Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn hài nhi


Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn hài nhi
VNN - Hơn 42.200 hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại hai nghĩa trang bào thai ở Thừa Thiên – Huế. Những dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những ngôi mộ tí xíu vô danh khiến người đọc phải lặng người…
 
LTS: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đã lên đến mức báo động khi liên tục trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là nước đứng trong top 10 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Tỷ lệ này ngày càng gia tăng nhanh ở lứa tuổi vị thành niên. Song song với tình trạng này thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao, trong đó các lý do liên quan đến vấn đề nạo hút thai xuất hiện ngày càng nhiều.
Báo chí, các diễn đàn trực tuyến đã có nhiều bài viết mô tả về thực trạng đau lòng này nhưng tình hình không có dấu hiệu được cải thiện.
VietNamNet khởi đăng những câu chuyện chất chứa nỗi đau về các thai nhi bị bỏ rơi, những dằn vặt, day dứt của những người khốn khổ chạy chữa vô sinh vì nạo phá thai với hi vọng có thể tạo ra một sự thay đổi nhất định nào đó về nhận thức cũng hành vi của cộng đồng đối với hậu quả của tình dục không an toàn và nạo hút thai tràn lan.

“Ngọn nến hồng chưa kịp sáng lung linh”
Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những bào thai tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự bị choáng ngợp, nhưng quặn đau trước sự rộng lớn của nó.
Hàng ngàn nấm mộ của hơn 42.200 sinh linh bị chối bỏ được chôn cất ở nghĩa trang bào thai Anh Hài (Thừa Thiên - Huế)
 
Nghĩa trang hài nhi nằm tựa lưng vào làng Ngọc Hồ. Giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn dẫn lên nghĩa trang.
Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây thánh giá cắm ở đầu mộ.
Ở góc cuối nghĩa trang, hai người đàn ông đang hì hục đào xuống lớp đá, đất cằn cỗi. Đó là anh Trương Văn Năng (50 tuổi) và Tống Viết Hiếu (47 tuổi), những người trông coi nghĩa trang này.
Các anh nhẹ nhàng đặt 12 sinh linh được gói ghém kỹ, lấp đất xuống, cắm lên trên 3 que nhang và cầu nguyện.
Đã chứng kiến nhiều đám chôn cất, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xót xa bằng buổi “hạ huyệt” này, khi không hề có trống, kèn, vòng hoa, lời than khóc. Bên cạnh huyệt chôn, còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn để chờ an táng cho những hài nhi mới.
Anh Năng dẫn tôi đi lần lượt hết ba quả đồi với chi chít những ngôi mộ, rồi dừng lại ở tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần ở giữa nghĩa trang. Phía hai bên, có những bia đá khắc những dòng thơ như tiếng kêu cứu của hàng vạn thai nhi bị cha mẹ chối bỏ khi chưa kịp lọt lòng:
“Em là thai nhi vô tội
Hiện thân là buồn tủi
Tình yêu tắt lịm rồi
Núi đồi xa xôi
Một đêm lạnh trời sương
Em vấp ngã nơi đây
Em thiếp ngủ không hay
Lá rụng che phủ đầy...”
(Linh mục Phaolo, 11/4/2008)
Tôi không biết em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi...”
Ngoài nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng ở Huế, thì ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có một nghĩa trang hài nhi với tên gọi Đồng Nhi và đặc biệt là ở thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng có một nghĩa trang tương tự với khoảng hơn 1 vạn ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Nghĩa trang này được linh mục Nguyễn Văn An ở nhà thờ Đức An (TP Pleiku) khai sinh và trông coi từ năm 1992, nhưng nó chỉ thực sự trở nên 'nổi tiếng' sau khi đón một hài nhi bị bỏ rơi vào đúng dịp Trung thu năm 2004.
Báo Thanh Niên (trong một phóng sự năm 2008) từng kể lại rằng, hài nhi đặc biệt với đủ hình hài này được đưa đến linh mục Nguyễn Văn An và được đặt lên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đã đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của vị linh mục. Đó là hành động duy nhất của đứa trẻ xấu số trước khi từ giã cõi đời…
Câu chuyện của hài nhi mang tên Trung Thu đã gây ra bao xúc động. Có người biết chuyện không giấu được cảm xúc, đã viết nên bài thơ ai oán:
“Con không có lời ru
Đưa con vào cuộc đời
để con được làm người
Con không còn tiếng khóc chào đời
và làm người như bao người.
 
Xin thắp lên cho con một ngọn nến,
một nén nhang
cho lòng con được ấm lên
trong lòng đất lạnh tình người.

Xin cắm cho con một cành hoa
và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.
.........
 
Xin hãy thương con, đừng bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi! …”
Có ngày chôn tới 20 hài nhi vô tội
Anh Năng, người trông coi nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Nghĩa trang ra đời ngày 2/2/1992, do một số linh mục Giáo phận Huế thành lập.
Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa những quả đồi hoang vắng. Trên các cây thành giá chỉ kịp khắc ghi ngày các em về với đất ....
 
Khi đó, đời sống xã hội phát triển, những nhu cầu dục vọng, tình yêu đôi lứa phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng nạo phá thai lớn. Một số linh mục nghĩ đến việc đi nhặt những bào thai mang về chôn và khi giáo phận thành lập Ban Bác ái xã hội thì nghĩa trang do Ban chăm sóc.
Ngày càng có nhiều bào thai được chôn ở đây và đến nay đã được hơn 42.000. Đây là nghĩa trang bào thai đầu tiên tại Việt Nam và hiện tại là lớn nhất miền Trung.
Những năm đầu tiên, mỗi thai nhi chỉ là một nấm mồ bằng đất sơ sài. Nhờ tấm lòng thiện nguyện của Hội Bác ái xã hội và những nhà hảo tâm, nay mộ được xây bằng bê tông. Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có lúc 20 em/ngày được chôn ở đây. Để giảm kinh phí và diện tích đất chôn, những người phụ trách quyết định xây một mộ một tuần và hàng chục hài nhi được chôn chung một mộ.
Ngày nào anh Năng cũng “hạ sơn”, lặn lội qua đò trên sông Hương rồi về TP Huế dạy thêm môn Anh văn cho học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập.
Chiều tối về nhà, 'hành trang' của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác... 
Gần 19 năm qua, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón nhận hơn 2.000 bào thai. Riêng năm 2009 đã có gần 3.000 thai nhi. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai, bởi còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng ta không thể nào biết hết được.
Nguyên Bình – Cẩm Quyên

Hậu họa khủng khiếp sau những lần phá thai
– Trong khi có biết bao thai nhi bị chối bỏ quyền làm người thì trên khắp đất nước này, hàng ngày hàng giờ vẫn có những người cha, người mẹ khát khao có được một đứa con. Trong số những người “kém may mắn” này, cũng có không ít người từng có một quá khứ “tơi bời khói lửa” vì đã phá thai không chỉ 1 lần.
Nghịch cảnh gần nhất ai cũng có thể chứng kiến là ngay tại một bệnh viện phụ sản (như Bệnh viện Phụ sản Trung ương chẳng hạn), trong khi Trung tâm hỗ trợ sinh sản hàng ngày tiếp nhận những cặp vợ chồng kiên trì đeo đuổi chữa trị vô sinh, thì ngay bên cạnh là khoa Kế hoạch hóa gia đình, mỗi ngày vài chục thai nhi vô tội phải giã từ cuộc sống.
Thụ tinh ngoài ống nghiệm 8 lần mới thành công
Do nạo hút thai 3 lần trước khi lập gia đình nên đến mãi 4 năm sau khi cưới chị T. (28 tuổi, đến từ Hà Nội) vẫn chưa có con. Lo lắng, sốt ruột trước sức ép của chính bản thân, của chồng cũng như toàn thể gia đình nhà chồng, chị T. đã đi khám ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Quá khứ nạo hút thai "hoành tráng" đã khiến nhiều người khốn đốn khi muốn có một đứa con về sau (Ảnh: C.Q)

Tại đây, quá trình tìm hiểu bệnh sử của chị T. đã ghi nhận một quá khứ khá “hoành tráng” với 3 lần phá thai (đều với người yêu cũ) trước khi chị kịp bước sang tuổi 24 và lấy chồng. Những tổn thương, di chứng do những lần phá thai trong quá khứ giờ hiển hiện rõ trong cuộc sống của chị: Vòi trứng (nơi trứng gặp tinh trùng và thụ tinh) bị tắc, tử cung (nơi phôi làm tổ) bị dính chặt vào nhau do các vết thương sau khi nạo thai tạo nên.
Theo các bác sỹ sản khoa, cơ chế tắc vòi trứng, dính tử cung xảy ra rất dễ dàng với người nạo hút thai: Quá trình đưa các dụng cụ y tế vào tử cung để lấy thai ra có thể gây ra những vấn đề viêm nhiễm do dụng cụ chưa vô khuẩn, bác sỹ làm hơi “mạnh tay” để đảm bảo một lần là xong (hoặc cũng có người bị sót, phải làm đi làm lại nhiều lần). Những tác động như vậy gây cho tử cung những vết thương và khi biến thành sẹo, thành các vết thương có thể bị dính vào nhau, gây dính tử cung.
Chồng chị T. đi cùng cũng chỉ được thông báo là vợ khó sinh con do tử cung bị dính, vòi trứng bị tắc chứ tuyệt nhiên không biết vì sao vợ lại bị như vậy. Các bác sĩ cho biết khai thác tiền sử sức khỏe bệnh nhân là điều quan trọng nhưng tất cả được giữ bí mật tuyệt đối (nhất là với chồng) theo yêu cầu của người bệnh.
Với trường hợp như của chị T., các bác sĩ phải phẫu thuật nội soi tách vòi trứng, tách buồng tử cung nhưng kết quả là chị T. phải thụ tinh ngoài ống nghiệm rồi đưa phôi vào trong chứ không thể có thai theo cách tự nhiên được (bởi chị phải cắt bỏ vòi trứng do viêm nhiễm).
Nhưng khổ nỗi, cứ đưa phôi vào trong lần nào là lần ấy thất bại (có lần thai đã được 22 tuần nhưng vẫn không thành công). Phải ròng rã, kiên trì đến lần thứ 8, chị T. mới thỏa khao khát làm mẹ.
Lý giải nguyên nhân của 7 lần thất bại, các bác sĩ của Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong số đó là do tử cung quá yếu nên không thể giữ phôi được”. Thành tử cung yếu là hậu quả của việc bệnh nhân đã phá thai nhiều lần (thực tế là 3 lần).
Tinh thần bị dày vò
  Những người tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản TW) thường tỏ ra rất hối hận, ăn năn, day dứt về việc đã phá thai trong quá khứ (có người phá nhiều lần trước khi thực sự muốn có con).
Giá mỗi lần mổ nội soi tách vòi trứng, tử cung rơi vào khoảng 10 triệu đồng. Giá mỗi lần thụ tinh ngoài ống nghiệm khoảng trên 40 triệu đồng (chưa kể các chi phí phụ phát sinh).
Như vậy, cứ mỗi lần thụ tinh thất bại, chị T. chấp nhận mất tất cả số tiền bỏ ra. Để có được một đứa con, chỉ tính riêng thiệt hại về tiền của đã lên tới ngót nghét 400 triệu đồng (tính chưa đầy đủ)!
Nhưng những thiệt hại về vật chất như trên không sao so sánh được với nỗi khổ về tinh thần. Bác sỹ, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, người đi chữa vô sinh thường có tâm trạng rất nặng nề.
Họ đứng trước quá nhiều áp lực (từ bản thân, chồng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, dư luận, vv…). Thậm chí có người còn tuyên bố sẽ bỏ vợ 'nếu chạy chữa nốt lần này' mà không thành công.
“Điều đó gây ra nỗi ám ảnh cho người phụ nữ”, bác sĩ Hợi nói.
Những người tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản – nơi bác sĩ Hợi đang công tác – thường tỏ ra rất hối hận, ăn năn, day dứt về việc đã phá thai trong quá khứ (có người phá nhiều lần trước khi thực sự muốn có con).
“Họ thường nói biết thế này thì ngày xưa em không làm như thế nữa, hoặc những câu có ý đại loại như vậy. Ngay sáng nay thôi tôi cũng vừa tiếp một bạn còn rất trẻ, đã phá thai một lần và đã lấy chồng mới nhưng không có con. Bạn ấy rất đau khổ, ân hận”, bác sĩ Hợi kể lại.
Ai cũng có thể bị vô sinh, nếu...
Nạo hút thai ở các cơ sở y tế không đảm bảo sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ sinh sản về sau (Ảnh minh hoạ: T.Hà)
 
Theo bác sỹ Hợi, nạo phá thai có một hậu quả là có thể khiến vòi trứng (là nơi trứng được thụ tinh), buồng tử cung (là nơi phôi thai làm tổ) bị dính. Nạo hút càng nhiều thì khả năng bị dính càng cao.
Điều khó khăn nằm ở chỗ nếu biết sớm sẽ xử lý tách dính sớm thì càng tốt, nhưng không ai tự biết tử cung hay vòi trứng bị dính cho đến khi thấy mình không thể có con.
Nhiều trường hợp để dính quá lâu hoặc để vòi trứng bị viêm, ứ nước rồi phồng ra, bên trong chứa đầy dịch, mủ khiến các bác sỹ không thể nội soi tách dính thành công mà chỉ có một cách cắt cả vòi trứng đi.
Điều này chứng tỏ người phụ nữ có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình và bạn tình cũng có những cách quan hệ không lành mạnh. Nó không chỉ gây viêm nhiễm thông thường mà còn gây viêm ngược dòng vào sâu bên trong gây viêm nhiễm nặng (có người còn bị viêm dính ổ bụng do nhiễm vi khuẩn Chlamydia – một loại vi khuẩn lây qua đường tình dục, gây dính tử cung).
Với việc cắt cả vòi trứng đi như vậy, người phụ nữ này sẽ không thể sinh con theo đường tự nhiên mà phải thụ tinh ngoài ống nghiệm rồi cấy vào tử cung.
“Nhiều trường hợp vì không cắt vòi trứng nên khi cấy phôi vào, phôi không thể phát triển bởi dịch và mủ trong đó quá độc”, bác sỹ Hợi nói.
Điều đáng buồn là trong số yếu tố vô sinh do dính tử cung, tắc vòi trứng (chiếm đến 60% trong tổng số các nguyên nhân gây vô sinh ở nữ) thì hầu hết những người rơi vào trường hợp này đã từng phá thai ít nhất 1 lần. Do nạo phá thai ở các cơ sở hoạt động lén lút nên đã gây ra biến chứng nguy hiểm.
“Tắc vòi trứng, dính tử cung sau khi nạo thai sẽ không loại trừ ai cả. Ai cũng có khả năng gặp những vấn đề này, nếu người nạo hút nhiều thì nguy cơ càng cao”, bác sĩ Hợi cho biết.
Tỷ lệ vô sinh tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ phá thai
- Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2008, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam là 29/100 trẻ em sống.
- Theo Hội nghị sản phụ khoa Toàn quốc lần thứ 10 (14/5/2010), người trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam đã phá thai là 2,4%; 90% vị thành niên không biết độ tuổi thích hợp để có thai; 61% trẻ vị thành niên không biết thời điểm dễ bị mang thai; 50% vị thành niên không biết biện pháp tránh thai.
- Đặc điểm của vị thành niên là có xu hướng ham muốn cao và biến nó thành hành động. Trong những ham muốn thể chất thì ham muốn tình dục dễ giải tỏa và phóng túng nhất.
- Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Cẩm Quyên


Vật vã trước mộ hài nhi xin con tha thứ

Có nhiều cặp vợ chồng vô sinh đã “vái tứ phương” để cầu mong có con, trong đó có cả việc cúng lễ ở chùa chiền linh thiêng. Nhưng ít ai biết rằng, ngay tại những nghĩa trang hài nhi lạnh lẽo, thi thoảng lại bắt gặp những người phụ nữ len lén tìm đến thắp hương, rồi khóc lóc vật vã trên một ngôi mộ vô danh nào đó, như một cách để bày tỏ sự ân hận, dù muộn màng…
Khóc cả ngày trước nấm mồ vô danh
Giữa hàng nghìn ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang hài nhi Anh Hài ở Thừa Thiên - Huế, một số người vẫn nhận ra được phần mộ của con mình, bởi vì sau khi tiếp nhận và tiến hành chôn cất, anh Trương Văn Năng và anh Tống Viết Hiếu (2 người trông coi nghĩa trang) đều ghi rõ thông tin ngày tháng, địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có.. vào trong những cuốn sổ...
Có những người phụ nữ trẻ lặng lẽ tìm đến những ngôi mộ vô danh này và ngồi khóc cả ngày trời...
Trong hơn 40 ngàn ngôi mộ bé xíu lọt thỏm giữa các quả đồi, có những ngôi mộ trở nên khác biệt khi được cắm hoa cúc vàng, có bát nhang trên đầu, đỡ lạnh lẽo hơn hẳn. Đấy là những ngôi mộ được cha mẹ của các thai nhi nhận ra...
Lật giở chồng sổ ghi chép thông tin về những hài nhi xấu số, hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy tên tuổi của những ông bố, bà mẹ. Những cuốn sổ tử này, quản trang đã đều đặn ghi chép hàng ngày suốt gần 19 năm qua và giữ gìn nó cẩn thận trên bàn thờ giá thánh ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
 
Danh sách hài nhi được ghi vào trong sổ từ những năm đầu tiên. Các em không có tên tuổi, không có cha mẹ, chỉ có thông tin về nơi nhặt được và ngày về với đất…
Anh Trương Văn Năng kể rằng, anh đã tiếp nhận và an táng cho nhiều thai nhi đã được 7, 8 tháng tuổi, đã nguyên vẹn hình hài, chuẩn bị chào đời nhưng cha mẹ vẫn vô tâm phá bỏ...
“Tôi từng chứng kiến người ta nạo phá thai. Đó là một loại thuốc được tiêm vào người phụ nữ để làm chết bào thai. Và một loại thuốc khác được tiêm vào làm cho cơ thể thai nhi nhỏ lại, dễ dàng ra khỏi người mẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nạo phá thai, bỏ con đi và nhiều bậc cha mẹ biện minh, lý giải cho hành động của mình, nhưng chung quy lại thì đó là việc tước đoạt quyền làm người của một kiếp người”, anh Năng nói.
  "Ngày nào nơi đây cũng chứng kiến có những người phụ nữ trẻ lên nghĩa trang ngồi khóc cả ngày bên một ngôi mộ nào đó, đến khi thấy người lạ ra vào thì len lén ngoảnh mặt đi. Cũng có người không tìm thấy mộ con mình đành thắp nhang cho hàng trăm ngôi mộ rồi lầm lũi ra về"

Anh Tống Viết Hiếu


Theo anh Năng, việc làm này khiến họ ân hận, day dứt. Trong số những người từng rũ bỏ giọt máu của mình, anh tin là có không ít người đã âm thầm, lặng lẽ quay trở lại nghĩa trang này vào những lúc ít người biết nhất…
Trời nhá nhem tối, chúng tôi rời nghĩa trang ra về thì thấy một đôi nam nữ đang cầm bó nhang và mấy bông cúc vàng đến.
Anh Năng bảo, thỉnh thoảng vẫn có những bậc cha mẹ đến đây tạ lỗi, sám hối và chăm sóc con mình. Có những người chỉ đến xem để cho biết. Thậm chí, có nhiều sinh viên, thanh niên nam nữ đến đây để học “bảo vệ sự sống” từ những nấm mồ vô tội.
Đặc biệt, có một số người vô sinh, hiếm muộn đến để thắp hương, cầu nguyện cho các em và cho bản thân mình được may mắn.
“Một số người hiếm muộn sau khi lên nghĩa trang về đã có được con cái như mong muốn. Có thể do họ được điều trị sức khỏe, uống thuốc đúng cách nhưng họ nói cũng rất có niềm tin vào những linh hồn hài nhi bé bỏng” – anh Tống Viết Hiếu bật mí.
Anh Hiếu kể, hàng ngày vẫn có một số người đến gặp anh để hỏi về tung tích, nguồn gốc những ngôi mộ. Một số người đến xin xác hài nhi về chôn cất, thờ cúng nhưng các anh kiên quyết từ chối.
“Họ đã nhẫn tâm vứt bỏ đứa con thì giờ có đưa về cũng vô ích. Để cho các em cùng chung sống với nhau ở nghĩa trang thì tốt hơn” – anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho biết: khi những người cha, người mẹ tìm đến nghĩa trang hài nhi để thăm những đứa con vô danh mà một trong số đó là con của mình, các anh không oán trách hay 'buộc tội'…
“Nhiều lúc, tôi bắt gặp chỉ toàn nước mắt và sự im lặng. Cuộc đời ai cũng có lỗi lầm. Điều quan trọng là biết nhận lỗi và sửa lỗi, tránh lặp lại những lần sau. Khi đến nghĩa trang, họ thường có hai tâm trạng đó là thương con và lo sợ, vì nghĩ đến việc mình gieo nhân gì thì sẽ gặp quả nấy” – anh Hiếu nói…
Tình thương xoa dịu nỗi đau
Để có được nghĩa trang 'bề thế' như bây giờ, anh Trương Văn Năng, anh Tống Viết Hiếu, dân làng Ngọc Hồ, Hội Bác ái xã hội và những người thiện nguyện đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để gom từng xác hài nhi đưa đi chôn cất.
Số phận những hài nhi bị từ chối quyền làm người giờ đây được những trái tim nhân hậu yêu thương, chăm sóc tận tình.
Công việc hàng ngày của anh Hiếu, anh Năng là chăm sóc những ngôi mộ vô danh tội nghiệp
Anh Hiếu, anh Năng gắn bó cuộc đời mình với nghĩa trang từ ngày 2/2/1992 đến nay. Anh Năng cùng vợ con làm ruộng, chăm sóc 1,5ha rừng cây, đất vườn để mưu sinh. Công việc tất bật là vậy, nhưng khi có người mang xác hài nhi đến, anh gác lại hết và cùng anh Hiếu mang đi chôn.
Khi bào thai quá nhiều, đất nghĩa trang có hạn nên các anh đã phát hoang đồi núi, san lấp để nghĩa trang được rộng ra. Người vợ cùng 6 đứa con cũng phụ giúp cha chăm sóc nghĩa trang.
“Tôi nguyện gắn bó suốt đời với nghĩa trang và con cháu tôi sau này cũng vậy” – anh Năng tâm nguyện.
Ngoài việc dạy học, anh chăm sóc gần 1ha đất rừng và cây ăn quả trong vườn để mưu sinh. Vợ anh là giáo viên cấp 1 ở xã nhà cũng hết lòng ủng hộ chồng công việc chăm sóc nghĩa trang. Ngày quần quật mưu sinh và chăm sóc cho những linh hồn xấu số, tối về, vợ chồng anh căng sức ra để chăm sóc đứa con gái 6 tuổi bị bệnh máu tan.
Những năm đầu tiên, công việc gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Lúc đó, các anh chỉ biết đi đò và đi bộ xuống thành phố. Có những đêm khuya, không có đò, các anh phải bơi sang sông để đưa những hài nhi về kịp an táng trước lúc trời sáng.
“Lúc đó, chỉ nghĩ đến việc làm cách nào chôn xác các em càng sớm càng tốt kẻo xác bị ôi thiu và tâm hồn các em lạnh lẽo” – anh Hiếu chia sẻ.
Nguyên Bình

Tâm sự trĩu nặng của BS chuyên nghề phá thai
– 34 năm trong nghề, công việc chuyên môn về sản khoa đã khiến bác sỹ Lê Thị Kim Dung có cơ hội tiếp xúc với hàng chục ngàn bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ở mọi hoàn cảnh trong xã hội. Đến nay, bác sỹ Dung không thể nhớ được đã 'giúp' bao nhiêu người phá thai, nhưng vẫn nhớ như in những cảm xúc nặng trĩu, những cuộc tranh đấu tư tưởng trước khi bắt đầu làm công việc mà nhiều người duy tâm đã cho là “thất đức” này.
"Nặng nề"
 

Bác sỹ Lê Thị Kim Dung đang trò chuyện với bệnh nhân tại phòng khám của mình (Ảnh: Đất Việt)
“Nặng nề” là cụm từ duy nhất bác sỹ Dung mô tả về những thầy thuốc làm công việc liên quan đến chuyện phá thai, đặc biệt là với những người mới vào nghề và phải tiếp xúc ngay với một lĩnh vực “nhạy cảm”, chất chứa nhiều chuyện riêng tư oái oăm và đau lòng này.
“Cũng có người coi chuyện phá thai là chuyện bình thường. Nhưng tôi biết là có nhiều bác sỹ, nhất là những bác sỹ lớn tuổi, họ thường nghĩ về vấn đề tâm linh trong công việc của mình. Tội sát sinh lớn nhất là sát sinh con người. Với người thầy thuốc, việc phá thai thường xuyên cho người bệnh về bản chất cũng chính là chuyện sát sinh đó thôi”, bác sỹ Dung chia sẻ.
Theo thời gian và trải qua quá nhiều ca nạo hút thai, cảm giác “nặng nề” không nhạt đi, chỉ khiến bác sỹ phụ sản như bác sỹ Dung không còn nghĩ nhiều đến nó nữa (dù nó vẫn thường trực trong lòng).
Tuy vậy, ít ai biết rằng, trước khi thực sự bước vào nghề này, bác sỹ Dung đã trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng dai dẳng.
Có những giai đoạn cuộc sống riêng tư gặp nhiều sóng gió, nữ bác sỹ này đã chột dạ tự vấn: “Hay tại mình phá thai cho nhiều người quá nên giờ phải trả nghiệp?”. Suy nghĩ này càng có sức nặng bởi có đồng nghiệp của bác sỹ Dung đã nhất quyết không bao giờ làm thủ thuật phá thai cho bất kỳ một người nào sau khi người này sinh ra một đứa con mắc bệnh tự kỷ.
“Họ cho đó là sự trả giá với nghề nghiệp của mình. Nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, có nhiều thầy thuốc phá thai cho rất nhiều người, nhưng cuộc sống của họ vẫn êm ả. Nhưng có nhiều người không phá thai cho ai mà cuộc sống vẫn gặp nhiều sóng gió. Vậy phải nghĩ như thế nào về chuyện này? Phá thai có lẽ không phải yếu tố để cuộc sống người thầy thuốc trở nên liêu xiêu”, bác sỹ Dung tự hỏi, rồi lại tự trả lời.
Có quyền từ chối phá thai, nhưng không thể…
Thực ra, với một bác sỹ có phòng khám tư như bác sỹ Dung, họ hoàn toàn có thể từ chối phá thai nếu không muốn mang tiếng “sát sinh” (điều này khác với việc làm trong bệnh viện, bởi nếu làm trong bệnh viện thì đó là công việc bắt buộc bệnh viện giao cho và người bác sỹ phải hoàn thành).
Tuy luôn cản trở hành động phá thai của những người phụ nữ tìm đến với mình, nhưng từ trong thâm tâm, bác sỹ Dung tự biết là một khi người ta tìm đến nhờ phá thai giúp, thì mình gần như không có lựa chọn nào khác là phải giúp họ.
Khi có bệnh nhân tìm đến xin được phá thai, dù day dứt nhưng người thầy thuốc hầu như không có lựa chọn nào khác là đồng ý (Ảnh minh hoạ: camnanggiadinh)

Vị bác sỹ đưa ra những lý giải để tự thuyết phục mình làm cái công việc mà mình không muốn:
Thứ nhất: Nếu mình làm tốt hơn nơi khác mà mình từ chối làm thì người mẹ đó sẽ vẫn tìm dứt khoát đến một nơi khác để giải quyết nhu cầu. Việc đó có tội không?
Thứ hai: Nếu bị từ chối, người phụ nữ đó có thể ngại ngùng xấu hổ không dám đến chỗ khác mà tự mua thuốc lăng nhăng về uống để cho thai ra, hoàn toàn không có tư vấn và có thể gây ra hậu quả đau lòng cho cả người mẹ. Việc đó có tội không?
Thứ 3: Có nhiều người “dọa” sẽ tự tử nếu bác sỹ không đồng ý phá thai cho họ (và có người đã làm thật trong lúc quẫn trí). Mâu thuẫn này nên được giải quyết thế nào?
Thứ 4: Nếu cả 3 điều trên không xảy ra, người mẹ giữ lại con để đẻ thì liệu họ có thể nuôi con khi đang đi học? Về lý thuyết thì 'trời sinh voi trời sinh cỏ', nhưng nó sẽ mang lại những hệ lụy cho cả xã hội. Nếu có thể chấp nhận nuôi con một mình và vượt qua mọi chuyện, thì việc đó cũng là một thách thức rất lớn, không ai cũng có thể làm được.
Và trên hết, như để tự “trấn an” mình, bác sỹ Dung luôn nghĩ “quyết định tự nguyện phá thai 90% là của người mẹ, thầy thuốc không phải người xúi giục. Lúc nào thầy thuốc cũng khuyên nên giữ thai lại, nhưng khuyên không nổi nữa thì mới phải “tiếp tay” và ngẫu nhiên trở thành “đao phủ”. Dù chỉ là “đao phủ” bất đắc dĩ, nhưng trong đáy lòng, bà vẫn luôn tự vấn: “Cái tội của mình như thế có lớn không?”.
Vừa giận, vừa thương
Bất kỳ ai tìm đến phòng khám đề nghị được phá thai đều được bác sỹ Dung hỏi câu hỏi đầu tiên là: “Tại sao lại phá?”.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phổ biến nhất là những lý do như: Cháu đang đi học/Cháu chưa có công ăn việc làm ổn định/Anh ấy không cưới cháu, v..v… thậm chí có trường hợp nói dối rằng “Cháu bị hiếp”.
Sau khi nghe những lời thổ lộ này, việc tiếp theo bác sỹ Dung làm là khuyên ngăn nên làm tất cả mọi cách để có thể giữ lại đứa con đang phát triển bình thường, khỏe mạnh trong bụng.
“Cũng có những trường hợp phá thai chưa hẳn là xấu, nhưng với lương tâm của người mẹ, người thầy thuốc, lúc nào tôi cũng muốn người bệnh của mình không bị ám ảnh về chuyện bỏ con”, bác sỹ Dung cho biết.
Điều “oái oăm” nhất của một bác sỹ làm nghề phá thai như bác sỹ Dung là dù một mực khuyên can bệnh nhân đừng bỏ thai, nhưng một khi đã thực hiện thủ thuật là bác sỹ Dung sẽ lấy tiền thật đắt (và công khai mức tiền này trước khi phá).
“Tôi muốn cho họ thấy rằng họ phải trả giá, bằng cả tinh thần lần vật chất. Nếu thấy phá thai rẻ quá thì có thể sẽ có lần họ lại tìm đến mình, nhưng nếu đắt quá thì mỗi lần họ định quan hệ với ai đó là phải nghĩ đến chuyện phòng tránh”, bác sỹ Dung nói.
Cảm giác của bác sỹ Dung đối với những cô gái đến phá thai là vừa thương vừa giận. Thương vì có những người quá non trẻ ngây ngô, chỉ vì một phút bốc đồng mà gánh hậu quả; thương vì có những hoàn cảnh (dù không nói hết ra) nhưng bằng cảm nhận của một người phụ nữ, bác sỹ Dung hiểu phá thai là việc cực chẳng đã của bất kỳ một người mẹ nào.
Nhưng bà cũng giận, trách móc những người đã trót dại 1 lần vì thiếu hiểu biết, nhưng vẫn tiếp tục phá thai đến 3, 4 lần sau (trong cùng một năm trời)… Chuyện đó quả thực không thể chấp nhận được…
Bác sỹ Lê Thị Kim Dung tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1977 và về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đến năm 1988. Hiện bác sỹ Dung là Phó Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản (RAFH), Phụ trách khoa sản của Trung tâm y tế 178 Thái Hà (Hà Nội) và là chủ phòng khám tư nhân tại nhà riêng trên phố Thái Hà.
Cẩm Quyên


Đăng bỡi: Tranhun

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét