Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Điểm nghẽn văn hóa

 khi nói đến “chất lượng nguồn nhân lực”, Phó thủ tướng chỉ nói đến các “điểm nghẽn” thiếu lao động có kỹ năng, thiếu năng suất và hiệu quả, thiếu năng lực quản lý… mà không đề cập đến một “điểm nghẽn” văn hóa- chính là “điểm nghẽn” căn bản làm ra “chất lượng nguồn nhân lực” hiện nay.
Nguyễn Quang Lập
Theo báo SGTT, tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, khi được hỏi ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 là gì, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, Việt Nam cần phải giải quyết một “điểm nghẽn” là chất lượng nguồn nhân lực.
Phó thủ tướng cho rằng, nếu không giải quyết “điểm nghẽn” này thì Việt Nam không thể đạt được các mục tiêu khác. Đó là một nhận định chuẩn xác. Tuy nhiên khi nói đến “chất lượng nguồn nhân lực”, Phó thủ tướng chỉ nói đến các “điểm nghẽn” thiếu lao động có kỹ năng, thiếu năng suất và hiệu quả, thiếu năng lực quản lý… mà không đề cập đến một “điểm nghẽn” văn hóa- chính là “điểm nghẽn” căn bản làm ra “chất lượng nguồn nhân lực” hiện nay.
Thực trạng nước nhà cho thấy, nguyên nhân căn bản dẫn đến “thiếu năng suất và hiệu quả”, kể cả những “đổ bể và sai lầm”, căn bản không phải vì những yếu kém nghề nghiệp hay năng lực quản lý, cái chính vẫn do phẩm cách yếu kém của người hành nghề. Nói khác đi, giá trị văn hoá thấp kém cùng với sự hiểu biết hời hợt và lệch lạc về những giá trị đó của người hành nghề mới là nguyên nhân căn bản, điều đáng lo ngại nhất.
Ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty InvestConsult Group, một chuyên gia văn hóa, khi nói về tuyển dụng công chức đã cho rằng: để tuyển chọn một nhân viên thì chuyên môn chỉ chiếm 15%, trong khi giá trị văn hóa, hiểu biết văn hóa của người đó chiếm đến 50%. Về quan điểm tuyển chọn công chức, ông nói: “Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện”. Rõ ràng ông Nguyễn Trần Bạt đã điểm đúng huyệt về bản chất sự yếu kém “chất lượng nguồn nhân lực” hiện nay.
Trong vụ tờ rơi ATGT của sở GTVT Kiên Giang xảy ra năm ngoái, vấn đề không chỉ ở chỗ người ta đã “khiêu dâm hóa”, “dung tục hóa” các tờ rơi ATGT. Nghiêm trọng hơn (và đây là vấn đề cốt lõi), nội dung các tờ rơi đó đã bị biến dạng đến mức không ai có thể nhận ra đó là những tờ rơi tuyên truyền ATGT, nó đã biến thành những tờ rơi phản tuyên truyền ATGT vô cùng nguy hiểm, trong khi cả người chỉ đạo lẫn người làm ra nó đã không hề hay biết. Không thể nói ông giám đốc sở GTVT và những người trong ban ATGT làm ra những tờ rơi kia không biết thế nào là ATGT, họ cũng không phải là những kẻ vô trách nhiệm, cái chính là văn hóa của họ yếu kém đến nỗi họ không đủ khả năng để nhận ra cách thức bóp méo xuyên tạc nội dung kia nguy hiểm như thế nào. Khi ông giám đốc sở GTVT đặt bút ký duyệt những tờ rơi có nội dung bóp méo và xuyên tạc khủng khiếp kia, có lẽ ông đã đinh ninh đó là một cách làm sáng tạo. Và đây là điểm nghẽn văn hóa đáng sợ nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Câu chuyện tờ rơi ATGT ở tỉnh Kiên Giang không phải là một ngoại lệ, nó có ở khắp nơi trong nhiều dạng thức khác nhau. Khi bác sĩ nhận phong bao đinh ninh họ đang nhón tay làm phúc, không hề biết đó là cách nhanh nhất giết chết hai chữ lương y; khi công an giao thông nhận tiền “mãi lộ” đinh ninh họ đang linh động để kiếm sống, không hề biết họ đang góp phần gây ra ách tắc giao thông, tai nạn giao thông; khi nạn bằng giả, nạn đạo văn, nạn mua bằng bán điểm được những người cầm cân nẩy mực coi như một lẽ đương nhiên thuộc về quy luật cung cầu, không hề biết đó chính là căn nguyên làm sụp đổ cả một nền giáo dục… Tóm lại, khi cuộc sống đang tồn đọng những cái “khi” đáng sợ kia , sẽ không có cách nào hiệu quả để nâng cao chất lượng “nguồn nhân lực”, đó là một điều chắc chắn.
Theo PNO
Be the first to like this post.
1 phản hồi leave one →
Tháng Năm 6, 2011 12:35 chiều
0
0
 
Rate This
Hoàn toàn đồng ý. Văn hóa ở Việt Nam hiện giờ quả thật rất là tiêu cực. Vậy làm thế nào đây? Cần có sự đầu tư về văn hóa tích cực.http://haydanhthoigian.wordpress.com/2011/05/06/di%E1%BB%83m-ngh%E1%BA%BDn-van-hoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét