Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

VN thâm thủng mậu dịch kỷ lục


HÀ NỘI (TH) - Cùng với tin lạm phát tiếp tục gia tăng phi mã, thâm thủng mậu dịch kinh niên ở Việt Nam hiện gia tăng nhanh nhất trong tháng 5, 2011 kể từ 17 tháng qua.

Một người chở cặp bánh xe hơi cũ bằng chiếc xe gắn máy của ông trên đường phố Sài Gòn. Hình ảnh này có thể mô tả tình thế không mấy sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)



Chỉ dấu này đè nặng lên nền kinh tế vốn đã mất thăng bằng, đồng tiền mất giá, đòi hỏi chế độ Hà Nội phải có những biện pháp tích cực hơn.

Theo Tổng Cục Thống Kê Hà Nội, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trong tháng 5 là $1.7 tỉ USD.

Mức thâm thủng này là mức cao nhất kể từ tháng 12, 2009 đến nay.

Xuất cảng của Việt Nam trong tháng 5 đạt $7.5 tỉ USD, nhích lên được chút ít so với tháng 4 ($7.44 tỉ USD) trong khi nhập cảng của tháng 5 lên tới $9.2 tỉ USD. Tháng 4 nhập cảng $8.93 tỉ USD.

“Theo tôi, các biện pháp mà nhà cầm quyền đưa ra nhằm giảm thâm thủng mậu dịch đã không đủ.”

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế từng là cố vấn của chính phủ phát biểu.

Nhà cầm quyền trung ương loan báo một chương trình chống đỡ với các khó khăn kinh tế tài chính từ cắt giảm đầu tư công 10%, giảm nhập cảng các loại hàng hóa xa xỉ như xe hơi, mỹ phẩm, hàng hóa xa xỉ, và điện thoại di động.

“Giảm nhập cảng hàng hóa xa xỉ không đem lại kết quả tốt vì mức nhập cảng các loại hàng hóa này chỉ chiếm 10% đến 12% tổng số hàng hóa nhập cảng.”

Bà Lan nói: “Giảm đầu tư công có thể giúp giảm nhập cảng nhưng phải xem có những dự án nào thật sự bị dời lại. Sản xuất công nghệ tiếp tục gia tăng chứng tỏ không có nhiều dự án bị cắt bỏ.”

Thật ra, nhà cầm quyền Hà Nội tuy nói cắt giảm nhập cảng hàng hóa xa xỉ nhưng các con số thống kê được báo chí ở Việt Nam nêu ra chứng minh ngược lại.

Tháng trước, phúc trình của Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, nhóm hàng xe hơi và xe máy tăng tới 71.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng lượng xe hơi nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập cảng về Việt Nam lên tới 14,330 chiếc với tổng trị giá 185 triệu đô la.

Việt Nam cũng nhập cảng tới 28,775 xe gắn máy nguyên chiếc với tổng giá trị 41 triệu đô la. Các loại hàng hóa xa xỉ điện thoại di động đắt tiền, mỹ phẩm, rượu ngoại... cũng chiếm tỷ lệ rất lớn...

Thâm thủng mậu dịch trong tháng 5, 2011 đem tổng số thâm thủng từ đầu năm đến tháng này là $6.59 tỉ USD, nhiều hơn mức thâm thủng $5.46 tỉ USD cùng thời gian này của năm ngoái.

Xuất cảng giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, 2011 gia tăng được 33% so với cùng thời gian này của năm ngoái với $34.75 tỉ USD trong khi nhập cảng của thời kỳ này là $41.34 USD, gia tăng 30%, theo các con số của Tổng Cục Thống Kê Hà Nội.

Xuất cảng là một trong những nguồn chính để có ngoại tệ của Việt Nam, nhưng thâm thủng mậu dịch càng ngày càng gia tăng đã làm nhỏ dần lượng dự trữ ngoại tệ.

Không biết con số dự trữ hiện nay là bao nhiêu vì nhà cầm quyền Hà Nội không công bố, nhưng cuối năm ngoái chỉ còn khoảng $12.2 tỉ USD, không đủ cho 2 tháng nhập cảng và chi trả ngoại quốc.

Tháng 2, 2008, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn tới $25.8 tỉ USD.

Ngày 11 tháng 1 đầu năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, nhân danh thủ tướng chính phủ ký ban hành nghị quyết số 02/NQ-CP có tựa đề “7 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2011.”

Nhưng những gì diễn ra trên thực tế tại Việt Nam đều hoàn toàn ngược lại.

Lạm phát tháng sau tồi tệ hơn tháng trước mà tháng 5 này lên tới 19.78%. Tháng 4 là 17.51%. Tháng 3 là 13.89%.

Thâm thủng mậu dịch ngày càng phình lớn ra như trình bày ở trên.

Tờ báo tài chính ở Anh Quốc, Financial Times, ngày 20 tháng 5, 2011 bình luận rằng nhà cầm quyền Hà Nội nổi tiếng với truyền thống đưa ra các nghị quyết, quyết định hay nghị định lời lẽ quyết liệt đối phó với các khốn đốn kinh tế tài chính nhưng thi hành thì rất lỏng lẻo kiểu “đánh trống bỏ dùi.” (TN)

Nguồn Người Việt.

http://anhhaisg.blogspot.com/2011/05/vn-tham-thung-mau-dich-ky-luc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét