Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

7/5/2011: Một năm nhìn lại ngày nhậm chức của TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn


Ngày hôm nay, 7/5/2011, tròn một năm ngày ra Hà Nội nhậm chức của Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Một năm trôi qua với một Tổng Giáo phận tại Thủ đô Hà Nội, có nhiều sự kiện xảy ra và diễn biến tình hình Giáo phận có những thay đổi rõ nét.
Nhân dịp kỷ niệm một năm biến cố nhậm chức của TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Nữ Vương Công Lý xin điểm lại đôi nét về sự kiện này.

Đức TGMHN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Trang sử mới
Đúng như trong văn thư chúc mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam gọi sự kiện này“Một trang sử mới cho TGP Hà Nội và cho Giáo hội Việt Nam”.
Một thời kỳ mới, một trang sử mới đó là một trang sử buồn, bi thương và đau đớn nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, thể hiện sự phân rẽ sâu sắc, sự bất lực và lúng túng của các Giám mục, sự bất nhất và thiếu những hành động đúng với chức năng sứ vụ của mình từ hàng giáo phẩm. Trang sử đó cũng là trang sử buồn khi giáo dân ngày càng thất vọng và tỏ ra nghi ngờ, thiếu vâng lời đối với chủ chăn của mình – điều mà chưa bao giờ Giáo hội gặp phải ở Việt Nam.
Chưa bao giờ TGPHN có một Thánh lễ đón tiếp Tân TGM bằng rừng băng rôn, biểu ngữ nói lên nỗi lòng yêu mến chủ chăn của mình là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.
Chưa bao giờ ở VN có một Thư Thỉnh nguyện gửi đến tận Giáo Hoàng ở Vatican để nói lên nỗi lòng giáo dân Việt Nam. Lá thư Thỉnh nguyện đạt số chữ ký kỷ lục là 15.000 chữ ký chỉ trong vòng 1 tuần lễ nói lên nỗi lòng giáo dân Việt Nam.
Chưa bao giờ, ở TGPHN có những Thánh lễ vắng vẻ và buồn đến se lòng như tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội những khi có Thánh lễ do TGM chủ sự.
Lễ đón TGM Phó HN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn 7/5/2010
Chưa bao giờ, ở TGMHN có những Thánh lễ phải bị cắt bỏ vì chỉ có 3 giáo dân như Thánh lễ được thông báo trước vào ngày 2/9/2010 dự định do TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự .
Chưa bao giờ, ở TGPHN có hiện tượng chủ chăn ra đi đến đâu phải lo lắng mắt trước mắt sau chống đỡ với giáo dân căng băng rôn, biểu ngữ đòi hỏi chủ chăn phải chu toàn sứ mệnh của mình, thậm chí yêu cầu phải từ chức.
Chưa bao giờ, ở TGPHN có một chủ chăn xa rời giáo dân đến thế, để tiếp cận với chủ chăn của mình, giáo dân không dễ dàng khi đăng ký và chờ đợi “xét duyệt lý lịch” hết lần nọ đến lần kia trước khi được leo lên tầng 2 phòng khách của TGM.
Chưa bao giờ TGPHN có một vị TGM sống trong cô đơn khi giáo dân ngày càng xa lánh và bỏ rơi nhất là trong những dịp lễ, tết… Đến nỗi tết nguyên đán vừa qua, lẽ ra đến một TGP mới, vị chủ chăn sẽ ở lại thăm hỏi nơi được giao cho để “đồng sinh, đồng tử”. Trái lại, ngài đã bỏ về Đà Lạt để tìm một chút chia sẻ nơi quê cũ của mình mặc đàn chiên.
Chưa bao giờ Tòa TGMHN lạnh lẽo đến vậy ngay trong những ngày lễ, tết vắng bóng giáo dân. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất, máu lửa nhất của cộng sản đối với Giáo hội, điều này cũng chưa bao giờ xảy ra.
Chưa bao giờ, TGPHN có một TGM hăng hái như vậy trong việc “giao thiệp” với chính quyền cộng sản, thậm chí không chỉ chính quyền Cộng sản mà là Ban dân vận của Trung ương Đảng cộng sản để bị coi thường.
Đức TGMHN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thăm Ban dân vận Trung ương Đảng cộng sản VN
Chưa bao giờ, TGP Hà Nội có một TGM hăng hái xung phong làm tuyên truyền viên cho đảng và nhà nước trong vụ lễ hội tốn kém của dân cả trăm ngàn tỉ đồng bằng Thư chung kêu gọi hưởng ứng lễ hội Ngàn năm Thăng Long vào 10 giờ ngày 10/10/2010 như một thói mê tín dị đoan ham số đẹp đang phát triển trong hàng Giám mục Việt Nam.
Chưa bao giờ, có một Thánh lễ hoặc cuộc đón tiếp phái đoàn từ Tòa Thánh đến thăm TGP Hà Nội trong sự sợ hãi, bí mật, loanh quanh và thiếu minh bạch của Tòa TGMHN như thời gian qua. Những cuộc đón tiếp ĐHY Ivan Dias và Đại diện không thường trực của Tòa Thánh là những ví dụ điển hình.
Chưa bao giờ ở TGPHN cần những bảo vệ bặm trợn, lực lưỡng mặt đằng đằng sát khi như Báu, Hùng… và thậm chí phải nhờ sự can thiệp của đám đầu gấu kết hợp với công an để bảo vệ Tổng Giám mục khi phải ra ngoài gặp sự phản đối của giáo dân.
Những vấn đề “chưa bao giờ có” đó có phải là “một trang sử mới cho TGP Hà Nội và cho Giáo hội Việt Nam” mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dự tính trước ngay trong thư chúc mừng của mình?
Một năm qua, cũng là một năm Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đối mặt với những khó khăn đã được báo trước mà được báo trước từ rất lâu trước khi ngài bỏ ngoài tai mọi lời khuyên răn để quày quả ra nhận chức TGM Hà Nội.
Ngược lại, qua những thăng trầm, những tháng ngày bị bỏ rơi, xa lánh bởi chính anh em đồng đạo đang khuynh loát HĐGMVN và đặc biệt là bị đẩy khỏi ngai tòa Hà Nội bằng sự thỏa hiệp trong bóng tối với tà quyền Cộng sản của một số chức sắc trong Giáo hội, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt rút lui vào thinh lặng, cầu nguyện cho Giáo hội và quê hương Việt Nam với tất cả sự khiêm tốn và bao dung của mình. Điều đó đã được sự mến mộ và yêu quý của không chỉ giáo dân mà ngay cả những người lương dân cũng như mọi người yêu mến sự thật công lý trong và ngoài Việt Nam.
Khẩu hiệu trước Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
Hiện tượng hàng đoàn người đông đúc ngày đêm tuốn về Châu Sơn, nơi núi rừng mà ngài đang ẩn mình ở đó để viếng thăm, tỏ lòng kính trọng với một con người mang tấm lòng mênh mông và cốt cách quân tử đã nói lên giáo dân ngày nay mong muốn điều gì ở các mục tử của họ.
Đó cũng là điều Đức TGMHN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cần có chút thời gian suy ngẫm cho mình.
Có thể nói rằng, một năm qua cũng là thời gian để nhà cầm quyền cộng sản thấy được sự thất bại của mình khi nghĩ rằng bứng được Đức TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt là có thể thông qua những nhân vật họ muốn mà dẫn đoàn chiên giáo hội đi theo đường lối cộng sản vô thần.

Tình hình thay đổi
Những năm qua, chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vatican đối với các nước cộng sản được hình thành bởi một số chức sắc của Tòa Thánh luôn mong mỏi việc thiết lập bang giao với các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam. Những vị này luôn coi đó như một mục đích, một con bài phải đạt được bằng mọi cách và hình thành quan điểm “đối thoại bằng mọi giá”.
Chính vì đường hướng này, họ đã bỏ qua những lời khuyên can, cảnh báo của những người am hiểu tình hình thực tế và bản chất của cộng sản.
Vì thế, đã có những hậu quả tai hại và hết sức đau đớn cho Giáo hội. Bài học Trung Quốc một quốc gia cộng sản đàn anh mà Cộng sản Việt Nam luôn học tập, làm theo đã đem lại cho Tòa Thánh Vatican một liều thuốc đắng như những cú tát vào giữa mặt chính sách đối thoại bằng mọi giá với cộng sản. Chính sách đó đã để lại một hậu quả không hề nhỏ chút nào cho Giáo hội Công giáo Trung Quốc.
Qua những sự kiện đó, Tòa Thánh đã phải giật mình nhìn lại mới thấy rằng bản chất gian manh, xảo quyệt của cộng sản không hề thay đổi. Từ đó đã có cách nhìn nhận, điều chỉnh lại chính sách của mình về nhân sự, về đường lối.
Mới đây, việc bãi chức ĐHY Ivan Dias Tổng trưởng Thánh bộ Truyền Giáo, đưa ĐHY Trần Nhật Quân về làm ban tư vấn cho Tòa Thánh về các vấn đề Trung Quốc đã nói lên điều này.
Tại Việt Nam, đang dấy lên một phong trào mạnh mẽ đòi các ĐGM, các giáo phận phải thẳng tay loại bỏ những con sâu trong lòng Giáo hội nhưng phục vụ Cộng sản qua những tổ chức chính trị công cụ của đảng cộng sản như Quốc Hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt Trận, Ủy ban đoàn kết… và ngay cả các tín hữu tham gia vào đảng cộng sản vô thần.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt - Giám mục cầu nguyện
Hướng đi nào
Như Nữ Vương Công Lý đã nhiều lần chỉ rõ, chẳng có một liều thuốc nào để TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thoát khỏi sự cô đơn của mình và sự lạnh lùng của giáo dân đối với ngài nếu như ngài vẫn xơ cứng với não trạng lấy “Im lặng là vàng” với các vấn đề thuộc sứ vụ của mình nhưng lại hăng hái với những việc “giao thiệp” hay nịnh bợ chính quyền cộng sản như xưa nay.
Trái lại, chỉ có một cách duy nhất để ngài giành lại được sự yêu mến của đông đảo giáo dân Hà Nội cũng như những người công giáo chân chính có suy tư trước vấn nạn của đất nước và Giáo hội Việt Nam. Đó là ngài cần biết “Đồng sinh, đồng tử” với giáo dân như lời căn dặn của đấng tiền nhiệm của ngài là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong Thánh lễ đón tiếp tại Nhà thờ Lớn Hà Nội cách đây một năm. Câu nói đó muốn nhắc nhở ngài ngay từ đầu rằng ngài không thể là “chỉ đồng cảm mà không đồng thuận” như trước đây ngài đã nói với Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt.
Giáo dân Hà Nội cũng như giáo dân Việt Nam không nhất thiết phải cần một TGM đứng bên hàng rào sắt với dùi cui, súng đạn và chó vì họ sẵn sàng quyết tử cho Sự thật và Công lý trong Hòa bình. Nhưng họ cần một Chủ chăn đích thực, không phải là một kẻ chăn thuê.
Để thoát khỏi tình trạng hiện nay, không ai khác ngoài TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cần thể hiện mình bằng những hành động cụ thể, vì như lời Chân Phước ĐGH Gioan Phaolo 2 đã nói: “Ngày nay, người ta cần những chứng nhân mà không cần những thầy dạy”.
Thái độ tiếp tục im lặng, lẩn tránh và trốn chạy trước thực tế, rời bỏ sứ vụ, trách nhiệm của mình chỉ đưa TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đến một ngõ cụt không lối thoát.
Việc kết thúc quãng đời tu hành của mình như thế nào, TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là người tự quyết định cho mình chứ không phải ai khác.

Một năm, Nữ Vương Công Lý và những trăn trở với hiện tình giáo hội, đất nước
Cũng một năm qua, kể từ khi Nữ Vương Công Lý bắt đầu bản tin đầu tiên về tình hình giáo hội liên quan đến TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt trong ván bài thỏa hiệp của một số Giám mục khuynh loát Giáo hội Việt Nam, giáo dân Việt Nam đã thực sự trưởng thành vượt qua một bước lớn trong não trạng Giáo sỹ trị và sự thỏa hiệp của một số chức sắc trong hàng giáo phẩm Việt Nam với tà quyền cộng sản.
Nhiều ý kiến giáo dân đã nêu rõ, mạnh mẽ và kiên quyết, thái độ của giáo dân đã khác trước rất rành mạch và rõ ràng trong vấn đề vâng phục đấng bản quyền cũng như thái độ với nạn quốc doanh hóa giáo hội. Những tiếng nói trên Nữ Vương Công Lý đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo giáo dân, linh mục, trí thức công giáo cũng như những người ngoài công giáo đang đau đớn cho vận mệnh nước nhà và sứ mệnh của Giáo hội.
Những tiếng nói trên Nữ Vương Công Lý đã dần dần được sự chú ý của công luận quốc tế và đặc biệt là báo chí công giáo, Tòa thánh Vatican quan tâm và chia sẻ.
Trước những vấn nạn khó giải của Giáo hội và đất nước dưới ách độc tài cộng sản, Nữ Vương Công Lý bất đắc dĩ phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói và nhiều khi bị nghi kỵ, bài xích, khủng bố.
Dùng nhà xứ, nhà thờ để tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho CS tại GP Thái Bình
Chúng tôi xác định rằng đó là những khó khăn không thể tránh khỏi từ những người không ưa sự thật, bởi ánh sáng luôn bị bóng tối ghen ghét và xung đột.
Tuy nhiên, những khó khăn đó chẳng là gì khi chúng ta đã xác định tiến bước theo con đường Đức Giê su đã chỉ ra là “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”.
Cũng qua những thông tin mà Nữ Vương Công Lý đã phản ánh với đầy đủ sự trung thực của mình trên cơ sở sự thật với lòng yêu mến Giáo hội Công giáo Tông truyền, hiệp nhất, thánh thiện và yêu đất nước đến quặn lòng, dần dần những nghi ngại và những lo lắng đã dần dần được thay thế bằng những cảm thông, chia sẻ và đóng góp để giáo hội và đất nước ngày càng mạnh mẽ, phồn thịnh trong Sự thật – Công Lý – Hòa bình.
Cũng qua đây, xin tri ân các độc giả, các tác giả và những người đã đồng hành với Nữ Vương Công Lý trong thời gian qua và xin được sự đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian tới.
Một năm qua là ơn Chúa Thánh Thần đã soi đổ trên giáo hội Công giáo Việt Nam để giáo hội có cơ hội trở mình, nhìn nhận chính bản thân mình mà thanh tẩy.
Đúng như nhận xét của một Đức Giám mục Việt Nam: Những sự kiện thời gian qua, là cơ hội bằng vàng mà Chúa Thánh thần đã đổ xuống để Giáo hội biết thanh tẩy mình và canh tân lại đáp ứng yêu cầu sứ vụ của mình trong thời gian tới, hướng đến tương lai.
Nhân một năm nhậm chức của Đức TGM Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Nữ Vương Công Lý xin gửi đến ngài sự cảm thông sâu sắc về những khó khăn mà ngài đã và đang gặp phải. Chúc ngài đủ can đảm, nghị lực và đặc biệt được Chúa Thánh thần đổ xuống “Ơn Mạnh bạo, ơn đạo đức” để ngài có thể làm tròn sứ vụ của mình, xứng đáng một người tin Chúa và cố gắng chu toàn bổn phận mình trước nhiệm vụ ngài đang gánh vác.

    Ngày 7/5/2011
Nữ Vương Công Lýhttp://thongtinberlin.de/thoisuxahoi/mai2011/motnamnhinlaingaynhamchuctonggiammuchanoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét