Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

PN&HĐ: Cái chết, vụ gạ tình và báo chí sính nude


Hàng trăm người chết vì tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ. Cái chết đầy uẩn khúc của một thanh niên khi bị tạm giữ và vụ gạ tình tai tiếng của vị điều tra viên. Lại thêm cặp người mẫu gây sốc dư luận bằng cách bán nude trên báo. Những lát cắt của Phát ngôn – Hành động tuần này quá nhiều điều đáng để bất bình.
Cái chết nói chuyện với...mũ bảo hiểm
"172 người chết vì tai nạn dịp 30/4", thông tin ngắn gọn, rõ ràng trên VNExpress vào chiều 4/5, đọc chỉ mất đôi ba phút, nhưng cảm giác buồn thì còn mãi. Không thật chi tiết, vì đó là thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an). Cũng không quá bất ngờ, vì số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam luôn là con số nhức nhối, lớn hơn rất rất nhiều lần so với số người chết vì bất cứ bệnh tật hay dịch bệnh nào.
Như thống kê cuối năm 2010 cũng cho thấy trong cả năm, cả nước xảy ra 14.442 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người. So với năm 2009 thì số vụ giao thông tăng 1.778 vụ, số người chết giảm 47 người, nhưng số người bị thương tăng 2.544 người. Nếu chia trung bình cho 365 ngày thì cứ mỗi ngày lại có hơn 31 người chết vì tai nạn giao thông, con số đáng giật mình.
Thế mà so với số người chết trung bình hàng ngày, số người chết trong 4 ngày nghỉ lễ nhiều hơn, vì tính ra mỗi ngày nghỉ lễ có tới 43 người chết. Có lẽ phải suy luận theo logic thông thường để an ủi rằng, dịp nghỉ lễ mọi người đi lại nhiều hơn, đường xá đông đúc hơn, nên số người chết nhiều hơn? Nhưng cái chết đột ngột, không báo trước, để lại nỗi đau khôn nguôi (và trong nhiều trường hợp là gánh nặng) cho gia đình, người thân, bạn bè. Những con số khô khan, 43 -31 = 12, nhưng tính mạng con người, số phận con người có bao giờ khô khan lạnh lùng như phép tính cộng trừ nhân chia?
Trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận hàng trăm trường hợp tai nạn giao thông, hầu hết bị chấn thương sọ não. Ảnh Tuổi Trẻ
Chưa dừng lại ở đó, bản tin về tai nạn giao thông dịp 30/4 còn đưa ra những con số "đau thương" khác để khẳng định rằng số nạn nhân bị chấn thương sọ não tăng. Như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu 209 trường hợp, gần bằng số ca cấp cứu trong tuần cuối cùng của tháng 4/2011, trong đó có 120 ca chấn thương sọ não. Hay bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) trong 3 ngày đã tiếp nhận 323 ca chấn thương do TNGT, trong đó có tới 240 ca chấn thương sọ não. Các bệnh viện lớn khác của TPHCM, tỷ lệ nạn nhân chấn thương sọ não chiếm khoảng 65 - 75%.
Đọc đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là, các nạn nhân bị chấn thương sọ não có đội mũ bảo hiểm không? Với những trường hợp chết, thông tin có thể không rõ ràng, bởi nạn nhân có thể ngồi trên ô tô chẳng hạn? Nhưng nhắc đến chấn thương sọ não thì cầm chắc là nạn nhân ngồi trên xe máy.
Nhớ lại khi tuyên truyền để toàn dân đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy trên mọi tuyến đường (bắt đầu từ 15/12/2007), lý do "thuyết phục" nhất được đưa ra là để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, cụ thể là để giảm thiểu thương vong, đặc biệt là giảm chấn thương sọ não. Vậy giờ số vụ chấn thương sọ não tăng cao đến thế, lý do vì sao?
Tìm lại thông tin trên báo chí, thấy báo Tuổi trẻ ngày 17/12/2007, tức chỉ 2 ngày sau khi toàn dân đội mũ bảo hiểm, đã khẳng định số vụ chấn thương sọ não giảm nhờ có sự bảo vệ của mũ bảo hiểm, với những con số rất thuyết phục, cũng từ các bệnh viện lớn của TPHCM, Đà Nẵng. Đến 15/1/2008, 1tháng sau khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cũng có thống kê rằng số ca tổn thương não do tai nạn giao thông thấp hơn nhiều so với trước. Tiếc rằng, sau những "rốt ráo" ban đầu, không còn thấy những thông tin thuyết phục về tác dụng của mũ bảo hiểm nữa. Hết mỗi năm chủ yếu chỉ là thống kê số người chết vì tai nạn giao thông, như năm 2008 giảm so với 2007 (10400 người so với 13.150 người), lúc đó đã có nhiều người tự nhủ, giảm nhiều thế là do có đội mũ bảo hiểm đấy! Nhưng rồi đến 2009 lại tăng lên thành 11516 thì không biết lý giải thế nào đây (dù thật ra vẫn thấp hơn năm 2007 khi chưa đội mũ bảo hiểm!).
Ngay trong thông tin về tai nạn giao thông dịp 30/4 vừa qua, cụm từ "mũ bảo hiểm" chỉ xuất hiện một lần duy nhất, "trong số 120 người bị chấn thương sọ não, 40 trường hợp không đội mũ bảo hiểm" khi thống kê số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), còn các bệnh viện khác lại không có thống kê. Một con số quá khô khan, chẳng diễn tả điều gì có ý nghĩa. 40 người không đội mũ bảo hiểm bị chấn thương sọ não so với 80 người đội mũ bảo hiểm cũng bị chấn thương sọ não là thế nào? Không đội mũ bảo hiểm thì có bị chấn thương sọ não nặng hơn không? Những người đội mũ bảo hiểm bị chấn thương sọ não có phải vì mũ của họ rởm, hay họ đội mũ không đúng cách, hay vì tai nạn quá nghiêm trọng nên dù mũ đàng hoàng, đội đúng cách, vẫn bị chấn thương sọ não nặng...?
Đã hơn 3 năm trôi qua từ khi đội mũ bảo hiểm trở thành "luật", không đội mũ bảo hiểm là bị phạt, chưa có một thống kê thật sự nghiêm túc nào về tác dụng của mũ bảo hiểm với việc giảm thiểu số người chết hay chấn thương sọ não khi gặp TNGT. Dĩ nhiên, những người tỉnh táo đều hiểu rằng, không phải cứ đội mũ bảo hiểm là không lo bị CTSN (nên có thể đi ẩu hơn chẳng hạn), nhưng ít nhất người dân cần những thông tin cụ thể hơn, thuyết phục hơn, để họ có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm.
Lại tìm trên mạng (xin cảm ơn... Google), đã thấy có một đề tài nghiên cứu khoa học của hai bác sĩ Trần Chí Kỷ và Lê Chí Điền, khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ khảo sát trên 660 bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT có đội mũ bảo hiểm (trong năm 2009), với phân tích (so sánh với kết quả nghiên cứu năm 2005, khi chưa đội mũ bảo hiểm của một đồng nghiệp tại bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) cho thấy mức độ chấn thương sọ não nhẹ hơn, khẳng định tác dụng tốt của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nhưng đó chỉ là một đề tài riêng lẻ, chưa thể "khái quát" hóa cho toàn quốc.
Thiết nghĩ, một thống kê thuyết phục về sự liên quan giữa chấn thương sọ não với mũ bảo hiểm, chắc chắn sẽ khiến người dân tự giác đội mũ bảo hiểm chất lượng, đúng cách, thay vì nhiều trường hợp chỉ đội mũ bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông, để không bị phạt... 100 đến 200.000 đồng.
Gạ tình không cho thì... chồng phải chết?
Lại một "cái chết" nữa nóng hổi trên báo chí tuần qua, cái chết nhiều uẩn khúc của anh Nguyễn Công Nhựt - trưởng phòng Quản lý kho thành phẩm, Công ty TNHH Kumho - tại trụ sở Công an huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) vào ngày 25/4.
Câu chuyện ban đầu, theo thông báo của Công an huyện Bến Cát là do anh Nhựt treo cổ tự tử bằng dây điện thoại trong phòng họp, sau khi được đưa về trụ sở để làm rõ việc công ty báo mất hàng ngàn vỏ xe (lốp). Nếu chỉ có thế thì "chuyện không có gì phải ầm ĩ", dù chắc chắn gia đình anh, bạn bè anh sẽ rất đau buồn.
Nhưng, cái chữ "nhưng" đáng buồn ấy, có quá nhiều điểm không rõ ràng trong cái chết của anh Nhựt, mà đến hôm nay, 10 ngày sau khi anh ra đi, vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Vợ chồng anh chị Nhựt - Tuyền và bức thư "tuyệt mệnh" đầy bí ẩn, Ảnh NLĐ
Đầu tiên là việc anh Nhựt bị tạm giữ từ ngày 21/4, đến ngày 25/4 thì Công an huyện Bến Cát báo cho gia đình anh đã tự tử chết. Còn trong suốt thời gian đó, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ anh, nhiều lần đến Công an huyện Bến Cát nhưng không được gặp chồng. Việc tạm giữ anh Nhựt có đúng pháp luật không? Bị tạm giữ đến ngày thứ 5 thì anh Nhựt chết, nhưng gia đình không hề được thông báo về sự tạm giữ anh. Bất luận anh Nhựt chết vì lý do gì, thì việc anh bị tạm giam tới ngày thứ 5 mà Viện trưởng VKSND Huyện Bến Cát không hề biết, đã là sai luật.
Rồi đến việc hai lá thư tuyệt mệnh được cho là của anh Nhựt gửi cho vợ và "gửi anh Phu, anh Phú, chị Phương và anh Nguyên" (là các điều tra viên), nhưng cả chị Tuyền và em ruột của anh Nhựt đều khẳng định nét chữ trong lá thư tuyệt mệnh không giống chữ của anh, như chị Tuyền "thật thà" là "Do nét chữ quá khác nên chị cũng không muốn đọc hết nội dung thư", nhưng báo Người lao động đã đăng lại một đoạn trong thư tuyệt mệnh khen các cán bộ điều tra "là những người điều tra tuyệt vời nhất".
Anh Nhựt được thông báo chết do treo cổ tự tử, nhưng trên người đầy vết bầm tím, Ảnh NLĐ
Thông tin càng "nóng" hơn khi trưa 27/4, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của nạn nhân, đã cung cấp cho báo chí hai đoạn băng ghi âm cuộc điện thoại
giữa chị và một người đàn ông tên Phú. Tất nhiên, cuộc điện thoại diễn ra khi anh Nhựt còn sống, và đang bị tạm giữ ở công an huyện Bến Cát. Hai đoạn băng sau đó đã được Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận phục vụ công tác điều tra, được báo Người lao động trích đăng với những câu thật sự... gây sốc (sau đó toàn bộ file ghi âm đã được đưa lên trang báo), "Tại vì anh thích cái gì không được thì anh đòi cái đó!", "Gặp mấy chỗ đó không có được, đi vô khách sạn gặp", "Nếu em có suy nghĩ kiểu đó thì sau này hậu quả... Tại sao ban đầu mình không làm đi?"...
Quả thật, khi thông tin công bố người có những câu trò chuyện "gạ tình" chị Tuyền chính là điều tra viên, Thiếu tá Nguyễn Thành Phú, được tăng cường từ Công an thị xã Thuận An về huyện Bến Cát để điều tra vụ mất trộm lốp xe ở Công ty Kumho, dư luận không khỏi phẫn nộ. Nhiều độc giả đã bức xúc gửi phản hồi về cho báo chí. "Nghe đoạn ghi âm giữa chị Tuyền và một người tên Phú, đêm qua tôi mất ngủ. Sao xã hội bây giờ có nhiều kẻ vô lương tâm và có thể nói là tàn ác đến thế. Không thể chấp nhận được một cán bộ mất hết nhân cách như ông Phú làm trong ngành công an, ngành bảo vệ sự bình yên cho nhân dân".
Dù theo trả lời của Chánh văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, ông Phú khẳng định đó là nói đùa, thì đúng như Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương khẳng định với báo chí, hành vi này đáng bị kỷ luật "vì không thể chấp nhận một cán bộ công an lại nói chơi như thế". Chưa kể, báo chí đã đăng tải danh sách những số điện thoại mà chị Tuyền nhận được trong những ngày anh Nhựt bị tạm giữ, có tới 11 lần ông Phú gọi điện cho chị Tuyền, không lẽ phải nói đùa đến cả... 11 lần?
Chợt nghĩ, nếu chị Tuyền không nảy ra ý định ghi âm lại những cuộc điện thoại của ông Phú gọi cho chị, thì dù chị có kể ra, cũng nào ai dám tin khi không có bằng chứng xác đáng? Dù xã hội không thiếu người xấu, nhưng xã hội cũng luôn đòi hỏi công an, những người nắm cán cân công lý, phải là những người tử tế. Đòi hỏi ấy là hoàn toàn xác đáng, nên chuyện một cán bộ công an không tốt sẽ khiến dư luận bất bình hơn, nhất là khi vụ việc đang còn nhiều... vết mờ.
Rồi như thông tin bà Thái Thị Lượm, mẹ anh Nhựt, cho biết "Khi tôi hỏi bác sĩ (bác sĩ pháp y của Bệnh viện Bình Dương) thì ông này nói là thời gian anh Nhựt tử vong khoảng 13-14 giờ ngày 24-4, nhưng tại sao đến trưa 25-4, công an mới cho gia đình tôi biết?". Tất cả là những câu hỏi trong đau đớn của gia đình anh Nhựt.
Anh Nhựt đã chết, điều đó không thể thay đổi. Nhưng vì sao anh chết, có đúng anh tự tử không, những ai phải chịu trách nhiệm xung quanh cái chết của anh, là những câu hỏi mà dư luận đang chờ đợi có câu trả lời rõ ràng.
Như chính khẳng định của đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương, người đứng đầu tổ điều tra độc lập đã trả lời với Báo Người lao động: "Không ai có quyền tước đoạt sinh mệnh một con người. Anh Nhựt chết đã để lại nỗi đau lớn cho cha mẹ, vợ anh và bạn bè. Cơ quan điều tra kiên quyết làm sáng tỏ. Nếu Nhựt có "tự chết" thì cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh vì sao anh chết". Dư luận chỉ mong cơ quan điều tra mau chóng công bố kết quả, để chuỗi những ngày... chỉ có báo chí đồng hành cùng gia đình chị Tuyền sớm qua.
Báo thích nude hơn cả...người mẫu?
Sau khi Ngọc Quyên gây sốt, rùm beng trên truyền thông với bộ ảnh nude bảo vệ môi trường, tuần qua, đến Hằng Nguyễn (hay Nguyễn Thanh Hằng), người đẹp Next Top Model công bố ảnh nude. Lần này "dường như" chỉ bán nude thôi, nhưng là chụp cùng siêu mẫu Sơn Tùng trong nhưng tư thế khá "nhạy cảm", nên cũng gây xôn xao dư luận. Hiển nhiên là dư luận chê nhiều hơn khen, như với những trường hợp nude trước đó.
Người ngoài cuộc thì bảo đó là cách để PR tên tuổi, còn người trong cuộc hiển nhiên sẽ bảo không. Nhưng đọc cùng lúc ý kiến của cả nhà thiết kế Cao Minh Tiến, người thực hiện bộ ảnh và người mẫu Hằng Nguyễn, mới thấy cả hai thật "ăn ý", "đồng điệu" trong cách trả lời.
Cao Minh Tiến khẳng định "sởn da gà khi xem ảnh nude Hằng Nguyễn", còn Hằng Nguyễn thừa nhận "khi nhìn lại, mình cũng thấy gai người". Còn lý do "chắc nịch" để khẳng định đây không phải bộ ảnh thực hiện với mục đích PR tên tuổi được Hằng giải thích là "nếu muốn gây sốc để lấy danh, cô sẽ chụp nhiều hơn, hở hơn và sẽ bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu bộ ảnh của các đàn chị như Kim Minh, Ngọc Quyên và Thanh Hoài....", còn Cao Minh Tiến thì bảo "Nếu muốn PR, tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho concept của mình, số lượng ảnh nhiều hơn. Nhìn vào thực tế, với Sơn Tùng, nghề người mẫu chỉ là nghề tay trái, Hằng Nguyễn thì mới 18 tuổi, quá trẻ để chịu đựng những rủi ro nếu có, còn riêng tôi, không kiếm tiền bằng việc chụp ảnh".
Thanh Hằng phân trần cô không định PR bản thân, rằng cô và ekip chụp bộ ảnh một cách ngẫu hững trong 15 phút, tóm lại "thích là tụt" !!? Ảnh Đất Việt
Nhìn lại trường hợp gần nhất của Ngọc Quyên, dù bộ ảnh bị chê tơi tả, nhưng tần suất xuất hiện của Ngọc Quyên trên báo thì dày đặc, hết báo này đến báo khác, hết phỏng vấn bản thân Ngọc Quyên đến phỏng vấn nhiếp ảnh gia, rồi những người chê nhiếp ảnh gia nữa chứ. Tha hồ cho độc giả phải nhớ Ngọc Quyên là ai, tha hồ mà đắt show sau đó, như chính Ngọc Quyên khẳng định là sau scandal ảnh nude, cô đang sống những ngày tươi đẹp nhất, đắt show hơn, cũng hot hơn trong mỗi lần cô tham gia một event.
Vậy là quá thành công rồi. Chính Ngọc Quyên khi thực hiện bộ ảnh "nude", chắc cũng không ngờ mình lại thành công đến thế, bị chê tơi tả nhưng nổi tiếng hẳn lên thì... cũng đáng. Chẳng thế mà mặc kệ sự khẳng định chắc nịch của cả Hằng Nguyễn lẫn Cao Minh Tiến, mặc kệ việc "Hằng Nguyễn còn quá trẻ để chịu đựng những rủi ro nếu có", bộ ảnh vẫn gây sốt trên nhiều mặt báo. Người chê thì cứ chê, chỉ thấy một sự thật là báo chí phải tốn nhiều giấy mực hơn với cô người mẫu trước đó đã được gán biệt danh "Siêu mẫu ngực bự" mà cô cũng khẳng định không muốn bị gắn với danh hiệu này.
Không biết sau Hằng Nguyễn sẽ là ai? và sẽ có "chiêu" nào độc đáo? Nghĩ đi thì phải nghĩ lại, ai bảo truyền thông cứ đua nhau phô ảnh nude lên cho thiên hạ ngắm? Rồi thiên hạ chửi thì cứ chửi, nhưng cũng săm soi tìm kiếm ảnh nude, clip sex để xem rồi bàn tán đó sao? cứ nhìn vào danh sách tin bài đọc nhiều nhất của các báo để hiểu. Báo chí chạy đua để chiều lòng độc giả, chẳng phải những người mẫu có lẽ đang "hy sinh" bản thân mình để giúp báo chí đó sao?
Cứ tưởng tượng nếu bộ ảnh của Ngọc Quyên, của Hằng Nguyễn... chẳng báo nào thèm đăng, hay đăng lên chẳng ai thèm đọc, thì sẽ chẳng ai mất công chụp ảnh nude làm gì. Thế nên, trước hết hãy trách truyền thông, rồi trách độc giả đã vẽ đường cho người mẫu... nude.
* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt cóhttp://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-06-pn-and-hd-cai-chet-vu-ga-tinh-va-bao-chi-sinh-nude

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét