Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012
Quốc hội, Chính phủ sẽ tiết kiệm chi để nâng lương, trợ cấp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Có thể chúng ta chưa thể điều chỉnh tăng lương theo lộ trình được vì khó khăn chung, nhưng vẫn phải tiết kiệm chi để dành tiền cho các đối tượng chính sách, đối tượng hưu trí, nhất là đối tượng về hưu sớm”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Việt Hưng).
Sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong bản báo cáo trước Quốc hội đã đưa ra phương án điều chỉnh tăng lương của Chính phủ, với mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (8 triệu người) sẽ tăng 100 nghìn đồng/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/7/2013 tổng kinh phí khoảng 21.700 tỷ đồng (1 tỷ USD).
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về việc thực hiện dự toán thu - chi ngân sách năm 2012, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ năm 2013, một số đại biểu bày tỏ thái độ băn khoăn với bản dự toán ngân sách như Chính phủ trình, dù có thực hiện cắt giảm thì cũng khó đủ nguồn để thực hiện tăng lương.
Bởi theo dự toán của Chính phủ, để tăng lương đúng lộ trình 1/5/2013 thì cần 60.000 đồng - 65.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) và 29.000 tỷ đồng để thực hiện mức lương tối thiếu 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong 2013.
Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), nếu phương án tăng lương và phụ cấp của Chính phủ được thực hiện thì sẽ có khá nhiều vấn đề đặt ra như: nguồn tăng lương ở đâu? Tăng lương đồng nghĩa với các mặt hàng tăng giá, chúng ta sẽ kiểm soát áp lực tăng giá như thế nào? Làm sao tránh hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, chưa hết trách nhiệm nhưng lại được tăng lương? Doanh nghiệp sẽ như thế nào khi sẽ phải tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?...
Do đó, đại biểu Việt đề nghị Chính phủ khi thực hiện phương án tăng lương như đã trình bày cần đánh giá rõ các vấn đề trên. Trong trường hợp không thể tăng lương theo lộ trình, vụ đại biểu này ủng hộ việc chỉ tăng lương, trợ cấp cho các đối tượng chính sách và cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn...
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, cân đối nguồn để tăng lương cũng phải thận trọng. Bởi có ý kiến phải cắt giảm nguồn cho chi đầu tư phát triển, theo đại biểu đánh giá là “không ổn”, các nguồn khác có thể tiết kiệm phải rà soát để có số cụ thể. “Khi chúng ta quyết tâm tăng lương mà phải cắt các nguồn khác, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chỉ lo cho 1 bộ phận công chức Nhà nước thôi mà một bộ phận khác thì lại ko liên quan. Theo tôi, thời điểm này chỉ ưu tiên chính sách và cán bộ có thu nhập thấp”.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lại đề nghị Quốc hội cân nhắc phương án tăng lương mà Chính phủ vừa trình bày, bởi lạm phát đang ở mức 7 - 8%, gây khó khăn cho đời sống người thu nhập thấp và người về hưu. “Ý kiến của tôi là cải cách lương cho người nghỉ hưu, có chính sách người có công và hỗ trợ người hưởng lương thấp. Nguồn tăng lương có thể lấy từ các khoản chi khánh tiết, xây dựng trụ sở…”, đại biểu kiến nghị.
Đồng quan điểm với đại biểu Thụ, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị, dù nguồn thu ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ vẫn phải đảm bảo mức chi cho đối tượng người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người nghỉ hưu, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Là người ấn nút phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, Quốc hội, Chính phủ cũng phải dành tiền tiết kiệm để giải quyết nâng mức lương, trợ cấp, phụ cấp, khắc phục bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách, đối tượng hưu trí, nhất là đối tượng về hưu sớm và những cán bộ công chức đang hưởng lương nhưng có mức lương thấp.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Có thể chúng ta chưa thể điều chỉnh tăng lương theo lộ trình được vì khó khăn chung, nhưng chúng ta vẫn phải tiết kiệm chi để dành tiền cho những đối tượng này”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét