Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NHỮNG “HOÀNG HẬU” NƯỚC NAM Ở TIỀN GIANG





Vương triều Nguyễn kéo dài 143 năm với 13 triều vua, theo đó là 13 hoàng hậu. Hai hoàng hậu để lại dấu ấn đậm nhất trong số họ là Từ Dũ Thái hậu và Nam Phương Hoàng hậu. Cả hai bà đều sinh ra ở tỉnh Tiền Giang, trên đất Gò Công. Đất Tiền Giang còn là nơi sinh thành của bà Đoàn Thị Giàu – phu nhân của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Bậc Mẫu nghi suốt 8 đời vua

Vào năm 1810, tại một gò đất heo hút ven sông có tên Giồng Sơn Qui (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) một bé gái đã chào đời - người sau này trở thành bậc Mẫu nghi thiên hạ suốt 8 đời vua. Sinh ra trong gia đình có học, cha thi đỗ Tam trường làm quan triều đình, cô bé Phạm Thị Hằng dù sống ở vùng quê nghèo khó Gò Công nhưng vẫn được học hành đàng hoàng. Cô nổi tiếng hiếu hạnh, làu thông kinh sử, rất mực hiền thục. Đến năm 1824, cô thôn nữ được triệu về kinh và trở thành Hoàng phi của vua Thiệu Trị, năm 1929 sinh ra Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm - sau này là vua Tự Đức. Bà luôn từ chối các lễ nghi, danh hiệu tôn vinh.

Cả cuộc đời hơn 90 năm trên đỉnh cao quyền lực, chỉ có hai lần bà nhận tấn tôn mỹ hiệu trong thế chẳng đặng đừng: Ngày Tự Đức lên ngôi tấn phong bà tước vị “Từ Dũ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu” và dịp chúc thọ bà 80 tuổi. Bà là người cần kiệm và rất mực thương dân, hiện ở Huế còn lưu truyền bài vè dài 700 câu ca ngợi công đức của bà. Vua Tự Đức đã viết hẳn cuốn sách “Từ Huấn Lục” ghi lại những lời mẹ dạy. Bệnh viện phụ sản lớn nhất nước ta hiện nay (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) mang tên bà.

Hoa hậu trở thành hoàng hậu


Hoàng hậu Nam Phương

Đúng 110 năm sau ngày bà Từ Dũ nhập cung hầu vua, vào ngày 20.3.1934, một cô gái Gò Công khác tên Nguyễn Hữu Thị Lan cũng nhập cung cận kề bệ rồng. Khác với tất cả 12 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi qua đời, bà hoàng cuối cùng của triều đại được vua ban cho ân sủng đặc biệt – một ngày sau lễ cưới, vua Bảo Đại phong tước vị “Nam Phương hoàng hậu” cho Nguyễn Hữu Thị Lan lúc bà mới hơn 19 tuổi. Với vẻ đẹp đằm thắm, tính tình hiền lành của thiếu nữ vùng Gò Công, tố chất thông minh của cô tú tài “Tây học” (bà học tại trường Couvent Des Oiseaux – trường nữ danh tiếng ở Paris) cùng vẻ đài các của con gái một điền chủ giàu có bậc nhất Nam Kỳ, bà đã làm cho vị vua nổi tiếng phong lưu ngây ngất ngay từ lần gặp đầu tiên. Bà từng ba năm liền đoạt giải Hoa hậu Đông Dương. Vua Bảo Đại đã viết: “Lan có vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”. Có lẽ lịch sử đã tạo ra bà để có người làm Hoàng hậu cho vua Bảo Đại. Và chỉ có bà, với đức tính thông minh và bản lĩnh, đã tác động tích cực đến vua trong những thời khắc hệ trọng của đất nước.

Điểm tựa của chủ tịch nước

Khi nói đến “hoàng hậu”, đến “đệ nhất phu nhân”, bao giờ người đời cũng nghĩ đến quyền cao chức trọng, giàu sang nhung lụa, ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ… Có lẽ chỉ ở nước Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt mới có một “đệ nhất phu nhân” rất đặc biệt - bà Đoàn Thị Giàu - cô giáo miệt vườn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ ngày bà lấy chồng (chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sau này) cho tới năm 1954, trong suốt hơn 30 năm, thời gian bà gần bên chồng có thể đếm bằng số ngày. Vì công việc cách mạng, lại bị thực dân Pháp truy lùng, nhà cách mạng Hai Thắng liên tục thay đổi địa bàn hoạt động. Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt giam đày đi khổ sai ngoài Côn Đảo. Bà một mình tần tảo nuôi 3 đứa con (2 gái, 1 trai) trôi dạt tận Nam Vang bán hàng rong… Người con trai của họ bị bệnh chết trong cảnh nghèo.

Năm 1945, bác Tôn ra tù, chỉ ghé thăm vợ con đúng 1 ngày sau 16 năm ly biệt, rồi vội vã lên đường công tác. Đầu năm 1946, bác Tôn lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ cùng với 2 con (đã lớn, tham gia công tác), không kịp chia tay vợ. Ở lại quê nhà, bà vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với bao gian khổ, hiểm nguy. Ngày con gái lấy chồng ở chiến khu Việt Bắc, bà không có bên cạnh. Bà chỉ thực sự ở bên chồng con khi tập kết ra Bắc năm 1954, lúc tuổi đã già. Là vợ của chủ tịch nước (từ năm 1969, sau khi Bác Hồ qua đời), nhưng bà cùng các con vẫn sống cuộc sống bình dị như nhiều người dân Hà Nội trong điều kiện chiến tranh. Bà còn là người chịu thiệt thòi lớn khi không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng. Bà mất năm 1974.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét