà chính quyền và ngư dân các xã vùng biển để cho kẻ xấu hoành hành trên biển nước nhà. Ý thức ấy mỗi ngày được nâng lên một bước và cứ mỗi lần như thế thì an ninh vùng biên giới biển, đảo ngày càng vững chắc hơn, đời sống người dân sẽ bình yên hơn.
Hiện toàn tỉnh có 23 xã tuyến biển Quảng Ngãi có lực lượng dân quân biển. Đây là lực lượng không thể thiếu để thực thi nhiệm vụ bảo vệ vùng biển tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, miền Trung nói chung. Hiện nay, lực lượng dân quân này đã và đang sẵn sàng khi có lệnh điều động làm nhiệm vụ.
Dân quân biển xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Lê Anh
Ngư dân Khánh Hoà: Luôn sẵn sàng
Chiều ngày 30.5, đại tá Nguyễn Đức Phúc, phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Biên Phòng Khánh Hòa cho biết ngư dân Khánh Hòa luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, xua đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép.
Theo đại tá Phúc, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai xuống tận các huyện, thành phố, thị xã chọn các tàu cá có công suất lớn, có trang bị đủ phương tiện, ngư dân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền. Hiện nay, bộ đội biên phòng Khánh Hòa đã có đầy đủ thông tin về các tàu này, qua nhiều kênh liên lạc của hệ thống 8 đài canh của Bộ đội biên phòng, hệ thống liên lạc của gia đình, biên phòng có thể biết được các phương tiện này đang ở đâu trên biển.
Trước đó, ngư dân đã được tập huấn sơ bộ các kiến thức cần thiết. Khi đang đánh bắt hải sản, nếu phát hiện các thông tin bị nạn, tàu nước ngoài xâm nhập trái phép, ngư dân sẽ báo ngay cho Bộ đội biên phòng, Hải quân. Khi cần thiết, Bộ đội biên phòng có thể điều động các phương tiện này tham gia cứu nạn, cứu hộ, đẩy đuổi các tàu xâm nhập trái phép.
“Trên vùng biển Đông, không chỉ có các lực lượng chuyên ngành, mà còn rất đông lực lượng của ngư dân. Hiện nay, ý thức về chủ quyền của nhân dân rất cao. Họ luôn đoàn kết, luôn sẵn sàng, chỉ cần đợi lệnh điều động là tham gia”. Đại tá Phúc nói.
Hiện nay, Bộ đội biên phòng Khánh Hòa đang phát 5.000 tờ rơi thông tin cứu nạn cho các tàu cá xa bờ, qua các thông tin về tần số Icom, ngư dân khi bị nạn liên hệ để được đội tàu cao tốc cứu nạn miễn phí. Tờ rơi còn có bản đồ khu vực biển Đông, khuyến cáo những vùng không nên đánh bắt. Khi phát hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, cần báo ngay cho Bộ đội biên phong qua các đài canh tìm kiếm cứu nạn.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 800 tàu cá, công suất mỗi tàu từ 90 CV trở lên, có khả năng tham gia đánh bắt xa bờ, tại các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.
PHẠM ANH – LÊ ANHhttp://boxitvn1.wordpress.com/2011/06/01/khi-ng%C6%B0-dan-la-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-linh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét