Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Hiện tượng nứt đất ở Di Linh có làm cho các vị cầm quyền tính trước những hiểm họa?

Đăng bởi bauxitevn on 07/05/2011
Cần nhớ rằng Di Linh nằm sát với Bảo Lâm, một huyện mới, có Tân Rai là nơi đặt hồ chứa bùn đỏ của dự án khai thác bauxite. Theo ý kiến của TS Lĩnh về hiện tượng nứt đất hàng loạt trên diện rộng trên địa bàn Di Linh, tuy không gây ra động đất nhưng nứt đất loại này tạo năng lượng cực lớn, có thể cắt qua và gây sụp vỡ bất kỳ kết cấu nào dù là tự nhiên hay nhân tạo. Các nhà khoa học thống nhất rằng hiện tượng nứt đất ở Di Linh cho thấy vùng đất núi lửa Tây Nguyên vẫn đang “cựa quậy”.
Không biết các chuyên gia TKV đã tính đến phương án dự phòng cho hồ chứa bùn đỏ về một khả năng nứt đất kiểu này chưa? Xin nhắc lại, lời TS Lĩnh: nứt đất như ở Di Linh là có thể gây sụp vỡ BẤT KỲ một kết cấu nào dù là tự nhiên hay nhân tạo.
Nếu không sớm lo tính, dân đen chúng tôi đành khẩn thiết xin TKV chỉ định cho một người hay một nhóm người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm (có thể con cháu họ cũng được, vì bây giờ hiện tượng cha thôi chức con thế vào là thường lắm rồi, có xấu hổ gì nữa, thì trường hợp “cha ăn ăn ốc con đổ vỏ” cũng phải coi là hợp lẽ chứ) để chúng tôi còn biết đàng mà lần trong trường hợp có xảy ra chuyện gì đấy, chứ nói mạnh mồm lúc sự cố chưa đến thì ai mà chả nói được. Kẻo khi các vị đã “hạ cánh an toàn rồi” chúng tôi còn biết bấu víu vào đâu?
Bauxite Việt Nam
Nứt đất ở Di Linh tạo năng lượng cực lớn
Hiện tượng nứt đất ở Di Linh – Lâm Đồng không phải do bơm hút nước ngầm mà là do hoạt động trượt êm của đứt gãy đang hoạt động dưới sâu.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), lý giải thị trấn Di Linh nằm trực tiếp trên lớp đất đỏ basalt nên dù bơm hút nước ngầm nhiều cũng không thể sụt lún gây nứt đất trên bề mặt.

Vết nứt trên đường Hai Bà Trưng (khu phố I, thị trấn Di Linh). Ảnh: Báo Lâm Đồng
 
Mặt khác, nứt đất liên quan đến bơm hút nước ngầm thường có dạng vòng cung bao quanh tâm sụt lún. Trong khi đó, dải nứt đất ở Di Linh dạng tuyến, cắt qua tất cả các loại vật cản trên đường đi của nó. Như vậy, đây là hệ thống khe nứt tách giãn, liên quan đến hoạt động trượt êm không động đất của đứt gãy đang hoạt động dưới sâu.
Còn theo TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, nhận xét nứt đất tại Di Linh có liên quan đến đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp đang hoạt động trở lại.
TS Lĩnh phân tích thêm tuy không gây ra động đất nhưng nứt đất loại này tạo năng lượng cực lớn, có thể cắt qua và gây sụp vỡ bất kỳ kết cấu nào dù là tự nhiên hay nhân tạo.
Các nhà khoa học thống nhất rằng hiện tượng nứt đất ở Di Linh cho thấy vùng đất núi lửa Tây Nguyên vẫn đang “cựa quậy”. Vì thế, theo TTXVN, cần giám sát chặt các kho xăng dầu, hóa chất, các trạm xử lý nước thải, đập nước… trên tuyến phát triển của nứt đất ngầm.
B.T.M
2.    Lâm Đồng: Nhiều vết nứt lớn xé toạc mặt đất  
Ngày 3-5, nhiều vết nứt tiếp tục lan rộng từ tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi (khu phố 1, thị trấn Di Linh) và kéo dài vào trong vườn cà phê, đến nền và tường nhà của người dân. 
Theo các hộ dân ở hai bên tuyến đường này, hiện tượng nứt đất xuất hiện cách đây gần 1 tuần và các vết nứt mỗi ngày lại rộng thêm. Hiện đã có gần 20 căn nhà bị ảnh hưởng khiến nhiều người rất hoang mang.

Vết nứt kéo dài từ các vườn cà phê tới đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Tuổi Trẻ
Do bị ảnh hưởng của vết nứt, căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (50 tuổi) đã bị đổ sập vào sáng 1-5. Theo lời bà Huệ, các vết nứt đã xuất hiện trước đó khoảng 3 – 4 ngày ở dưới nền nhà và trên tường. “Khi thấy những vết nứt, tôi cứ nghĩ nhà mình bị hư hỏng nhưng sau đó còn có nhiều hộ khác ở xung quanh cũng bị nứt nên rất hoang mang” – bà Huệ lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Huệ bên căn nhà bị sập. Ảnh: Tuổi Trẻ
Nhiều hộ dân khác ở hai bên tuyến đường này rất lo lắng khi phát hiện nhiều vết nứt trong căn hộ của mình. Tại nhà của ông Võ Minh (47 tuổi), hiện ở góc tường phía sau khu bếp và khu nhà vệ sinh, các vết nứt đã lan rộng hơn 5cm. Trên góc tường gần mái nhà, một vết nứt kéo dài hơn 5m, rộng khoảng 5cm và phần trên bị lệch hẳn ra ngoài. Ông Minh cho biết: “Tuy không nghe chấn động gì nhưng ngày càng thấy vết nứt dài ra và rộng hơn nên tôi rất lo lắng. Tôi sống ở đây đã mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy có hiện tượng này”.
Chiều 3-5, ông Nguyễn Canh, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, tiếp tục đến khảo sát và nắm bắt tình hình này. Theo ông Canh, hiện vụ việc đã được báo cáo cho lãnh đạo tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường để tìm hướng giải quyết. “Trước mắt, chúng tôi đã vận động một số hộ di dời tài sản quan trọng ra khỏi nhà. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn sẽ có phương án di dời họ đến nơi an toàn để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra” – ông Canh nói.
TTXVN dẫn lời ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi Trưởng tỉnh Lâm Đồng, cho biết theo nhận định ban đầu, có thể do nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng khiến bề mặt địa chất bị biến đổi. Trong ngày 4-5, sở sẽ cử đoàn cán bộ xuống tận nơi để khảo sát tình hình và tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

About boxitvn1http://boxitvn1.wordpress.com/2011/05/07/hi%E1%BB%87n-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-n%E1%BB%A9t-d%E1%BA%A5t-%E1%BB%9F-di-linh-co-lam-cho-cac-v%E1%BB%8B-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n-tinh-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%E1%BB%AFng-hi%E1%BB%83m-h%E1%BB%8Da/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét