Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NHỮNG BỨC ẢNH ĐI VÀO LỊCH SỬ


Từ lâu Louis Daguerre vẫn được coi là cha đẻ của nghệ thuật nhiếp ảnh, và năm 1839 được coi là thời điểm ra đời của nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhưng thực tế bức ảnh đầu tiên trên thế giới ra đời 10 năm trước đó và tác giả là Joseph Nicéphore Niepce, một người đồng hương nước Pháp của Daguerre.


Bức ảnh đầu tiên trên thế giới



Bức ảnh của Joseph Nicéphore Niepce

Bức ảnh này hạt thô, không nét, trông mờ ảo như một tranh khắc gỗ vụng về nhưng là một bức ảnh đẹp và có ý nghĩa rất quan trong đối với lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh. Bức ảnh "Nhìn từ phòng làm việc" của Niepce được chụp ở Burgund: bên phải là mái nhà kho, bên trái là chuồng chim bồ câu và một hiệu bánh, phía ngoài cùng bên trái người ta vẫn nhận thấy mờ mờ cánh cửa sổ bên trái.
Joseph Nicéphore Niepce là người có đầu óc sáng tạo. Niepce là một người rất say mê mày mò nghiên cứu, sáng tạo, ông cùng với một người anh em dành nhiều năm nghiên cứu về động cơ nổ nhưng không thành công, sau đó ông đã chế tạo ra xe đạp rồi mày mò sản xuất các loại thuốc nhuộm mới. Ông ước ao làm ra được các bức ảnh tồn tại vĩnh viễn bằng máy Obscura.


Sau rất nhiều thử nghiệm, đến năm 1822, Nicéphore đã có bước đột phá, ông tìm ra được nguyên liệu để chụp ảnh, đó là chất Asphalt. Năm 1827, ông hoàn thành tác phẩm đầu tiên, bức ảnh mà Niepce đã chụp từ phòng làm việc của mình ở vùng Burgund rực rỡ ánh sáng mặt trời.

Sau khi nhà thực vật Bauer qua đời, bức ảnh này được chuyển chủ nhiều lần trong đó có các thành viên Viện Hàn lâm cũng như một số nhà nhiếp ảnh. Bức ảnh xuất hiện lần cuối cùng tại triển lãm ảnh năm 1898 và sau đó biệt tăm. Sau nhiều năm tìm tòi kỳ công vợ chồng nhà nghiên cứu Alison và Helmut Gernsheim, họ đã phát hiện tấm ảnh quý báu này. Bức ảnh được đóng khung cẩn thận và cất trên tầng áp mái cùng với nhiều vật kỷ niệm của gia đình này, tuy nhiên lúc đó bức ảnh rất mờ hầu như không còn nhìn thấy gì. Bộ phận nghiên cứu của hãng phim Kodak đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để phục chế bức ảnh. Như vậy là sau hơn 100 năm bức ảnh của nhà sáng chế đầy tài năng Joseph Nicéphore Niepce mới được tái hiện và mang lại vinh quang muộn màng nhưng rất xứng đáng cho ông.
Bức chân dung nhà cách mạng huyền thoại Argentina Che Guevara


Phóng viên ảnh nổi tiếng René Burri, Thuỵ sỹ là người không bao giờ dùng ánh sáng đèn chớp khi chụp. Năm 1963 ông đã có cơ hội tháp tùng nhà cách mạng trẻ hiên ngang, rất nổi tiếng trên thế giới là Ché Guevara. Từ chuyến đi này Burri đã sáng tác được những bức chân dung nổi tiếng về Che.

Trong một cuộc phỏng vấn dài 3 giờ đồng hồ, Bộ trưởng bộ Công nghiệp Ernesto "Che" Guevara mặc bộ quân phục mầu xanh ôliu với bộ râu quai nón trông rất hiên ngang và luôn ngậm điếu xì gà liên tục nhả khói tiếp các nhà báo phương Tây trong một căn phòng buông rèm với ánh sàng mờ nhạt. Burri đã sử dụng sáu cuộn phim đen trắng cho cuộc phỏng vấn.



Chân dung nhà cách mạng Ché Guevara

Những bức ảnh chân dung của René Burri đã làm nổi bật hơn nữa huyền thoại về Che và những bức ảnh đó trở thành những bức ảnh nổi tiếng trên thế giới của nhà nhiếp ảnh tài ba này.


Bức ảnh chân dung cuối cùng của Marilyn Monroe



Bức ảnh chân dung cuối cùng của Marilyn Monroe
Khi chụp những bức ảnh rất riêng tư của Marilyn Monroe hồi tháng 7/1962 nhà nhiếp ảnh Bert Stern mới 32 tuổi. Những bức ảnh này cũng là những bức ảnh cuối cùng vì chỉ hai tuần sau nữ thần điện ảnh kinh đô Hollywood đã bất ngờ sang thế giới bên kia.


Marilyn Monroe và Bert Stern hẹn gặp nhau trong một khách sạn Bel Air ở Los Angeles. Khi đó Bert Stern đã là một trong những nhà nhiếp ảnh có thu nhập cao nhất nước Mỹ. Kết quả của cuộc hẹn này là bộ ảnh mang tên "Marilyn"s Last Sitting" và trở thành một câu chuyện mang tính lịch sử trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Tạp chí "Vogue" rất phấn khởi với bộ ảnh của Stern và dự kiến in tới tám trang theo từng sê-ri, ngoài ra còn thoả thuận thêm hai đợt chụp với các loại trang phục thời trang nữa. Cả núi trang phục đắt tiền và các loại áo choàng lông thú được đem đến khách sạn.
Stern gửi tới Marilyn Monroe những tấm ảnh và cả những phim đèn chiếu dương bản trước khi công bố. Hai phần ba số ảnh bị gạch xoá và gửi trả lại, những bức ảnh đen trắng bị xổ toẹt bằng bút dạ mầu đỏ, những phim đèn chiếu bị cào xước bằng kẹp tóc đến mức bị hỏng hoàn toàn. Stern như phát điên vì hành động này của Marilyn Monroe. Sau này ông nhận ra rằng: "Cô ấy không phải chỉ xoá đi những bức ảnh của tôi mà còn xoá đi cả bản thân mình."


Đêm ngày 4/8/1962 Marilyn Monroe đã kết liễu cuộc đời mình bằng một hỗn hợp Dom Pérignon và thuốc ngủ. Xung quanh cái chết của cô được thêu dệt biết bao chuyện hoang đường trong đó có chuyện đây là một vụ ám sát có bàn tay CIA nhằm tránh các vụ bê bối có thể xẩy ra liên quan đến tổng thống Mỹ Kennedy.

Tạp chí "Vogue" buộc phải ngừng in trong số ra tiếp theo. “Lời chào” gửi tới Marilyn Monroe trở thành "lời chào cuối cùng", một lời cáo phó dành cho người đẹp kinh đô điện ảnh Hollywood. Những bức ảnh của Stern trở thành những bức chân dung cuối cùng biểu tượng của Marilyn Monroe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét