Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013
Tôi Đã Gặp Lại Chị Sophie Richardson Tại Washington
Sophie Richardson làm việc với tổ chức Human Rights Watch từ nhiều năm nay. Sophie có bằng Tiến sĩ về Chính trị học và nói tiếng Quan thọai khá thành thạo lưu lóat, chị được coi là một chuyên viên về tình hình chính trị xã hội ở Trung quốc và tại nhiều nước khác ở Á châu. Bà con người Việt tại vùng thủ đô Washington phần đông đã có dịp thấy chị ra điều trần nhiều lần tại Quốc Hội Mỹ về vấn đề vi phạm Nhân quyền của chính phủ Hanoi trong những năm trước đây.
Trước đây, thì Sophie phụ trách khu vực Đông Nam Á, nhưng gần đây thì chị được giao trách nhiệm riêng về Trung quốc mà thôi. Còn khu vực Đông Nam Á hiện do anh John Sifton phụ trách.
Mỗi lần có dịp đến Washington, tôi thường đến thăm Sophie tại văn phòng của Human Rights Watch tọa lạc trên đại lộ Connecticut ngay tại Công trường Dupont Circle. Vào buổi trưa ngày 11 tháng Tư sau khi tham dự buổi Điều trần tại Quốc Hội Mỹ, tôi đã đến trụ sở này và như đã hẹn Sophie dẫn tôi đến một tiệm ăn gần đó để vừa ăn trưa vừa nói chuyện. Vì đã đến 3 - 4 năm không gặp nhau, nên chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện cần trao đổi và thông tin cho nhau biết về công việc của mỗi người đang theo đuổi.
Sau chuyện thăm hỏi về tình hình sinh họat thường ngày của gia đình riêng tư mỗi người cũng như về một số bạn chung, chúng tôi đề cập đến những việc mà cả hai người đều quan tâm đến – cụ thể là chuyện liên hệ đến công cuộc Tranh đấu Nhân quyền. Tôi khởi sự bằng cách nhắc lại chuyện mình thực sự cảm phục với việc Human Rights Watch và Sophie đã vận động rất thành công để giúp cho Luật sư Trần Quang Thành từ Trung quốc được qua học thêm về môn luật tại Đại học New York vào tháng 5 năm 2012. Ông Thành bị mù mắt từ lúc mới sinh mà đã ra sức miệt mài tự học về luật pháp - để có thể bênh vực cho giới phụ nữ bị chính quyền địa phương dùng áp lực để buộc phải phá thai hay triệt sản. Vì thế mà ông bị bắt giữ một thời gian và sau khi mãn án tù, thì còn bị canh giữ quản chế rất ngặt nghèo ở địa phương tỉnh Sơn Đông. Chi tiết về cuộc cứu thóat này đã gợi ý cho tôi viết bài báo nhan đề là: “Xã hội Dân sự : Đó chính là sự Sáng tạo”. Bài báo này đã được phổ biến rộng rãi trên các báo Việt ngữ, đặc biệt là trên báo mạng on-line.
Tôi hỏi Sophie: Mỗi khi qua làm việc ở Trung quốc, liệu chị có gặp chuyện gì khó khăn rắc rối không? Chị cho biết là mình cũng phải khôn ngoan tế nhị lắm, vì người cộng sản họ rất “Nhạy cảm với các chuyện mà được coi là có thể gây phương hại cho chế độ cai trị độc quyền của họ”. Nói chung, thì cho đến nay họ cũng chưa tỏ ra công khai cản trở công việc của chúng tôi làm ở Trung quốc…
Sophie nói tiếp luôn: Theo một vài bạn cho biết, thì anh quả là một người viết báo thật khỏe đấy (a prolific writer). Tôi đáp lại: Tôi cứ viết mãi rồi cũng quen đi thôi. Tôi có dịp đi khắp nơi, gặp gỡ nhiều người – nhờ vậy mà thu lượm được nhiều thông tin và sáng kiến mới lạ - nên thấy cần phải tường thuật đày đủ và trung thực cho công chúng độc giả người Việt của tôi biết đến những điều mà mình đã “tai nghe mắt thấy”.
Sophie muốn biết chi tiết hơn về những bài báo tôi viết trong mấy năm gần đây. Và tôi cho chị biết là: Một số bài tập trung vào đề tài “Xã hội Dân sự”, một số bài nhằm “Giới thiệu những cuốn sách mới” và một số khác thì viết về kinh nghiệm của những nhà họat động chính trị xã hội nổi danh trên thế giới, v.v… Mục đích chính yếu của tôi là nhằm truyền đạt cho thế hệ trẻ Việt nam cái kiến thức và kinh nghiệm cụ thể của thế giới trong công cuộc cải thiện môi trường văn hóa xã hội ở từng địa phương – để cho họ có thể tùy nghi tham khảo và sử dụng trong những dự án hành động của mình. Và tôi thật vui thích với công việc mà mình nhận thấy là có ích lợi thiết thực cho thế hệ những người là em, là con cháu của mình.
Đến lượt tôi hỏi: Chị học tiếng Hoa bao nhiêu năm rồi? Sophie nói luôn: “Tôi học tiếng Hoa suốt cả cuộc đời tôi. Đối với tôi, thì tôi chuyên chú vào việc nói nhiều hơn là việc đọc và viết tiếng Hoa. Nhất là chuyện viết, thì quả thật là nhiêu khê phức tạp đối với người Mỹ như tôi đấy. Sophie cho biết là đã viết khá nhiều bài báo về tình hình ở Trung quốc mà được phổ biến rộng rãi trên các tờ báo phổ thông quen thuộc ở Mỹ cũng như trên thế giới. Đặc biệt là cuốn sách do chị biên sọan và được Nhà xuất bản Đại học Columbia cho ấn hành năm 2009 với nhan đề: ”China, Cambodia and the Five Principles of Peaceful Coexistence” – thì được nhiều thức giả chú ý theo dõi và viết bài trao đổi phê bình nhận định với tác giả.
Nhân tiện, Sophie cũng kể cho tôi nghe về mối liên hệ gắn bó của chị với Human Rights Watch. Tất cả là bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với các bạn cùng làm việc tại Cambodia vào đầu thập niên 1990. Lúc đó Sophie làm cho một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ (NGO) và gặp các người bạn làm cho Human Rights Watch như Sara Colm, Dinah Pokempner… Và cũng tại Cambodia mà chị đã gặp người sau này là ông xã của chị bây giờ, anh ấy là người xứ Tân Tây Lan. Sophie nói đùa: “Bạn bè họ gọi nhóm chúng tôi là “Cambodia Gang” đấy (Bè lũ Cambodia). Anh chị có một người con trai năm nay mới được chừng 8 tuổi. Anh ấy hiện làm việc cho đài RFA và lại có niềm say mê lắp ráp các lọai xe lửa, máy bay cỡ nhỏ để dùng làm đồ chơi cho con nít.
Sau bữa ăn và chuyện trò kéo dài đến trên một tiếng đồng hồ, thì Sophie dẫn tôi trở lại thăm văn phòng của Human Rights Watch. Và tôi gặp lại anh bạn trẻ Storm Tiv - người gốc Cambodia mà tôi đã gặp bữa trước, giữa lúc Sophie phải đi tham dự một Hội nghị tại thành phố Stockholm bên Thụy Điển. Tôi muốn gặp anh John Sifton là người vừa tham gia điều trần tại Quốc Hội Mỹ buổi sáng hôm đó 11 tháng Tư. Nhưng lúc đó, anh John lại chưa trở về văn phòng.
Tôi nhờ Sophie sọan cho tôi danh sách các ấn phẩm trong năm qua của HRW, vì chị Dinah Pokempner ở New York có cho tôi biết là mỗi năm tổ chức này thường cho xuất bản đến cả trăm tài liệu, báo cáo về nhiều chuyên đề liên hệ đến sự đàn áp, bất công tàn bạo tại khắp nơi trên thế giới. Sophie hứa sẽ cho người sọan danh sách đó và gửi cho tôi sau. Nhân tiện, tôi cũng xin vài tài liệu để tham khảo – trong đó có tài liệu trình bày về những sự lạm dụng sức lao động của các thanh niên bị giữ trong các trại phục hồi cai nghiền ma túy do cơ quan chính quyền thành phố Saigon quản lý.
Khi chia tay từ giã, Sophie còn dặn dò tôi là phải chú ý giữ gìn sức khỏe – chị nói: “Anh nhớ đừng có quá mê say công việc để mà sinh bệnh ra đấy…” Tôi cảm ơn chị vì sự quan tâm nhắc nhở này và cũng trả lời cho chị rằng : “Chị đừng quá lo, đã bước vào tuổi 80 rồi, tôi biết rõ giới hạn về sức chịu đựng của mình – nên sẽ cố gắng làm sao để giữ được sự quân bình trong sinh họat thường ngày của bản thân mình đấy chứ…”
Sophie cười thật tươi và chúng tôi ai nấy trở về lại với công việc riêng tư của mỗi người./
Newark Delaware, ngày 25 tháng Tư 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét