Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

“Đánh đu” với mạng sống


Triết Giang - Lâu nay, câu chuyện về những người dân buộc phải “làm xiếc” để qua sông tưởng như chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa heo hút như Ngọc Hồi (Kon Tum), Phiêng Cại (Yên Bái)... Nhưng mới đây, thông tin về việc ngay tại Thủ đô Hà Nội, hàng nửa thế kỷ nay người dân xã Mỹ Hưng (Thanh Oai) vẫn phải đánh đu dây, đánh đu với mạng sống để qua sông Nhuệ mỗi ngày thì người ta không khỏi giật mình.
 
 Bao giờ người dân Mỹ Hưng, Thanh Oai (Hà Nội) sẽ hết cảnh như thế? - Ảnh: T.L
Nhìn thấy người lớn qua sông theo kiểu đu dây đã thấy thương cảm cho họ rồi, nhưng phải chứng kiến cảnh trẻ em tới trường ngoài việc mang cặp sách còn phải vác theo cả phương tiện để đu dây là chiếc ròng rọc nặng tới 2 kg mỗi ngày, thì thật là xót xa. Khi được hỏi, cả người lớn và trẻ em phải “làm xiếc” bất đắc dĩ đều cho hay, họ biết mỗi chuyến hành trình như vậy đầy rẫy những hiểm nguy rình rập như chẳng may dây đứt,  ròng rọc rơi, chóng mặt ngã nhào... Nhưng đây là cách duy nhất để sang được bờ bên kia, trong khi họ cứ phải chờ đợi mòn mỏi mà không thấy cây cầu nào được xây lên. Và cũng phải thừa nhận rằng chương trình hài Táo quân 2011 đã không cường điệu hóa khi cho rằng, giờ đây ngoài những loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường không... Việt Nam cũng đang tồn tại một loại hình giao thông... “đường dây” - ít người biết đến.
Người dân thì treo số phận của mình lên đu dây để qua sông, còn nhà chức trách chắc không thể mường tượng được cảm giác khi chưa một lần tham gia loại hình giao thông kỳ dị  này. Vì vậy, đăng đàn trước Quốc hội, người đứng ở vị trí cao nhất của ngành Giao thông Vận tải đã từng thản nhiên cho rằng, việc người dân “đu dây” qua sông Pô Kô ( Ngọc Hồi- Kon Tum)  là sáng tạo “không ngờ tới”. Ông đã thừa nhận một cách rất vô tư là ông không hề hay biết, địa phương cũng không đề cập tới và sau này khi ông hỏi, Sở Giao thông Vận tải Kon Tum cũng không nắm được. Lý lẽ của vị quan chức này nghe cũng rất thuyết phục: “Bộ chỉ quản lý các tuyến sông quốc gia, còn tuyến sông địa phương dài hàng trăm ngàn km đã được phân cấp cho địa phương quản lý, nhưng địa phương không nắm được vấn đề trên”. May mắn đã đến với những người dân ở xã Đăk Ang ( Ngọc Hồi- Kom Tum), bởi sau khi các phương tiện truyền thông vào cuộc, nhờ sự chung tay quyên góp của bạn đọc Báo điện tử VnExpres, cuối tháng 12-2010, chỉ sau hơn 4 tháng thi công cây cầu bắc qua sông Pô Kô đã được khánh thành, nối liền hai bờ, thực hiện ước mơ bao lâu nay của gần  1.300 người dân xã Đăk Ang.
Nhưng không phải ở nơi nào người dân cũng có may mắn như vậy. Để được học chữ, những đứa trẻ ở bản Phiêng Cại (Yên Bái) hàng ngày vẫn phải tự mình đi trên chiếc bè tre, và cũng phải “đánh đu” dây để vượt sông, tới trường. Cách xa trung tâm huyện lỵ tới 50 km đường bộ, lại nằm ở giữa chốn rừng sâu heo hút nên người dân nơi đây bao đời nay vẫn sống biệt lập, nghèo khổ. Điều khiến người ta xúc động nhất là tâm tư của họ: đời chúng tôi đã đành, đu dây mãi rồi cũng thành quen, song với trẻ em nếu phải đánh đổi mạng sống để lấy những con chữ thì... đắt quá. Vì thế, cũng chỉ dám mơ ước cỏn con là có một cây cầu tạm để lũ trẻ vượt sông tới lớp. Mà cũng chả biết khi nào sẽ thành hiện thực... Đây cũng là tâm tư của những người dân đang sinh sống ở xã Mỹ Hưng ( Thanh Oai- Hà Nội). Nghe có vẻ như là một điều khó tin, bởi lẽ giao thông “đường dây” lại diễn ra giữa Thủ đô. Nhưng đó là sự thực. Hơn thế,  thống kê tại địa bàn xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội đã cho thấy, hiện ở xã này còn tồn tại tới 3 chiếc đò đu dây qua sông. Chúng là  những con đò dân sinh,  “ trong cái khó, ló cái liều” do người dân tự tạo ra  để đi lại. Ngoài nguy hiểm rình rập mỗi ngày, giờ đây nỗi lo lớn nhất của những người dân trong vùng là vào mùa mưa bão, nước sông chảy xiết, nguy cơ lật đò có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại sao ở những nơi đó chưa có cầu cho người dân đi lại? Ở mỗi địa phương những câu trả lời cho việc này cũng khác nhau. Hoặc là do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa thuận tiện; hoặc do đã có cầu được xây... nhưng lại cách xa nơi dân cư có nhu cầu đi lại 20 km. Và lý do được đưa ra nhiều nhất vẫn là... thiếu kinh phí. Tất nhiên, với người dân, số tiền 2,4 tỉ đồng (số tiền xây cầu bắc qua sông Pô Kô) quả là khổng lồ. Nhưng với những công trình dân sinh, đảm bảo an sinh xã hội thì số tiền này lại là khiêm tốn so với ngân sách được đầu tư ở các địa phương. Ấy là chưa kể thực hiện cắt giảm chi tiêu công hiện nay, không ít lãnh đạo địa phương cắt thẳng thừng những phần lẽ ra không nên cắt, để lại những phần đầu tư lẽ ra cần phải giảm bớt đi. Đơn cử như có địa phương đã cắt chi phí xây dựng cầu qua sông, dành số tiền đó để sửa chữa, nâng cấp trụ sở nhà làm việc, vì trụ sở mới là bộ mặt của địa phương... E rằng với lề lối tư duy này, mong mỏi về những cây cầu sang sông để xóa bỏ loại hình giao thông “đường dây” của những người dân ở nhiều vùng đất nước, sẽ còn rất lâu nữa mới trở thành hiện thực.
Triết Giang
. Bookmark the permalink.

1 Response to “Đánh đu” với mạng sống

Nặc danh says:
CSVN là Cứ Sợ Với Nhau.Bọn chúng luôn làm cho người ta luôn mang trong người 1 cái sợ mơ hồ.Để rồi hồn phách u mê không dám hé môi không dám phản kháng............ http://danlambaovn.blogspot.com/2011/05/anh-u-voi-mang-song.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét