Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Con Sâu Việt Cộng


Posted on Tháng Năm 11, 2011 by bandoclambao
0

Giáo Già Ngày 8 tháng 5 năm 2011
H,
Hôm nay, 8.5.2011, ngày Lễ MẸ [Mother Day, được quy định là ngày Chúa nhựt trong tuần lễ thứ 2 của tháng 5 hằng năm] theo truyền thống của Hoa Kỳ, cũng là vùng đất Giáo Già tạm dung hơn một phần tư thế kỷ qua [27 năm]; viết lá THƯ CHO CON Giáo Già ngậm ngùi nhớ lại câu nói của ai đó “Hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn đang sống”.
Giáo Già bâng khuâng nghĩ Mẹ đã sống cho đến chết, cho dầu có những lúc Mẹ tưởng như không sống nỗi khi chưa chết, đặc biệt là trong khoảng thời gian gia đình bị Việt Minh săn đuổi giữa thập niên 1940, phải chạy về lánh nạn nơi quê ngoại; và khoảng thời gian sau ngày Quốc nạn 1975 phải đào thoát ra hải ngoại làm người tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Mẹ cũng đã chưa bao giờ nghĩ mình phải chết khi cuộc sống chỉ là tạm bợ nơi đất khách biền biệt xa quê cả nửa vòng trái đất. Trong nỗi bâng khuâng đó Giáo Già chợt nghĩ ra mấy câu lục bát… ngậm ngùi… thương Mẹ và xót xa… thương mình:
Vết thương rỉ máu chưa lành
Bao nhiêu năm vẫn thấy mình trắng tay
Lưu cư thèm rượu uống say
Lênh đênh thuyền mộng thương hoài quê xưa
Oak Hill ngọn cỏ đong đưa
Mộ bia Ba Má nắng trưa bồi hồi
Mây tang quấn trắng lưng đồi
Tụng kinh Bát Nhã như lời ru êm
Nhớ xưa gối cánh tay mềm
Lời ru của Má từng đêm ngọt ngào
Giờ theo cánh hạc bay cao
Không gian biền biệt chở bao nhiêu tình
Vết thương buốt nhói tim mình
Lâm râm niệm nhỏ lời kinh Di Ðà
Nghe đâu trong cõi ta bà
Mõ chuông vọng ấm tiếng gà Mương Khai
Lá thư con viết từng ngày
Cho Con chưa mỏi như cày đất mơ
Lá thư con viết từng tờ
Chở ưu tư dệt bài thơ chưa tròn

Thật vậy, làm sao bài thơ tròn được nghĩa đấu tranh khi quê hương vẫn còn bị cai trị bởi độc đảng độc tài, bởi bọn chuyên chơi bài ba lá, bởi bọn người tiểu tâm hèn hạ, vừa thêm một lần nữa nhúng vào tội lỗi, bắt giữ nhà thơ Bùi Chát, khi ông từ Argentina về đến phi trường Tân Sơn Nhứt, khoảng 7 giờ chiều ngày 30.4.2011, sau khi lãnh giải thưởng về Tự Do Xuất Bản của Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (International Publishers Association [IPA]), nhân dịp Hội Sách Quốc Tế lần thứ 37, tổ chức tại Buenos Aires, Argentina, ngày 25.4.2011 [xem Bùi Chát nhận giải trên báo chí nước ngoài. Ảnh DLB].
Ðược biết, nhà thơ Bùi Chát [tên thật là Bùi Quang Viễn, 32 tuổi], là người sáng lập và điều hành nhà xuất bản “chui” mang tên Giấy Vụn. Ông cũng được biết đến như một thành viên cốt cán trong phong trào thơ “chui” có tên gọi “Mở Miệng”. Tại Việt Nam, trong những năm qua, nhà xuất bản Giấy Vụn đã xuất bản nhiều tác phẩm ngoài luồng, không qua kiểm duyệt, dưới dạng photocopy và các ấn bản điện tử. Lý do chánh thức được nhà cầm quyền CSVN đưa ra khi bắt giữ ông là vì trong hành lý của ông có một số sách của ông và nhà thơ Lý Ðợi, với một tự điển điện tử Kim Từ Ðiển; nhưng trong thâm sâu có thể bọn chơi bài ba lá rất khó chịu vì bài phát biểu của ông khi nhận giải [bài diễn văn được đánh giá là ngắn nhứt và hay nhứt], nguyên văn như sau:
Tôi thật sự vui mừng khi có mặt nơi đây như một nhân chứng về những nỗ lực không mệt mỏi của những nhà hoạt động cho tự do ở Việt Nam.
Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viễn vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.
Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.
Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại.
Bằng tất cả tình yêu dành cho sách và dành cho con người, tôi xin đón nhận và san sẻ niềm vinh dự này cho tất cả độc giả, đồng nghiệp, bạn bè, và những người ủng hộ.
Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam.
Cám ơn tất cả mọi người”.
Ông được “tạm thả” vào chiều tối ngày 2.5.2011, sau gần 47 tiếng bị giam giữ; nhưng vẫn phải tiếp tục lên đồn công an làm việc vào sáng hôm sau. Số tiền thưởng 5,000 CHF không bị tịch thu, nhưng bằng Tưởng Lệ do Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế IPA cấp đã bị giữ lại.
Ðiều đáng lưu ý là ngay khi được tin nhà thơ Bùi Chát bị công an bắt giữ, hôm Chủ Nhật, Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế, nơi trao giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản cho ông, lập tức ra thông cáo lên án nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ ông. Ðồng thời, Hiệp Hội cũng kêu gọi CSVN trả tự do cho ông ngay tức khắc. Trong một bản thông cáo gửi ra từ trụ sở chính của Hiệp Hội tại Geneva, tổ chức này cho biết họ “hiện đang liên lạc với các cơ quan thẩm quyền để thúc đẩy việc trả tự do cho Bùi Chát”. IPA cũng “Kêu gọi chính phủ các quốc gia, các tổ chức vận động nhân quyền và tự do ngôn luận tham gia cùng với các nhà xuất bản yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho Bùi Chát”. Chủ tịch Ủy Ban Quyền Tự Do Xuất Bản của IPA, Bjorn Smith-Simonsen, nói:
IPA cực lực lên án việc bắt giữ Bùi Chát, người nhận giải Quyền Tự Do Xuất Bản của IPA năm nay, và kêu gọi trả tự do lập tức cho ông, vì việc bắt giam Bùi Chát được xem như liên hệ trực tiếp đến việc trao giải thưởng của IPA vài ngày trước đây. Ngoài việc trả tự do ngay lập tức, giải thưởng phải được trả lại cho ông.”

Xin được ghi lại đây bìa cuốn “Bài thơ một vần” của Bùi Chát, được in bằng photocopy, tại Việt Nam, không qua kiểm duyệt, trong đó có Bài Thơ Một Vần như sau:
Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm
thế nào!?
Ðành bỏ ngỏ..!!!
Ðến ngày 8.5.2011, sau hai lần bị mời làm việc, nhà thơ Bùi Chát đã trở về nhà riêng, vẫn chưa chắc chắn rằng công an có còn tiếp tục mời ông làm việc nữa hay không, biên tập viên Mặc Lâm của đài RFA đã có ngay cuộc phỏng vấn đặc biệt, để biết thêm những gì do ông kể lại, trong những ngày vừa qua. Trả lời câu hỏi “Từ khi họ thả ông ra sau lần bắt giữ 72 tiếng tại phi trường thì họ còn triệu tập ông làm việc bao nhiêu lần nữa?” Bùi Chát cho biết:
“Từ đó đến nay là hai lần, một lần họ yêu cầu tôi phải ký vào những gì in ra từ trong cái laptop cũng như những giấy tờ bị thu giữ tại nhà mà họ thu hôm lần đến xét nhà… Lần thứ hai thì họ làm việc về nội dung nhà xuất bản Giấy Vụn cũng như các tài liệu có liên quan đến nó”.
Khi được hỏi “…Với các ngòi bút hải ngoại cũng đang ký kiến nghị qua hai website là Tiền Vệ và Da Màu nhằm đòi hỏi trả tự do vĩnh viễn cho ông. Ông có cảm tưởng như thế nào trước những phản ứng này?” Bùi Chát nói:

Vâng tôi thấy đây là việc làm hết sức có ý nghĩa không chỉ cho cá nhân tôi mà cho tất cả nghệ sĩ đang sống ở Việt Nam. Môi trường quá khó khăn để bày tỏ quan niệm sáng tác cũng như những quan niệm khác về tự do của mình. Tôi thấy cái việc đấy của mọi người hoàn toàn đứng đắn tôi luôn luôn ủng hộ và anh em văn nghệ Sài Gòn cũng ủng hộ những việc làm này”. [Xem hình từ trái sang: Giám đốc IPA Youngsuk “Y.S.” Chi, Thị trưởng Mauricio Macri, và Bùi Chát; tại lễ trao giải Tự Do Xuất Bản năm 2011 ở Buenos Aires hôm 25.4.2011. Courtesy
tạp chí Da Màu]

Ðến khi được hỏi “Cảm giác của ông ra sao khi vừa nhận một giải thưởng quan trọng của quốc tế nhưng khi trở về quê hương mình lại bị tịch thu và đe dọa liên tiếp trong nhiều ngày và chưa chắc gì trong những ngày tới được yên ổn để sáng tác?” Bùi Chát đáp:
Tôi có cảm giác thật sự mình rất buồn vì những việc làm của mình rất là bình thường, chỉ cố gắng bày tỏ những quyền đã được thừa nhận trong Hiến pháp cũng như khi Việt Nam tham gia những Công ước Quốc tế thì đều ghi nhận những quyền đó… Tôi nghĩ tôi chỉ là một công dân bình thường thể hiện những chuyện đấy mà họ lại lấy nhiều lý do để ngăn chận lại, thậm chí mang tính chất đe dọa. Thông qua những việc làm của họ thì giống như họ lấy tôi để đe dọa giới cầm bút và cái việc làm đấy họ có thể xử lý kiểu khác. Tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức nguy hiểm cho hình ảnh Việt Nam đối với thế giới và cũng rất nguy hiểm cho sự tiến bộ mọi mặt tại Việt Nam… Tôi nghĩ rằng nếu có khó khăn gì sau cuộc phỏng vấn này thì mình cũng phải chịu nhưng tiếng nói của mình lại được thể hiện ra”.

Ngoài chuyện nhà thơ Bùi Chát bị bắt giữ mấy ngày, biến động xảy ra ở Mường Nhé được cả thế giới quan tâm theo dõi; vậy mà người phát ngôn Nguyễn Phương Nga của Bộ Ngoại giao CSVN, phát ngôn cho những kẻ chơi bài ba lá chánh trị, đã không ngần ngại lên tiếng giải thích rằng “Những cuộc tập hợp biểu tình này là do mê tín và những kẻ xấu đã lợi dụng, kích động dân chúng, gây mất trật tự, trị an”. Ðồng thời, nhà cầm quyền CSVN rất sợ thế giới bên ngoài biết hết sự thật, và thấy rõ hành động đàn áp người Hmong ở Mường Nhé, qua những hình ảnh sống thực được ghi nhận qua ống kính truyền đi khắp thế giới, nên chúng không cho phép các phóng viên ngoại quốc lên tỉnh Ðiện Biên với lý do thời tiết xấu, đường xá tồi tệ, các cấp địa phương đang bận chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên phủ.
Dầu vậy, Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Công (Center for Public Policy Analysis [CPPA]), trụ sở ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, qua những nguồn tin riêng, cho biết:

Hôm Thứ Ba một lực lượng lớn quân đội Việt Nam có chiến xa yểm trợ đã được điều động tới đàn áp các người Hmong biểu tình đòi tự do tôn giáo và các quyền tự do căn bản của con người chứ không phải đòi hỏi gì khác”.
Ðược biết, ngày Thứ Sáu, 6.5.2011, CPPA nói có 28 người đã bị chết trong các cuộc đàn áp từ mùng 3 tháng 5. Bản tin cập nhật ngày Thứ Bảy nói có thêm 21 người Hmong nữa bị thiệt mạng và thêm 132 người bị thương theo các tin cập nhật. Ðồng thời, có 1,263 người Hmong đã bị bắt đưa đi bằng các loại xe mà người ta không rõ số phận của họ sẽ ra sao.
Cùng lúc, hãng thông tấn Reuters dựa vào các nguồn tin ngoại giao và các nguồn tin khác nói số người Hmong tham gia biểu tình chống đối từ 5,000 đến 7,000 người. Nhưng CPPA thì cho rằng số lượng người Hmong tham gia biểu tình kéo dài từ ngày 30 tháng 4, 2011 đến nay khoảng hơn 8,500 người [Xem hình người Hmong ở Mường Nhé].
Ông Philip Smith, Giám đốc điều hành CPPA nói trên bản tin của cơ quan này rằngt: “Chúng tôi nhận được phúc trình từ các nguồn tin đáng tin cậy nói 1,263 người đã bị bắt lên các xe tải quân sự để đưa đến những địa điểm không biết ở đâu”. Còn bà Christy Lee, Giám đốc điều hành Tổ Chức Thăng Tiến Người Hmong (Hmong Advance, Inc.) ở Hoa Thịnh Ðốn thì nói “Lính CSVN đã giết thêm 21 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác” dựa theo các bản báo cáo từ Ðiện Biên và khu vực giáp giới với Lào”.
Theo Linh Mục Phạm Thanh Bình, một linh mục thuộc giáo xứ ở Sapa tỉnh Lào Cai, mà địa phận của ngài cai quản gồm cả khu vực đang có biểu tình ở Mường Nhé, nói với hãng thông tấn Reuters rằng các người tiếp xúc của ngài cho hay quân đội đã phong tỏa hoàn toàn khu vực có biểu tình cũng như cắt hết mọi phương tiện thông tin và cắt luôn điện. Không ai được phép vào hay ra khỏi khu vực bị phong tỏa, nơi có ít nhất một viên chức nhà nước được cử tới dàn xếp bị người biểu tình bắt làm con tin. Không có tin tức nào nói viên chức này đã được thả ra hay chưa. Tình hình thật sự đã xảy ra, số lượng người biểu tình, số lượng đơn vị quân đội Việt Nam, số người chết và bị thương; và nhất là nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình tập thể kéo dài suốt nhiều ngày hoàn toàn không thể kiểm chứng, ngoài những lời tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền Hà Nội.

Bà Christy Lee tố cáo “Người Hmong biểu tình chống đối là để đòi cải cách, chống lại những bất công căn bản và đang bị quân đội CSVN đàn áp và chiến dịch tuyên truyền vu cáo từ nhà cầm quyền Hà Nội”. Bà lo ngại những người bị bắt giữ có thể bị tra tấn, giết chết hay bị mất tích một cách đơn giản. Ông Smith nói trong bản tin của CPPA rằng “Phần lớn những người Hmong bị chết hay bị thương là do lính CSVN bắn bằng súng, hay bị đánh đập và đâm bằng lưỡi lê. Hàng ngàn lính và cảnh sát CSVN đã tấn công các người Hmong biểu tình đòi cải cách ruộng đất, đòi nhân quyền và tự do tôn giáo”. Hiện chưa có một nguồn tin độc lập nào có thể tiếp xúc được với người Hmong ở Mường Nhé để hiểu đúng sự thật ra sao [Xem biếm họa của Babui trích từ Ðàn Chim Việt]
Nhận định về nguyên nhân gây nên biến động người Hmong trong những ngày qua, ông Lê Phước Lý, một thành viên của Ðảng Tân Ðại Việt, trong “Bản tin buổi sáng”, được chuyển đi bằng email, cho biết Bà Laura Lo Xiong, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hmong International Human Rights Watch, đặt trụ sở ở Mỹ, đã dành cho BBC Việt ngữ cuộc phỏng vấn qua email, nói rằng nguyên nhân chống đối của người Hmong hiện nay như sau:
Người Hmong ở Việt Nam nói rằng họ đã nhận được sự hứa hẹn của Chính phủ Việt Nam rằng sau chiến thắng ở cuộc chiến Việt Nam, họ sẽ được đối xử bình đẳng. Do những lời hứa hẹn bị phá vỡ, người Hmong đã đang phải sống trong một môi trường khổ cực mà không được sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Thay vào đó, họ đã bị kỳ thị trong nhiều thập kỷ. Họ tuyên bố đã bị Chính phủ Việt Nam ngược đãi, họ bị buộc phải ra khỏi làng mạc của họ (từ các vùng cao) mà không được cung cấp các điều kiện thay thế thích hợp cho canh tác ở nơi tái định cư.
Thêm nữa, nguyên nhân dẫn đến phong trào hiện tại là hệ quả của việc người ta giải thể Năm mới của người Hmong. Dựa trên những thông tin chúng tôi nhận được, khi người Hmong tổ chức mừng năm mới của họ, có nhiều người Việt Nam đến làng mạc của người Hmong và tịch thu gia súc, gạo, cùng các loại ngũ cốc từ tài sản của họ.Người Hmong khiếu nại việc này với Chính quyền Việt Nam, nhưng được cho biết rằng họ nên ăn mừng năm mới với người Việt Nam. Nếu không, Chính phủ không thể giúp đỡ họ. Người Hmong được cho biết rằng, như cách hiểu của người Việt Nam, năm mới Hmong là để mở ra cho mọi người đến ăn uống miễn phí và có thể lẫy bất cứ thứ gì mà họ muốn. Nếu người Hmong không muốn bất cứ ai đến để lấy đi thực phẩm và vật nuôi của họ, họ nên ngừng ăn năm mới Hmong.
Do tất cả những vấn đề này, người Hmong đã quyết định thống nhất lại và tìm nơi riêng của họ để trồng trọt, nơi mà không ai có thể đến để lấy tài sản của họ, theo các nguồn cho biết.
Khi ý tưởng này đến, vị tiên tri đã xuất hiện.
Dựa trên những thông tin mà chúng tôi nhận được, tất cả câu chuyện đều phù hợp, có một người đàn ông Hmong tuyên bố là con trai của Thiên Chúa, Ðấng đã được gửi đi để cứu rỗi những người Hmong. Ông nói có một nơi (là quê hương) mà Thượng đế đã dành riêng cho những người Hmong. Ông tiếp tục rao giảng rằng để giành được đất, họ phải chiến đấu chống lại Chính phủ Việt Nam trước khi tới được đích đó.
Dựa trên những thông tin mới nhất mà tôi nhận được, các binh sĩ Việt Nam chưa sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để chống lại nhóm sắc dân. Tuy nhiên, đã có tin xảy ra các vụ đánh đập và bắt giữ trước sự kháng cự mạnh mẽ. Người Hmong nói hơn 30 người bị chết, hàng trăm người bị bắt và thương tích cũng xảy ra khi binh lính đẩy các xe cộ ra khỏi đường xá giao thông.
Người Hmong có lý do để e sợ gặp thương vong và tử vong lớn còn vì vài nghìn người có thể thiếu các nguồn cung cấp thực phẩm, y tế và nước uống. Hơn nữa, họ e ngại rằng quân đội Việt Nam có thể bắt đầu ra tay trấn áp nhóm sắc dân trước sự phản đối. Lần mới nhất mà chúng tôi nghe được tin tức từ họ là vào ngày 05 tháng Năm năm 2011. Chúng tôi không liên hệ được với họ trong 24 giờ qua.Chúng tôi đã yêu cầu Ðại sứ quán Mỹ làm việc với Chính phủ VN và yêu cầu Chính phủ VN sử dụng phương pháp hòa bình để giải quyết vấn đề. Chúng tôi không tin rằng những người Hmong đang nổi dậy để chống lại Chính phủ VN”.
Trong khi đó hãng tin AFP của Pháp nhận định:

Có lẽ đây là cuộc biểu tình phản đối chính quyền nghiêm trọng nhất của các sắc dân thiểu số tại Việt Nam từ sau phong trào nổi dậy rầm rộ trong hai năm 2001 và 2004 của người Thượng ở Cao Nguyên Trung Phần” [Hình: Người tỵ nạn Hmong ở vùng giáp giới với Lào (AFP)]
Và không đợi Nguyễn Phương Nga lên tiếng chọc giận báo chí, tin được hãng tin Ðức DPA phát đi cho biết:
Một quan chức của đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Ðiện Biên nói rằng có ba trẻ nhỏ, tuổi từ một tháng đến một năm, đã chết trong cuộc biểu tình kéo dài của người Hmong để đòi thành lập một vương quốc độc lập… Quan chức Việt Nam này giải thích, có nhiều người đã ốm đau do điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong một trại, nơi có tới 5000 người biểu tình. Bởi vì họ không ăn uống tốt và sống trong các lều trại tạm thời. Do vậy, có ba trẻ nhỏ đã qua đời”.
Nguồn tin DPA cũng cho biết thêm là:
Một quan chức địa phương khác ở huyện Muờng Nhé, tỉnh Ðiện Biên, xin dấu tên, nói với DPA rằng các cuộc biểu tình đã bắt đầu ngày 30.04.2011 và ông hoan nghênh việc giải tán các cuộc biểu tình này, bởi vì nhiều người có nguy cơ tử vong do điều kiện sinh hoạt trong khu trại của người Hmong rất tồi tệ. Xin nhắc lại là cho tới lúc này, chỉ có Trung Tâm Phân tích Chính sách công CPPA, có trụ sở tại Mỹ, đưa ra con số 49 người chết trong các cuộc biểu tình của người Hmong, bị quân đội trấn áp. Thông tin này chưa được phối kiểm với các nguồn tin độc lập khác. Trong khi đó, cho đến ngày hôm nay, Chính quyền Việt Nam vẫn không cho phép các phóng viên ngoại quốc lên tỉnh Ðiện Biên”.
Phóng viên Trọng Nghĩa của đài RFI nói rằng:
Chính vì sự kiện thông tin bị khống chế kể trên mà cho đến lúc này, thực hư vẫn chưa rõ về nguyên do dẫn đến cuộc biểu tình rầm rộ đó của người Hmong, cũng như quy mô của chiến dịch trấn áp, với một số nguồn tin chưa được kiểm chứng nói đến hàng chục người thiệt mạng, và hàng trăm người bị bắt… Chính phủ Việt Nam cho rằng các thế lực bên ngoài đã kích động người Hmong để họ hành động chống lại chính phủ và thiết lập một vùng tự trị. Một số nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội cũng cho phóng viên báo Anh Financial Times biết là trong khu vực có những giáo phái rao giảng rằng rằng Chúa Giêsu có thể hiện xuống tại khu vực này vào hạ tuần tháng này và đó là lý do tại sao người Hmong bắt đầu tụ tập và không chịu về nhà, buộc Chính phủ Việt Nam phải gửi lực lượng an ninh đến nơi khuyến khích người dân giải tán. Theo hãng tin Mỹ AP, Mục Sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc Việt Nam cho biết là một số tín hữu của ông cho biết là trong vụ việc vừa qua, có tới 5.000 người Hmong tề tựu lại, đợi Ðức Chúa xuất hiện và đưa họ đến vùng đất hứa vào ngày 21 tháng 5. Một số nguồn tin khác, đặc biệt là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền hay đấu tranh cho quyền lợi của người Hmong, thì những người biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo, quyền sở hữu đất đai tốt hơn. Phải nói là huyện Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thống kê của chính quyền công nhận là hơn 60% cư dân huyện này bị nghèo đói. Tổng số dân của cả huyện Mường Nhé khoảng 52,600 người trong đó có đến 36,800 là người Hmong… Chính phủ Việt Nam hôm 6.05.2011 khẳng định là tình hình ở Mường Nhé đã ổn định nhưng không nói rõ là ổn định như thế nào. Một nguồn tin chính quyền tiết lộ là một số người biểu tình đã bắt đầu về nhà tuy nhiên tin này cũng không thể kiểm chứng”.
Có điều không được quên là Bách Khoa Tự Ðiển Wikipedia ghi về huyện Mường Nhé như sau:
Mường Nhé là một huyện miền núi, nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Lào. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Phía Nam giáp huyện Mường Chà tỉnh Ðiện Biên. Phía Ðông và Ðông Bắc giáp huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Ðiểm cực Tây của Việt Nam là A Pa Chải, Tá Miếu, chính là ngã ba biên giới, nằm tại xã Sín Thầu… Tại thời điểm tháng 4 năm 2009, huyện Mường Nhé có 249.950,43ha diện tích tự nhiên và 49.835 nhân khẩu, có 16 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Chà Cang, Pa Tần, Nà Hỳ, Nà Khoa, Nà Bủng, Chung Chải, Mường Nhé (trụ sở huyện lỵ), Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm Kè, Sín Thầu, Nậm Vì, Na Cô Sa, Pá Mỳ, Sen Thượng, Leng Su Sìn. Vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước ta, với diện tích được khoanh đếm bảo vệ hơn 310.000ha. Cán bộ bảo tồn từng ước tính những đàn voi đi rinh rợp, đi nườm nượp khắp Mường Nhé, là khoảng 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì rất nhiều. Thế nhưng, đến nay, kho báu thiên nhiên ở khu bảo tồn Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát đến khó tin. Ðến năm 2009, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000ha. Trừ một số diện tích bị cắt sang Mường Tè (do quá trình tách huyện), số còn lại: Cả trăm nghìn hécta rừng đã bị phá, nói đúng hơn, vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hécta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng…” [Giáo Già in đậm và gạch dưới]
Như vậy là đất đai và đời sống của người Hmong ở Mường Nhé đã bị tham nhũng, lâm tặc và người không phải là Hmong, những kẻ ở bên ngoài, từ xa, được Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho vào đó chiếm dụng, khiến thảm cảnh “dân oan” ở đó tuy không ồn ào nhưng vô cùng trầm trọng; từ lâu có mấy ai biết đến! Bây giờ biết được phần nào rồi thì vấn đề sẽ được giải quyết ra sao? Những kẻ đang chơi bài ba lá chánh trị ngồi ở Bắc Bộ phủ Hà Nội đâu thèm để ý tới! Những Thái thú gây nên Ðại Họa Mất Nước cũng đâu thèm để ý tới! Ðó phải chăng cũng là điều khiến bài viết của Hà Văn Thịnh đăng trên bauxite Việt Nam mang nhiều ý nghĩa, khi thuật lại nguyên văn lời của Thái thú Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật số 2) khi trả lời cử tri ở Quận 1, TP HCM, sáng ngày 7.5.2011, nói rằng:
“Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘CHẾT’ cái đất nước này.”
Khoan đề cặp tới sự “xấu hổ”, mà lâu quá rồi có bao giờ người CSVN biết xấu hổ đâu. Chỉ xin hỏi “con sâu” được Trương Tấn Sang đề cặp tới đó là ai, nhiều con sâu đó là những ai; và một bầy sâu làm CHẾT đất nước này như thế nào? Xin Hà Văn Thịnh và Trương Tấn Sang điểm mặt từng con sâu cho nhân dân nhận diện. Nhưng có điều chắc chắn là đất nước sẽ không chết vì “Quốc phá Sơn hà tại” và “Dân tộc mãi mãi Sinh tồn”, chỉ có những “con sâu” chết, chỉ có Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chết khi cuộc “Cách mạng Bông lài” đang từ từ lan tới Việt Nam, khi đống củi khô đã chất cao, đã được lớp người trẻ, trong đó có Bùi Chát, Lý Ðợi…, có nhà xuất bản Giấy Vụn… chất cho nó cao thêm, chỉ còn chờ que diêm châm cháy, trong một ngày không xa hơn quyết tâm của những nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam và non 90 triệu dân Việt.
Hẹn con thư sau,
Giáo Giàhttp://bandoclambao.wordpress.com/2011/05/11/con-sau-vi%E1%BB%87t-c%E1%BB%99ng/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét