Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Miến Điện đột kích dân phản kháng





Các nhà sư hỗ trợ cho những nông dân mất đấ

Cảnh sát chống bạo động Miến Điện đã bắn vòi rồng và hơi cay vào sớm thứ Năm ngày 29/11 để giải tán những người dân phản đối lệnh cưỡng chế khỏi những khu làng ở tây bắc nước này để dọn đường cho dự án mở rộng mỏ khai thác đồng.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời các cư dân và các nhà hoạt động địa phương cho biết các xe tải chở đầy cảnh sát đã đến các trại của người biểu tình nằm gần mỏ Monywa ở Sagaing để phản đối dự án mở rộng trị giá 1 tỷ đô la mà cư dân địa phương cho rằng đã dẫn đến những vụ thu hồi phi pháp gần 3.200 hectare đất.
Đột kích giữa đêm



“Họ đã bắt đầu giải tán đám đông bằng vòi rồng tại trại Kyaw Ywa vào khoảng 3h sáng,” nhà sư Shin Oattama, người đang giúp đỡ các nông dân phản kháng, nói với Reuters qua điện thoại.

“Sau đó họ bắn một thứ gì đấy làm cháy trại nhưng chúng tôi không biết đó là loại đạn gì,” ông nói thêm và cho biết 10 vị nhà sư đã bị thương và tình trạng của hai người trong số đó rất nặng.

“Chúng tôi đang tìm chỗ trú tại một ngôi làng gần bên. Không có xe cứu thương, không có bác sỹ để chăm sóc cho những người bị thương,” ông nói.

Ông Myo Thant, một thành viên của Nhóm Sinh viên thế hệ 88 vốn đang theo dõi tình hình mỏ Monywa cho biết: “Cảnh sát dùng hơi cay. Chúng tôi không nghe tiếng súng nổ. Theo như chúng tôi được biết, ba nhà sư bị thương và lửa cháy tại khu trại nhưng không ai biết vì sao mà xảy ra cháy.”



"Trong lúc chúng tôi đang ngủ thì cảnh sát chống bạo động đến và bắn nước vào."


Nhà sư Yaywata

“Trong lúc chúng tôi đang ngủ thì cảnh sát chống bạo động đến và bắn nước vào,” nhà sư Yaywata nói với hãng tin Pháp AFP.

Ông cho biết nhiều nhà sư đã bị bắt đi và nhiều người khác bị bỏng sau khi cảnh sát bắn một thứ gì đó không rõ.

“Hiện giờ chúng tôi tập hợp ở một ngôi chùa bên cạnh. Chúng tôi chưa quyết định phải làm gì,” ông nói thêm.

Nhà chức trách đã cảnh báo người dân vào tối thứ Ba ngày 27/11 phải giải tán trước lúc nửa đêm để cho một ủy ban của Quốc hội tiến hành một cuộc điều tra. Truyền hình nhà nước Miến Điện cho biết toàn bộ dự án đã bị ngưng trệ kể từ ngày 8/11 bởi vì các hành động phản kháng này.
Suu Kyi đến thăm

Bà Aung San Suu Kyi, nghị sỹ Quốc hội và là lãnh đạo đối lập Miến Điện, đã bay khỏi Rangoon vào sáng thứ Năm ngày 29/11 để đến thăm những người dân đang biểu tình.


Cảnh sát Miến Điện quyết giải tán những người biểu tình

Ông Ohn Kyaing, một quan chức trong Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, Đảng do bà Suu Kyi lãnh đạo, cho biết bà được cập nhật tình hình trước khi lên đường.

Mỏ đồng này do Vạn Bảo, một công ty con của Tập đoàn công nghiệp phương Bắc, một nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Trung Quốc, điều hành theo một thỏa thuận được ký kết hồi năm 2010 sau khi công ty khai mỏ của Canada là Ivanhoe rút lui vào năm 2007.

Nó cũng được sự hậu thuẫn của Tập đoàn kinh tế Liên bang Miến Điện (UMEHL) thuộc sở hữu của quân đội nước này.

Dưới chế độ quân phiệt, tập đoàn này được hoàn toàn tự tung tự tác mà không sợ gì cả.

Tuy nhiên, được tiếp sức từ các cuộc cải cách của Tổng thống Thein Sein, người lên nắm quyền hồi tháng Ba năm ngoái, người dân đang phản kháng và thử thách giới hạn của những quyền tự do mới, trong đó việc nới lỏng các quy định về biểu tình.

Các cuộc phản kháng hành động cưỡng chế của chính quyền đã kéo dài ít nhất là ba tháng cho đến này và có đến hàng ngàn người dân tham gia. Hồi tháng 6, họ nói với hãng tin Reuters rằng bốn trong số 26 ngôi làng đã bị giải tỏa cùng với chùa chiền và trường học.

Dân làng yêu cầu đình chỉ dự án cho đến khi nào họ công bố nghiên cứu về tác động môi trường và xã hội của dự án.

Tranh chấp đất đai là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Miến Điện. Dưới chế độ độc tài quân sự, các cuộc phản kháng đều nhanh chóng bị dập tắt cho đến khi Tổng thống Thein Sein mở cửa đất nước và thúc đẩy các cải cách thì các cuộc phản kháng đã thường xuyên xảy ra hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét