Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

“Lâm Tặc" - Từ cần câu cơm đến nghề hái ra tiền


2011-05-23
“Lâm tặc” vốn được xem là một trong những đối tượng gây ra tình trạng chảy “máu” tài nguyên rừng.
AFP photo
Vận chuyển gỗ bằng xe tải ở Dak Lak. Tính đến thời điểm 2003, mỗi năm khu vực này mất khoảng 15.000 ha rừng do nạn phá rừng.
Mặc dù các tổ chức quốc tế cũng như nhiều dự án chính sách của nhà nước Việt Nam không ngừng rót tiền vào công tác quản lý cũng như tuyên truyền bảo vệ rừng, nhưng tình trạng “lâm tặc” không hề có dấu hiệu suy giảm. Như vậy, “lâm tặc” thực chất là ai? Tại sao nhiều người dân lại muốn biến mình thành “lâm tặc” như thế?
Khánh An có loạt bài tìm hiểu đầu tiên trong loạt bài về tình trạng chảy máu” tài nguyên rừng.

Tiêu chuẩn để thành “lâm tặc”

Không biết từ lúc nào cụm từ “lâm tặc” đã trở nên thân quen với người dân Việt Nam đến nỗi người ta không còn cảm thấy cái ý nghĩa xấu xí ghê gớm của nó như khi nhắc đến các loại trộm cướp khác như “hải tặc”, “đạo tặc”… Có lẽ bởi vì bản thân kẻ “trộm” cũng như phương cách “ăn trộm” và động cơ dẫn đến hành động “ăn trộm” ấy cũng có nhiều uẩn khúc mà kể cả kẻ trong cuộc lẫn những kẻ ngoài cuộc đều có phần hiểu và thông cảm.
Qua một người bạn trẻ, tôi được làm quen với một trong những người được gọi là “lâm tặc” kia:
"Người này tầm trạc tuổi của em có một thời cũng đi phá rừng, đi buôn gỗ lậu, cũng đánh kiểm lâm rồi bị trọng án nhưng mà gia đình “chạy” được nên được tha bổng, trở về cũng bị quản chế mất mấy tháng. Hiện giờ thì bạn ấy cũng ít khi đi rồi."
Theo lời giới thiệu trên thì anh bạn mà chúng tôi tạm gọi là Lâm đã vào nghề cách đây 4, 5 năm, ngay từ thời còn đang ngồi trên ghế nhà trường ở cấp trung học. Nhà nghèo, kinh tế khó khăn là lý do duy nhất dắt Lâm vào nghề “lâm tặc”.
Để trở thành một “lâm tặc”  không phải dễ, điều kiện đầu tiên là sức khoẻ phải cực tốt, tuổi không nên quá 40. Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, qua kinh nghiệm tiếp xúc với “lâm tặc”, cho biết giới khai thác gỗ thường ở vào độ tuổi thanh niên trai tráng, tối đa là trong khoảng 40:
"Thanh niên 40 tuổi, loại khỏe mới gùi vác được chứ già không làm được đâu."
Sức khỏe là điều kiện tiên quyết đối với người làm nghề “lâm tặc” vì chỉ tính riêng đoạn đường rừng để đến được điểm có thể khai thác gỗ cũng mất chừng vài chục cây số, xe thường không vào được. Theo Lâm thì:
"Khoảng 20, 30 cây số. Người ta đi như ngày xưa thì còn nhiều gỗ gần, hắn còn dễ dàng. Sau này ngày càng khan hiếm thì phải trèo lên những đồi cao, vách, nói chung là nguy hiểm nhiều cái, không biết tả như thế nào cho rõ nữa."
Tiêu chuẩn tiếp theo đòi buộc tất cả các “lâm tặc” đều phải biết đó là cách nhận biết, phân biệt các loại gỗ. Ngày mới vào nghề, Lâm cũng được các đàn anh chỉ dẫn các cách phân biệt trước khi thực sự bước vào nghề: "Nhìn lá, ngửi mùi hoặc nhìn vào vân của nó, nhìn vào màu sắc gỗ, phải có người chỉ cho chị."
Thanh niên 40 tuổi, loại khỏe mới gùi vác được chứ già không làm được đâu.
Anh Ngân
Theo Lâm thì thời gian “học nghề” khá nhanh: "Nhanh thôi, chỉ trong vòng vài ba ngày. Mình đi mình tiếp xúc với nhiều loại, mình biết được nhiều thứ. Nói chung là hắn dễ phân biệt mà."
Một tiêu chuẩn mà bất cứ ai bước vào nghề “lâm tặc” cũng phải ngấm ngầm tự hiểu, đó là tính liều. “Lâm tặc” phải là những kẻ dám đặt tính mạng mình lên bàn cân cùng với số gỗ khai thác.
Anh Huỳnh Hiếu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cho biết trong các vụ đụng độ giữa “lâm tặc” và kiểm lâm, “lâm tặc” thường tỏ ra rất liều mạng:
"Thường là chỉ có lực lượng nhà nước bị họ chống trả lại rồi bị chết là phổ biến, chứ còn họ thì hiếm. Nhiều khi họ sẵn sàng lao xe vào lực lượng người ta chặn kiểm tra."
Không như những loại “tặc” khác, ngoài dao gậy hay các công cụ làm việc ra, “lâm tặc” không mang theo vũ khí gì: "Không đâu, họ chỉ có được cái vũ khí tinh thần là liều thôi!"

Nhọc nhằn nghề đổi rừng lấy cơm

000_Hkg426931-200.jpg
Người dân ở phía Bắc tỉnh Sơn La phá rừng đem gỗ về. VN đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng và diện tích rừng giảm mạnh. AFP photo
“Lâm tặc” thường đi khai thác gỗ theo hội. Hội nhỏ có từ 3 – 5 người, hội lớn hơn có từ 6 – 12 người, tùy theo quy mô khai thác và đơn đặt hàng. Lâm cho biết về hội của anh:
"6 – 12 người, cưa xong rồi xẻ, rồi vận chuyển về. Đây là làm ăn chia đồng đều cho nên vất vả là vất vả cả."
Do tình trạng phá rừng phổ biến nên không còn nhiều gỗ như trước đây, “lâm tặc” thường phải đi sâu vào bên trong rừng, vượt qua những vách đá cheo leo để tìm lên những vùng đồi còn gỗ. Sau khi dùng cưa máy để chặt gỗ, “lâm tặc” phải vận dụng rất nhiều cách để vận chuyển gỗ về đến địa điểm mà xe có thể vào được:
"Trâu kéo rồi đòn bắn, nói chung là đủ các thứ để cho khúc gỗ đó lên được. Từ trên đồi xuống nếu mà đường dễ đi thì trâu kéo hoặc cao quá thì lao, lao (gỗ đã khai thác) từ vách núi xuống. Đến địa điểm hết tầm phải lao rồi thì mình dùng trâu mình kéo, hoặc đến địa điểm xe vào bốc được thì mình bốc lên xe thôi."
Ngoài cách dùng trâu để kéo, lao gỗ, ngăn đập nước sông để đưa gỗ về nơi tập kết, “lâm tặc” còn sử dụng loại xe thồ hai bánh thô sơ để chở từng khúc gỗ ra bên ngoài. Anh Ngân nói:
"Nguy hiểm là đường khó đi mà họ vác gỗ trên vai đi bằng xe đạp thồ, đường rừng không mở được tuyến nên đi len trong rừng. Họ dùng toàn xe đạp thồ như hồi Điện Biên Phủ đấy. Xe hai bánh họ đẩy vào rừng, đường rừng khó đi."
Không hiếm “lâm tặc” gặp nạn khi vận chuyển gỗ, nhất là lúc lao gỗ từ vách núi xuống hoặc lúc xả đập, nếu không may hoặc chạy không nhanh hơn tốc độ dòng nước xả ra, “lâm tặc” có thể bị gỗ đập vào người. Hỏi về tình trạng này, Lâm cho biết: "Nhiều chứ, gỗ chận vô người, chận tay, chận chân, nhiều người bị mất tay mất chân là do gỗ đấy chứ."
Một chuyến đi khai thác gỗ thường mất nhiều tuần lễ, tùy theo khu vực khai thác:
"Một tháng hoặc hai tháng, tùy theo lượng gỗ mình tìm ra và tùy theo địa điểm đó có dễ làm hay không. Nói chung, đi làm thì không phải do một người làm ra được mà do sức lực nhiều người, ngày hôm nay đi có thấy (gỗ) hay không chứ không phải vô tìm là thấy được. Chừ gỗ khan hiếm lắm chứ không phải như ngày xưa."
Nhọc nhằn thế, nguy hiểm thế nhưng số người tham gia vào nghề làm “lâm tặc” không hề giảm, thậm chí có khuynh hướng tăng lên. Một phần nguyên nhân là do số lợi nhuận không thể so sánh được do nghề “lâm tặc” mang lại cho những người làm công việc tay chân, không có kỹ năng như họ. Một chuyến đi 1-2 tháng với 0 tiền vốn có thể kiếm được vài chục đến vài trăm triệu đồng là món lợi nhuận không nhỏ. Lâm cho biết thêm:
"Một xe tính ra khoảng 30 – 40 triệu, hoặc 50 – 60 triệu đồng, tùy theo lượng gỗ, xe to hay nhỏ, có khi lên 100 – 200 triệu đồng."
Nguy hiểm là đường khó đi mà họ vác gỗ trên vai đi bằng xe đạp thồ, đường rừng không mở được tuyến nên đi len trong rừng.
Anh Ngân
Anh Ngân cũng thừa nhận, hấp lực kinh tế là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người dân bước vào nghề “lâm tặc”:
"Họ đi làm là do kinh tế gia đình, do thu nhập nên họ đi làm thế thôi. Một ngày kiếm được vài triệu bạc. Gỗ mà ngon mà lọt được thì một ngày một người cũng được vài triệu bạc. Lợi nhuận cao (nên) liều chết kiếm tiền!"
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nạn “lâm tặc” ngày càng phổ biến và hoành hành trên những mảnh rừng vốn đã bị xà xẻo không thương tiếc, mà còn rất nhiều những nguyên nhân khác về cơ chế, quản lý cũng như những sự tồn tại của những tệ nạn còn nguy hiểm hơn cả nạn “lâm tặc” đã góp phần làm cho rừng Việt Nam tiếp tục chảy “máu”. Khánh An mời quý vị tiếp tục đón nghe trong bài tường trình tiếp theo.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/forest-blood-keeps-running-ka-05232011160150.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét