Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Kiến nghị hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm

http://vneconomy.vn/20110523034645752P0C6/kien-nghi-ha-lai-suat-tien-gui-usd-ve-0nam.htm
  E-mail        Bản để in        Cỡ chữ       Chia sẻ:          Chia sẻ tin lên LinkHay.com
picture
Việc khống chế trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ vừa qua đã hạ nhiệt đáng kể tỉ giá.
▪  N.HOÀNG
15:51 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011
Sáng nay (23/5), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn nữa để hạ lãi suất tiền gửi USD ở cả khu vực dân cư và doanh nghiệp.

Với quy định khống chế lãi suất tiền gửi USD trong khu vực dân cư ở mức không quá 3%/năm và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% đã làm cho tỷ giá thực tế VND/USD đã giảm hơn 5%. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và ở trạng thái cung lớn hơn cầu, đồng thời đang diễn ra việc chuyển dịch từ nắm giữ USD sang VND để gửi tiết kiệm có lợi thế hơn .

Theo VAFI, đây là thành công bước đầu, có hiệu quả nhanh rất nhanh và tích cực ngoài dự đoán của đa phần các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tiền tệ. Thành công này cho thấy việc xóa bỏ tình trạng Đô la hóa đang tồn tại lâu trong nền kinh tế là việc không khó và có thể kết thúc nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Từ hiệu quả thực tế, VAFI cho rằng nên thực hiện các bước tiếp theo để đẩy nhanh quá trình này. Cụ thể, cần hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế xuống 0%/năm.

“Biện pháp này có thể làm ngay, vì không có tác động tiêu cực gì đến chính sách tiền tệ, ngược lại sẽ có thêm nhiều lợi ích cho nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp, làm tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, nhận xét.

Với lãi suất tiền gửi USD khu vực dân cư, VAFI kiến nghị hạ lãi suất trần từ mức 3%/năm xuống mức 1%/năm, đồng thời tính toán tăng thêm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ ở mức hợp lý để các ngân hàng thương mại không vượt rào khi cạnh tranh thu hút tiền gửi USD.

Sau khi các bước đi nói trên đem lại hiệu quả, cơ quan quản lý có thể thực hiện hạ tiếp trần lãi suất tiền gửi USD với dân cư về 0%. Thậm chí bước tiếp theo là thu phí tiền gửi ngoại tệ.

Trước ý kiến nếu tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp như trên thì lượng kiều hối sẽ giảm sút, VAFI cho rằng nhận định này không có cơ sở, vì chi phí cho việc chuyển ngoại tệ bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài khoảng 2%. Với mức phí này cộng thêm với rủi ro là có thể mất toàn bộ vốn thì có lẽ không ai làm.

Với việc đưa ra những đề xuất nói trên, VAFI cho rằng thời điểm hiện tại rất thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước hành động nhằm nhanh chóng rút ngắn tiền trình xóa bỏ tình trạng Đô la hoá, cũng như để thực hiện mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là sẽ chấm dứt tình trạng huy động vốn và cho vay bằng ngoại tệ.
 
Thảo luận (16 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Lê Minh Châu
15:12 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

‘Đô la hóa’ là khái niệm sử dụng tiền tệ nước ngoài trong một nền kinh tế. Xóa đô la hóa là một quá trình không đơn giản đối với bất cứ quốc gia nào từng sử dụng đồng ngoại tệ trong giao dịch thương mại.

Ở các nước trong giai đoạn chuyển đổi tương tự Việt Nam ta, cũng phải mất cả thập kỷ để hạn chế rồi chấm dứt sử dụng đồng ngoại tệ trong giao dịch. VAFI hình như lạc quan quá sớm về chấm dứt đô la hóa nền kinh tế.

Trong khi đồng nội tệ không có giá trị thanh toán quốc tế thì việc ‘neo’ vào đồng USD, Eurô, Yên…trong rổ ngoại tệ là chuyện đương nhiên. Nếu đưa lãi suất huy động của đồng USD về 0% như VAFI thì người có tiền vẫn có thể ‘găm’ các đồng ngoại tệ khác đang lên giá trên thị trường thanh toán quốc tế. Người có tiền cũng không đến nỗi ngờ nghệch đơn điệu hóa ‘rổ’ tài sản của mình để mà phải chuyển hết sang VND. Chắc chẳng có ai ‘qui’ hết tiền của mình ra VND rồi gửi ngân hàng như VAFI nhận định.

Hãy nhìn nhận một cách thực tế hơn khi Việt Nam là một nước nhập khẩu hầu hết các hàng công nghệ cao, hầu hết các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cho đầu vào, nhu cầu du học, khám chữa bệnh ở nước ngoài ngày càng tăng liệu có hết được nhu cầu sử dụng đồng đô la nói riêng và các ngoại tệ khác không? Thị trường cần sự điều tiết hợp lý của nhà nước trong quan hệ giữa cung-cầu chứ không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc.

Như công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá USD-VND vẫn được giữ ở mức tương đối ổn định trong suốt gần 3 tháng qua, và Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào được cả tỷ đô, cán cân thanh toán ngoại tệ cũng bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên làm thế nào để huy động vốn cả VND lẫn ngoại tệ, kiều hối trong dân để đưa vào đầu tư cho khu vực sản xuất vẫn là bài toán hắc búa. Đây là mặt trái của chính sách tỷ giá và lãi suất huy động.

Cứ cho là chúng ta sẽ thành công trong kiềm chế lạm phát thông qua sử dụng chính sách tiền tệ như hiện tại, nhưng để tiếp tục duy trì tăng trưởng, ngân hàng vẫn phải dẫn nguồn vốn trở lại khu vực sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, còn quá sớm để khẳng định tính khả thi của những đề xuất của VAFI.
Trần Phước
11:37 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Cái gì có cầu ắt sẽ có cung. Nên để thị trường có sân chơi của nó trong sự kiểm soát vừa phải của nhà nước.

Nếu giảm lãi suất USD xuống 0% mà đồng tiền VND vẫn mất giá mỗi năm đến vài chục % thì nhiều người vẫn găm giữ USD mà không gửi ngân hàng.

Họ sẽ tìm cách cho vay qua nhiều hình thức và nhu cầu vay USD đối với nền kinh tế VN còn nhập siêu khá nhiều như hiện nay sẽ khó tránh khỏi.
Nguyen Ngoc
11:31 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

VAFI đã tính đến việc người gửi rút USD về, thì NH có tiền để trả hay không chưa?
Cấn Minh Thái
10:38 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

"Trước ý kiến nếu tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp như trên thì lượng kiều hối sẽ giảm sút, VAFI cho rằng nhận định này không có cơ sở, vì chi phí cho việc chuyển ngoại tệ bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài khoảng 2%. Với mức phí này cộng thêm với rủi ro là có thể mất toàn bộ vốn thì có lẽ không ai làm."

VAFI lý giải không đúng.

Lãi suất gửi tiết kiệm USD ở Việt Nam cao hơn nhiều so với ở các nước khác nên mới thu hút một lượng lớn ngoại tệ. Nếu bây giờ giảm lãi suất tiền gửi xuống 0% thì có nguy cơ lượng kiều hối gửi về VN sẽ giảm mạnh, tác động không nhỏ tới cán cân thanh toán.

Vì thế cần cân nhắc vấn đề này cho cẩn thận.

Nguyễn Lan Hương
10:18 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Mình ủng hộ đề xuất này.
Vũ Thị Ngọc Oanh
10:14 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Không hiểu mấy vị nghĩ gì? Trong một đất nước mà tình trạng đôla hóa cao, nếu hạ nhanh lãi suất như vậy thì hậu quả thật khó lường. Chẳng khác nào người bệnh nặng mà cho tẩm bổ ngay thì chỉ có sốc chết thôi.
Nguyễn Huệ
10:10 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Theo tôi, chúng ta phải có mục tiêu rõ ràng, cái nào cần đạt trong ngắn hạn, cái nào là mục tiêu dài hạn.

Chính sách phải tuyệt đối đảm bảo quyền lợi của người thực hiện nó thì chính sách mới đi vào cuộc sống được. Theo cách của VAFI, tôi nghĩ chính sách chỉ "ở thì" được thôi.

"Trước ý kiến nếu tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp như trên thì lượng kiều hối sẽ giảm sút, VAFI cho rằng nhận định này không có cơ sở, vì chi phí cho việc chuyển ngoại tệ bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài khoảng 2%. Với mức phí này cộng thêm với rủi ro là có thể mất toàn bộ vốn thì có lẽ không ai làm."
Nthai
10:07 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Định hướng giảm về không là hoàn toàn đúng đắn, nhưng theo tôi không nên quá vội vàng, vì phải cân đối với lãi xuất VND, cân đối với nguồn kiều hối, cân đối giảm mạnh tín dụng ngoại tệ và quan trọng hơn nữa là giảm nhập siêu.

Khi các yếu tố này cải thiện thì giảm dần và trên cơ sở tỷ giá có lợi cho người bán đô la.
Vincent
09:41 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của VAFI để tạo sức mạnh của tiền đồng
Chứng kiến
08:51 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Lãi suất gửi USD thấp như vậy thì kiều hối mỗi năm 8 tỷ USD sẽ đi tong. Không biết VAFI kiếm nguồn nào bù vào đây?

Nương sức dân và khoan thai sức dân là điều cần làm hơn.
Tuan
08:28 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Nếu tiền đồng của VN vững mạnh thì tức khắc người dân sẽ lưu trữ; và cần phải có thời gian để chứng minh cho điều đó, chứ mới có một ít kết quả ban đầu mà đã có kiến nghị "thậm chí bước tiếp theo là thu phí tiền gửi ngoại tệ" thì không hiểu nổi kiến nghị của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)!
Phạm Ngọc Tuấn
07:57 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Như thế làm sao thu hút đầu tư từ nước ngoài cũng như doanh nghiệp/người dân bán USD cho ngân hàng NH đưa tiền VND cho doanh nghiệp/người dân lại dẫn đến lạm phát.
Minh Thanh
02:57 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011

Một đề nghị rất nguy hiểm, có thể gây đổ vỡ cho tình trạng tài chính yếu đuối của các ngân hàng VN.

VAFI là hiệp hội đầu tư tài chính vì vậy chỉ nhìn vấn đề theo quan điểm có lợi cho mình, chứ không thể đại diện cho toàn thể cộng đồng kinh doanh được.

Vừa qua đồng USD xuống giá so với toàn thể các lại tiền tệ khác là phù hợp với chính sách “đồng dollar yếu” của chính phủ Mỹ nhằm kích thích xuất khẩu, chứ không phải là là do các giải pháp hành chính của ta.
Ngo Long
20:33 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011

Tôi sẽ nhiệt liệt ủng hộ đề xuất trên, nếu tôi thuộc những người sau đây:

1. Các nhà kinh doanh Vàng

2. Các nhà buôn bán bất động sản.

3. Người Muốn mua Đô, khi làn sóng rút tiền USD ra khỏi ngân hàng một cách ào ạt.

Theo tôi ngân hàng nhà nước nên giữ "CÁN CÂN' thăng bằng. Khi lãi xuất giảm xuống 3% trên năm, thì cán cân có vẻ vẫn nghiêng về "ĐƯỢC NHIỀU HƠN MẤT" . Tuy nhiên, nếu quá đà thì điều ngược lại sẽ xảy ra.

Có thể thấy với việc giảm lãi xuất xuống 3 % cộng với việc cấm mua bán USD ở thị trường chợ đen, cấm niêm yết hàng hoá bằng USD, thì đã làm cho người dân không muốn mua Đô la nữa, đầu cơ đã không hoặc gần như không còn. Biểu hiện của việc này là:

1. Giá đô đã giảm.

2. Ngân hàng thương mại có vẻ thừa đô và muốn bán lại cho ngân hàng nhà nước

Theo tôi hiện tại ngân hàng nhà nước không thể tung tiền mua ĐÔ LA được, vì như vậy sẽ không thể chống nổi lạm phát. Trong trường hợp này thì mấy chục tỷ ĐÔ LA sẽ trôi chảy đi đâu, và thanh khoản của các ngân hàng thế nào?

THEO TÔI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC NÊN THẬN TRỌNG.
Nguyễn Văn Trực
17:51 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011

Hoan nghênh và ủng hộ đề xuất của VAFI. Rất mong NHNN nhanh chóng nghiên cứu thực hiện đề xuất này.
Luu
17:30 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011

Đây là giải pháp rất hay nên làm ngay.
 
Ý kiến của bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét