Posted on Tháng Năm 17, 2011 by bandoclambao
0

Lê Nguyễn Sông Hương – Pháp luật Việt Nam: Niềm tin ở chốn…”phim trườnghttp://bandoclambao.wordpress.com/2011/05/17/le-nguy%E1%BB%85n-song-h%C6%B0%C6%A1ng-phap-lu%E1%BA%ADt-vi%E1%BB%87t-na-m-ni%E1%BB%81m-tin-%E1%BB%9F-ch%E1%BB%91n-phim-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng/

Lê Nguyễn Sông Hương
Tác giả gửi đến Dân Luận
Như một lẽ thường tình, mỗi khi con người cảm thấy bất an, thì người ta thường tin vào thần linh như một sự cứu rỗi cho tâm hồn. Tin để mong thoát khỏi những khổ đau, phiền muộn. Tin để cầu bình an và được thứ tha. Tôi cũng vậy. Tuy rằng không thuộc một tôn giáo hay tín ngưỡng nào, nhưng tôi có một niềm tin thiêng liêng vào Chúa, vào Thánh thần. Đó gọi là Đức tin! Đức tin làm xoa dịu nỗi đau trần thế. Đức tin biến cái vô vọng thành hi vọng, biến cái bi ai thành niềm hạnh phúc, hân hoan. Đức tin của một người ăn mày là xin được đủ ăn; Của người mù là ánh sáng; Của người điếc là âm thanh; Của người câm là tiếng nói… Chung quy lại, mỗi người đều có riêng cho mình một Đức tin, với nhiều hoàn cảnh khác nhau, và xem nó là cứu cánh cho bản thân mình. Khi chúng ta nói: “tôi chưa mất niềm tin”, nghĩa là chúng ta đang mất niềm tin vậy. Lúc này, tôi cũng đang tự nhủ lòng mình: “Tôi chưa mất niềm tin”, nhưng thực sự tôi đã, đang mất niềm tin về Luật pháp, và những người thực thi Pháp luật Việt Nam! Vậy, mỗi khi đã mất đi niềm tin vào Pháp luật, bạn lấy gì làm Đức tin?
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ chết người tại các trụ sở công an (nên nhớ công an là cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật) với nhiều nguyên nhân đã rõ và chưa rõ. Rõ như ban ngày, hay tối như “tắt đèn” thì việc một người đang khỏe mạnh bỗng nhiên chết (tại cơ quan công an) là một cái chết mà kẻ dốt nát nhất cũng có thể đoán được nguyên nhân vì đâu. Huống hồ thời buổi này chuyện công an đánh người được xem như là “chuyện thường ngày ở huyện” (tôi không liệt kê cụ thể ra đây vì quá nhiều, bạn không tin thì hãy vào google gõ chữ “công an đánh chết người” thì sẽ rõ). Thực sự mà nói, nếu đứng giữa một cái chết mà một bên là thằng cướp gí súng vào đầu, một bên là chết ở đồn công an, tôi chấp nhận “hi sinh” bởi viên đạn của thằng cướp. Vì sao? Vì chết dưới họng súng của thằng cướp thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người đời đều rõ mình bị thằng cướp nó giết do chống cự. Trong trường hợp này, chết dưới tay thằng cướp là một cái chết “vẻ vang” và “vinh dự” ấy chứ, vì ít ra thì mình đã chết vì chống lại cái xấu, cái ác. Không hèn. Còn nếu chết ở đồn công an thì sao nhỉ? Quá hèn. Hèn vì chết mà chẳng biết vì sao mình chết. Chết tức tưởi. Chết thê thảm. Chết ngu chết dại. Chết mà để cho dư luận (và cả công luận) bảo rằng mình tự chết, do tự “viết đơn xin ở tù”. Vậy, chết do “tự sát” ở đồn công an chẳng phải là cái chết ngu xuẩn nhất của loài người đó sao?
Công an Việt Nam vốn rất giỏi, tôi tin là vậy. Tầm cỡ như vụ án Năm Cam mà còn phá được, phá tận gốc tận rễ thì các vụ khác nghĩa lí gì đối với họ. Vậy nhưng, tôi có suy nghĩ rằng những án mạng tại đồn công an khó khi nào phá được vì nó bị “không thành án”. Mà không thành án thì không khởi tố. Không khởi tố mà phá thì phá phách chứ phá án gì?!
Vụ thanh niên Nguyễn Công Nhựt chết tại công an Bến Cát – Bình Dương là một (trong rất nhiều) án mạng ngay tại đồn công an – cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật quyền lực nhất Việt Nam, với nhiều điều nghi ngờ như thế mà có thể sẽ đi vào ngõ cụt thì niềm tin vào công lý, chính nghĩa sẽ đi về đâu? Thế mới thấm thía câu hát của Trịnh Công Sơn khi ông cất lên rằng: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Thôi thì, hãy an ủi lòng mình bằng câu hát đó, và xem phim Bao Công xử án để “ru lòng mình vậy”.
Hi vọng người Việt Nam chúng ta đừng ai như tôi, để chúng ta không phải đặt niềm tin vào pháp luật – công lý và sự thật ở chốn… “phim trường”!
0
0
 
Rate This