Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012
Chính chủ bên ta, chính chủ bên tây
Phàm đã là người thì ai cũng phải làm chủ cái gì đó, một giấc mơ của bất kỳ ai sống trên hành tinh này, từ già đến trẻ, người giàu, người nghèo.
Thế nhưng chuyện mua bán xe máy ở ta thủ tục quá rườm rà. Dân ngại thủ tục, thế là họ nhờ “cò mồi” hoặc mua bán trao tay. Mua bán xe ở nước ta rất nhiều trường hợp chỉ làm một miếng giấy bằng cái danh thiếp, ép nilông. Viết bằng bút bi: “Tôi, Nguyễn Văn X, địa chỉ, số CMND... đồng ý bán cho bà Nguyễn Thị Y, địa chỉ, số CMND..., chiếc xe máy có số đăng ký XXX.
Bà Y có toàn quyền sử dụng chiếc xe trên”. Đưa cái đăng ký xe cho bên mua, coi như vụ sang tên đổi chủ đã xong mà không cần pháp luật thừa nhận. Bà Y thấy chán cái xe lại bán tiếp cho cụ S. Cứ thế qua hàng chục lần đổi chủ mà không hề sang tên. Muốn tìm lại chủ đầu tiên để đăng ký cho đàng hoàng thì anh ấy đã sang bên kia thế giới.
Bây giờ cả nước có mấy chục triệu cái xe máy. Tình trạng mua bán xe không cần sang tên đổi chủ không được quản lý chặt chẽ như thời xe đạp nên mới sinh ra chuyện “chính chủ”.
Ngày xưa ít xe còn quản lý dễ, bây giờ lên đến hàng chục triệu xe, nước đến chân mới nhảy thì chắc chắn là muộn rồi.
Mỹ cũng buôn bán... trao tay
Xin viết về cách quản lý sang tên đổi chủ xe hơi bên Mỹ để liệu ta có tham khảo được gì không.
Năm 2004, tôi sang Mỹ mua chiếc Toyota cổ lỗ đã đi được 130.000km, giá 4.500 USD. Khi nhất trí giá cả, tay chủ xe lôi giấy đăng ký xe ra, có đủ thông tin về cái xe, số VIN, địa chỉ của chủ, ghi lên đó vài dòng viết tay.
Nếu không biết, tưởng tay kia bán xe ăn cắp. Hóa ra, giấy đăng ký xe có một vài dòng để trống dành cho người mua. Chủ cũ điền tên người chủ mới, địa chỉ, giá tiền và số kilômet đã đi. Ký xoẹt một phát, thế là người mua lên xe phóng về nhà.
Sau đó, người chủ mới có thể bán tiếp cho người khác và làm tương tự. Tuy nhiên mỗi tờ đăng ký xe chỉ có chỗ cho hai chủ mới. Hết chỗ thì phải ra ban quản lý xe của quận (DMV) xin đăng ký lại.
Điều quan trọng là khi bán xe xong, chủ cũ tháo luôn cái biển số, mang về nộp cho DMV. Không có biển số thì làm sao mà cho xe lưu thông. Thế là chủ mới phải đăng ký xe lại. Vụ sang tên đổi chủ mới chính thức có giá trị. Chủ cũ đã trả biển số xe rồi thì bên DMV hiểu là người đó không còn trách nhiệm với cái xe.
Phí trước bạ, thuế xe sẽ được chính quyền quận gửi thông báo về tận nơi cho chủ mới. Giá trị cái xe được tính theo năm sử dụng, mỗi năm trừ đi một ít, đi nhiều, đi ít không quan trọng. Tùy từng bang mà có mức thuế khác nhau.
Bên Mỹ có chuyện đi xe “không chính chủ” không? Câu trả lời là “có”! Bạn bè cho nhau mượn xe là thường. Quan trọng nhất là cái xe đó phải có bảo hiểm. Trót gây tai nạn thì bên chủ xe phải đứng ra lo với bảo hiểm.
Cảnh sát chỉ cần nhìn biển đăng ký và kiểm tra với dữ liệu trên máy tính gắn trong xe hơi chuyên dụng sẽ tìm ra mấy chục đời chủ của chiếc xe, lịch sử của tài xế, gây tai nạn bao lần, vượt tốc độ mấy lượt. Thoát đằng trời.
Giải pháp là gì?
Đương nhiên, đã là xe thì phải có chủ, có đăng ký đàng hoàng. Người đứng đắn bao giờ cũng muốn sở hữu chiếc xe mang tên mình hẳn hoi. Không ai muốn đi xe mang tên người khác. Nhưng nhìn vào cung cách sang tên đổi chủ hiện nay với bao nhiêu chữ ký, giấy tờ chứng thực, các loại “cửa” thì liệu rằng có ai muốn làm việc đó nữa hay không?
Nên chăng, trước khi tăng khoản tiền phạt lên thật cao như trong nghị định 71 để “chế tài” dân thì nên chuẩn bị cho thật kỹ về cách làm thế nào giúp dân sang tên nhanh nhất, ít tốn kém nhất, thỏa đáng nhất.
Cần phải thay đổi từ giấy đăng ký xe, cách mua bán xe, hệ thống hành chính giúp dân sang tên đổi chủ một cách dễ dàng và thuận tiện thì mới mong chủ trương “xe chính chủ” đi vào cuộc sống.
Singapore bắt 4 công nhân di trú Trung Quốc về tội kích động đình công
Một xe cảnh sát lùi ra khỏi khu nhà ở trong khi các cuộc đàm phán với các tài xế xe buýt vẫn tiếp tục diễn ra bên trong khu nhà, Singapore, 26/11/2012. (REUTERS/Edgar Su)
Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Singapore bắt giữ 4 tài xế xe buýt người Hoa bị cáo buộc là có can dự trong một cuộc đình công hiếm hoi tại quốc gia Đông Nam Á này, xảy ra hồi đầu tuần.
Cảnh sát Singapore bắt 4 công nhân di trú Trung Quốc hôm thứ Tư và thứ Năm, và truy tố các đương sự là xúi giục một cuộc đình công bất hợp pháp, một tội danh có thể bị phạt tù một năm và phạt tiền tối đa 1.000 đô la. Một trong các đương sự bị truy tố thêm về tội phát tán lên mạng những tin nhắn khuyến khích đồng nghiệp đình công.
Bốn người bị bắt nằm trong số 171 tài xế xe buýt người Hoa đã đình công hôm thứ Hai để phản đối việc họ bị trả lương thấp hơn các đồng nghiệp Mã Lai làm cùng một việc tại Tập đoàn Vận tải Singapore (SMRT) do nhà nước điều hành.
Cuộc đình công chấm dứt hôm thứ Tư khi hầu kết các công nhân - vốn không có chân trong công đoàn, trở lại làm việc.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Singapore đã ra kháng thư hôm thứ Năm, bày tỏ quan tâm về các vụ bắt giữ và cho biết là đang dàn xếp để lãnh sự quán Trung Quốc được tiếp xúc với 4 tài xế xe buýt bị bắt trong thời hạn sớm nhất.
Tòa đại sứ Trung Quốc kêu gọi “các quyền và lợi ích chính đáng” của công nhân người Hoa phải được bảo vệ. Nhà chức trách Singapore hứa sẽ cứu xét những khiếu nại của các tài xế xe buýt.
Khi cuộc đình công bắt đầu, tòa đại sứ Trung Quốc kêu gọi các tài xế xe buýt hãy tuân thủ luật Singapore và tránh gây gián đoạn cho việc đi lại của công chúng. Luật Singapore cấm công nhân làm việc trong những ngành thiết yếu như giao thông vận tải đình công nếu không báo trước ít nhất 14 ngày.
Singapore từ lâu đã dùng luật này để kiềm chế các xáo trộn lao động và giới bất đồng chính kiến. Cuộc đình công gần đây nhất là do các công nhân đóng tàu tổ chức hồi năm 1986.
Chính phủ của nước nhỏ bé nhưng giàu có này phải dựa vào sức lao động của hàng trăm ngàn di dân đến từ các nước ít phát triển hơn ở châu Á, để giảm quyết tình trạng thiếu hụt lao động thường trực trong các công việc không cần kỹ năng cao, mà người Singapore thường chê, không làm.
Công nhân nước ngoài chiếm khoảng một phần ba trong dân số lên tới 5,1 triệu người tại Singapore. Nhiều di dân phục vụ trong các chức vụ cấp trung hay cấp cao tại các trung tâm tài chánh quốc tế và bến cảng, khiến dân địa phương than phiền là họ phải cạnh tranh với người nước ngoài để có việc làm.
Bà Suu Kyi hòa giải cuộc tranh chấp mỏ đồng
Bà Suu Kyi tới thăm một nhà sư bị thương trong cuộc tấn công của cảnh sát và hiện các nhà sư bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện ở Monywa, 29/11/2012. (REUTERS/Stringer)
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đề nghị sẽ đứng ra hòa giải cuộc tranh chấp có giữa dân làng và các nhà sư phản đối dự án nới rộng một mỏ đồng có Trung Quốc hợp tác khai thác tại vùng tây bắc Miến Điện.
Bà Suu Kyi đưa ra đề nghị này hôm thứ Năm sau khi đi thăm hiện trường, vài giờ sau khi cảnh sát sử dụng vòi nước, hơi cay, và bom khói để đẩy lui hàng trăm người biểu tình đã chiếm đóng khu vực trong 11 ngày qua, để phản đối dự án phát triển.
Một nhà sư tham gia cuộc biểu tình tại thị trấn Monywa nói với Đài VOA rằng trong cuộc tấn công của cảnh sát, có ít nhất 20 nhà sư bị phỏng và phải nhập viện. Các nhân chứng nói các nạn nhân bị phỏng là do bị các nhân viên an ninh dùng thiết bị bắn vào họ khi lực lượng này bố ráp các khu lều trại của người biểu tình vào khoảng 3 giờ sáng, giờ địa phương.
Văn phòng của Tổng thống Thein Sein phủ nhận việc cảnh sát dùng vũ lực quá tay hoặc sử dụng các hóa chất nguy hiểm trong cuộc đàn áp này. Tuy nhiên một phát ngôn viên nói với VOA rằng Tổng thống Miến Điện đã ra lệnh rút lại lời tuyên bố đó vài giờ sau đó.
Những người biểu tình bị tống xuất ra khu trại nằm trong số hàng trăm người đã bất chấp lệnh của chính phủ, buộc họ phải chấm dứt các cuộc biểu tình chiếm đóng.
Dân làng và các nhà sư tham gia biểu tình nói rằng dự án nới rộng mỏ đồng này đe dọa môi trường sinh sống. Họ tố cáo nhà cầm quyền là tịch thu đất bất hợp pháp để sử dụng vào dự án có kinh phí 1 tỉ đô la này.
Ai đứng đằng sau vụ bê bối sex ở TQ?
Ông Lôi Chánh Phú bị cách chức sau khi video ông quan hệ tình dục với gái mại dâm được tung lên mạng
Văn phòng BBC tại Bắc Kinh đã phỏng vấn ông Chu Thụy Phong, một nhà báo điều tra, người đã có công vạch trần một quan chức Trung Quốc trong vụ bê bối tình dục tại nước này.
Ông Chu Thụy Phong trông có vẻ mệt nhưng rất vui, giọng ông đầy hào hứng.
"Tôi rất vui khi tôi đấu tranh chống các quan chức tham nhũng," ông Chu nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Trước đó trong tháng, ông Chu đã cho công bố một băng video được quay năm 2007 cho thấy một người đứng đầu đảng bộ địa phương đang làm tình với một cô gái 18 tuổi.
Bảy ngày sau, viên chức này, ông Lôi Chánh Phú, bí thư quận ủy ở Trùng Khánh, đã bị cách chức.
"Trong quá khứ tôi vui nhất khi họ đe dọa và chặn trang web của tôi," ông Chu nói.
"Vì khi đó tôi biết tin của tôi đã đánh trúng tim họ và bài viết của tôi là trung thực."
Video tống tiền
Ông Chu có nhiều lý do để hy vọng. Ông chuẩn bị tung ra thêm bốn video sex nữa cũng được quay trong các phòng khách sạn, cho thấy rõ các quan chức Trùng Khánh quan hệ tình dục với các cô gái trẻ.
Cả năm video đều được quay như một phần của âm mưu tống tiền do một chủ xây dựng bất động sản tại Trùng Khánh thực hiện.
Chủ xây dựng bất động sản này đã tuyển các cô gái trẻ tuổi từ 18 đến 20 tuổi, trả cho họ 300 nhân dân tệ (tương đương $48) mỗi lần các cô gái này bí mật quay cảnh họ làm tình với các viên chức có tiếng của Trùng Khánh.
Nếu các cô gái không ghi hình được rõ mặt các viên chức này thì họ bị buộc phải quay thêm các cảnh sex này cho tới khi chủ xây dựng có được video mà ông cần để tống tiền các nhân vật tai to mặt lớn của thành phố, buộc họ phải cho ông ta những hợp đồng béo bở hơn.
Cái bẫy mật ngọt này đã bị lộ tẩy khi Lôi Chánh Phú, nhân vật bị ghi hình trong băng sex đầu tiên, đã nhờ cậy tới sự giúp đỡ của cảnh sát Trùng Khánh.
Cảnh sát trưởng thành phố khi đó là ông Vương Lập Quân đã ra tay cứu giúp ông Lôi, lục soát tư gia của chủ xây dựng bất động sản này và tịch thu các video đó. Ông này đã bị bỏ tù một năm và các cô gái mỗi người bị giam giữ một tháng.
Năm nay chính ông Vương Lập Quân lại đóng vai chính trong vụ bê bối khác của chính ông sau khi cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ thông tin về vụ giết doanh gia Anh, ông Neil Heywood, tại Trùng Khánh
Bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu bí thư Trùng Khánh đã bị cách chức, ông Bạc Hy Lai, sau đó đã bị kết án tội giết người. Những lỗi lầm có liên quan tới vụ việc này của ông Vương đã khiến ông bị án tù 15 năm.
'Phóng viên thực sự'
Suốt thời gian này, các video sex của chủ xây dựng này nằm trong kho của cảnh sát cho tới đầu tháng 11, khi một nhân vật bí mật trong lực lượng cảnh sát Trùng Khánh đã tiết lộ chúng cho ông Chu.
"Có lẽ thế hệ lãnh đạo mới của chúng tôi thực sự quyết tâm chống tham nhũng. Có thể bầu không khí đang thực sự thay đổi. "
Nhà báo Chu Thụy Phong, Trung Quốc
Các video còn lại chưa được công bố đều là về các lãnh đạo đảng có tiếng tại Trùng Khánh, ông Chu nói.
"Nguồn tin của tôi nói với tôi rằng các chủ xây dựng này sẽ chỉ nhắm vào những viên chức có quyền hành thực sự với các dự án xây dựng. Họ cần phải đầu tư tiền bạc và thời gian để đào tạo các cô gái xinh đẹp này."
Tuy nhiên ông Chu cho biết ông muốn phải hoàn toàn chắc chắn về danh tính của những người trong video trước khi tung các video này ra.
"Nếu quý vị công bố và tung những tin có thể đã được bịa đặt ra và đòi hỏi công chúng phải kiểm tra xem chúng có thực hay không thì quý vị không phải là một nhà báo thực thụ," ông nói.
Có thể nhóm chống tham nhũng của chính Đảng Cộng sản sẽ làm việc đó trước cả ông Chu, đó là tự họ công bố các thông tin về các video này.
Ủy ban Kỷ luật Trùng Khánh đã thu giữ các video này từ cách đây khá lâu, ông Chu mới được cho biết, nhưng họ miễn cưỡng không muốn khuấy lên một làn sóng trong chính Đảng Cộng sản bằng việc trừng phạt bất cứ một quan chức có liên quan nào.
Nay video đầu tiên lan ra trên internet, ông Chu cho rằng Ủy ban này không còn lựa chọn nào khác là phải tiến hành một cuộc điều tra công khai nhắm vào bốn viên chức còn lại.
"Một số người cho rằng nỗ lực của Đảng trong việc giải quyết nạn tham nhũng cũng giống như dùng tay trái đánh tay phải vậy," ông Chu nói.
"Trong chế độ của chúng tôi, các biện pháp chống tham nhũng phải có sự tham gia của người dân. Không thể làm việc đó ở phòng kín và sử dụng các thủ tục bất hợp pháp."
Bầu không khí 'thay đổi'
Xuất thân từ tỉnh Hà Nam, ông Chu Thụy Phong nay sống với gia đình tại Bắc Kinh, và phần lớn thời gian ông làm việc trên trang web chống tham nhũng của mình mang tên Nhân dân Giám sát.
Bắt đầu vào năm 2000, ông làm phóng viên báo, viết bài cho Fang Yuan, một tạp chí của nhà nước được Tòa án Nhân dân Tối cao tài trợ.
Nhưng tới năm 2006, ông Chu ra làm riêng khi nhận thấy rằng ông sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi đăng các điều tra phát hiện của mình.
Trước vụ bê bối tình dục tại Trùng Khánh, trang web của ông Chu đã có vài cú thắng lớn. Năm 2007, ông đăng các bài viết nêu các vấn đề về tiêm chủng tại tỉnh Sơn Tây ở miền trung Trung Quốc.
Cựu Trưởng cảnh sát, Vương Lập Quân, đã lục soát tư gia của nhà xây dựng bất động sản
Dần dà giới truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa tin về câu chuyện đó, và liên hệ vacxin với bệnh tật tại trẻ em sống ở miền bắc tỉnh này.
Năm 2010, Bộ Y tế Trung Quốc đã công bố kết quả một cuộc điều tra của Bộ, trái ngược hẳn với nhiều tin tức nói rằng việc lưu trữ vacxin không đúng cách đã dẫn tới phản ứng tai hại ở trẻ em.
Tuy nhiên cuộc điều tra đã phát hiện một vài bất thường trong cách thức vacxin được dán nhãn tại tỉnh và một viên chức y tế Sơn Tây đã bị bắt quả tang biển thủ 270.000 nhân dân tệ từ công ty cung cấp vacxin.
Các cơ quan truyền thông khác ở Trung Quốc cũng đưa tin này và sáu tháng sau, Bộ Y tế Trung Quốc khẳng định ba trẻ em đã bị ốm vì vacxin ở Sơn Tây.
Chính phủ Trung Quốc từ chối không đổ lỗi cho vacxin đã dẫn tới cái chết và bệnh tật ở các trẻ em khác.
Kể từ đó, trang web của ông Chu cũng đã vạch trần các quan chức tham nhũng tại Liêu Ninh và Sơn Tây, và kết quả là ít nhất hai người đã bị cách chức.
Với mỗi vụ bê bối này ông Chu đều bị đe dọa nặc danh và trang web của ông tạm thời bị chặn.
Tuy nhiên trong vụ video sex này trang web của ông đã không bị động tới.
Ông Chu tin đây là dấu hiệu cho thấy một chính phủ Trung Quốc mới do ông Tập Cận Bình lãnh đạo có thể sẽ khác với những người tiền nhiệm của ông.
"Có lẽ thế hệ lãnh đạo mới của chúng tôi thực sự quyết tâm chống tham nhũng," ông nói. "Có thể bầu không khí đang thực sự thay đổi."
Có 2 tấm vé số cùng trúng giải độc đắc 580 triệu đôla ở Mỹ
Giải thưởng khổng lồ 580 triệu đôla khiến hàng triệu người Mỹ xếp hàng rồng rắn để mua vé số vào ngày hôm qua 27/11/2012.
Giới chức phụ trách chương trình xổ số của Mỹ nói rằng, hai tấm vé trúng giải độc đắc sẽ chia nhau giải thưởng có trị giá ước tính khoảng 580 triệu đô la.
Đây là giải xổ số lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.
Vài giờ sau khi bốc thăm xổ số có tên Powerball ngày hôm qua, giới chức thông báo rằng 2 tấm vé có tất cả 6 con số trùng với con số bốc thăm đã được bán ra.
Cơ may trúng giải độc đắc là 1 trên 175 triệu.
8,9 triệu người khác có một vài con số trùng với con số bốc thăm.
Những người này thắng giải nhỏ hơn với tổng trị giá hơn 131 triệu đô la.
Giải thưởng độc đắc này được cộng dồn lại sau nhiều tháng vì không ai có trùng tất cả những con số trong 16 đợt bốc thăm liên tiếp.
Chính vì giải thưởng khổng lồ này mà hàng triệu người Mỹ đã xếp hàng rồng rắn để mua vé số vào ngày hôm qua.
Ở một số tiểu bang, những tấm vé giá 2 đô la này được bán đi với tốc độ khoảng 10.000 tấm mỗi phút.
42 tiểu bang, thủ đô Washington, D.C. và quần đảo Virgin thuộc Mỹ, là những nơi tham gia vào cuộc xổ số.
Tiền thu từ việc bán vé số được dùng để tài trợ cho các trường học và nhiều chương trình khác nhau của chính phủ tiểu bang và địa phương.
RSF: Việt Nam 'vẫn thù địch với Internet'
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lại xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia là "kẻ thù" của Internet từ góc độ tự do ngôn luận trên mạng trong danh sách mới công bố.
Việt Nam lần này đứng thứ hai, sau Trung Quốc, trong nhóm 12 nước 'thù địch' nhất với tự do Internet, bên cạnh Miến Điện, Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Syria, Turkmenistan, Uzbekistan và hai nước mới được đưa vào là Bahrain và Belarus.
RSF công bố danh sách này nhân ngày Thế giới chống kiểm duyệt mạng Internet 12/3/2012.
Trả lời BBC Việt ngữ hôm thứ Hai 12/3 từ Paris, bà BấmLucie Morrillon, Giám đốc văn phòng truyền thông của RSF nói họ đang hết sức quan ngại vì "chính quyền Việt Nam liên tục có những đợt thắt chặt kiểm duyệt, sách nhiễu các blogger, các nhà hoạt động mạng dân chủ, nhân quyền trên Internet".
Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc từ RSF và các tổ chức bên ngoài khác khi họ đề cập đến tình hình quản lý thông tin điện tử và tự do dùng mạng Internet ở nước này.
Giám đốc truyền thông của RSF cho hay ngày càng có thêm các quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các lực lượng an ninh mạng đặc biệt đằng sau các hoạt động kiểm soát, ngăn chặn bằng tường lửa cũng như xâm nhập mạng để chống lại tự do Internet.
"Sau các diễn biến năm 2011 của Mùa Xuân Ả Rập, chính quyền Việt Nam muốn siết chặt các biện pháp kiểm soát và nắm chặt tình hình, giữ ổn định cho chế độ. Do đó chúng ta chứng kiến việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát, theo dõi mạng và tăng cường tuyên truyền của Nhà nước," bà Morrillon nói.
"Các blogger và công dân mạng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các biện pháp của cơ quan an ninh. Số lượng của các tù nhân vì Internet ngày càng tăng, với con số nay là 22 blogger và các nhà hoạt động mạng có tiếng, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc."
Bà Lucie Morillon nói khó dự đoán tiến bộ của Việt Nam đối với tự do Internet trong vài năm tới
Lên tiếng mạnh
Bà Lucie Morrillon nhận xét, mặc dù bị kiểm soát, áp chế ngặt nghèo, các công dân mạng Việt Nam vẫn tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ và thu hút công chúng, dư luận trong nước và quốc tế về nhiều vấn đề quan trọng.
"Chẳng hạn như việc xuất khẩu và khai thác quặng bauxite trong nước sang Trung Quốc và bởi Trung Quốc, một hậu quả được dự đoán là thảm họa đối với môi trường của Việt Nam.
"Sau các diễn biến trong năm 2011 của Mùa Xuân Ả Rập, Chính quyền Việt Nam muốn siết chặt các biện pháp để kiểm soát và nắm chặt tình hình, giữ ổn định cho chế độ"
Giám đốc Truyền Thông mới RSF Lucie Morrillon
"Đây là điều mà các bloggers đã làm được, trong khi là một chủ đề rất khó đề cập bởi các nhà báo thuộc báo chí nhà nước. Các công dân mạng cũng đưa tin, bài đề cập nhiều về nạn bạo lực do cảnh sát gây ra..."
"Để đáp lại, nhà cầm quyền nỗ lực và tiếp tục tìm cách bịt lại nhiều trang blog, chặn nhiều trang web. Và đặc biệt là theo dõi nhiều nhà hoạt động trên mạng, các nhà bất đồng chính kiến.
"Chẳng hạn, người ta đã thấy đã và đang xảy ra nhiều vụ bắt giữ các bloggers theo đạo Thiên chúa, điển hình là trường hợp của Paulus Lê Văn Sơn, bị bắt từ tháng Tám năm 2011. Hay trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị bắt trở lại nhà tù mặc dù tuổi tác và đang có tình trạng sức khỏe đáng lo ngại.
"Hiện nay, chúng tôi hết sức lo lắng cho trường hợp của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải. Trong suốt hai tháng qua xuất hiện ngày càng nhiều các tin đồn đáng quan ngại về tình hình giam giữ, sức khỏe hiện nay và tính mạng của ông.
"Chúng tôi thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần phải giải thích rõ ràng cho gia đình của ông và công luận một cách tường minh, rõ ràng về việc vì sao ông tiếp tục bị giam giữ, tình hình giam giữ hiện nay của ông, cũng như hiện trạng sức khỏe của ông ra sao."
Hiện chưa rõ tình hình về blogger Điếu Cày ra sao trong tù giữa lúc có tin đồn ông 'có thể đã chết.'
Ngoài ra, bà Lucie Morrillon cho hay Việt Nam đang củng cố các nỗ lực kiểm soát, sàng lọc mạng mà trọng tâm là thắt chặt các tường lửa đối với truy cập mạng Internet trong nước và có khuynh hướng ngày càng rõ ràng của việc gia tăng "đàn áp, áp chế" các công dân mạng.
Đây là điều mà RSF, theo bà Morrillon, cho là bằng chứng của "vi phạm nhân quyền" và "các quyền tự do cơ bản của công dân" đã được luật pháp quốc tế, mà Việt Nam là một trong các bên ký kết đã thừa nhận.
Việt Nam được cho là quốc gia châu Á có tốc độ phát triển Internet thuộc hàng cao nhất, với con số người dùng nay vượt ngưỡng 30 triệu.
Theo một điều tra tổng kết gần đây của Yahoo! Kantar Media thì trong năm 2011, tỷ lệ sử dụng Internet hàng ngày thậm chí đã vượt tỷ lệ nghe đài và đọc báo in và đa số người dân, nhất là giới trẻ dùng Internet để thu thập thông tin, giải trí và giao lưu bạn bè.
Bộ Thông tin Truyền thông ở Việt Nam ban hành nhiều văn bản về thông tin điện tử, nhằm chỉ đạo công tác quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc rằng nhà chức trách "kiểm soát người dùng Internet" hay báo chí.
Gần đây nhất, trong vụ BấmTiên Lãng, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo trung ương Đảng đã khẳng định với BBC rằng "không có chủ trương" kiểm duyệt báo chí khi đưa tin về vụ tranh chấp đất này.
Nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Obama
Tổng thống Barack Obama bắt tay Chủ tịch Hạ viện John Boehner (giữa) trong một buổi họp tại Tòa Bạch Ốc
WASHINGTON — Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang chuẩn bị cho một nhiệm kỳ 4 năm thứ nhì, sau khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 6 tháng 11. Nhưng nhiệm kỳ thứ nhì thường không mấy suôn sẻ cho các vị tổng thống Mỹ trong lịch sử cận đại.
Phát biểu sau thắng lợi lớn vào đêm bầu cử, Tổng thống Obama cam kết sẽ học hỏi từ những người ủng hộ lẫn những người chỉ trích ông, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì.
"Dù tôi có nhận được lá phiếu của quý vị hay không, tôi cũng đã lắng nghe quý vị, tôi đã học được nơi quý vị và quý vị đã làm cho tôi trở thành một vị tổng thống tốt hơn. Tôi trở lại Tòa Bạch Ốc với nhiều quyết tâm hơn và với nhiều cảm hứng hơn bao giờ hết về những công việc còn cần phải làm và về tương lai trước mặt. "
Các chính khách Đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Hạ viện John Boehner, đã tìm cách thích nghi với thực tế của một nhiệm kỳ thứ nhì của ông Obama.
"Thưa Tổng thống, đây là thời điểm của ông. Chúng tôi đã sẵn sàng để được lãnh đạo, không phải trong tư cách là thành viên của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, mà trong tư cách là người Mỹ."
Nhưng nếu có thể lấy lịch sử để làm một tiêu chuẩn nào đó, thì Tổng thống Obama có thể sẽ thấy nhiệm kỳ thứ nhì của ông có nhiều thách thức hơn so với nhiệm kỳ thứ nhất, theo nhận định của ông Ken Duberstein, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Reagan, nói:
"Lịch sử của các vị tổng thống trong nhiệm kỳ thứ nhì, ít ra là sau Đệ nhị Thế chiến, cho thấy là vị nào gần như cũng không tránh khỏi đi chệch hướng trong năm thứ năm hoặc thứ sáu. Mọi vị tổng thống trong nhiệm kỳ hai đều vướng phải một vụ tai tiếng, một vấn đề nan giải, một sai lầm nào đó, và vấn đề đó trở thành vấn đề nổi cộm."
Ông Richard Nixon đã giành được thắng lợi áp đảo để tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1972, nhưng chưa đầy hai năm sau đó, ông đã bị buộc phải từ chức vì vụ tai tiếng Watergate.
Thanh danh của Tổng thống Ronald Reagan cũng đã bị phương hại vì vụ bê bối Iran-Contra và Tổng thống Bill Clinton bị luận tội vì vụ dan díu với Monica Lewinsky.
Tổng thống George W. Bush đã bị đả kích gay gắt về việc xử lý bão Katrina và những khó khăn không tính trước được ở Iraq.
Tổng thống Obama cam kết sẽ học hỏi nơi người ủng hộ cũng như chỉ trích ông, trong nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì.Tổng thống Obama nói ông nhận thức rõ về điều mà một số nhà sử học mô tả là tai ách thường giáng xuống trong nhiệm kỳ thứ hai.
"Tôi không dám nghĩ là bởi vì tôi đã đắc cử mà mọi người sẽ đột nhiên đồng ý với tôi về tất cả mọi điều. Tôi quá quen thuộc với tất cả những thông tin cho thấy là các Tổng thống thường hay vượt quá giới hạn trong nhiệm kỳ thứ nhì của mình. Chúng tôi rất thận trọng về vấn đề đó."
Theo sử gia Matthew Dallek của trường Đại học California, Tổng thống Obama khôn ngoan ghi nhận những khó khăn trong nhiệm kỳ thứ nhì của những người tiền nhiệm:
"Cho nên ông Obama nhận thức rõ điều đó, và đã tỏ dấu cho thấy là ông muốn là một ngư thực tiễn, không đòi hỏi phải đạt được tất cả những gì ông mong muốn. Ông không đòi hỏi những điều không tưởng, và chỉ dồn nỗ lực làm việc trong những lĩnh vực mà ông nghĩ ông có thể làm việc hiệu quả."
Ông Duberstein, từng là phụ tá cho Tổng thống Reagan, nói một điều cũng quan trọng là Tổng thống phải tìm cách xây dựng các quan hệ chính trị:
“Trong vụ tai tiếng Iran-Contra, người dân muốn tin ở Tổng thống Reagan. Ông Reagan được nhiều người nhìn một cách thiện cảm. Cho tới nay, Tổng thống Obama chưa gây dựng được các quan hệ vững mạnh như thế. Đó là điều mà tôi tin ông Obama về cơ bản phải giải quyết trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhì cuả ông. ”
Và như thế, ngay trong lúc Tổng thống Obama đang hướng về tương lai để thực hiện nghị trình đầy cao vọng của nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì của ông, giới phân tích trông đợi ông sẽ tỏ ra thận trọng, không phạm phải một số lỗi lầm mà các vị Tổng thống tiền nhiệm đã làm.
Ông Phạm Chí Dũng được tại ngoại
Ông Phạm Chí Dũng viết nhiều bài trên Tạp chí Phía Trước
Ông Phạm Chí Dũng, người bị công an tạm giam bốn tháng vì một số bài viết trên mạng, đã được tại ngoại, theo một số nguồn tin vừa cho BBC biết.
Sau hai tháng trong trại giam của Bộ Công an ở TP. HCM và hai tháng nữa ở trại giam số 4 Phan Đăng Lưu của Công an TP. HCM, được biết ông Phạm Chí Dũng đã được cho về nhà tối 22/11 vừa qua.
Hiện tại, vẫn theo các nguồn tin cho BBC hay, ông Dũng vẫn tiếp tục bị điều tra, nhưng việc quy tội hình sự đã được giảm nhẹ từ Điều 79 ban đầu (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền) sang Điều 88 (tuyên truyền chống Nhà nước).
Viết về Thủ tướng
Tin về vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng lần đầu được báo Tuổi Trẻ ở TP. HCM tường thuật hôm 20/7 rằng ông "đã bị Cơ quan Công an bắt giam với cáo buộc làm lộ bí mật”.
Sau đó, trang blog của nhà báo Hồ Thu Hồng, người có nhiều quan hệ với ngành công an, viết thêm ông Dũng “là người sản xuất nội dung trang Quan làm báo, với chỉ đạo mục đích đánh phá nội bộ, gây chia rẽ ở cấp cao nhất quốc gia”.
Tuy vậy, tin mới nhất mà BBC có được cho hay ông Dũng bị bắt vì loạt bài có tựa “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng?” đăng trên trang mạng Phía trước ở nước ngoài.
Hai bài này, ký bút danh Thường Sơn, đặt giả thiết: “Một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân sẽ sẵn lòng chấp nhận cơ chế chính trị nhiều hơn một đảng hoặc nhiều đảng nhưng có vẻ ổn định và đỡ tốn xương máu, thay cho lối mòn độc đảng quá rủi ro và chỉ chực chờ bùng nổ như hiện nay.”
BấmBút danh Thường Sơn cũng xuất hiện trong nhiều bài khác đăng ở trang Phía trước, mà bài cuối là ngày 18/7, trước khi ông Dũng bị bắt.
Trên danh nghĩa công an TP. HCM tiến hành bắt giữ ông Dũng, nhưng ngay sau đó, ông bị di lý lên cơ quan của Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, sau thời gian hai tháng ở trong trại giam của Bộ Công an, ông Dũng được đưa về trại giam số 4, Phan Đăng Lưu của công an TP Hồ Chí Minh.
Được biết phòng giam ông ở số 4, Phan Đăng Lưu cũng từng là phòng ở của blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), bị án 12 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Việc quy tội hình sự với ông cũng được giảm nhẹ từ Điều 79 ban đầu (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền) sang Điều 88 (tuyên truyền chống Nhà nước).
Hiện ông được tại ngoại, nhưng cuộc điều tra của công an với ông vẫn chưa kết thúc.
Ở Việt Nam, có những quyết định điều tra “có thể kéo dài 10 năm, thậm chí vô thời hạn, tùy vào thái độ của người bị điều tra”, theo một người làm trong ngành tư pháp giải thích với BBC.
Cam kết
Ông Phạm Chí Dũng là con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM.
Sau khi ông Dũng bị bắt, gia đình đã viết thư gửi cho các lãnh đạo Việt Nam đề nghị cứu xét trường hợp của ông.
Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới ở Paris, ông Dũng từng là cán bộ an ninh được điều sang làm việc cho chính quyền TP HCM và nhiều năm làm việc cùng ông Trương Tấn Sang, người nay đã trở thành chủ tịch nước Việt Nam.
Một nguồn tin ở Việt Nam cũng nói với BBC rằng đã có các hoạt động trong giới chức ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trước khi Bộ Công an có quyết định tạm thời cho ông Dũng được tại ngoại hầu tra.
Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng gây chấn động dư luận, nhất là khi nó diễn ra khi trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện chiến dịch phê bình và tự phê bình.
Các báo Việt Nam đăng nhiều tin khác nhau về vụ bắt ông Phạm Chí Dũng và cuộc điều tra nhưng đa số các tin bài dừng lại ở tháng 7 năm nay.
Phản hồi về đề nghị Thủ tướng Việt Nam từ chức
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.
Một sự kiện chưa từng có trước nay tại nghị trường Việt Nam khi một đại biểu Quốc hội công khai đề nghị Thủ tướng từ chức vì không tròn trách nhiệm với dân, quản lý kém để tham nhũng tràn lan và phát sinh những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và tín nhiệm quốc gia.
Trên diễn đàn Quốc hội hôm 14/11, đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng liệu ông có thấy mình nặng trách nhiệm với đảng nhưng nhẹ trách nhiệm với dân và nên làm gương từ chức hay không. Câu trả lời của ông Dũng không đề cập tới “trách nhiệm với dân”, chỉ tập trung nói về công trạng và trách nhiệm với đảng. Người đang ở nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì tuyên bố ông không chạy, không xin, mà được đảng phân công làm Thủ tướng, và vì vậy, ông sẽ tiếp tục ‘nghiêm túc thực hiện’ như đã làm trong suốt 51 năm theo đảng.
Hồi đáp của ông Dũng gây tranh cãi và phẫn nộ cho công chúng đang bất mãn trước sự yếu kém của vị Thủ tướng đương thời. Trong số này, có ba bạn trẻ từ Hà Nội và Sài Gòn tham gia cuộc thảo luận phần 1 trên Tạp chí Thanh Niên đài VOA hôm nay.
Phản hồi về đề nghị Thủ tướng Việt Nam từ chức
Playlist
Tải
Sơn Hà Nội: Câu hỏi của ông Quốc rằng Thủ tướng nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng ông nhẹ trách nhiệm với dân mà nặng trách nhiệm với đảng. Câu hỏi này đã hàm ý rằng quyền lợi của đảng và quyền lợi của dân là không trùng nhau. Nếu chúng ta lâu nay vẫn nghe rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ ‘phục vụ quyền lợi cho nhân dân’ như ông Hồ Chủ Tịch nói, thì một người Thủ tướng thông minh sau 51 năm đi theo đảng phải trả lời rằng: ‘Tôi phục vụ đảng cũng là phục vụ dân’. Nhưng toàn bộ câu trả lời của ông chỉ nói về đảng rằng tôi đi theo đảng, đảng phân công và tôi làm. Điều này có nghĩa là anh phải làm tròn trách nhiệm với đảng, khi nào đảng mời anh ra thì anh mới thôi. Ở đây chúng ta thấy rõ yếu tố hoàn toàn không phải là do dân bầu lên như Thủ tướng Nhật hay Tổng thống Mỹ, mà là đảng cử ông ra làm. Trong trường hợp này, ông Dũng rất thật thà khi vô tư nói rằng vấn đề này không phải là dân, mà là đảng. Các vị cũng chứng kiến rồi, hôm họp trung ương đã quyết định không kỷ luật đồng chí X, mà tôi vẫn tại nhiệm. Ở đây ông Dũng nói rằng nếu tự tôi từ chức là tôi thoái thác trách nhiệm của đảng, vi phạm điều lệ đảng. Bởi vì cái đảng này không phải là đảng của dân, không vì dân, mà đảng này là đảng của cộng sản. Phát biểu của ông nói lên bản chất của vấn đề đảng trị trong xã hội Việt Nam.
Trà Mi: Anh nói câu trả lời của Thủ tướng rất ‘thật lòng’, nhưng anh có hài lòng không?
Sơn Hà Nội: Ở Việt Nam này có rất nhiều vấn đề không thể hài lòng, nhưng tôi ‘hài lòng’ (với câu trả lời của ông Dũng) ở chỗ là tôi có một Thủ tướng ‘thật thà’. Qua câu trả lời của mình, ông nói lên hết bản chất của chế độ.
Quang Hà Nội: Ông Dương Trung Quốc đã tạo nên một sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam khi đứng trước nghị trường yêu cầu Thủ tướng từ chức. Ông Quốc là người dũng cảm, dám nói điều mà không nhiều người trong chốn nghị trường dám nói. Cần có những người dám nói lên những điều mà nhiều người nghĩ và muốn được phát biểu. Những tiếng nói và ý kíên như vậy phải vang lên trên nghị trường.
Trà Mi: Trước đề nghị mà bạn cho rằng nhiều người đồng tình, câu trả lời của Thủ tướng đương nhiệm bạn thấy thế nào?
Quang Hà Nội: Câu hỏi của ông Quốc khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Còn câu trả lời của ông Dũng thì không chỉ ông ấy mà bất cứ người nào trong đảng cộng sản Việt Nam cũng trả lời tương tự như vậy thôi.
Việt Sài Gòn: Đại biểu Quốc hội phải nêu ra những câu hỏi đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Vấn đề ông Quốc nêu tôi cảm thấy không bất ngờ, nhưng tôi thích thú với câu hỏi của ông ấy và câu trả lời của ông Dũng vì ông Dũng nói rõ bản chất của đảng cộng sản.
Trà Mi: Việt đồng ý với ý kiến của Sơn. Quang cho rằng câu hỏi bất ngờ nhưng câu trả lời không bất ngờ. Vì sao bạn không bất ngờ trước câu trả lời của Thủ tướng?
Sơn Hà Nội: Vì bản chất chế độ nó thế mà.
Việt Sài Gòn: Đúng rồi. Ông Dũng nói ông không xin chức và không thoái thác chức nào đảng giao. Nếu ông là người có lòng tự trọng, có liêm sỉ, khi thấy tình cảnh đất nước yếu kém, kinh tế đi xuống, người dân đói khổ, dân oan khiếu kiện dài ngày, thì Thủ tướng nên là người từ chức đầu tiên trước khi đảng cho ông nghỉ. Ngược lại, ông ấy trả lời câu hỏi đó cười rất tươi. Cho nên, tôi nghĩ rằng ông là người không có liêm sỉ.
Trà Mi: Trước câu chất vấn Thủ tướng có thấy mình ‘nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân’, không thấy Thủ tướng trả lời việc này, không biết ông có thấy điều đó hay không. Thế còn các bạn có thấy điều đó hay không?
Việt Sài Gòn: Dù ông không nói thẳng, nhưng toàn bộ câu trả lời chỉ nhắc tới đảng. Không có câu nào nhắc tới dân. Điều này cho thấy ông chỉ đặt quyền lợi của đảng trên hết chứ không phải là quyền lợi của dân. Trong khi đó họ lúc nào cũng kêu là ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra’, và ‘của dân, do dân, vì dân’, mà câu trả lời của ông hoàn toàn không có chữ ‘dân’ nào cả.
Trà Mi: Một câu hỏi chất vấn Thủ tướng về trách nhiệm của ông với dân, mà Thủ tướng chỉ nêu lên trách nhiệm và công trạng với đảng. Điều đó cho các bạn suy nghĩ thế nào?
Sơn Hà Nội: Ở đây chúng ta thấy rõ sự đối lập giữa công trạng đối với đảng và những sự khốn khổ cho nhân dân. Kinh tế suy sụt, người dân càng ngày càng bị bần cùng hóa. Thế nhưng ông ấy vẫn cứ đề cao rằng mình có nhiều thành tích cho đảng. Thế thì thành tích của đảng là gì, là bần cùng hóa nhân dân.
Trà Mi: Vì sao Thủ tướng phải chịu trách nhiệm với nhân dân trong khi chính ông cũng đã nói lên thực tế rằng vị trí của ông là do đảng phân công, chứ không phải do dân?
Quang Hà Nội: Xét từ góc độ đảng viên, có thể ông Dũng là một đảng viên đỏ chói. Đối với đảng ông không hề sai, nhưng quyền lợi của đảng cộng sản và của nhân dân Việt Nam nói chung đã tách rời nhau khá lâu rồi. Những con người trong đảng cộng sản nhân danh ‘nhân dân’ đang hưởng những lợi ích từ tham nhũng v..v..Điều này đặt ra câu hỏi cho rất nhiều người phải suy nghĩ rằng đã đến lúc phải thay đổi chưa và phải thay đổi như thế nào?
Trà Mi: Tại sao Thủ tướng lại có thể ‘nặng trách nhiệm với đảng’ và ‘nhẹ trách nhiệm với dân’? Vì sao thực tế éo le như vậy lại có thể tồn tại, hiện hữu một cách danh chính ngôn thuận tại Việt Nam? Những yếu tố nào hỗ trợ và tạo điều kiện cho nó?
Sơn Hà Nội: Rất đơn giản vì Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, báo chí thông tin bị bưng bít, dân lúc nào cũng nghe ra rả rằng ‘do dân, vì dân’. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng trình độ dân trí Việt Nam đang còn thấp. Người ta chỉ nghĩ đến những quyền lợi nho nhỏ như mớ rau, con cá thôi.
Việt Sài Gòn: Tôi là một người thế hệ trẻ, không sống dưới thời chiến tranh. Nhưng theo tôi hiểu, cách đây 37 năm về trước khi đảng cộng sản gọi là ‘giải phóng Việt Nam’, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân mong đất nước được thống nhất. Còn sau đó cho tới thời điểm hiện giờ, nghịch lý rằng một Thủ tướng yếu kém đưa tới một đất nước yếu kém như vậy mà vẫn tồn tại hiển nhiên như vậy cho thấy rõ ràng hệ thống công an và chính quyền để kiểm soát nhân dân rất chặt chẽ. Họ kiểm soát tất cả mọi thứ để đàn áp nhân dân.
Trà Mi: Việt nêu lên một số yếu tố nữa mà bạn cho là tạo điều kiện cho những nghịch lý tại Việt Nam bao gồm ‘công an trị’, cách thức cai trị người dân khiến dân không dám nói, không phải dân trí thấp mà là dân biết nhưng không dám nói. Bạn nào có ý kiến khác?
Việt Sài Gòn: Trà đàm vỉa hè, cà phê, tôi nghe rất nhiều người dân từ ông xe ôm cũng biết rất nhiều. Nhưng họ nói với nhau chỉ để nghe với nhau vậy thôi, chứ họ không dám lên tiếng mạnh mẽ. Không phải là họ không biết. Họ biết tất cả. Họ hiểu yếu kém của đất nước hiện nay là do đâu, do ai. Tham nhũng ra sao, họ đều biết hết.
Trà Mi: Quang có ý kiến nào khác không?
Quang Hà Nội: Còn yếu tố nữa là cơ chế để kiểm soát quyền lực mà bản thân trong đảng cộng sản cũng bắt đầu nhận thấy. Vừa rồi họ cũng có chấn phong, cởi mở, kiểm điểm lẫn nhau. Đảng cũng thấy là đảng viên của mình hỏng quá rồi, không có cơ chế tốt để kiểm soát được. Ở các xã hội phát triển, ý thức và dân trí trong cộng đồng cao, thì có người làm thế (từ chức), hoặc bị ép buộc phải làm thế. Ở Việt Nam thì điều đó chưa xảy ra vì họ không thể nào lấy tay phải chém tay trái của họ được. Không có cơ chế nào kiểm soát hiệu quả bằng việc để cho sự giám sát đó trở về với người dân đúng nghĩa. Và việc này không thể xảy ra trong một chế độ chỉ có một đảng cầm quyền và không có sự giám sát của một đảng khác. Nội bộ đảng cộng sản không phải không có những người tốt. Nhưng những người tốt đặt trong một cơ chế như thế thì họ bị tha hóa dần và bị cuốn vào cái guồng máy đó dần. Trong môi trường chạy chọt, không minh bạch như thế, dần dần những lợi ích về mặt vật chất và quyền lực sẽ làm người ta xấu xa. Ở đây tôi nghĩ mấu chốt vấn đề nằm ở cơ chế đang vận hành đất nước này. Chỉ có một lời giải duy nhất là phải dân chủ hóa một cách đích thực để quyền lực của người dân phải được trả về cho dân và họ có thể giám sát. Đến chừng đó thì tham nhũng sẽ được hạn chế đi rất nhiều.
Trà Mi: Cách tốt nhất để buộc các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam phải có trách nhiệm trước dân và phải biết tự trọng từ chức khi không tròn phận sự là gì? Vai trò và sự cần thiết của văn hóa từ chức ra sao? Mời quý vị đón nghe phần trao đổi tiếp theo trong chương trình Tạp chí Thanh Niên đài VOA vào giờ này, tuần sau.
Để nghe lại cuộc phỏng vấn này, chia sẻ quan điểm, và trao đổi với độc giả khắp nơi, mời quý vị vào trang nhà voatiengviet.com.
Muốn nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.
Trà Mi xin cảm ơn và mong đón tiếp quý vị và các bạn trong Tạp chí Thanh Niên đài VOA tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần.
Miến Điện đột kích dân phản kháng
Các nhà sư hỗ trợ cho những nông dân mất đấ
Cảnh sát chống bạo động Miến Điện đã bắn vòi rồng và hơi cay vào sớm thứ Năm ngày 29/11 để giải tán những người dân phản đối lệnh cưỡng chế khỏi những khu làng ở tây bắc nước này để dọn đường cho dự án mở rộng mỏ khai thác đồng.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời các cư dân và các nhà hoạt động địa phương cho biết các xe tải chở đầy cảnh sát đã đến các trại của người biểu tình nằm gần mỏ Monywa ở Sagaing để phản đối dự án mở rộng trị giá 1 tỷ đô la mà cư dân địa phương cho rằng đã dẫn đến những vụ thu hồi phi pháp gần 3.200 hectare đất.
Đột kích giữa đêm
“Họ đã bắt đầu giải tán đám đông bằng vòi rồng tại trại Kyaw Ywa vào khoảng 3h sáng,” nhà sư Shin Oattama, người đang giúp đỡ các nông dân phản kháng, nói với Reuters qua điện thoại.
“Sau đó họ bắn một thứ gì đấy làm cháy trại nhưng chúng tôi không biết đó là loại đạn gì,” ông nói thêm và cho biết 10 vị nhà sư đã bị thương và tình trạng của hai người trong số đó rất nặng.
“Chúng tôi đang tìm chỗ trú tại một ngôi làng gần bên. Không có xe cứu thương, không có bác sỹ để chăm sóc cho những người bị thương,” ông nói.
Ông Myo Thant, một thành viên của Nhóm Sinh viên thế hệ 88 vốn đang theo dõi tình hình mỏ Monywa cho biết: “Cảnh sát dùng hơi cay. Chúng tôi không nghe tiếng súng nổ. Theo như chúng tôi được biết, ba nhà sư bị thương và lửa cháy tại khu trại nhưng không ai biết vì sao mà xảy ra cháy.”
"Trong lúc chúng tôi đang ngủ thì cảnh sát chống bạo động đến và bắn nước vào."
Nhà sư Yaywata
“Trong lúc chúng tôi đang ngủ thì cảnh sát chống bạo động đến và bắn nước vào,” nhà sư Yaywata nói với hãng tin Pháp AFP.
Ông cho biết nhiều nhà sư đã bị bắt đi và nhiều người khác bị bỏng sau khi cảnh sát bắn một thứ gì đó không rõ.
“Hiện giờ chúng tôi tập hợp ở một ngôi chùa bên cạnh. Chúng tôi chưa quyết định phải làm gì,” ông nói thêm.
Nhà chức trách đã cảnh báo người dân vào tối thứ Ba ngày 27/11 phải giải tán trước lúc nửa đêm để cho một ủy ban của Quốc hội tiến hành một cuộc điều tra. Truyền hình nhà nước Miến Điện cho biết toàn bộ dự án đã bị ngưng trệ kể từ ngày 8/11 bởi vì các hành động phản kháng này.
Suu Kyi đến thăm
Bà Aung San Suu Kyi, nghị sỹ Quốc hội và là lãnh đạo đối lập Miến Điện, đã bay khỏi Rangoon vào sáng thứ Năm ngày 29/11 để đến thăm những người dân đang biểu tình.
Cảnh sát Miến Điện quyết giải tán những người biểu tình
Ông Ohn Kyaing, một quan chức trong Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, Đảng do bà Suu Kyi lãnh đạo, cho biết bà được cập nhật tình hình trước khi lên đường.
Mỏ đồng này do Vạn Bảo, một công ty con của Tập đoàn công nghiệp phương Bắc, một nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Trung Quốc, điều hành theo một thỏa thuận được ký kết hồi năm 2010 sau khi công ty khai mỏ của Canada là Ivanhoe rút lui vào năm 2007.
Nó cũng được sự hậu thuẫn của Tập đoàn kinh tế Liên bang Miến Điện (UMEHL) thuộc sở hữu của quân đội nước này.
Dưới chế độ quân phiệt, tập đoàn này được hoàn toàn tự tung tự tác mà không sợ gì cả.
Tuy nhiên, được tiếp sức từ các cuộc cải cách của Tổng thống Thein Sein, người lên nắm quyền hồi tháng Ba năm ngoái, người dân đang phản kháng và thử thách giới hạn của những quyền tự do mới, trong đó việc nới lỏng các quy định về biểu tình.
Các cuộc phản kháng hành động cưỡng chế của chính quyền đã kéo dài ít nhất là ba tháng cho đến này và có đến hàng ngàn người dân tham gia. Hồi tháng 6, họ nói với hãng tin Reuters rằng bốn trong số 26 ngôi làng đã bị giải tỏa cùng với chùa chiền và trường học.
Dân làng yêu cầu đình chỉ dự án cho đến khi nào họ công bố nghiên cứu về tác động môi trường và xã hội của dự án.
Tranh chấp đất đai là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Miến Điện. Dưới chế độ độc tài quân sự, các cuộc phản kháng đều nhanh chóng bị dập tắt cho đến khi Tổng thống Thein Sein mở cửa đất nước và thúc đẩy các cải cách thì các cuộc phản kháng đã thường xuyên xảy ra hơn.
Tổng Thống Bush Cha nhập viện
Cựu Tổng thống George H.W. Bush và cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush. (AP Photo/Charles Krupa, File)
Cựu Tổng thống George H.W. Bush đã nhập viện vì những biến chứng liên quan tới bệnh viêm cuống phổi. Một phát ngôn viên của Bệnh viện Methodist tại Houston, gần tư gia Tổng thống Bush tại Texas nói, vị cựu Tổng thống 88 tuổi đang trong tình trạng ổn định và sẽ xuất viện trong vòng 72 giờ đồng hồ.
Ông George H. W. Bush, thuộc đảng Cộng hòa, là vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Ông nhậm chức năm 1989 và chỉ phục vụ trong một nhiệm kỳ tại Tòa Bạch Ốc.
Ông là cha của cựu Tổng thống George W. Bush. Cựu Tổng thống George H.W. Bush từng là một dân biểu Quốc hội, và đã nắm các chức vụ như đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đặc sứ Mỹ tại Trung Quốc, giám đốc CIA và Phó Tổng thống trong hai nhiệm kỳ dưới quyền Tổng thống Ronald Reagan.
Tổng thống George H.W. Bush mắc một hình thức bệnh Parkinson, khiến ông phải di chuyển bằng xe lăn hoặc xe có động cơ.
Tổng thống Obama mời ông Romney ăn trưa
Tổng thống Obama (phải) và ông Romney - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời cựu đối thủ Mitt Romney ăn trưa tại Nhà Trắng vào ngày 29.11 (theo giờ địa phương).
Đây là buổi gặp mặt đầu tiên kể từ khi ông Obama đánh bại ứng viên Romney trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6.11. Theo BBC, động thái trên diễn ra giữa lúc ông Obama và đảng Dân chủ đang thảo luận với đảng Cộng hòa về “vách đá tài chính”.
Đây là một chính sách kết hợp tăng thuế đồng thời cắt giảm chi tiêu dự định được áp dụng từ ngày 1.1.2013, nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách của Mỹ. AFP dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho hay báo chí không được phép có mặt tại cuộc gặp này.
Trước đó, trong đêm tuyên bố thắng cử, ông Obama từng khẳng định sẽ gặp đối thủ Romney để thảo luận về việc làm sao để đưa đất nước tiến lên.
Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012
Truyền thông Châu Á bị lừa vụ ông Kim Jong Un là ‘Người đàn ông quyến rũ nhất’
Nhà lãnh Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
SEOUL — Khi trang web và tờ báo châm biếm của Hoa Kỳ The Onion gọi nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đẫy đà của Bắc Triều Tiên là ‘Người đàn ông đương thời quyến rũ nhất’ năm nay, nhiều độc giả trên thế giới được một phen cười ngất. Nhưng tại Trung Quốc và Nam Triều Tiên, sự châm biếm này lại bị hiểu nhầm và được thuật lại như là một tin có thật. Từ văn phòng Đông Bắc Á của đài VOA tại Seoul, thông tín viên Steve Herman có thêm chi tiết sau đây.
Phiên bản trực tuyến của tờ Nhân Dân Nhật báo đã gỡ bài báo hôm qua sau khi bị độc giả trên thế giới cười nhạo.
Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc này đã cho đăng 55 bức ảnh của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên kèm theo bài báo viết rằng ông Kim Jong Un, người mà sự khả ái được bao bọc bởi một dáng vẻ uy quyền trời sinh, đã được bầu chọn là ‘Người đàn ông đương thời quyến rũ nhất’ năm 2012.
Kèm theo chùm ảnh là các đoạn giải thích rằng người đàn ông từng làm bao nhiêu trái tim thổn thức ‘với vẻ đẹp trai không tả xiết, khuôn mặt tròn trĩnh, vẻ quyến rũ ngây thơ cùng với hình dáng mạnh mẽ, cứng rắn’ đã là giấc mơ có thật của rất nhiều phụ nữ.
Nhưng bài báo của tờ Nhân dân Nhật Báo không nhận ra rằng nguồn gốc của giải thưởng đó là từ The Onion, một nguồn tin mang tính châm biếm.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng duy nhất của Bắc Triều Tiên và hầu hết lương thực và nhiên liệu của đất nước nghèo khó này được nhập khẩu từ quốc gia láng giềng khổng lồ.
Ông Kevin Sites, một nhà báo và là giáo sư tại Đại học Hong Kong, nói rằng việc giảng dạy tại các lớp học ở châu Á đã giúp ông nhận ra rằng các sinh viên không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ không phải lúc nào cũng hiểu được sự hài hước của ông. Và ông cũng nhận ra rằng cách viết của The Onion đôi khi có thể đánh lừa người đọc, thậm chí là cả ở Mỹ.
Ông Sites nó: "Lối châm biếm của họ rất hay và rất sắc. Và quả thật là trong một số trường hợp – có thể không phải trường hợp này – sự châm biếm của họ rất tinh tế và không phải mọi người trên thế giới đều biểu được sự giễu cợt đó."
Tờ New York Times, trong bài blog về châm biếm, giải thích rằng phiên bản trực tuyến của tờ Nhân dân Nhật Báo không phải thông qua quá trình biên tập nghiêm ngặt như báo in.
Tờ 'The Onion' miêu tả ông Kim Jong Un là người đàn ông từng làm bao nhiêu trái tim thổn thức ‘với vẻ đẹp trai không tả xiết, khuôn mặt tròn trĩnh, vẻ quyến rũ ngây thơ cùng với hình dáng mạnh mẽ, cứng rắn’ đã là giấc mơ có thật của rất nhiều phụ nữ.Trong một tuyên bố mang tính châm biếm cố hữu, tờThe Onion miêu tả tờ Nhân Nhân Nhật Báo là một trong các văn phòng của họ ở Viễn Đông, nơi mà bài phóng sự mới đây ‘hay một cách bất thường và sắc sảo về mặt chính trị’.
Trong khi đó, tờ Korean Times, một tờ báo tiếng Anh ở Seoul, cũng đăng bài viết trào phúng này như là một bài báo chính thống trên trang mạng của họ.
Bài báo này được đăng tải cùng với bài báo tiếng Triều Tiên với nguồn là hãng tin bán chính thức Yonhap. Bài báo của Yonhap dẫn nguồn CNN, và nhấn mạnh rằngThe Onion là một nguồn tin châm biếm. Nhưng phiên bản tiếng Anh thì lại không làm vậy.
Một nhân viên trang mạng của Korea Times hôm 28/11 đã thừa nhận với VOA rằng bài báo của Yonhap đã bị ‘dịch sai’. Tuy nhiên, nhân viên này không nhận thấy bất kỳ sự khôi hài nào trong việc đăng tải đáng hổ thẹn đó và đã từ chối giải thích vì sao nhân viên của báo đã bị đánh lừa.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà các bài viết của The Onion bị nhầm lẫn với tin tức chính thống ở các quốc gia khác nhau.
Tờ Tin tức buổi tối Bắc Kinh năm 2002 đã thuật lại một câu chuyện của tờThe Onion rằng Quốc hội Mỹ đe dọa dời trụ sở đến bang Tennessee trừ phi Washington đồng ý xây một tòa nhà Quốc hội mới với bãi đậu xe tốt hơn, nhiều buồng tắm hơn và có mái vòm có thể thu vào.
Giáo sư báo chí Sites ở Hong Kong tỏ ra lạc quan rằng truyền thông Trung Quốc giờ đã học được một bài học từ kinh nghiệm đưa tin lấy nguồn từ The Onion.
Ông Sites nói tiếp: "Hy vọng rằng các cơ quan thông tấn Trung Quốc từ giờ trở đi sẽ chút thận trọng hơn trước đôi chút khi họ tiếp tục sử dụng tờ báo châm biếm là nguồn tin của mình."
Hai tờ báo ở Bangladesh đã phải xin lỗi năm 2009 vì in lại một bài báo bông đùa của The Onion theo đó cho rằng người đàn ông đầu tiên đặt chân lên mặt trăng Neil Armstrong đã thừa nhận rằng việc đặt chân lên mặt trăng của Mỹ là một trò lừa bịp.
Và, hai tháng trước, hãng tin bán chính thức của Iran là Fars, trích dẫn một câu chuyện của The Onion mà không ghi chú tác giả về việc người da trắng ở nông thôn nước Mỹ thích bỏ phiếu cho Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hơn là Tổng thống Barack Obama.
Bà Susan Rice là ai?
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, New York, 30/8/2012
Trước khi lâm vào thế kẹt trong một cơn bão chính trị, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice được biết tiếng là một nhà thương thuyết năng nổ, có người mô tả bà là 'thẳng thừng' và có 'miệng lưỡi sắc bén.'
Bà Rice thăng tiến trong hàng ngũ các nhà ngoại giao trong những năm 1990 sau khi phục vụ trong cương vị Phụ tá đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton và Giám đốc đặc trách các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc.
Từ năm 1997 đến năm 2001, bà Rice giữ chức Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Châu Phi. Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, một người bạn của gia đình bà Rice, quen biết bà từ thời còn bé, chính là người đã khuyên Tổng thống Clinton bổ nhiệm bà Rice.
Bà Rice sau đó trở thành Cố vấn cao cấp về các Vấn đề An ninh Quốc gia trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Barack Obama hồi năm 2008.
Bà được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn nhận làm Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc ít lâu sau khi Tổng thống Obama lên nhậm chức vào tháng Giêng năm 2009, khi bà trở thành phụ nữ Mỹ gốc châu Phi đầu tiên nắm giữ chức vụ này.
Dưới sự lãnh đạo của bà, Hoa Kỳ đã tiếp tay để Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt đối với Iran và Bắc Triều Tiên. Bà Rice cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thương thuyết cho phép Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào Libya hồi năm ngoái.
Tuy nhiên hồi gần đây, những thành tựu của bà Rice đã bị che lấp bởi những lời chỉ trích. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cáo buộc nhà ngoại giao 48 tuổi này là đã đánh lạc hướng công chúng Mỹ khi bà đề nghị rằng cuộc tấn công gây chết người ngày 11 tháng 9 nhắm vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Benghazi của Libya, là hậu quả của một cuộc biểu tình tự phát, chứ không phải là một cuộc tấn công khủng bố có tổ chức.
Khi tên bà Rice nổi lên như một nhân vật có triển vọng được Tổng thống Obama chọn ra thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton, một số đảng viên Cộng hòa đã phản đối, và cho rằng bà không đủ các kinh nghiệm cần thiết.
Bà Rice nói những nhận định của bà về cuộc tấn công ở Benghazi hoàn toàn dựa trên những thông tin do tình báo cung cấp. Tổng thống Obama cũng lên tiếng bênh vực bà Rice, ông mô tả các cuộc tấn công nhắm vào bà Susan Rice, là “đáng chê trách.”
Doanh nhân Anh ra tòa vì hối lộ thống đốc ngân hàng Việt Nam
Một doanh nhân người Anh bị truy tố đã thông đồng hối lộ cựu thống đống ngân hàng nhà nước Việt Nam bằng cách dàn xếp cho con trai của giới chức ngân hàng này du học tại một trường đại học ở Anh.
Tờ Bangkok Post loan tin rằng các công tố viên Anh nói ông William Lowther, 73 tuổi, cùng với 5 người khác đã hối lộ ông Lê Ðức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bằng cách dàn xếp cho con trai của ông Thúy theo học tại Ðại học Durham năm 2003 và đã trả hơn 20.000 bảng Anh học phí và nơi ở cho con trai của giới chức ngân hàng này.
Theo tờ Financial Times, các công tố viên nói vụ hối lộ này là để giành các hợp đồng in tiền Việt Nam bằng chất liệu polymer về cho công ty in tiền của Úc Securency.
Vào thời điểm đó, ông Lowther là một giám đốc không điều hành của Securency.
Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2008, Securency ký được 29 hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với giá trị tổng cộng là khoảng 125 triệu bảng Anh.
Phía nhà nước Việt Nam hồi năm 2007 chỉ yêu cầu ông Lê Ðức Thúy kiểm điểm, còn truyền thông nhà nước không đề cập đến vụ hội lộ mang tầm cỡ quốc tế này.
Cho đến nay, cũng không có quan chức nào bị xét xử trong vụ Securency trong lúc truyền thông nước ngoài đã đăng những cáo buộc nghiêm trọng về vụ hối lộ quốc tế này.
Mỹ hỗ trợ trang web HIV/AIDS đầu tiên cho cán bộ y tế Việt Nam
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) hỗ trợ và phối hợp với Đại học Y Hà Nội, Đại học Washington xây dựng một trang web giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.
Theo thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trang web vừa được ra mắt hôm 29/11 được tài trợ bởi PEPFAR, tức chương trình Cứu trợ Khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ.
Đây là trang web đầu tiên bằng Việt ngữ chuyên cung cấp thông tin cập nhật về các xu hướng mới trong lĩnh vực chăm sóc người nhiễm HIV và giúp mang lại các dịch vụ tốt hơn cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Việt Nam.
Trong hai năm qua, Hoa Kỳ đã tài trợ trên 10 triệu đô la giúp đào tạo cán bộ và tăng cường hệ thống y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống HIV/AIDS thông qua chương trình PEPFAR và Trung tâm CDC.
Việt-Trung tăng cường quan hệ quốc phòng giữa tranh chấp Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong một cuộc họp báo tại Hà Nội.
Việt Nam đánh giá cao tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, tại buổi tiếp đón Phó Hiệu trưởng trưởng Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Vương Tây Hân, ở Hà Nội chiều 28/11.
Đại tướng Thanh cho biết quan hệ quốc phòng Việt-Trung ngày càng phát triển và tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ của phía Trung Quốc đối với Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trước đây. Ông Thanh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng các mối quan hệ với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng ngành quốc phòng hai nước cần tăng cường giao lưu, trao đổi để học hỏi và tin cậy lẫn nhau hơn nữa nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.
Đáp lại, ông Vương Tây Hân bày tỏ hy vọng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ gửi thêm cán bộ sang nghiên cứu, học tập tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Quan hệ Việt-Trung thời gian gần đây trở nên căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông trước hàng loạt các hành động của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên vùng biển giàu tài nguyên, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Ấn Độ, và cả Hoa Kỳ đang lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh phát hành hộ chiếu in bản đồ hình lưỡi bò. Để phản đối, Việt Nam và Philippines quyết định cấp visa rời thay vì đóng dấu thị thực nhập cảnh vào hộ chiếu mới của Trung Quốc.
Trong khi đó, giới trí thức người Việt trong và ngoài nước đang truyền tay nhau ký tên bản Tuyên bố thể hiện sự đoàn kết chống lại tấm hộ chiếu in bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc và yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải tôn trọng luật quốc tế. Tuyên bố nói rằng người dân Việt tôn trọng tình hữu nghị với dân Trung Quốc và mong nhân dân Trung Quốc không bị lừa bịp bởi chính sách bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh vi phạm chủ quyền các nước lân cận.
Nhà giáo Phạm Toàn từ Hà Nội, một trong những người ký tên trong bản Tuyên bố, cho VOA Việt ngữ biết:
“Bản Tuyên bố này đối với Trung Quốc có tính chất phản đối, đối với đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam là nhắc nhở. Trước đây chỉ là phản đối Trung Quốc thôi, thế nhưng bây giờ còn có ý nghĩa là nhắc nhở phía Việt Nam rằng tại sao từ tháng 5 tới giờ mới có phản ứng. Bây giờ chúng tôi đang bàn lập một đoàn đem đến tận nơi gồm hai điểm: sứ quán Trung Quốc và chính phủ, quốc hội, đảng cộng sản Việt Nam. Thật ra cái này cần cho công luận chứ thừa biết là đưa cho họ, họ có thèm trả lời gì đâu. Nhưng cần là cần để cho mọi người nâng nhận thức. Đó là cái chính. Cứ góp gió thành bão dần dần thôi, chứ làm thế nào được!?”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 28/11 cho biết đang nêu quan ngại với đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ về hành động mà Hoa Kỳ gọi là ‘gây căng thẳng’ và ‘không có ích’ cho bầu không khí trong khu vực đang có các tranh chấp chủ quyền chồng chéo nhau.
Công ty đóng tàu Trung Quốc khởi sự dự án ở Tam Sa
Hồi tháng 7, Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính khu vực rộng hơn 2 triệu cây số vuông trên Biển Đông.
Tập đoàn đóng tàu lớn của Trung Quốc sẽ khởi sự các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, và nguồn nước tại thành phố Tam Sa do Bắc Kinh mới thành lập trên đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Báo chí Trung Quốc loan tin chính quyền thành phố Tam Sa đầu tuần này đã ký gói thỏa thuận với tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc về các dự án quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, và tài nguyên nước.
Giới hữu trách cho biết mục đích của các dự án này nhằm nhằm bảo vệ chủ quyền và phục vụ chiến lược sức mạnh hàng hải của Trung Quốc.
Kể từ khi thành phố Tam Sa được thành lập hồi tháng 7 năm nay để quản lý hành chính các quần đảo bao gồm Hoàng Sa-Trường Sa, Trung Quốc không ngừng tăng tốc các dự án xây dựng-phát triển bất chấp những lời tuyên bố phản đối của phía Việt Nam.
Đại sứ quán Mỹ đóng tài khoản trên trang mạng xã hội ZingMe
Tòa đại sứ Hoa Kỳ đã sử dụng tài khoản trên trang ZingMe để quảng bá các giá trị của nước Mỹ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vừa khóa tài khoản trên một trang mạng phổ biến của Việt Nam chứa đầy các sản phẩm âm nhạc và phim ảnh vi phạm bản quyền của Hollywood, theo loan báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được AP đăng tải.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ sử dụng tài khoản trên trang ZingMe để quảng bá các giá trị nước Mỹ, trong đó có việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, cho biết quyết định đóng tài khoản là một phần của cuộc đối thoại với VNG, công ty mẹ của ZingMe, về quyền sở hữu trí tuệ và nạn ăn cắp bản quyền trên các phương tiện kỹ thuật số.
Ông Toner nói đại sứ quán Hoa Kỳ hy vọng có thể kích hoạt lại tài khoản của họ sau khi có những tiến bộ thỏa đáng liên quan đến vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Hoa Kỳ xem xét lại việc sử dụng trang mạng Zingme sau khi xuất hiện những nghi vấn rằng liệu Washington có đang hợp pháp hóa một trang mạng bị tố cáo đánh cắp bản quyền khi có tài khoản trên trang này, hay không.
Trước đó, hai công ty Coca-Cola và Samsung đã rút bỏ quảng cáo ra khỏi Zingme vì quan ngại tương tự.
Nghị sĩ Mỹ e ngại bà Rice nắm chức Ngoại trưởng
Thượng nghị sĩ Susan Collins trên đường tới cuộc họp với đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice diễn ra tại Capitol Hill, Washington, 28/11/2012. (AP)
Một nghị sĩ Hoa Kỳ nói bà sẽ không ủng hộ bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cho chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ nếu không có thêm thông tin về những nhận định sơ khởi của bà Rice về cuộc tấn công gây chết người tại Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins, đại diện tiểu bang Maine, đã lên tiếng e ngại sau cuộc họp kín hôm thứ Tư tại Washington. Bà nói rằng bà Rice đã quyết định đóng “một vai trò chính trị quan trọng” vào lúc cao điểm của cuộn vận động tranh cử tổng thống bằng cách tham gia một buổi nói chuyện trên đài truyền hình Mỹ để trình bày lập trường của chính phủ Obama.
Thượng nghị sĩ Collins thường có quan điểm ôn hòa, và là tiếng nói quan trọng tại Quốc hội nếu Tòa Bạch Ốc quyết định trao chức ngoại trưởng cho bà Rice.
Một vài ngày sau khi xảy ra cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2012 vào Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, bà Rice nói các thẩm định tình báo sơ khởi nêu lên một cuộc biểu tình “tự phát” gây ra bởi một cuốn video chống Hồi giáo. Bà nói rằng cuộc biểu tình này lôi kéo các phần tử tranh đấu võ trang hùng hậu.
Bà Rice nói theo thẩm định tốt nhất của bà cuộc tấn công này không được hoạch định trước.
Các giới chức tình báo Hoa Kỳ sau đó đã nói với Hạ viện rằng nhiều ngày trước đó chính phủ Obama đã biết đó là một cuộc tấn công khủng bố, trước khi bà Rice đưa ra nhận định vừa kể.
Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012
Bọn lưu manh và những ông vua cả tin
BỌN LƯU MANH VÀ NHỮNG ÔNG VUA CẢ TIN.
Hoạt cảnh 6 lớp của Trung Dũng
Lớp 1. Cột mốc Biên cương lĩnh xướng.
Trên mọi nẻo đường của đất nước tôi
Vẫn thậm thụt bước chân của thằng rể quý
Này Thục Phán ! đã 2222 năm rồi đấy nhỉ
Lông ngổng giờ đã rải đến Cà Mau.
(?)……………….
Lớp 2. Đường dây nóng An Dương Vương
Năm 210 Trước CN:
- Alô! Trọng Thuỷ đấy hở? Hôm hồi quốc con có cầm nhầm cái móng rùa (lẫy nỏ) của bố không con?
- Tao đây! Bố đéo gì bọn mày, chuẩn bị kiếm cái gì đỡ đòn đi, tía con tao sắp tới Cổ Loa rồi đấy.
Lớp 3. Hợp xướng của cát và sóng biển Hoàng Sa- Trường Sa
Sợ mai này con hỏi cha ơi
Đi tắm biển sao phải mang hộ chiếu ?
Biển quê mình… cha nói đi… con không hiểu
Khi nhìn tấm bản đồ chó chết của Trung Hoa.
…
Con thả diều ở Vũng Tàu, Mũi Né, Lý sơn, Hoàng Sa, Trường Sa…
Người lớn đến cắt dây khi diều bay xa mém nước
Biển của mình trong xanh con muốn vẫy vùng mà chẳng được
Vì ra khơi là đi du lịch nước ngoài.
Đời thật buồi khi ra biển ngắm ban mai
Chỉ thấy sóng giăng giăng hình băng đạn
Đám mây hiền lành cũng bốc mùi đại Hán
Đường lưỡi bò liếm láp biển bao la
Một ngày kia đọc “Nam Quốc Sơn Hà”
Chữ “Định phận” bị thay bằng “Cam phận”
Hình đất nước gầy nhom vì oán giận
Gánh những chữ vàng méo mó đứng chơi vơi
…
Muộn mất rồi
Đừng hỏi nữa
Con ơi.
Lớp 4. Tại đền Quát (Sông đáy, Hải Dương) thờ Yết Kiêu – Phạm Hữu Thế.
Một toán khoảng trên mươi đứa tướng mạo phốp pháp, phương phi, mặc đồ bơi lấm lét vào đền,.
Sau một hồi nhang khói nghi ngút, người đại diện cầm cặp chân vịt (của người nhái) lết lên điện sì sụp lạy khấn: – Muôn năm thầy linh hiển, Quang vinh thợ lặn ngàn đời… Yết Kiêu thầy hỡi! Chúng con, người ở đồng bằng, kẻ sinh miền núi nhưng đều là con Lạc cháu Hồng. Nhờ hồng phúc 4 ngàn năm Chiêu Thống (á lộn, Văn Hiến) nên chúng con đây học hành làng nhàng, công trạng chẳng bao nhiêu nhưng đều đỗ đạt hiển vinh, ăn trên ngồi trốc…
Chúng con đây cái gì cũng biết (kể cả biết điều) duy món lặn sâu thì chỉ thì…thì… Từ nhỏ đã nghe danh thầy: bơi như rái cá, lặn tợ thuồng luồng, không những thế thầy còn đục chìm tàu lạ xâm phạm biển đảo quê ta. Thật là quá đã…quá đã… Chúng con đây vô cùng bái phục.
Yết Kiêu thầy hỡi có hay, mấy tháng nay giặc dã hoành hành từ nam ra bắc, từ biên cương, hải đảo đến nông thôn, thị thành… chúng con đây yêu nước nồng nàn (mùi Mao Đài), ruột đau như cắt (loét thượng vị), xót xa tâm bào (máu nhiểm mỡ)… Nhân dân đây đó làm tình (í lộn, biểu tình) thiên hạ la ó tùm lum vậy mà nào có ăn thua, chúng con vừa mở mồm xuýt xoa giặc đà hảo hảo, thật là khó xử. Chổ thầy và đám thuỷ binh năm xưa tập bơi, tập lặn nay chúng cho mấy chục tàu chiến giả dạng tàu thường lượn lờ thoải mái như ao nhà của chúng. Thật là bối rối… bối rối…
Vận nước nguy nan, biển đảo nguy cơ, ngư dân nguy khốn… nay chúng con đến đây trước là lễ bái sau nữa là nhờ thầy bỏ chút thì giờ dạy cho chúng con trước là biết lặn sâu sau nữa lặn xa cuối cùng nâng cao thành lặn biệt tăm thầy nhé.
*Tái khấn: Nếu trong cơn binh lửa loạn ly mà chúng con lặn thoát, từ phương khác chúng con sẽ hướng về đây dập đầu vọng bái.
Lớp 5. Đường dây nóng Hào Cẩm Đồ
2222 năm sau (năm 2012):
- Alô, Hào huynh (Hào Cẩm Đồ) phải không ạ? Hôm trước huynh đệ ta bàn về cái zdụ Biển Đông, huynh ok rồi sao hôm nay còn cho mấy chục ngàn tàu thuyền vào đánh cá trên biển nước đệ? Lại còn in hình đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông nữa ???
- Biển bọn mày thế đéo nào! Tao mời thầu mấy lô dầu và cho tàu thuyền đánh cá trên biển Hoa Nam của bọn tao chứ có đụng chạm gì đến cái biển Đông bé xíu của chúng mày, thôi nhé! rách việc! lo dẹp biểu tình đi!
Lớp 6. Tấu hài của nghêu sò ốc hến
Thằng Tàu nó đến nước ta
Nó Hốt Tất Liệt chẳng tha thứ gì
Nhân dân muốn đuổi chúng đi
Nhà nước ngăn cản nó thì…Thoát… Hoan.
Mấy em ngơ ngác, hiền ngoan
Hoa Quốc… Phong phát là làm… Bí thơ.
Mấy cô gái đẹp non tơ
Nó Càn Long phát tơ hơ quả bầu
…Còn như Bác Nguyễn Đình Đầu
Bác Hồ Cương Quyết thì sầu quanh năm
Đỗ Trung Quân mặt hằm hằm
Đang mài Các…Mác đòi băm Cẩm Hào
Vậy mà có đứa hô hào
Tồng chí Bình Cận… ra chào… hảo lơ
Tác giả gửi Quê choa
Hoạt cảnh 6 lớp của Trung Dũng
Lớp 1. Cột mốc Biên cương lĩnh xướng.
Trên mọi nẻo đường của đất nước tôi
Vẫn thậm thụt bước chân của thằng rể quý
Này Thục Phán ! đã 2222 năm rồi đấy nhỉ
Lông ngổng giờ đã rải đến Cà Mau.
(?)……………….
Lớp 2. Đường dây nóng An Dương Vương
Năm 210 Trước CN:
- Alô! Trọng Thuỷ đấy hở? Hôm hồi quốc con có cầm nhầm cái móng rùa (lẫy nỏ) của bố không con?
- Tao đây! Bố đéo gì bọn mày, chuẩn bị kiếm cái gì đỡ đòn đi, tía con tao sắp tới Cổ Loa rồi đấy.
Lớp 3. Hợp xướng của cát và sóng biển Hoàng Sa- Trường Sa
Sợ mai này con hỏi cha ơi
Đi tắm biển sao phải mang hộ chiếu ?
Biển quê mình… cha nói đi… con không hiểu
Khi nhìn tấm bản đồ chó chết của Trung Hoa.
…
Con thả diều ở Vũng Tàu, Mũi Né, Lý sơn, Hoàng Sa, Trường Sa…
Người lớn đến cắt dây khi diều bay xa mém nước
Biển của mình trong xanh con muốn vẫy vùng mà chẳng được
Vì ra khơi là đi du lịch nước ngoài.
Đời thật buồi khi ra biển ngắm ban mai
Chỉ thấy sóng giăng giăng hình băng đạn
Đám mây hiền lành cũng bốc mùi đại Hán
Đường lưỡi bò liếm láp biển bao la
Một ngày kia đọc “Nam Quốc Sơn Hà”
Chữ “Định phận” bị thay bằng “Cam phận”
Hình đất nước gầy nhom vì oán giận
Gánh những chữ vàng méo mó đứng chơi vơi
…
Muộn mất rồi
Đừng hỏi nữa
Con ơi.
Lớp 4. Tại đền Quát (Sông đáy, Hải Dương) thờ Yết Kiêu – Phạm Hữu Thế.
Một toán khoảng trên mươi đứa tướng mạo phốp pháp, phương phi, mặc đồ bơi lấm lét vào đền,.
Sau một hồi nhang khói nghi ngút, người đại diện cầm cặp chân vịt (của người nhái) lết lên điện sì sụp lạy khấn: – Muôn năm thầy linh hiển, Quang vinh thợ lặn ngàn đời… Yết Kiêu thầy hỡi! Chúng con, người ở đồng bằng, kẻ sinh miền núi nhưng đều là con Lạc cháu Hồng. Nhờ hồng phúc 4 ngàn năm Chiêu Thống (á lộn, Văn Hiến) nên chúng con đây học hành làng nhàng, công trạng chẳng bao nhiêu nhưng đều đỗ đạt hiển vinh, ăn trên ngồi trốc…
Chúng con đây cái gì cũng biết (kể cả biết điều) duy món lặn sâu thì chỉ thì…thì… Từ nhỏ đã nghe danh thầy: bơi như rái cá, lặn tợ thuồng luồng, không những thế thầy còn đục chìm tàu lạ xâm phạm biển đảo quê ta. Thật là quá đã…quá đã… Chúng con đây vô cùng bái phục.
Yết Kiêu thầy hỡi có hay, mấy tháng nay giặc dã hoành hành từ nam ra bắc, từ biên cương, hải đảo đến nông thôn, thị thành… chúng con đây yêu nước nồng nàn (mùi Mao Đài), ruột đau như cắt (loét thượng vị), xót xa tâm bào (máu nhiểm mỡ)… Nhân dân đây đó làm tình (í lộn, biểu tình) thiên hạ la ó tùm lum vậy mà nào có ăn thua, chúng con vừa mở mồm xuýt xoa giặc đà hảo hảo, thật là khó xử. Chổ thầy và đám thuỷ binh năm xưa tập bơi, tập lặn nay chúng cho mấy chục tàu chiến giả dạng tàu thường lượn lờ thoải mái như ao nhà của chúng. Thật là bối rối… bối rối…
Vận nước nguy nan, biển đảo nguy cơ, ngư dân nguy khốn… nay chúng con đến đây trước là lễ bái sau nữa là nhờ thầy bỏ chút thì giờ dạy cho chúng con trước là biết lặn sâu sau nữa lặn xa cuối cùng nâng cao thành lặn biệt tăm thầy nhé.
*Tái khấn: Nếu trong cơn binh lửa loạn ly mà chúng con lặn thoát, từ phương khác chúng con sẽ hướng về đây dập đầu vọng bái.
Lớp 5. Đường dây nóng Hào Cẩm Đồ
2222 năm sau (năm 2012):
- Alô, Hào huynh (Hào Cẩm Đồ) phải không ạ? Hôm trước huynh đệ ta bàn về cái zdụ Biển Đông, huynh ok rồi sao hôm nay còn cho mấy chục ngàn tàu thuyền vào đánh cá trên biển nước đệ? Lại còn in hình đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông nữa ???
- Biển bọn mày thế đéo nào! Tao mời thầu mấy lô dầu và cho tàu thuyền đánh cá trên biển Hoa Nam của bọn tao chứ có đụng chạm gì đến cái biển Đông bé xíu của chúng mày, thôi nhé! rách việc! lo dẹp biểu tình đi!
Lớp 6. Tấu hài của nghêu sò ốc hến
Thằng Tàu nó đến nước ta
Nó Hốt Tất Liệt chẳng tha thứ gì
Nhân dân muốn đuổi chúng đi
Nhà nước ngăn cản nó thì…Thoát… Hoan.
Mấy em ngơ ngác, hiền ngoan
Hoa Quốc… Phong phát là làm… Bí thơ.
Mấy cô gái đẹp non tơ
Nó Càn Long phát tơ hơ quả bầu
…Còn như Bác Nguyễn Đình Đầu
Bác Hồ Cương Quyết thì sầu quanh năm
Đỗ Trung Quân mặt hằm hằm
Đang mài Các…Mác đòi băm Cẩm Hào
Vậy mà có đứa hô hào
Tồng chí Bình Cận… ra chào… hảo lơ
Tác giả gửi Quê choa
Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012
Kinh tế CHXHCNVN
-
Nợ công của Việt Nam đã đạt mức 115-129 tỷ đô la Mỹ. Điều này không mới, lần lượt các quốc gia trên thế giới nối đuôi nhau vượt quá chỉ số 100% nợ/GDP. Việt Nam cũng chỉ theo các nước khác thôi. Thật ra chỉ số 100% này rất là tương đối, đến một lúc nào đó, các kinh tế gia sẽ nới tỷ số lên 120, 150%.
Những con số chính quyền Hà nội công bố ra thường bị cắt đầu, cắt đuôi, người ngoài khó định giá được. Ô. Vũ quang Việt làm được một bài với khá nhiều chi tiết. Các bác muốn biết thêm chi tiết, xin đọc trong
........
Tôi nhớ cách nay khoảng 4 năm, tỷ lệ nợ công do Việt Cộng công bố là khoảng 58% GDP (tôi không quan tâm có phải là con số thật sự hay không) và chúng nói thêm là "như thế vẫn còn trong ngưỡng an toàn là 60% GDP". Giờ đã vượt mức 100% GDP rồi, có lẽ chúng sẽ "sáng tác" ra tiêu chuẩn mới hoặc chạy tìm một nước nào đó có tỷ lệ nợ công hơn 100% như Mỹ, Nhật chẳng hạn rồi ru ngủ dân Việt rằng "vẫn an toàn trên xa lộ". Dĩ nhiên, chúng không hề đề cập đến sự khác nhau về bản chất nợ của Việt Nam so với hai nước phát triển kia. -
Vina “xin”, Vina “cho”, Vina “chia”
Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012
'Ngày tận thế' lùi lại hai ngày
Các nhà nghiên cứu cho rằng, người Maya không đặt ra cột mốc cụ thể thời điểm thế giới diệt vong vào 21/12, mà ngày cuối cùng của lịch là 23/12 với ý nghĩa mở ra một chu kỳ mới.
Những truyền thuyết về ngày tận thế tạo cảm hứng cho nhiều tác giả và các nhà làm phim thật ra chưa bao giờ xuất hiện trong khối đá hình chữ T mà người Maya đã khắc lịch lên đó vào thời điểm khoảng năm 669 sau Công nguyên ở đông nam Mexico.
Thực tế, phiến đá đó ghi lại vòng tuần hoàn của sự sống. Theo đó, ngày cuối cùng của lịch Maya là 23/12/2012 chứ không phải là 21/12, và nó mang ý nghĩa là kết thúc cho một chu kỳ để mở ra một chu kỳ mới.
Lịch đá của người Maya. Ảnh: AFP.
"Người Maya có một vòng tuần hoàn thời gian. Vòng tuần hoàn này không mang nhiều ý nghĩa về ngày tận thế", nhà địa chất Mexico Jose Romero nói với AFP. Điều này có nghĩa sẽ không có những tòa nhà đổ sập, lũ lụt kinh hoàng, động đất và núi lửa như Hollywood đã mô tả trong bộ phim bom tấn 2012. Nó là sản phẩm tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood chứ không phải của người Maya.
Phiến đá trên được gọi là Monument 6, đặt ở El Tortuguero, một di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 1915. Nó đã bị vỡ thành 6 mảnh, các mảnh được trưng bày ở bảo tàng Carlos Pellicer Camara Anthropology ở Tabasco, Mexico và Metropolitan ở Mỹ.
Nghiên cứu đầu tiên về cột đá được một chuyên gia người Đức công bố năm 1978. Kể từ đó, nhiều chuyên gia về địa lý cho rằng cột đá của người Maya nêu trên nói tới ngày 23/12, thay vì ngày 21/12/2012.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra bộ lịch đá của người Maya tính thời gian bắt đầu từ năm 3114 trước Công nguyên đến ngày 23/12/2012. Tuy nhiên, do người Maya có ý niệm về vòng tuần hoàn của sự sống nên ngày cuối cùng 23/12/2012 chỉ đơn thuần là điểm kết thúc của một chu kỳ, chứ không phải là điểm kết thúc của thế giới này.
"Lịch của người Maya không có điểm kết thúc, mà là vô hạn. Đó là sự bắt đầu một chu kỳ mới, thế thôi", sử gia Mexico Erick Velasquez nói.
Theo các chuyên gia, chính những người theo Thiên Chúa giáo mới nói về ngày tận thế chứ không phải là người Maya. Và mới đây, chính đại diện của người Maya đã lên tiếng bác bỏ về cái gọi là “ngày tận thế” vào 21/12/2012.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)