Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Phụ trương Tự Do Ngôn Luận: Đồng Thuận Dân Chủ Cho Việt Nam



(Lẽ phải Dân cần làm 67)                                                 Phụ trương Tự Do Ngôn Luận
Đồng Thuận Dân Chủ Cho Việt Nam
Gs Nguyễn Chính Kết & Lm TNLT Nguyễn Văn Lý
1. Đồng Thuận & Thách Đố.
Tạo được đồng thuận chung, một thách đố khó vượt qua?
Gs Nguyễn Chính Kết – Houston 28-3-2011
Ngày xưa, tại một thung lũng nọ có một làng khoảng 1000 dân cư. Một con đường độc đạo giúp dân cư ra khỏi thung lũng chẳng may bị một tảng đá khổng lồ từ trên núi lăn xuống, chắn ngang giữa đường khiến việc giao thông bị trở ngại. Tảng đá rất to nên dân làng dự đoán phải 500 người hợp lực lại cùng một lúc mới đẩy được tảng đá ra khỏi con đường.
Trong làng có hàng chục nhóm thân hữu, nhóm nào cũng hạ quyết tâm dẹp bỏ cho bằng được tảng đá ấy. Có nhóm khoảng 50 người, có nhóm 100, có nhóm tới 200. Tuần nào cũng có một nhóm xung phong ra đẩy hòn đá. Nhưng chẳng nhóm nào đủ 500 người để có thể làm tảng đá di chuyển. Suốt ba mươi mấy năm qua, dân làng cứ hì hục liên tục hết năm này tháng nọ, cố gắng đẩy tảng đá ra khỏi con đường, nhưng tảng đá vẫn cứ nằm đó, không chịu rời đi.
Cả làng, ai cũng biết chỉ cần 500 người hợp lại cùng một lúc là đẩy được hòn đá ra. Dân làng có đến cả 1000 người nên có dư tiềm năng làm chuyện ấy. Nhưng chưa bao giờ dân làng tụ được đủ số người để làm. Các nhóm thân hữu tuy nhiều, nhưng chẳng nhóm nào đông tới 500, cũng chẳng nhóm nào chấp nhận hợp tác với các nhóm khác để có đủ con số ấy.
Họ không hợp tác với nhau do bất đồng ý kiến: nhóm này chủ trương đẩy tảng đá qua bên phải, nhóm khác muốn đẩy qua bên trái, nhóm khác nữa đòi đẩy tới một vị trí khác. Nhóm này muốn dùng phương cách này, nhóm muốn dùng phương cách khác; nhóm này muốn đẩy vào giờ này, nhóm khác đòi giờ khác… Các nhóm đều thấy: chỉ bằng cách hợp tác với nhau mới có thể làm nổi việc ấy. Nhưng có những nhóm chỉ muốn dành vinh dự đẩy được tảng đá ra cho riêng mình, không chấp nhận chia sẻ vinh dự ấy với nhóm nào khác. Có những nhóm đòi phải làm theo phương hướng hay cách thức của mình, nhóm nào muốn hợp tác với họ thì phải làm theo cách thức của họ, theo sự chỉ đạo của họ; nhưng chẳng nhóm nào chấp nhận như vậy. Ngay trong cùng một nhóm, có những người tuyên bố: “Hễ có ông A hay có chị B thì không có tôi”. Cứ thế, nên ba mươi mấy năm trôi qua, tảng đá vẫn còn đó, gây biết bao khó khăn cho dân làng.
Dân làng trên thật đáng thương, nhưng cũng đáng tội! Chỉ cần ba bốn nhóm thân hữu liên kết với nhau là có dư người để đẩy bay tảng đá đi. Liên kết được với nhau thì chỉ một vài ngày là dẹp xong tảng đá, đâu phải để đến mấy chục năm mà không xong?! Việc đẩy tảng đá qua trái hay qua phải, làm theo cách này hay cách kia, nào phải là chuyện quan trọng? Điều quan trọng là cùng đồng thuận theo một hướng nào đó, giờ nào đó, cách nào đó. Giả như đồng thuận được theo hướng dở nhất mà đẩy được tảng đá đi thì vẫn tốt gấp trăm lần việc đòi cho được mọi người phải theo hướng mà mình cho là hay nhất, để rồi cuối cùng chẳng làm được gì!
Hễ cùng đồng thuận được với nhau thì việc gì cũng xong, khó mấy cũng thành. Người xưa nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Trái lại, không đồng thuận thì việc dù nhỏ cũng khó thành.
Nhưng Trời sinh ra con người “bá nhân bá tánh”, mỗi người nghĩ một cách, mỗi người quan niệm một kiểu thì làm sao đồng thuận được? Nhất là ai cũng cho mình là hay nhất, ý kiến mình là  tuyệt vời nhất, ít ai muốn chấp nhận ý kiến của người khác, làm sao bây giờ? Đó là vấn đề muôn thuở của con người.
Trước sự khác biệt ý kiến như vậy, trong lịch sử, ta thấy có 2 cách chính để đạt được sự đồng thuận:
1. Phương cách độc tài: Người hoặc phe nào mạnh thì dùng cách này hay cách khác ép buộc mọi người khác phải theo ý kiến của mình. Ai không theo thì bị trù dập, loại trừ, hoặc bị tiêu diệt. Đây là sự đồng thuận giả tạo, vì mọi người dù trong lòng không đồng thuận, cũng phải tỏ ra mình đồng thuận với kẻ mạnh, kẻ đang nắm quyền lực.
2. Phương cách dân chủ: Để mọi người tự do phát biểu ý kiến, nhưng chỉ tuyển ra vài ý kiến có đông người phát biểu nhất. Sau đó mỗi người bỏ phiếu chọn một trong những ý kiến vừa được tuyển ra. Ý kiến nào được hơn một nửa số người chọn, thì được coi là ý kiến chung. Nhờ vậy mọi người đều vui vẻ chấp hành.
Hai phương cách này, phương cách nào cũng có ưu và nhược điểm của nó. Nhưng cho tới nay, sau hàng nghìn năm được thử nghiệm trong lịch sử, phương cách dân chủ có ưu điểm vượt trội hẳn phương cách kia. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn phương cách dân chủ để đạt được sự đồng thuận chung. Chỉ còn một số rất ít quốc gia vẫn còn theo phương cách độc tài. Những quốc gia này hầu hết bị tụt hậu, đói khổ, tệ hại nhất là nhân quyền bị chà đạp. Nếu có phát triển được về kinh tế như Trung Cộng thì số người hưởng được thành quả sự phát triển ấy chỉ là một thiểu số rất nhỏ so với đại đa số dân chúng đều nghèo khổ.
Trở lại câu chuyện tảng đá chắn đường tại thung lũng kia, ta thấy các nhóm không có khả năng hợp tác với nhau, không tạo được sự đồng thuận chung theo phương cách dân chủ để cùng hợp tác với nhau đẩy tảng đá ra khỏi con đường. Điều đó có nghĩa: họ chưa có tinh thần dân chủ, không biết tạo sự đồng thuận bằng phương cách dân chủ. Như thế, làm sao họ làm cho mọi người có tinh thần dân chủ được? Làm sao họ xây dựng được một xã hội dân chủ? Làm sao họ lãnh đạo được xã hội trong tinh thần dân chủ? Nếu có lãnh đạo, thì thể chế thích hợp nhất mà họ sẽ áp dụng hẳn nhiên là một chế độ độc tài.
Vì thế, quả là một thách đố lớn lao đối với những nhóm người cùng quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ nhưng lại không tạo được sự đồng thuận với nhau theo phương cách dân chủ để có thể liên kết hay hợp tác với nhau? Việc tương đối dễ như thế mà làm còn không được, nói gì đến việc khó hơn? Dân làng không tin tưởng hay kỳ vọng vào bất kỳ nhóm thân hữu nào đang có, họ có lý của họ! Phải chăng quyết tâm hay ước muốn của các nhóm thân hữu kia chỉ là ảo tưởng? @@@                                                                                                                      

2. Vấn Đề Văn Hóa Tổ Chức
Lm TNLT Nguyễn Văn Lý – Huế 15-4 & 15-5-2011
Nhận thức của một người đọc bài 1: Gần 150 năm qua, người Việt chúng ta thiếu một điều rất lớn: Văn Hóa Tổ Chức. Vua quan nhà Nguyễn không biết lắng nghe những lời tâm huyết của các nhân sĩ hết lòng vì Dân vì Nước (1840-1860), nổi bật nhất là nhà khoa học thiên tài Nguyễn Trường Tộ, khiến xuất phát cùng một thời tương tự nhau, Nước Nhật có Văn Hóa Tổ Chức cao hơn, họ đã bỏ xa VN. Nguyễn Trường Tộ cùng du học ở Pháp với Y Đằng Cát Văn. Nguyễn Trường Tộ học giỏi hơn. Nhưng Y Đằng Cát Văn nói: “Ngài giỏi hơn tôi, nhưng khi về Nước tôi sẽ được dùng. Còn Ngài thì không. Vì thế Nước Nhật sẽ tiến xa hơn An-Nam”. Quả đúng như vậy, Y Đằng Cát Văn về giúp Minh Trị Thiên Hoàng đưa Nhật Bản lên cường thịnh, còn Nguyễn Trường Tộ trọ nhà Thượng Thư Trần Tiễn Thành ở làng Minh Hương, Huế viết liên tiếp 56 Bản Điều Trần, tham mưu cho Vua Tự Đức về đủ mọi vấn đề chính sự, nay vẫn còn giá trị thực tiễn, nhưng cuối cùng đành qua đời tức tưởi mà vua quan Nhà Nguyễn không chịu lắng nghe. Người ta vẫn nói: “Một người Việt giỏi hơn một người Nhật. Nhưng 2 người Nhật làm việc hiệu quả hơn 2 người Việt”. So sánh rất ấn tượng này buộc chúng ta phải cùng rút bài học thật cặn kẽ. Từ 1954, miền Bắc độc tài ra như thế đó, miền Nam thiếu đồng thuận cũng ra như thế đó. Ngày nay (2011-…), nếu chúng ta tiếp tục không biết  ĐỒNG THUẬN DÂN CHỦ  thì:
+ Biết đến bao giờ? 36 năm uổng phí nữa ư?
+ Một nỗi sỉ nhục trùm lên chúng ta: Không lẽ người Việt chúng ta thật sự là một Dân tộc, tuy gồm nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng không thể có Văn Hóa Tổ Chức Tập Thể kịp thời đại sao?
Cảm ơn Gs Nguyễn Chính Kết đã hết lòng báo động.
Theo tôi, muốn có đồng thuận dân chủ trong một tập thể nào đó, trước tiên chỉ cần một số điều cơ bản để có thể đưa đến thành công bước đầu:
+ Để được đa số dễ đồng thuận thì mục tiêu, phương pháp, phương tiện, thời điểm khởi sự, thời hạn dự kiến…cần có tính đạo đức và hợp lý khoa học tối đa: dễ hiểu, ngắn gọn, vừa tầm tay… và cứ thử nghiệm.
+ Ngoài đức độ, ôn tồn, biết lắng nghe, khiêm tốn, lòng biết ơn, vô tư, quảng đại, cao thượng, thông thoáng, kiến thức… khả năng điều hành trước hết lộ ra ở đầu óc khoa học hiện đại, để khi trình bày điều gì thì rõ, ngắn, nhanh, không mất thời giờ về những kiến thức phổ thông thường bị lặp lại dài, dai, dại; biết điều hành công việc mạch lạc, hợp lý, nhanh gọn và hiệu quả. Cũng cần thời gian cho người ấy “thử việc”.
+ Đừng khư khư bám giữ định kiến về một Tổ chức hoặc một Cá nhân nào đó, dù trong quá khứ họ có dại dột va vấp, thậm chí họ có vài sai lầm thuộc loại rất nghiêm trọng đi nữa, nhưng nay họ đã nhận ra, đã từ bỏ, đã thấy được các hậu quả tác hại… và đang thành công về một số công việc… thì VÌ QUỐC VỤ CHUNG, buộc mỗi người phải từ bỏ định kiến đã trói buộc mọi người quá lâu.
+ Đừng bận tâm cố tìm đồng thuận về các điều phụ tùy không trực tiếp liên quan đến công việc.
+ Cần vài người thiện nguyện làm các cỗ máy phá băng bảo thủ để thúc đẩy sự LIÊN KẾT cần thiết. Mạnh dạn tin cậy tạo điều kiện để các Tổ chức có cơ hội làm việc chung và người thiện chí có cơ hội điều hành thử nghiệm.
+ Thời gian sẽ tự đào thải những gì ít phù hợp và tự tuyển chọn thành viên và người điều hành.
+ Kinh nghiệm tham khảo: Nguyên tắc Đồng thuận của Giáo hội Công giáo (GHCG): “In dubiis, libertas. In necessitate, unitas. In omni, caritas”: Tạm diễn giải: “Khi chưa rõ cần thảo luận, tự do tham gia hết khả năng. Lúc cần quyết định, hiệp nhất. Trong mọi sự, nhân ái văn hóa lễ độ”. 20 thế kỷ qua, GHCG hoàn cầu đứng vững trước mọi thử thách sóng bão nhờ bám vững nguyên tắc này. @@@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét