Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Ca sĩ nói gì về Mẹ?


Ngọc Lan/Người Việt
Trên sân khấu, họ là những ngôi sao.
Rời xa ánh đèn màu, họ trở về đời thường, trong vai trò của một người vợ, người chồng, người anh, người em. Nhưng hơn hết, họ vẫn là những đứa con lớn lên từ sự tảo tần, chở che, đùm bọc của những người Mẹ, người Cha.

Ca sĩ Khánh Ly, “Khi mẹ mất rồi, tôi mới nhận ra nhiều điều. Dù đã trễ lắm rồi, nhưng ít ra còn hơn là cho đến khi nhắm mắt mà mình vẫn không nhận thức được cái gì là đúng, cái gì là sai”. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhân ngày Lễ Mẹ, Người Việt đã thực hiện cuộc phỏng vấn một số ca sĩ nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc Việt Nam xưa nay, để nghe những chiêm nghiệm, những tâm tư, những nỗi lòng của họ khi nghĩ về Người đã cho họ có mặt trên cõi đời này.
Ca sĩ Khánh Ly: “Không cần đợi đến ngày Lễ Mẹ, tôi mới cảm thấy ăn năn”
Tôi rất ít gần mẹ tôi, ít khi nói chuyện. Tôi chỉ ở với gia đình đến năm 15 tuổi thì ở với bà nội. Trong 15 năm đó, cũng như bao gia đình Việt Nam khác, làm gì có chuyện con cái nói chuyện với bố mẹ, chỉ có bố mẹ ra lệnh cho con phải làm cái này hay cái kia, không ai cho mình cái quyền được hỏi vì sao cái này đúng? Vì sao cái kia sai? Mình chỉ biết có nhắm mắt và làm theo thôi.
Suốt tuổi thơ, tôi cứ mang nỗi buồn nỗi giận mẹ tôi vì khi bố tôi mất, mẹ đã có gia đình mới. Nỗi hờn giận đó, tôi thể hiện ở thái độ lì cái mặt ra. Trong nhà tôi là đứa bị đánh nhiều nhất, bị đánh oan, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều “chắc con Mai”.
Tôi mang trong tâm tư tôi là một sự thất bại của mẹ tôi. Vì tôi không đẹp, trong khi mẹ tôi lại là người thích những gì đẹp, và bản thân mẹ cũng là người đẹp. Tôi nghĩ chắc mẹ không thương tôi vì tôi không đẹp, lại không ngoan ngoãn nghe lời, cũng học hành chẳng tới đâu.
Lỗi của tôi là không hiểu ngay từ đầu.
Tôi chỉ hiểu ra khi tôi có gia đình, có con, tôi hiểu được vì sao mẹ tôi phải lập gia đình mới để nuôi chị em tôi.
Ðến năm 2006, khi mẹ mất, tôi lại hiểu thêm một điều nữa là duyên phận của mẹ và bố tôi chỉ tới đó thôi. Trong khi mối nhân duyên của mẹ và bố dượng mới thực sự là một tình yêu chân thật và đẹp đẽ.
Những đổ vỡ, sứt mẻ từ khi mình còn trẻ, rồi lại không có dịp để nói ra những điều ấm ức, những điều mình suy nghĩ, những điều mình muốn mẹ nói nhưng mình lại không nói ra, đã khiến tôi cứ cảm thấy có điều gì đó không trọn vẹn trong tình cảm với mẹ tôi.
Khi mẹ mất rồi, tôi mới nhận ra nhiều điều. Dù đã trễ lắm rồi, nhưng ít ra còn hơn là cho đến khi nhắm mắt mà mình vẫn không nhận thức được cái gì là đúng, cái gì là sai.
Tôi kết luận: Tất cả là lỗi tại mình hết.
Từ lúc mẹ mất tới giờ tôi luôn nhớ tới bà, nhớ tới trong một nỗi ân hận vô cùng. Tôi làm được nhiều điều cho bạn bè nhưng lại không làm nhiều điều cho mẹ mình.
Ðiều đó trở thành nỗi ân hận cho tôi, là lỗi lầm lớn nhất của tôi. Nó đeo đuổi tôi hàng ngày, không cần đợi đến ngày Lễ Mẹ, tôi mới cảm thấy ăn năn.
Ca sĩ Lê Uyên: “Tôi không chấp nhận ngày mẹ sẽ ra đi”
Năm nay mẹ tôi đã 95 tuổi. Nhưng cho dù mẹ có bao nhiêu tuổi thì tôi vẫn không chấp nhận sự ra đi của mẹ, không thể chấp nhận.
Chỉ trừ khoảng thời gian tôi đi vượt biên từ năm 1979 đến 1985 là tôi không sống cạnh mẹ, còn lại, giữa mẹ và tôi là một sự khắng khít, không rời. Lúc tôi lấy Lê Uyên Phương, vợ chồng tôi cũng ở với mẹ. Bảo lãnh mẹ sang Mỹ từ năm 1985, tôi vẫn sống cùng mẹ đến giờ.
Ca sĩ Lê Uyên, “Có mẹ, tôi cảm thấy mình có tất cả mọi thứ, và chỉ thiếu một thứ, đó là sự lo lắng, buồn phiền. Chính vì vậy, tôi không nghĩ đến ngày tôi không còn mẹ”. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Mẹ và tôi gắn bó với nhau ngay từ lúc tôi mới chào đời. Tôi là đứa con gái mà mẹ yêu thương nhất. Ðến giờ tôi vẫn còn giữ chiếc áo mẹ đan cho tôi lúc tôi 3 tháng tuổi có những chiếc cúc áo hình con chó. Mẹ đã giữ chiếc áo đó, cho đến khi sang Mỹ, mẹ mang theo cho tôi.
Giữa mẹ và tôi là một sự khắng khít. Nếu mẹ cho tôi tất cả những gì mẹ có, thì ngược lại, tôi cũng mang đến cho mẹ niềm vui và sự an toàn, dù khi đó tôi còn rất nhỏ. Tôi vẫn nhớ từ năm 10 tuổi, tôi đã đi đánh ghen giùm cho mẹ. Tôi leo lên trên nóc nhà để chui vào cửa sổ của khách sạn để mở cửa cho mẹ tôi vào.
Chỉ có một điều duy nhất và trong một thời gian ngắn, tôi và mẹ tranh cãi, hờn giận nhau, là khi mẹ không cho tôi lấy nhạc sĩ Lê Uyên Phương.
Có người mẹ nào lại muốn gả đứa con gái mình thương yêu nhất, xinh đẹp nhất, thông minh nhất trong nhà cho một người đang mang trọng bệnh, lại nghèo như nhạc sĩ Lê Uyên Phương?
Là một người mẹ, mẹ đã không thể chấp nhận được điều đó. Thế là để được lấy người mình yêu, tôi đã phải làm những việc cần làm như uống thuốc tự tử để dọa mẹ.
Sau khi tôi được cứu sống, thấy mẹ vẫn còn do dự, để đạt được nguyện vọng của mình, tôi bỏ nhà đi một tuần. Kết quả của một tuần ra đi đó là sự có mặt của đứa con đầu tiên của tôi và Lê Uyên Phương.
Và đứa bé đó chính là lý do để mẹ đồng ý cuộc hôn phối của hai chúng tôi.
Nhìn lại, tôi thấy mẹ là người duy nhất cho tôi những gì tốt đẹp nhất trong ý nghĩa trọn vẹn của nó.
Mẹ là tất cả của những gì quý báu nhất, an toàn nhất, an tâm nhất. Mẹ cũng là người duy nhất gánh cho tôi mọi ưu phiền và lo lắng. Có mẹ, tôi cảm thấy mình có tất cả mọi thứ, và chỉ thiếu một thứ, đó là sự lo lắng, buồn phiền.
Chính vì vậy, tôi không nghĩ đến ngày tôi không còn mẹ.
Dù trong bất cứ gia đình nào, hoàn cảnh giàu nghèo nào, mẹ luôn điều để chúng ta trân quý. Cũng rất may cho tôi là tôi đã trân quý mẹ từ lúc nhỏ đến giờ. Cho nên tôi không bị một điều gì áy náy.
Và cũng vì vậy, tôi không chấp nhận ngày mẹ sẽ ra đi.
Ca sĩ Don Hồ: Mẹ lúc nào cũng là người nấu ăn ngon, vì mình ăn cả đời, quen rồi
Cuối tuần nào bay đi diễn, Don cũng bay đi từ Orange County. Không chỉ vì phi trường ở OC không đông như ở LA, mà còn vì Don muốn tạo một cái cớ về nhà chuẩn bị đồ đi hát, cũng là dịp gặp luôn bố mẹ.
Don nghĩ, với người con nào thì mẹ mình lúc nào cũng là người nấu ăn ngon hết. Vì mình ăn cả đời, mình quen với vị, với cách nêm nếm của mẹ rồi. Có thể nhiều món mẹ mình nấu không đúng, nhưng mình ăn quen rồi, đến khi đi tiệm người ta nấu đúng mình lại cũng cảm thấy kỳ kỳ. Mẹ mình có nấu dở thì mình ăn quen cái dở và tự lúc nào, cái dở cũng thành cái ngon.
Don thấy bố mẹ mình cả một đời sao mà khổ quá. Từ nhỏ đã phải chạy giặc ở miền Bắc. Lấy nhau rồi di cư vào Nam. Ðến năm 75, lại đưa hết các con đi vì sợ các con phải đi “nghĩa vị quân sự”. Một đời sống đến ba, bốn lần di chuyển, chẳng đâu ra đâu hết. Chính vì vậy khi sang được đây rồi, thấy mình sung sướng, Don lại cảm thấy thương bố mẹ quá.
Ca sĩ Don Hồ, “Bố mẹ nào cũng vậy, khi con làm được điều gì nhỏ nhỏ to to cũng đều vui và hãnh diện hết. Nên có lẽ bố mẹ cũng có hãnh diện về Don.”
Bố mẹ nào cũng vậy, khi con làm được điều gì nhỏ nhỏ to to cũng đều vui và hãnh diện hết. Nên có lẽ bố mẹ cũng có hãnh diện về Don. Có điều, bố mẹ Don, cũng như nhiều bố mẹ Việt Nam khác, có tự hào, hãnh diện về con cũng để trong lòng, chẳng bao giờ nói ra. Hoặc có thể bố mẹ nói với nhau, hay nói với chị với anh, hay nói với người khác, chứ không nói với Don.
Bố mẹ không nói ra điều đó, thành ra Don là con của bố mẹ cũng cảm thấy “ngượng miệng” khi nói đến tình cảm mình dành cho bố mẹ, cứ nói vòng vòng, đâu đâu.
Nhiều lúc đi ra ngoài thấy những đứa con lớn lên bên Mỹ đi đâu về lại ôm bố mẹ hôn chụt chụt, mình thấy hay quá, tự hỏi “sao mình không làm như vậy”. Ðịnh về nhà sẽ nhắm mắt làm đại. Thế nhưng, khi về đến nhà lại mắc cỡ, cứ đứng ẹo ẹo ẹo. Mà biết đâu mình ôm mẹ, mẹ cũng mắc cỡ nữa. Thành ra ai cũng bị mắc cỡ hết!
Don biết có những khi Don đi hát, bố mẹ có đi coi nhưng về không bao giờ nói gì hết. Trừ khi tệ quá mới nói rất nhẹ nhàng, “Lần sau con đừng làm kiểu này, con làm kiểu kia nó hay hơn, chẳng hạn.” Không bao giờ mẹ nói, “ui dở quá, ui ghê quá”. Mà cũng không bao giờ mẹ nói “ui thích quá, ui hay quá!”
Ngày Mother’s Day, bố mẹ Don sẽ đi xem Don trình diễn.
Don đã có một dự định là sau buổi diễn, khi mọi người ra chào thì Don có một bó hoa và sẽ nhảy xuống để tặng mẹ ngồi bên dưới. Với Don hành động đó là can đảm lắm đó! Nhưng chỉ sợ mang hoa tới, đến lúc đó lại lớ ngớ cầm ra, rồi mang vô chứ không dám chạy đến đưa mẹ trước mặt mọi người. Bởi Don cũng là người mắc cỡ, và nhát lắm, nhất là với bố mẹ.
Minh Tuyết: Mẹ không cho phép mình ngã gục, mà phải vững vàng để bảo vệ con
Trong nhà, mẹ nói tính em giống tính mẹ nhiều nhất.
Hồi nhỏ tụi em ít bị mẹ la, chỉ có bố la nhiều thôi. Hồi nhỏ, phần thì ham vui, phần thì ham ăn, mẹ may đồ ở nhà để đi bỏ mối ở chợ An Ðông, chợ Lớn. Khi hè đến, những buổi chiều khi mẹ chạy xe Honda đi giao hàng, em luôn xin mẹ cho đi theo. Những ngôi chợ đó luôn đông đúc, chật chội, nhưng em vẫn cứ thích đi theo mẹ. Sau khi mẹ giao hàng xong thì mẹ mua há cảo cho ăn.
Ca sĩ Minh Tuyết, gối đầu lên lòng mẹ: “Với người mẹ, dù đang đau bệnh, nhưng khi thấy con cực khổ, thì trong tận đáy lòng, họ cũng không cho phép mình ngã gục, mà họ phải vững vàng để bảo vệ con mình.” (Hình: Minh Tuyết cung cấp)
Khi được chừng 12 tuổi, thì mẹ cho em đi thu tiền vòng ngoài, mẹ đi vòng trong. Rồi lâu lâu sau khi thu được tiền, mẹ lại ghé mua cho một múi sầu riêng, trong đó có 2, 3 hột.
Sau này khi ở Mỹ về, em cũng thích đi đâu có mẹ đi theo, đi chung. Ði quay video ca nhạc cũng muốn có mẹ đi thôi. Mỗi lần ngoài đường thấy sầu riêng lại hỏi mẹ ăn sầu riêng không.
Em nhớ lần quay bài Gánh Hàng Rong. Lần đó, mẹ bệnh nhưng mẹ vẫn nhận lời đóng một cảnh trong bài hát. Trong cảnh quay, mẹ ngồi cùng gánh hàng rong trong một ngôi trường, trên tay ôm một đứa bé là em lúc còn nhỏ. Sau đó chuyển sang cảnh khi em đã lớn. Mẹ nhìn em, nhớ lại từ nhỏ mẹ đã tảo tần nuôi em tới lớn, giờ em đã thành đạt.
Cảnh quay đó quá gần với cuộc sống của em và mẹ, lại thêm em đã xa mẹ một thời gian khá lâu để sinh hoạt bên đây, trưởng thành bên đây. Thành ra đạo diễn yêu cầu mẹ chỉ nhìn mặt em, như “ôi, con tôi đã lớn thành người”. Nhưng không hiểu sao lúc đó, em ôm mẹ, mẹ nhìn em, và hai mẹ con khóc thôi là khóc, đến đạo diễn không ngừng quay được…
Em nhớ, lần em về Việt Nam diễn, em đòi mẹ đi theo, mà mỗi lần đi diễn thì cực lắm. Mẹ cứ thức khuya dậy sớm lo cho em từ cái quần cái áo, miếng ăn. Trong khi em đi diễn về thì đuối, mà thấy mẹ lại rất khỏe, em còn cười nói sao lần này mẹ khỏe dữ vậy. Mẹ cũng nói mẹ không hiểu sao mẹ lại khỏe vậy.
Nhưng thực ra không phải vậy. Khi em vừa bay trở về Mỹ, em gọi điện về, bố nói, ngay khi em vừa đi thì mẹ ngã bệnh. Mẹ tái lại bệnh cũ, nặng lắm. Em nghĩ lúc đó mà mẹ có chuyện gì thì em sẽ tự trách em nhiều lắm.
Em nhận ra rằng, với người mẹ, dù đang đau bệnh, nhưng khi thấy con cực khổ, thì trong tận đáy lòng, sức kiên cường của người mẹ trỗi lên, họ cũng không cho phép mình ngã gục, mà họ phải vững vàng để bảo vệ con mình.
Tháng 3 rồi em về thăm mẹ để giúp mẹ có thêm tinh thần. Thấy có con có cái trong nhà, mẹ em khỏe hẳn. Em mừng lắm.
Ca sĩ Nguyên Khang: Bố mẹ nuôi con có màng đến cái gì
Lúc nhỏ bị đánh đau thì khóc thôi chứ tôi không hề giận mẹ. Tôi biết trong nhà mẹ rất cực khổ để lo cho gia đình, và phải chịu đựng đủ thứ.
Trước ngày 30 tháng 4, mẹ tôi là một cô giáo, nhưng sau khi Việt cộng vô, mẹ không được đi dạy nữa, phải đẩy xe đi bán hàng, bán phở lòng vòng khắp nơi, rồi bị đuổi xua… Tôi thương bố mẹ tôi không hết thì thôi.
Ca sĩ Nguyên Khang, “Xưa giờ bố mẹ nuôi tụi tôi có màng đến cái gì đâu, cho nên quà không có ý nghĩa gì, chỉ cần một cú phone gọi thôi là mẹ vui rồi.” (Hình: TT Asia)
Khi tôi trở thành ca sĩ, mẹ tôi vui, vì mẹ quan niệm là con cái thích cái gì thì cho làm cái đó, miễn là trở thành người tốt và nuôi sống được bản thân mình, đừng làm cho gia đình bị mất mặt là được.
Ba tôi thì khó hơn. Trong 2 năm đầu, khi tôi quyết định theo nghề ca hát, ba tôi không nói chuyện với tôi. Mỗi lần tôi gọi điện về nhà chỉ có mẹ nói chuyện thôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi mất đi sự kính trọng với ba tôi.
Mỗi lần nghe ai khen tôi hát hay là mẹ tôi vui lắm, mẹ nói “mà mẹ cũng thấy con hát hay nữa”.
Tôi nghe mẹ kể, “lúc đi trên xe có mẹ thì ba không có mở nhạc của con, nhưng mẹ biết là ổng có nghe nhạc của con”. Bố thích nhưng không nói ra. Bởi lúc nào bố cũng muốn tôi trở thành kiến trúc sư hết.
Hiện giờ bố mẹ vẫn đầu tắt mặt tối lo cho cái nhà hàng ở San Diego, dù tụi tôi muốn bố mẹ nghỉ ngơi nhưng bố mẹ không chịu. Bố mẹ tôi không bao giờ muốn lụy phiền gì đến các con. Ðó là điều luôn làm tôi cảm kích bố mẹ mình.
Nhìn lại, tôi chưa bao giờ hỗn gì với mẹ. Chỉ có khoảng thời gian tôi làm cho gia đình buồn là khi tôi mải mê với sự nghiệp ca hát mà quên đi con đường học vấn.
Ngoài chuyện đó thì tôi không làm điều gì sai. Tôi cũng làm mẹ vui khi trở thành một ca sĩ được nhiều người yêu mến và tôn trọng.
Tôi chỉ ước gì nếu đất nước mình đừng có sự thay đổi như năm 75, thì tôi có thể làm nhiều điều hơn cho bố mẹ. Tôi không muốn bố mẹ phải bôn ba như vậy ở xứ người. Mình là người Việt, lá rụng về cội, mình muốn bố mẹ ở lại quê hương, đâu phải bôn ba qua một đất nước không phải của mình, không nói tiếng mình, để khốn khổ như vậy.
Ngày Mother’s Day luôn là những ngày tôi đi show. Ngày đó tôi mua một món quà kêu đứa em mang đến, rồi gọi điện nói chuyện với mẹ.
Xưa giờ bố mẹ nuôi tụi tôi có màng đến cái gì đâu, cho nên quà không có ý nghĩa gì, chỉ cần một cú phone gọi thôi là mẹ vui rồi. Mà hầu như người phụ nữ Việt Nam nào cũng vậy, họ không chú trọng đến hình thức bên ngoài, chỉ cần những lời thăm hỏi của những đứa con.

http://boxitvn1.wordpress.com/2011/05/17/ca-si-noi-gi-v%E1%BB%81-m%E1%BA%B9/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét