Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Sau Bin Laden, Trung Quốc là mục tiêu tiếp theo?


Email In PDF.
Cái chết của trùm khủng bố Bin Laden là một thắng lợi to lớn của Mỹ trong mặt trận chống khủng bố toàn cầu – mặt trận đã tạo khoảng trống cho Trung Quốc “tung hoành” tại khu vực châu Á. Bước ngoặt chống khủng bố đã hoàn thành, nhiều khả năng Mỹ sẽ “rảnh tay” quay sang đối phó với Trung Quốc. Bài viết “After Osama, China Fears the Next Target” của Antoaneta Becker, nhà phân tích thời sự của IPS tại Bắc Kinh về vấn đề này như sau.
Mạng tin IPS ngày 8/5 đã đăng bài của Antoaneta Becker, nhà phân tích thời sự của IPS tại Bắc Kinh, cho biết sau khi Osama bin Laden - kẻ thù số 1 của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - bị tiêu diệt, các nhà phân tích Trung Quốc đã bắt đầu dự báo về nơi sẽ là tiêu điểm chú ý của Oasinhtơn trong thời gian tới. Theo dõi động thái của Trung Quốc ngay tại Bắc Kinh, nhà phân tích Becker cho biết trước khi bin Laden bị tiêu diệt, Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà chiến lược Mỹ đang chuyển sự chú ý từ cuộc chiến chống khủng bố sang mục tiêu kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.
Trong bài xã luận được đăng trên tạp chí “Quan hệ quốc tế đương đại”, một nhà phân tích khác là Lin Limin nhận định Mỹ không muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc tấn công của NATO vào Libi vì cuối cùng Mỹ nhận ra mối lo ngại hàng đầu của Mỹ hiện nay là các nước đang phát triển mới nổi. Theo ông Lin, Mỹ đã thực sự hiểu rằng không nên lãng phí sức mạnh quân sự và kinh tế vào việc mở rộng các nền dân chủ trên khắp thế giới mà cần tập trung vào sự trỗi dậy của các nước mới nổi.
Còn nhà phân tích quân sự Guo Xuan của Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ không bắt sống bin Laden vì y không còn là lý do cần thiết để Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở bên ngoài biên giới nước Mỹ. Bin Laden từng là lý do để Mỹ tự cho phép mình tăng cường sự hiện diện chiến lược chưa từng có ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Libi và cuộc tấn công của NATO đã làm thay đổi cuộc chơi. Mỹ không cần bin Laden để khẳng định quyền lực của mình nữa.
Theo nhà phân tích Antoaneta Becker, sự hiện diện của Mỹ ở Ápganixtan luôn là chủ đề gây tranh cãi đối với các chính khách Trung Quốc. Trung Quốc gia nhập cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu vì bin Laden chủ trương thiết lập sự cai trị của đạo Hồi trên toàn thế giới Arập và bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, hiện là mối đe dọa trực tiếp đối với khu vực Tân Cương Hồi giáo - nơi tiềm ẩn các cuộc nổi dậy ở Tây Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn hoài nghi ý đồ của Mỹ và lo ngại rằng Oasinhtơn theo đuổi chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm hiện diện lâu dài tại khu vực mà Trung Quốc luôn coi là sân sau của mình. Trong khi coi việc Mỹ tiêu diệt bin Laden là bước ngoặt và là sự phát triển tích cực của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, Trung Quốc nhắc ngay đến khu vực Tân Cương - nơi các phần tử li khai Hồi giáo đã phát động cuộc nổi dậy đẫm máu chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Bắc Kinh gắn cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với cuộc chiến của Trung Quốc chống tư tưởng li khai ở khu vực này, đồng thời quả quyết rằng cuộc nổi dậy đòi li khai ở Tân Cương có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Theo nhà phân tích Becker, phản ứng công khai của Trung Quốc đối với sự kiện Mỹ tiêu diệt bin Laden là sự pha trộn giữa thái độ khâm phục không muốn nói ra và mối lo ngại được bày tỏ công khai. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thời sự của Trung Quốc cũng thừa nhận cái chết của bin Laden là đòn mạnh giáng vào các nỗ lực thúc đẩy trường phái tư tưởng chống Mỹ. Các nhà bình luận thời sự Trung Quốc bắt đầu phân tích vốn chính trị mà Tổng thống Mỹ Barak Obama thu được từ vụ tiêu diệt bin Laden và chuẩn bị cho khả năng ông Obama giành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Nhà bình luận Chen Bing của "Tân Cương nhật báo" viết Mỹ sẽ khai thác cái chết của bin Laden để mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và kết thúc cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập". Đây là cách tốt nhất để đưa ra lời cảnh báo đối với các chính khách chống Mỹ và lời tuyên bố rằng Mỹ sẽ "nhào nặn" Trung Đông theo mô hình riêng của Mỹ.
Theo IPS
Văn Cường (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét