Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Chuyện lạ VN: Dùng tiền học bổng Olympic để đối ngoại?

Trên danh nghĩa, tổ chức xã hội đầu đầu đã hiện diện trong suốt hành trình Olympic London của TTVN.
 Dầu vậy, thực chất, Ủy ban Olympic VN chỉ đóng vai trò phụ và mờ nhạt, khác xa với sứ mệnh và đòi hỏi trên thực tế. Chưa kể rằng, nguồn học bổng được IOC đầu tư cho Olympic qua đây cũng đã không đến được với chủ nhân đích thực của nó. 

Học bổng Olympic không cho VĐV Olympic  
 

Cách đây 2 năm, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã  phê chuẩn cho TTVN một dự án đầu tư đào tạo Olympic gồm 10 suất học bổng cho 10 tuyển thủ có khả năng giành suất đến London. Theo đó, mỗi tuyển thủ sẽ nhận được học bổng trong vòng 23  tháng, từ tháng 10/2010 đến tháng 7/2012 với tổng số lên tới 13.800 USD
Thế nhưng đến bây giờ, khi Olympic đã kết thúc, những chủ nhân của 10 suất học bổng đã phải chấp nhận một thực tế phũ phàng khi vẫn chưa nhận được một đồng đầu tư nào  Cả nguồn học bổng Olympic rất lớn ấy được chuyển thành một quỹ... chung của Ủy ban Olympic VN. Quỹ này được chi cho đủ thứ việc, tất nhiên vẫn phục vụ cho các hoạt động phát triển của TTVN song điều kỳ lạ không có “danh mục” nào liên quan trực tiếp đến chuẩn bị Olympic. 

So với cách đây 4 năm, việc sử dụng học bổng Olympic lần này còn tệ hơn nhiều. Khi đó, ít ra còn có  tài năng tennis trẻ Việt Hà được cấp 100% hay Tiến Minh được đầu tư một khoản tương đối lớn để tập huấn thi đấu chuẩn bị Olympic 2008. Rồi trước thềm đại hội, mỗi người giành quyền tham dự còn được hỗ trợ một khoản gần chục triệu đồng coi như động viên khích lệ. 

Còn lần này, không có khoản chi nào hết. Rốt cuộc, cũng giống như những lần trước, các tuyển thủ trong danh sách nhận học bổng Olympic chỉ đơn giản là những người đứng tên hộ, đúng nghĩa “hữu danh vô thực”. Trong suốt chiến dịch Olympic, họ đều chỉ tập huấn, xuất ngoại thi đấu bằng nguồn đầu tư hạn hẹp từ nhà nước, không khác gì tất cả các VĐV khác. 

Chỉ làm đối ngoại & hỗ trợ thủ tục 


Càng đáng nói hơn trong khi cả TTVN, chứ không riêng gì 10 tuyển thủ nhận học bổng cùng các môn của mình luôn phải vượt khó chịu khổ cũng chỉ bởi thiếu kinh phí thì một phần lớn “quỹ chung” được tạo thành từ khoản học bổng ấy lại đang nằm nguyên trong… két sắt.   

Dường như với Ủy ban Olympic VN, việc chăm lo đầu tư cho các VĐV nói riêng, hay cả mảng thể thao thành tích cao nói chung chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý nhà nước. Ngay cả những đầu mục trực tiếp mà  tổ chức này dư sức, nên làm và phải làm, tổ chức này cũng cứ đứng ngoài. 

Tiến Minh tạm được xem là đầu tư thành công của Olympic VN
Với chiến dịch Olympic 2012 của TTVN, chỉ thấy Ủy ban Olympic VN làm nhiệm vụ đối ngoại, rồi hỗ trợ  làm đăng ký hay đề xuất lên quốc tế theo chức năng, cũng như  cung cấp các thông tin cần thiết cho các bộ môn. Tính chất sát cánh và song hành cùng  ngành thể thao trong phát triển TTVN ở đây xem ra mới chỉ dừng lại ở mảng đối ngoại và hỗ trợ thủ tục. Như thế rõ ràng chưa thể đủ, thậm chí phần nào đó Ủy ban đã không hoàn thành sứ mệnh của mình. 

Xem ra, thất bại của TTVN tại Olympic London chẳng thể nói tổ chức xã hội đầu tàu không có trách nhiệm gì. Ủy ban Olympic QGVN đã có công rất lớn trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ của TTVN, tuy nhiên với những gì thể hiện, nhất là ở điều kiện hoàn cảnh mới, rõ ràng vẫn cần phải có bước đột phá thực sự, kể cả mô hình lẫn nội dung và phương thức hoạt động. 

Đây thực sự là một vấn đề lớn đang đặt ra cho Ủy ban Olympic VN, cũng như ngành thể thao trong chức trách quản lý nhà nước, khi tổ chức xã hội này tiến hành ĐH nhiệm kỳ mới vào tháng 9 tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét