Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp PTTH gần 100%

Tỷ lệ đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua rất cao, chỉ có 0,12% thí sinh trượt mà thôi. Hòa Ái phỏng vấn Giáo sư Văn Như Cương xung quanh hiện tượng kết quả đỗ đạt rất cao của học sinh phổ thông trung học năm nay.
RFA photo
Học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi Tốt nghiệp PTTH ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 31/5/2012

Mừng hay lo?

Hòa Ái: Thưa Giáo sư, theo như báo chí đăng tải kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay thì hầu như học sinh trên cả nước đỗ kỳ thi gần như 100%. Theo GS thì kết quả thi tốt nghiệp lần này có phản ánh được tình trạng học tập thực tế của họ sinh không?
Giáo sư Văn Như Cương: Kết quả năm nay nói cho đúng là gần 98%. Tỉnh cao nhất là 99,9%. Nói chung trên toàn quốc là 98% để nói cho chính xác. Nhưng mà kết quả theo tôi là quá cao và không phản ánh đúng thực chất của việc dạy và học trong những năm vừa qua.
Hòa Ái: Theo Giáo sư thì những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Giáo sư Văn Như Cương: Tức là thì không nghiêm, thầy giáo dễ dãi, học sinh vi phạm mà không được xử lý…Nhưng nguyên nhân chủ yếu là chống lại bệnh thành tích chưa chống được. Do đó, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích. Và do đó mà các tỉnh, các trường muốn đẩy số lượng học sinh tốt nghiệp lên cao. Chống bệnh thành tích bằng “phương thuốc” của ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra, hình như đã lờn thuốc rồi, cho nên không có tác dụng, cần phải có ‘phương thuốc” khác.
Hòa Ái: Báo chí đăng tải nhiều chia sẻ của giáo viên là “làm ngơ cho học sinh vì thương các em”. Giáo sư có đồng tình với những chia sẻ này không, thưa Giáo sư?
Giáo sư Văn Như Cương: Tâm lý của giáo viên là có thật. Tức là học sinh học khổ quá, căng thẳng quá. Cho nên đôi khi có chút vi phạm gì đó thì cũng thương tình mà bỏ qua. Tôi nói là tâm lý ấy là có thật. Còn tôi thì tất nhiên không đồng tình về chuyện ấy nhưng tôi lại nhìn ở một khía cạnh khác. Tức là Bộ Giáo Dục đang làm cho kỳ thi trở nên nặng nề một cách quá đáng. Làm khổ học sinh. Làm khổ cả giáo viên nữa. Từ lớp 10 đến lớp 11, học sinh cũng phải có bài kiểm tra, học kỳ cũng phải có tổng kết thì mới được lên lớp 11. Lớp 11 lên lớp 12 cũng thế. Cũng điểm học kỳ một nhân hệ số như thế nào đó, đủ chuẩn thì mới lên lớp 12. Thế thì học xong lớp 12 rồi, cần có một kỳ kiểm định chất lượng rất nhẹ nhàng, không cần phải thi cử.
Hòa Ái: Có phải phương pháp giáo dục như Giáo sư vừa nêu sẽ có hiệu quả thiết thực hơn kỳ thi tốt nghiệp hiện nay?
Giáo sư Văn Như Cương: Tất nhiên điều đó cũng cần phải làm một cách nghiêm chỉnh. Ví dụ như trong bậc học phổ thông phải cho học sinh lên lớp một cách cũng nghiêm chỉnh, đúng lên lớp. Còn không thì cũng có cách gì đó học lại hay là thi lại…Chúng ta cứ làm như thế, mỗi năm lên một lớp, mỗi cấp học lên cấp kia thì đến lớp 12 cũng có một kỳ thi để xem chứng nhận rằng đã học hết lớp 12, cũng chỉ thi chương trình lớp 12 không thôi. Rồi cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ tốt nghiệp cho các em. Sau đó, thi đại học, học nghề hay ra trường thì tùy các em lựa chọn. Làm như thế một cách rất nhẹ nhàng thì không đến nỗi căng thẳng, không đến nỗi quay cóp, không phải làm như hiện nay.
000_Hkg5079044-250.jpg
Hai học sinh vừa ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp PTTH. AFP photo
Hòa Ái: Có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cũng như của những người quan tâm đến ngành giáo dục thì cho rằng khâu tổ chức thi cử quá tốn kém mà tỷ lệ học sinh đỗ kỳ thi xấp xỉ 100%. Vì vậy, Bộ Giáo Dục nên bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Theo Giáo sư, Bộ Giáo Dục có nên cân nhắc về biện pháp này?
Giáo sư Văn Như Cương: Có nên cân nhắc. Nhưng theo ý tôi thì không nên bỏ kỳ thi nào cả. Vẫn thi nhưng hình thức thi như thế nào mà thôi. Bởi vì kỳ thi không chỉ nhằm nhiệm vụ là để cấp bằng cho học sinh, mà nhiệm vụ là đánh giá lại chất lượng dạy-học, chất lượng của chương trình có phù hợp hay không, sách giáo khoa có dễ dãi hay nặng nề quá…
Tức là kiểm định về chất lượng giáo dục về nhiều khía cạnh khác nhau chứ không phải chỉ mục đích là cấp bằng cho học sinh. Cấp bằng chỉ là một trong những mục đích. Vì thế nếu thi tốt, làm nghiêm chỉnh, dù đạt 98% đi nữa, mà phản ánh đúng thực chất của việc dạy và học thì vẫn nên làm. Tôi vẫn nói lại là làm để phán ánh đúng thực chất nhưng phải nhẹ nhàng thôi chứ không nên làm căng thẳng như hiện nay thì Bộ Giáo Dục nên suy xét điều này.

Cần thay đổi toàn diện

Hòa Ái: Mới đây nhất trên báo mạng Giáo Dục Việt Nam đăng tải nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương lo ngại về nền giáo dục hiện nay là: “Chất lượng nền giáo dục nước ta chưa bao giờ kém thế này, kém đến mức đáng xấu hổ. Nếu ngành giáo dục không thay nhanh tạo ra một cuộc đại phẫu, cắt bỏ hoàn toàn những ung nhọt ấy thì có lẽ sự thất vọng sẽ bị đẩy đến mức tột cùng, chẳng còn ai đủ sức kiên trì chờ đợi nữa.” Giáo sư có ý kiến như thế nào trước nhận xét này?
Giáo sư Văn Như Cương: Đối với nhà thơ Vũ Quần Phương có lẽ không hiểu sâu sắc lắm về giáo dục, cũng chỉ nghe nói, chỉ nghe dư luận, chỉ nghe phản ảnh…Đánh giá như thế là quá tiêu cực. Tôi không đồng ý. Giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề vì thế Nhà Nước và Đảng chủ trương là phải đổi mới căn bản và toàn diện cho đến năm 2000.
Có những vấn đề không đem lại hiệu quả lớn hoặc là không phù hợp với thực tế xã hội đang đòi hỏi. Nhưng nếu nói đáng xấu hổ hay là đáng vứt đi thì tôi hoàn toàn không đồng ý.
Cha-me-cho-con-thi-xong-June--250.jpg
Phụ huynh đang chờ con trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH tại một hội đồng thi ở Hà Nội hôm 02/6/2012. RFA photo
Hòa Ái: Theo như nhận định của Giáo sư có nhiều vấn đề trong ngành giáo dục không mang lại hiệu quả lớn và không đáp ứng với những yêu cầu thực tế của xã hội hiện tại. Vậy, câu hỏi đặt ra là ngành giáo dục Việt Nam phải bắt tay vào thay đổi ở mấu chốt nào?
Giáo sư Văn Như Cương: Không phải làm điều gì để phản ánh nền giáo dục hiện tại. Bây giờ phải thay đổi tất cả các vấn đề trong phạm vi giáo dục để làm cho nền giáo dục tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội về mặt kinh tế, tất cả mọi mặt, trong công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Vì thế phải cấu trúc lại cả hệ thống giáo dục từ phổ thông cho đến đại học. Ví dụ như có những vấn đề lớn cần đặt ra như trường phổ thông bao nhiêu năm là vừa đủ: 10 năm, 11 năm hay 12 năm?
Thứ hai là phân luồng định hướng để cho học sinh đi vào ngành nghề hay đi vào đại học thì tùy cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông phải thay đổi như thế nào? Ví dụ như hết phổ thông cơ sở lên phổ thông trung học cần phải có những mảng ngành khác nhau như thế nào? Ví dụ như trường trung học thuần túy chỉ dạy lên đại học hay trường trung học có kết hợp dạy nghề để học sinh ra trường học nghề được nhanh chóng hơn…Người ta nói là tái cơ cấu thế thì ở giáo dục cũng cần tái cơ cấu, rồi sau đó mới làm chương trình như thế nào cho phù hợp. Thì đây là điều phải làm. Tức là phải thay đổi một cách tương đối cơ bản và toàn diện.
Hòa Ái: Và câu hỏi cuối cùng thưa Giáo sư: Được biết Bộ Giáo Dục vừa thông qua một đề án cải tổ trong ngành. Phản ứng của Giáo sư đối với việc này như thế nào?
Giáo sư Văn Như Cương: Vâng, tôi biết có đề án vừa được thông qua nhưng mà tôi thất vọng. Bởi vì tất cả những điều tôi nói về hệ thống cơ cấu giáo dục, ban ngành như thế nào thì không hề nói đến. Từ trước đến nay, Bộ Giáo Dục cũng đề ra những thay đổi nhưng vụn vặt và chậm trễ và không đáp ứng được những yêu cầu mà mọi người mong đợi.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Giáo sư Văn Như Cương dành cho Đài RFA cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét