Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Kinh hoàng “công nghệ” pha chế cà phê

NNVN - ĐỨC TRUNG
Uống cà phê đã thành thói quen của nhiều người. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ly cà phê họ đang cầm trên tay rất có thể chỉ được pha chế bằng… bột bắp hoặc đậu nành đã sấy cháy sau đó “tẩm ướp” với hàng loạt loại hoá chất, phụ gia độc hại. Nhiều ngày thâm nhập, tìm hiểu về công nghệ chế biến cà phê khiến chúng tôi không khỏi rùng mình…
Uống nước bắp, đậu nành... rang cháy
Gặp tôi, ông V chủ một quán cà phê lớn ở quận 7, TP.HCM hỏi giá cà phê nhân hiện nay là bao nhiêu? - Tôi đáp: Khoảng 50 -55.000đ/kg. Nghe xong ông này liền nêu một nghịch lý: "Ông là nhà báo thử đi tìm hiểu vì sao mà giá cà phê cao như thế nhưng hàng ngày, nhiều hãng cà phê vào quán tôi chào hàng với giá cũng chỉ 55 - 60.000đ/kg cà phê bột. Trong khi đó, theo tôi biết, 1 kg cà phê nhân chỉ làm được 0,7kg cà phê bột, đó là chưa kể công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển…".
Hàng loạt hãng cà phê đến quán cà phê ông C chào giá chỉ 55.000đ/kg cà phê bột
Nói xong, để chứng minh ông V mang ra một xấp bao bì quảng cáo các thương hiệu cà phê khác nhau. Qua tìm hiểu, chúng tôi được chỉ về Đồng Nai, nơi được xem là có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê cung cấp không chỉ cho khu vực Đông Nam bộ mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí  sang tận Campuchia.
Dò hỏi mãi người trong nghề, khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp xúc được ông C - người có tiếng ở Biên Hoà (Đồng Nai) về kỹ thuật pha chế cà phê. Chỉ cần nhấp một ngụm cà phê đen (không đá, đường) là ông C. có thể biết được ly cà phê có “công thức tẩm ướp” như thế nào, và ông có thể làm được gần y chang. Vì thế, ông này được nhiều hãng cà phê mời về làm, thậm chí có có công ty còn mua toàn bộ máy móc và nguyên liệu để ông pha chế.
Tuy nhiên, sau khi làm thấy chủ doanh nghiệp vì lợi nhuận cao mà “ép” phải dùng quá nhiều hoá chất độc hại, thậm chí theo ông C thì có thể gây ung thư nên ông đã từ chối thẳng thừng. Ông C bảo: "Nếu làm theo họ thì tôi sẽ có nhiều tiền, nhưng lương tâm của tôi không cho phép. Mình đã làm là phải có thương hiệu, phải có đạo đức. Mình làm cà phê, bạn bè đến mời mà mình không dám uống thì làm sao chấp nhận được? Còn nếu uống thì tự mình rước độc hại vào thân còn gì".
 Hỏi ra mới biết, ông C còn có “ngón nghề” bốc thuốc Đông y, hàng ngày ông vẫn đi chữa bệnh làm phúc cứu người. Khi biết chúng tôi muốn thâm nhập, tìm hiểu về công nghệ pha chế cà phê hiện nay, ông C từ chối vì cho rằng đây là lĩnh vực “nhạy cảm” và phức tạp (có lẽ ông sợ liên lụy, rắc rối). Ông chỉ nói: “Nông dân trồng cà phê thì ít người giàu, nhưng nghịch lý là các công ty cà phê lớn nhỏ đều giàu” – nói xong ông xin phép đi công chuyện.
Những ngày sau đó, thấy chúng tôi kiên trì “đeo bám”, cuối cùng ông cũng đồng ý cho một cái hẹn ở đúng quán cà phê của mình. Mời chúng tôi uống ly cà phê 100% bột là cà phê, sau đó ông kêu pha 1 ly cà phê khác có pha trộn. Ông C bảo: “Quán của tôi nhỏ vậy thôi nhưng ngày nào cũng có nhân viên tiếp thị của nhiều công ty cà phê vào mời chào và biếu không để uống thử, nếu mình OK thì kêu hàng họ mang đến tận nơi”.  
Đậu nành, bắp rang cháy đen đang là nguyên liệu chính của không ít hãng cà phê
Sau khi nhấp thử cà phê ở 2 ly được mời, tôi thấy có sự khác nhau hoàn toàn về vị giác, kể cả về màu sắc bên ngoài. Ông C cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam khó có thể thống kê được có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột, chỉ biết rằng lượng cà phê và lượng người uống mỗi ngày là rất lớn. Thế nhưng, có một lượng không nhỏ cà phê đang được chế biến bằng bắp và đậu nành. Sẽ chẳng có gì vô hại nếu những thứ đó được chế biến bình thường, nhưng đằng này họ sấy cháy đen hết những thứ đó thành than rồi mới tẩm ướp rồi đóng gói và tung ra thị trường".
Công nghệ... cuốc xẻng
Ông C khẳng định, với giá cà phê như hiện nay, để sản xuất ra một kg cà phê bột (gồm nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác…) phải 100.000đ trở lên. Do đó, nếu giá cà phê bột bán với giá 55-60.000đ/kg thì chỉ có bột bắp, đậu nành mà thôi. Bởi hiện giá bắp chỉ khoảng 8 - 9.000đ/kg, đậu nành khoảng 13.500đ/kg. Như vậy, với bột bắp, đậu nành mà bán 55-60.000 thì họ lời khủng khiếp cỡ nào”.
Ngoài ra, đánh vào tâm lý các quán cà phê thích lấy hàng rẻ để có lời nhiều, các hãng cà phê đua nhau mọc lên và tung ra thị trường sản phẩm rất bát nháo. Chìa cho chúng tôi cả chục loại cà phê đến tiếp thị, ông C còn cho hay: “Có nhiều thương hiệu cà phê khi gọi vào số điện thoại in trên bao bì thì chỉ nghe tò te tí, hoặc truy ra là địa chỉ ma”.
Theo ông C: “Tuỳ theo quán sang hay không, gu của từng quán mà chủ quán có thể mua hoặc đặt hàng với nhà cung ứng. Do đó, tỷ lệ cà phê – đậu nành- bắp sẽ được tạo thành một công thức để ra cà phê. Kinh hoàng hơn cả trong công nghệ pha chế cà phê là trộn cả chục loại hoá chất, phụ liệu để sản phẩm giống y chang cà phê thiệt, trong đó có nhiều loại độc hại như: bột CNC (chất làm keo), chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani…".
Được biết, toàn bộ những hoá chất trên đều mua ở “chợ hoá chất” Kim Biên (phường 13, quận 5 – TP.HCM). Nếu không có những chất đó thì không bao giờ bột bắp, bột đậu nành có thể “hô biến” thành cà phê được! Ông C cho hay: “Công nghệ chế biến cà phê bột ở những cơ sở nhỏ lẻ cũng chẳng khác nào công nghệ “cuốc xẻng” trong sản xuất phân bón rởm, kém chất lượng. Chỉ cần đầu tư 10 triệu đồng là có ngay một cái bồn để sấy bắp, đậu nành, sau đó mua thêm 1 chiếc cối xay là có ngay một quy trình chế biến cà phê. Trong khi đó, giá một chiếc cối xay cũng chỉ từ 1,5- 7 triệu đồng (tuỳ loại 1 ngày có thể xay được trên dưới 200kg) nên thực tế việc đầu tư làm thương hiệu cà phê “cỏn con” là không tốn kém bao nhiêu, trong khi lợi nhuận là rất lớn".
Ngoài ra, nếu chủ nhân lén lút làm ở trong nhà thì sẽ an toàn tuyệt đối. Chính vì thế, hiện nay thị trường cà phê dường như đang bị thả nổi chất lượng.

Thâm nhập lò chế cà phê cuốc xẻng
Trong vai người có quán cà phê cần hợp tác, tôi được giới thiệu gặp anh TH - người mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng trăm kg bột bắp, đậu nành và cả cà phê sau khi được tẩm ướp với đủ loại hoá chất như đã đề cập ở bài trước.
Qua lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến xưởng chế biến cà phê của TH nằm cuối một con hẻm sâu hun hút thuộc phường Tân Hoà, TP Biên Hoà (Đồng Nai). Khi chúng tôi đến đây, cánh cổng được khoá phía ngoài im ỉm. Rất may khi chúng tôi vừa tới thì cũng là lúc một phụ nữ mới chở cà phê đi giao về. Người phụ nữ này chỉ thò tay vào trong mở chốt, cánh cửa mở toang nên tôi cũng nhanh chân bước theo.
Phải đi sâu gần 20m thì chúng tôi mới thấy được “cụm liên hợp pha chế cà phê” với 3 lò sấy cà phê, 2 máy trộn với 3 người đang làm. Mặc dù là cơ sở cung cấp một lượng "cà phê” lớn hàng ngày, thế nhưng nhà xưởng lại rất tuềnh toàng. Do toàn bộ công việc được “cơ giới hoá” nên không khí làm việc yên ắng đến lạ. Trao đổi với chúng tôi, TH nói rằng đã làm nghề này từ nhiều năm nay. Hiện hàng ngày TH chủ yếu rang bắp, đậu nành và cà phê cho các mối quen. Ngày nào cũng thế, ai đem đến thì rang rồi chở đi, bình quân mỗi ngày cũng vài trăm kg các loại.
Mặc dù trước đó chúng tôi giới thiệu là có một quán cà phê lớn ở Sài Gòn nhưng TH và một người nữa vẫn nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét (sau này khi đã thân thiện thì TH mới cho hay anh ta sợ chúng tôi là công an kinh tế hoặc cán bộ quản lý thị trường đóng giả vì cơ sở này hoạt động chui). Sau khi hỏi kỹ tên tuổi, địa chỉ quán cà phê, TH  yên tâm hơn và hỏi tôi: Một ngày quán anh dùng hết bao nhiêu kg cà phê? - Khoảng chục ký, tôi đáp - Vậy là cũng nhiều. Nghe tôi hỏi: Giờ muốn đặt cà phê 40.000đ/kg làm được không? TH đáp: "Được chứ, nhưng 50-50 (nửa bắp, nửa đậu) là uống ngon nhất. Nếu làm đậu không hoặc bắp không cũng được, nhưng uống nó chối. Nhiều tay (ý nói nhiều cơ sở khác - PV) chỉ chơi đậu không, hoặc bắp không trộn với caramen, màu phẩm, phụ gia uống dễ bị dội lắm vì người ta uống vào một thời gian vài tháng mới ngấm được cái độ ghê. Caramen thì có nhiều loại, có thể là đường đun cháy đen, hoặc là bằng bột hoá học”.
Trả lời câu hỏi của tôi “40 ngàn làm bằng đậu có lời không?” – TH cho biết: Nếu bằng đậu nành không thì lỗ to! Vì bây giờ 1 kg đậu nành đã 15.500đ, tẩm xong  gia vị thì coi như công cốc. Chúng tôi để ý, trong cách nói chuyện TH vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ và đề phòng: “Anh có làm ở công ty nào không” – Có làm cho một công ty tư nhân, nhưng mấy anh em đang tính ra ngoài mở doanh nghiệp chế biến cà phê vì nghe nói làm cà phê bột nhanh giàu lắm. – Nghe đến đây TH bảo: “Mình làm cà phê bột chỉ là sơ cấp thôi, muốn nhanh giàu thì làm cà phê hoà tan đi, vốn đầu tư cũng không lớn”.
TH cũng cho biết: Hàng ngày xưởng nhận sấy gia công cho rất nhiều quán cà phê, cơ sở chế biến cà phê bột loại nhỏ, hoặc đầu nậu mang hàng đến. Có những trường hợp yêu cầu làm cháy thành than sau đó tẩm ướp để lấy độ đắng tự nhiên, loại này uống "đắng nặng họng luôn". Có trường hợp mình rang tới tầm nó không chịu, cứ đòi cháy thành than, chả biết về nó chế biến, pha chế cái gì vào. Còn việc cho đường hoá học vào là để làm giảm công đoạn phải chế biến, giúp cà phê có vị ngọt đắng tự nhiên”.
Quan sát tại cơ sở của TH, chúng tôi còn thấy đã đóng sẵn từng bịch (loại 5kg) bắp, đậu nành đã pha chế để bán cho các quán tự xay hoặc pha vào cà phê tuỳ theo nhu cầu. Cũng theo TH, chỉ dân trong nghề mới biết cách pha chế, kiểu lò (hàng ngày đi bỏ mối cho các quán cà phê…) thì có rất nhiều ở Sài Gòn và đặc biệt là Đồng Nai. TH hỏi tôi hiện quán lấy hàng bao nhiêu? Tôi nói 60.000đ/kg thì TH đánh giá chất lượng cà phê: “Cao lắm thì 1,5 cà phê + 7 bắp + 1,5 đậu nành, thậm chí không có cà phê”.
Theo một người am tường về pha chế cà phê, hiện nay việc xử lý đối với những cơ sở làm gia công lén lút là rất khó khăn vì hầu hết họ đóng cửa im ỉm làm bên trong và không khai báo với chính quyền. Nếu bị kiểm tra, phát hiện thì họ nói chỉ sấy để uống hoặc làm giúp người này, người kia nên không có cơ sở để xử lý vì họ không kinh doanh, buôn bán.
Trong khi đó, hiện nay những cơ sở nhỏ lẻ đang mọc lên rất nhiều, và là nguồn cung không nhỏ cà phê bẩn cho thị trường. “Cà phê bẩn” không thể gây hại cho con người một sớm, một chiều nhưng về lâu, về dài thì rất nguy hại khi cơ thể hấp thụ toàn hoá chất và bột bắp, đậu nành cháy đen…" - một chuyên gia y tế khẳng định.
Anh làm cà phê vậy có uống cà phê không? – Tôi hỏi. - Không, nhưng nếu tôi thử uống là biết ngay được công thức pha chế thế nào. Có độc hại hay không. Bình thường, tôi làm mộc, không pha trộn gì hết để uống chứ đâu có dám uống linh tinh có mà chết.
Tại lò pha chế cà phê của TH luôn mịt mù khói từ các lò sấy bốc lên. Chúng tôi dù đã bịt khẩu trang nhưng mới “thâm nhập” chừng 30 phút đã cảm giác chóng mặt, buồn nôn do mùi của hoá chất tẩm ướp cà phê bốc lên nồng nặc. Thấy vậy, TH bảo: “Chắc do anh không quen và chưa có khẩu trang”. Ngay sau đó TH chìa ngay chiếc khẩu trang lớn, dày cộm và khoe rằng có đứa em ở công ty sản xuất ắc quy cho mới chịu nổi. Ngay lúc này một mẻ bắp cháy đen vừa ra lò, TH liền cùng người làm khênh đổ ụp xuống nền nhà, sau đó xịt một loại hoá chất có màu nâu, màu trắng rồi dùng… cuốc để trộn đều.
Cả hai người cào cà phê vào một chiếc chậu cáu bẩn để đổ vào máy trộn. Sau khi đổ hết bắp sấy vào máy trộn, một lần nữa TH lại đổ từng bịch Caramen, chất tạo dính, đường hoá học vào để trộn đều. Chỉ trong vòng 5 phút, mẻ bắp cháy đen đã được “hô biến” ngay thành cà phê có màu nâu sẫm, bóng loáng và thơm phức nhìn vô cùng bắt mắt. Ngay sau khi làm xong mẻ “cà phê”, TH tiếp tục dùng xẻng để đổ tiếp đợt bắp để sấy… TH cho biết: “Có nhiều ngày đơn đặt hàng nhiều quá làm không xuể”. Khi chúng tôi hỏi: Anh làm lén lút thế này có bị cơ quan chức năng hỏi thăm bao giờ không? TH lấy cớ lảng tránh không đáp.
Xét nghiệm nước "tinh" bò của 2 Cty cung cấp cho chợ Kim Biên
Trao đổi với NNVN hôm qua 27/4, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, Chi cục vừa tiến hành kiểm tra đột xuất chợ Kim Biên và phát hiện ra đầu mối cung cấp các loại nước “tinh” bò cho các cửa hàng tại đây là của 2 DN, gồm: Cty TNHH Phụ gia hương liệu thực phẩm Hồng Á (quận 11) và Cty TNHH Minh Anh (quận Tân Phú). Đặc biệt, tại chi nhánh sản xuất trực thuộc Cty Hồng Á đóng trên cùng địa bàn quận 11, Chi cục phát hiện chi nhánh này chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để sản xuất phụ gia, điều kiện bảo quản rất kém và sai phạm về quy định nhãn hàng hóa.
“Hiện Chi cục đã đình chỉ hoạt động sản xuất đối với chi nhánh này, đồng thời đã lấy mẫu hương liệu bò của 2 Cty trên để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Trong vòng 10 ngày tới chúng tôi sẽ công bố kết quả chính thức để có biện pháp xử lý” – bà Mai nói.


BÙI NGUYỄN

Tôi đi mua hoá chất thượng thặng
Sau khi nắm được “công nghệ” pha chế cà phê, chúng tôi tìm đến “chợ hoá chất” Kim Biên (phường 13, Q.5 TP.HCM). Tại đây, chúng tôi được rất nhiều người chào hàng bán đủ loại hoá chất dùng để làm phụ gia cà phê, trong đó có những chất có thể tạo ra vị cà phê thượng thặng.
Tại chợ Kim Biên, mới hỏi mua hoá chất trộn cà phê là chúng tôi được giới thiệu ngay các loại với số lượng không hạn chế. Có một điểm chung ở đây là phần lớn các loại hoá chất đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một người am tường “mách nước”, nếu mua ở ngoài giá sẽ “mềm” hơn vì hầu hết những hộ sống quanh chợ đã buôn bán từ rất lâu, vừa có uy tín lại là nhà của họ nên bán không “chặt chém”, nói thách như bên trong.
CNC - chất làm keo cà phê
Chúng tôi ghé vào một cửa hàng có thương hiệu P.T, một phụ nữ còn khá trẻ đon đả: "Cần mua gì anh hai?". Khi biết chúng tôi hỏi mua phụ gia để pha chế cà phê, người phụ nữ này cười giả lả: “Anh hỏi đúng địa chỉ rồi đó. Thế anh hai mua bao nhiêu? Em hỏi để biết mà lấy đúng giá cho anh thôi”. Nghe chúng tôi nói mới thành lập một doanh nghiệp nhỏ để “chế biến” cà phê bột từ bắp, đậu nành”, người phụ nữ này nhanh nhảu giới thiệu với chúng tôi như vớ được…khách sộp: “Vậy thì em để giá sỉ cho anh, loại nào cũng có. Chất CNC làm keo nè, đảm bảo anh cho vào là cà phê khi pha sẽ có chất kết dính sền sệt nhìn rất bắt mắt. Bột tạo bọt trắng nè, anh chỉ cho một chút là ly cà phê đầy tràn bọt ngay hà. Caramen tạo mùi vị nè, anh muốn đắng kiểu nào cũng được, mùi nào cũng có (mùi cà phê đậm, nhạt)…”.
 Caramen tạo mùi và màu và vị đắng tự nhiên
Nghe chúng tôi than thở: “Mới hùn hạp làm nên vốn cũng ít, lại không rành nhiều về phụ gia có gì chị giúp đỡ, hợp tác làm ăn lâu dài”. Nghe đến đây, chị ta hồ hởi: “Ở đây em ngày nào chẳng bán cho các cơ sở, lớn có, nhỏ có. Mua hàng của em thì chỉ có nước yên tâm". Nói rồi người phụ nữ tiếp tục giới thiệu các phụ gia “siêu đẳng” hơn mà phải là người rành pha trộn cà phê mới biết như: tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani …
 Tinh sữa cà phê
Giá cả thế nào chị? - Người phụ nữ đọc vanh vách: Tinh sữa (có màu trắng đục như sữa, sền sệt được đóng vào can nhựa trắng) giá bán lẻ 120.000đ/kg, nhưng anh mua nhiều em để 100.000đ thôi. Loại này sau khi bắp và đậu nành xay nhuyễn mà cho vào thì bột cà phê trở lên bóng mịn, thơm và ngậy lắm. Còn tinh ca cao là phụ gia không thể thiếu được (có màu nâu nhạt cũng được để trong từng thùng nhựa trắng) em để giá mềm, chỉ 350.0000đ/kg, loại này cho vào “cà phê” sẽ giúp bột có mùi thơm phức như loại thượng hạng thường chỉ có ở những quán cà phê sang trọng hay nước ngoài. Còn đường hoá học được đóng thành từng bịch mỗi bịch 1kg (có thể dùng được cho cả tạ cà phê xay) nhìn bề ngoài trắng như những viên bột sắn dây. Chỉ cần cho vào khi pha chế, dù bột bắp, đậu nành cháy đen đắng cỡ nào nhưng khi cho vào sẽ giúp cho bột có vị ngọt, đắng tự nhiên. Ngoài ra, để pha chế cà phê còn cho thêm vào bột vani, cũng nhằm mục đích tạo cho bột cà phê thơm lừng …
Tinh ca cao cho vào bột cà phê để tạo mùi
Cô chủ cửa hàng còn chỉ cho chúng tôi “cách tiết kiệm” nữa đó là khi bột đậu nành, bắp đã sấy chín thành than, đổ ra nền đất thì mua bơ (mỡ) công nghiệp của Trung Quốc sản xuất có giá chỉ 50-60.000đ/kg để trộn đều giúp cho bột béo ngậy và thơm. Trong khi đó, cũng là mỡ động vật (mỡ cừu) – chuyên để sấy cà phê có chất lượng thì giá tới 260.000đ/kg. Công đoạn cuối cùng của “cà phê bắp, đậu nành cao cấp” là đổ thêm chút mùi hương liệu rượu Rum vào giúp cho cà phê thêm đậm đà khi pha chế cho khách.
 Mỡ công nghiệp để tạo độ béo ngậy cho cà phê
Sau khi hỏi khá kỹ càng chúng tôi lấy cớ đi “tham khảo” thêm thì phụ nữ này đổi giọng: “Tôi bán rẻ nhất chợ này rồi, anh cứ đi hỏi đi thoải mái. Ở đâu bán rẻ hơn cứ... đem đầu tôi đi mà chặt”. Tuy nhiên khi chúng tôi vừa toan bước đi thì chị ta bước tới và đề nghị phải mua hàng mới được đi, “công đâu mà nói nãy giờ”. Thấy tình hình có vẻ “căng thẳng”, tôi liền bấm bụng mua các loại hoá chất này mỗi thứ một ít để… làm quen. Đến đây chị ta mới nhẹ nhàng: "Chế biến cà phê từ bắp, đậu nành chủ yếu là tốn … phụ gia thôi chứ nguyên liệu đó thì đáng là bao” rồi nhoẻn miệng cười tươi.
Quả đúng như lời người phụ nữ này nói, chúng tôi dạo một vòng chợ hỏi hầu hết các sạp đều bán đủ các loại hoá chất chuyên dùng cho pha chế cà phê tuy nhiên giá đều cao hơn cửa hàng P.T từ 10 – 30.000đ/kg tuỳ loại. Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông C. người có thâm niên trong chế biến cà phê từ bột bắp khẳng định: “Những loại phụ gia hoá chất này nếu không có kỹ thuật pha trộn thì khó mà có “cà phê” ngon được”.  
Đường hoá học trộn lẫn để tạo độ ngọt khiến cà phê đỡ gắt
Với kinh nghiệm trong nghề, ông C dường như không bao giờ uống cà phê ở ngoài, khi nào cần phải uống thì chỉ nếm một ngụm là biết cà phê có “công thức” như thế nào, nhưng thông thường ông bảo nếu ai chịu chơi lắm thì cũng chỉ 3-4-3 (tức 3 cà phê, 4 bắp, 3 đậu nành).
Cũng tại chợ hoá chất Kim Biên, biết chúng tôi mở cơ sở chế biến cà phê, nhân viên một tiệm bán hoá chất mách nước: Anh đã có bao bì mẫu mã sản phẩm chưa? – Nghe tôi trả lời chưa thì nhân viên này cho biết: "Anh cứ đến tiệm Kim Thành (số 16, đường Trang Tử, P. 14, Q5) mà lựa mẫu. Ở đây đã thiết kế sẵn cả chục loại bao bì cực kỳ bắt mắt, rất đẹp với đủ trọng lượng khác nhau. Hầu hết cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường đến đây để lấy hàng". Khi chúng tôi tới, nhân viên của tiệm cho biết, chỉ làm thấp nhất là 5kg (1kg được 500 bao nhỏ loại 300gr) với giá 135.000đ/kg. Mua bao xong chủ nhân muốn in tên gì lên trên cũng được, chỉ cần đem đến tiệm in là làm chớp nhoáng là xong…



--------------------------
Đăng bỡi: Tranhung09
*****

0 Nhận xét:

Đăng một Nhận xét

Cảm ơn Bạn đã ghé thăm và xem bài. Hãy để lại vài lời để lưu dấu giang hồ mạng, chia sẻ với mọi người và góp ý giúp Tay bút đang lên - sắp tàn. Đến với blog mà không còm khác nào không đi tu mà ăn chay...
Nếu không có tài khoản, bạn vẫn có thể nhận xét:
Bằng cách Chọn hồ sơ là Tên/URL: Gõ tên Bạn, bỏ qua URL.
Bạn chưa quen với hệ thống comment của Google, mời bạn xem thêm (click vào link sau): Cách dùng hộp comment để nhận xét
Bạn nhập mã HTML báo lỗi. Bạn vào: Đây chuyển đổi, dán vào.

------------------------------------------------------
TBT báo đời - chủ xị Tranhung09
http://tranhung09.blogspot.com/2011/05/kinh-hoang-cong-nghe-pha-che-ca-phe.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét