Posted on Tháng Năm 17, 2011 by bandoclambao
0

Miền Lặng Lẽ – Nhân có địa phương thực hiện Cơ chế tập trung dân chủ lạm bàn chuyện Tam quyền

Miền Lặng Lẽ
Đã đăng trên blog Miền Lặng Lẽ
Bài viết tác giả có sử dụng một số nguồn quan điểm của Giảng viên Đại học Huế Hà Văn Thịnh; đã được Hà Văn Thịnh phổ biến công khai, cho phép trích dẫn.
Sự kiện trong bài viết do tác giả may mắn có được.
Vị bí thư Đảng uỷ cấp phường thị xã tỉnh lẻ đang chuẩn bị cho tổ chức vài điểm bầu cử Đại biểu quốc hội lộ ra cho biết lão đang tìm hiểu trên mạng Net các thiết chế Nhà nước tư bản trên thế giới và cách thức tổ chức bầu cử. A ra thế, thời hội nhập có khác, từ một đống kiến thức từ hệ thống trường chính trị các cấp, hay gần gũi hơn là từ cái loa mẹ Đốp phát ra rả đầu phố, cũng không làm lão quên chuyên tâm vào mạng Net để trau dồi cho cái nhãn quan. Nên gọi là gì nhở, à, gọi là tín hiệu vui từ cơ sở.
Vui quá chứ, bởi sau biết thêm nhiều người cũng có xu hướng quan tâm như lão ấy, và những cuộc mạn đàm đây đó của giới công chức địa phương về chính trị xoay quanh nhiều chuyện, chuyện nên hay không đa Đảng, chuyện Tam quyền phân lập, chuyện xã hội dân sự.v.v… Cũng muốn mạn đàm với mấy lão nhưng cũng sợ lắm thời buổi sắp bầu cử lại chẳng may tai vách mạch rừng lỡ ra gặp mấy đứa xứ khỉ ho cò gáy ham phấn đấu lấy thành tích chụp mũ đánh giá lung tung cho thì mệt, thôi về lên Blog gõ cho nó lành.
Tư tưởng chỉ đạo trong nước chính thống thì báo đài lề phải đã nói nhiều, chuyện một Đảng là không tự sát, phù hợp với điều kiện mỗi xứ mỗi nước mỗi dân tộc, chuyện lộ trình từ thực hiện dân chủ gián tiếp tiến lên dân chủ trực tiếp phải qua nhiều công đoạn, cả việc năng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện kinh tế cho dân chúng để khỏi tình trạng vô tổ chức.v.v… nhiều chuyện, lý lẽ rành rọt. Cũng hay lắm. Có ủng hộ.
Ừ thì nghe phổ biến hay vậy cảm thấy êm tai, mà vẫn thấy thiêu thiếu, thấy ít đưa ra so sánh. Bởi lẽ Nhà nước thì gắn với Pháp luật, mà dựng nên Luật là phải biết so sánh, chứ không so sánh với người ta sao thấy ra cái dở của mình để tu để chỉnh.
So chuyện đa Đảng với mấy nước, thấy là đa Đảng hay một Đảng tốt hay xấu còn tùy vào từng nước với hoàn cảnh khác nhau, nó phải thuộc quyền dân tộc tự quyết, hơn nữa thời gian đầu nó cũng còn phụ thuộc vào cán cân quyền lực (miếng bánh Chính trị) phân bổ ra sao. “Được thì làm vua, thua thì làm giặc“. Thế thôi.
Nói đa Đảng e chuyện bè phái ư, như Hoa Kỳ đó, nguyên tắc lập pháp có điều nói là “Đảng phái là cội nguồn của chủ nghĩa bè phái, mà chủ nghĩa bè phái là cội nguồn của sự vẩn đục Hiến pháp“, điều này họ đã có cơ chế LƯỠNG VIỆN để hạn chế vấn đề này rồi. Một dự Luật của người ta từ khi trình ra thủ tục chuyển qua chuyển lại Thượng viện Hạ viện khi chừng năm rưỡi mới xong ý, có khi chẳng được thông qua ấy chứ, quy trình người ta kỹ lưỡng chuyên nghiệp cao như thế nên ra Luật mới hay ho, hiệu lực lâu, bớt tác động của Đảng phái, có đâu như bên ta Luật thay xoành xoạch Luật sư cũng hoa cả mắt huống hồ lão nông tri điền với mấy cô mấy chị làm lụng tắt mặt tối mày; chẳng hạn năm kia vừa đấy ra cái Nghị định đo ngực cấp Giấy phép lái chưa thi hành phải thu hồi, hay ra cái Luật đất đai bao lần sửa đổi bịt đằng này lòi bất cập đằng khác nên văn bản dưới Luật của Đất đai chừng hai nghìn thì có lẽ lập kỷ lục thế giới.
Cơ chế lưỡng viện đó, so ra với cơ chế của Việt Nam là một quốc hội nhưng cơ cấu đa thành phần, Hội đồng nhân dân các cấp địa phương cũng thế, theo kiểu mô hình tựa như tổ chức và hoạt động của Mặt trận ấy, nên sinh chuyện là có anh dân tộc thiểu số được bầu vào cho có đại diện vùng sâu xa đặc biệt khó khăn, vì chưa qua tu nghiệp nên khi họp dơ tay biểu quyết, hỏi sao dơ tay, trả lời không hiểu gì nhưng thấy mấy đại biểu khác người ta dơ tay thì cái tao cũng dơ tay như cái mày, vậy thì cơ chế lưỡng viện đó rõ là có ưu việt.
So với những nước có thiết chế Tam quyền phân lập, dù nước có một Đảng cầm quyền lâu năm hay đa Đảng, thì về mặt lý thuyết, được chứng minh ưu việt đến thời điểm giờ, thiết chế đó qua Việt Nam được chuyển thành cơ chế “Phân công nhiệm vụ 3 quyền đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng“, mà Đảng là nguyên tắc Tập trung Dân chủ; đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu đem nguyên tắc Tam quyền đó so sánh với Tập trung Dân chủ thì Tam quyền vượt trội hơn về ưu điểm, vì nó đảm bảo hạn chế lạm quyền (nguyên tắc lập pháp Hoa Kỳ đã nói: Mọi chính quyền đều có xu hướng lạm quyền và lộng quyền, vì vậy cần thiết lập một thiết chế TAM QUYỀN PHÂN LẬP). Các nước thiết chế Tam quyền cũng có lạm quyền, nhưng với thiết chế Tam quyền như vậy, tiêu cực dễ phơi bày ra ánh sáng hơn, dễ thực thi công lý hơn, chứ không khó khăn như cơ chế Tập trung Dân chủ, thể hiện rõ ở một Điều lệ quy định về bảo lưu ý kiến chỉ trích cấm phổ biến cũng như các điều quỵ đinh về quyền hành của người đứng đầu là Bí thư về tổ chức đối với nhân sự các cấp các cơ quan cả 3 mảng Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, dẫu rằng trong Đảng đã có phân công riêng Ban chấp hành, ban kiểm tra, ban Bí thư, đều đặt dưới quyền của Bí thư.
Về tính chuyên trách của Đại biểu lập pháp (Đại biểu Quốc hội, Nghị sỹ) thì ta thua xa họ. Ở ta Nghị chuyên trách ít quá, kiêm nhiệm nhiều, làm sao nổi, việc một vị vừa Bí thư tỉnh uỷ, đương nhiên kiêm Bí thư Đảng uỷ của cơ quan quân sự cấp tỉnh luôn, Đảng uỷ viên quân khu luôn, vừa chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, vừa là Đại biểu Quốc hội, mà tỉnh thì ở xa Thủ đô tận miền Tây Nam Bộ, kỳ họp ra Hà Nội mất nhiều ngày, có việc ở tỉnh thì tỉnh cho người bay ra trình ký. Xa tỉnh lâu ngày, họp hành dự thảo Luật việc lại nhiều như thế, biết có ký cho chuẩn không. Tiền nhân viên bay ra bay vào cũng từ ngân sách thuế dân mà ra. Rõ là thua xa những ông bà Nghị chuyên trách của nước người ta rồi.
Vài lời như thế âu cũng là nỗi băn khoăn của không ít công chức nơi các địa phương bây giờ, nghe nhiều biết có nhiều. Và, đôi lúc ngẫm câu của Marx, nói khi xã hội con người phát triển đến mức độ nhất định, Nhà nước sẽ dần teo lại và tiêu vong, thì Hoa Kỳ cũng có câu “Nhà nước ít cai trị nhất là Nhà nước tốt nhất“. Thực tế ở ta thì có lắm Bộ, ví như có Bộ phụ trách về Văn hoá, ôm nhiều việc, mà nhiều nước khác không có, giao hết cho tư nhân. Hay chăng họ làm giống Marx hơn ta. Không khéo mấy nước đó nó tiến lên XHCN trước mấy nước quá độ như nước ta ấy chứ.
0
0
 
Rate This