Posted on Tháng Bảy 3, 2011 by
0

Tìm ba-đờ-ghe như thể tìm… chim…
Chúng tôi đến lúc 3 giờ chiều, lúc này, ở phía biển đang có nhiều mây đen, một vài người nằm thiu thiu trên chiếc võng mắc vào hai cây trứng cá, nói: “Ðiệu này chắc có mưa giông, hết người làm khổ đến trời làm khó, sao mà… Haiz!” Ông ta thở dài, mắt nhắm riu riu…
Một buổi chiều dài lê thê với cái nóng và cảm giác lưu vong khi ngồi trước căn nhà của mình như ngồi trước một dãy chuồng ngựa trong phim Tàu. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Chúng tôi, dù cách người đàn ông nằm võng chỉ chừng hai chục bước chân nhưng không có cách nào đến gần ông ta được bởi tìm không ra đường đi đến chỗ ông, toàn là gạch đá ngổn ngang, bờ cỏ cao ngút mắt, phía bên trong và bên ngoài tuy gần nhau nhưng cảm giác như hai thế giới hoàn toàn khác biệt, thậm chí cơ hồ như đang đứng trước một trại phong hay một trại giam gì đó…!
Loay hoay một lúc, chúng tôi vẫn không tìm được lối vào xóm ba-đờ-ghe (còn gọi là khu nhà tập thể Vũng Thùng ở quận Sơn Trà – Ðà Nẵng), mấy người già ngồi hóng gió thấy vậy, gọi chúng tôi, chỉ đường vào xóm. Hóa ra, chúng tôi đã đi qua đó mấy lần mà nhìn không ra bởi đất đá và ta-luy đường nhựa quá cao so với con đường đất lồi lõm đầy cỏ dại.
Không thể tin đó là đường vào của một khu tập thể hơn hai trăm gia đình, có gia đình lên đến 12 người, nghĩa là hơn hai ngàn người sống trong một khu nhà lụp xụp và đi bằng một con đường không thể gọi là đường.
Sở dĩ gọi họ là ba-đờ-ghe bởi trước đây, họ sống lây lất dưới lòng sông, không có mảnh đất cắm dùi, họ dựa vào bờ sông và tự phân lô để làm nhà chồ. Họ đã sống như vậy qua hai, ba thế hệ trên sông… Họ trở thành xa lạ trong mắt người trên bờ, thậm chí, họ gần như không biết gì về những tiến bộ của con người, trẻ em lên năm, bảy tuổi đã biết bơi, biết chèo thuyền, chèo thúng rái và lặn sâu như những con rái cá mà chẳng đứa nào được tới trường. Ai đó gọi họ là ba-đờ-ghe, họ chết tên từ đó.
Năm 1997, thành phố Ðà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam-Ðà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong qui hoạch thành phố, những khu nhà chồ bị giải tỏa, họ được đưa về khu tập thể Vũng Thùng, một ít gia đình có tiền thì chuyển sang chung cư Nguyễn Cao, Thuận Phước…
Mọi sinh hoạt của dân ba-đờ-ghe bị đảo lộn, họ không có chỗ để phơi, đan lưới cá, thuyền, thúng rái của họ phải tập trung về khoảng sân nhỏ hẹp trong chung cư, nhìn dơ dáy, luộm thuộm…
Buổi chiều của những đứa trẻ xóm ba-đờ-ghe. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Ở chung cư Nguyễn Cao, với mức sống eo hẹp vì không có cơ hội kiếm cơm bằng nghề cũ, cộng thêm không gian sinh hoạt eo hẹp với 30m2 đến 40m2 cho mỗi hộ gia đình có khi lên đến cả chục người và khu chung cư xuống cấp một cách nhanh chóng, tường vôi lở lói…
Ở khu nhà tập thể Vũng Thùng, với kiểu nhà tạm bợ, che chắn không an toàn, diện tích chưa đầy 40m2 cho mỗi hộ gia đình, nhà ở chưa được bao lâu thì tôn đã mục, mái đã giọt.
Hoang mang và bất bình là cảm giác chung…
Gặp những người già ngồi hóng gió, hỏi thăm vài câu, một người tên Lê Vĩ, 76 tuổi, thợ câu mực xa bờ, nói: “Nếu các anh là nhà báo thì chúng tôi tiếp chuyện, nhưng nếu là dân địa chính, đến đây để điều tra rồi giở trò thì chịu khó đi sớm, tụi trẻ ở đây nóng tính lắm, tụi nó đang bất bình, chúng tôi già rồi, không can thiệp được gì đâu!”
Ông Vĩ vừa nói dứt lời, tôi nhìn ra chung quanh đã thấy chín mười thanh niên đen nhẻm, ở trần trùng trục, cơ bắp cuồn cuộn đứng nhìn chúng tôi. Tôi đưa tay xua họ, nói rằng chúng tôi không phải là dân địa chính, đi chụp hình để viết bài… Họ im lặng quay vào nhà.
Một người đàn ông khác tên Lê Văn Tâm, 78 tuổi, vẫn đang là ngư dân đánh bắt xa bờ, nói: “Ngày xưa ở nhà chồ thoải mái hơn ở nhà tập thể bây giờ, chú nhìn thấy đó, toàn bộ cả cái nhà mình ở giống một cái chuồng bò hơn là nơi ở của con người, cả cái dãy nhà này nếu chịu nhìn kĩ, nó giống một cái trại tâm thần hoặc một dãy chuồng ngựa trong phim Trung Quốc. Khổ, chúng tôi còn rất khổ!”
Khi chúng tôi hỏi ông Tâm trong tập thể có ai bị thất nghiệp, ông trả lời: “Thất nghiệp thì không, vì có ai nghề ngỗng gì ngoài chuyện đi câu mực thuê, đi đánh lưới đâu mà bảo là thất nghiệp. Nghề này nguy hiểm hơn bao giờ hết, cả một tập thể hơn hai trăm hộ dân mà có đến hơn một trăm nhà có người chết ngoài biển, thử hỏi ai dám đi làm nghề này mà… Thật ra là cùng đường mới đi câu mực thuê, đi đánh bắt xa bờ trên những chiếc thuyền công suất nhỏ, thúng rái, cái chết luôn cận kề như vậy…”
Anh Tin, 45 tuổi, là chủ của một gia đình sáu đứa con, đứa đầu 15 tuổi, đứa út 6 tuổi, người vợ bán cá ngoài ngã ba đường, quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối, các con anh dần dần bỏ học và đứa đầu đang tập tọ câu mực cùng với cha trong những chuyến gần bờ. Hỏi về đời sống của khu tập thể, anh nói: “Ở đây, chuyện có con vào đại học là chuyện hy hữu, học hết lớp 9, biết cái chữ để đếm tiền, mua cân gạo là may mắn lắm rồi, cái ăn còn chưa đủ, lấy chi mà nói cái học!”
“Ở đây, sinh ra là bám thuyền đi làm biển, lo cái ăn, lo kiếm tiền, dựng vợ gả chồng rồi đẻ con, cứ như vậy mà làm, học thì lấy tiền đâu mà học, chỗ ở cắm dùi chưa yên đã thấy người ta bắt mình đi chỗ khác, trước đây ông bà mình cắm dùi dưới lòng sông, giờ nhà nước bắt dời chỗ, về đây, mọi thứ đảo lộn lên hết, lưới không có chỗ để mà móc, mà sửa, ghe thì đậu đâu cũng bị xua đuổi, giờ nhà cửa của mình cũng sắp bị di dời tiếp, sau này người ta sẽ lấy đất này làm khu dân cư cao cấp, chia lô…”
“Bà con của hơn hai trăm hộ này lại chuyển vào chung cư. Chúng tôi là dân lao động, phương tiện là ghe, lưới, mang vào chung cư thì bỏ đâu? Lấy chi để sống? Mấy người bạn tôi sống ở chung cư Nguyễn Cao, không có chỗ để thúng rái, để lưới, khóc ròng bên kia kìa!”
Ông Tâm mời chúng tôi vào nhà chơi, tôi vào nhà ông mươi phút rồi đi thăm những căn nhà khác. Nói là nhà bởi trong mỗi ngăn chứa một gia đình chứ thật lòng thì chẳng biết nên gọi nó là gì, nhìn lên thì thấy mái tôn mục nát, xà nhà làm bằng cây bạc hà non đã bị mọt ăn, bụi bay lả tả, nhìn ra trước hiên thì bếp núc, củi lửa ngổn ngang… Chẳng biết nói như thế nào cho phải!
Cần một sự công bằng, cần thấy công lý
Bà cụ (xin giấu tên) có thâm niên bán cá hơn 40 năm đã nói: “Quá bất công, tôi sống qua hai thời kì, hai chế độ, trước năm 1975, người ta đối xử có tình người hơn, nhà nước luôn tạo điều kiện cho dân nghèo, thậm chí cho đất, cho nhà, cho cái ăn, cái mặt, gởi bánh mì cho hằng kỳ, dân cần gì có nấy… Chứ có đâu mà nhà nước cứ chực hờ chỗ nào đất rộng, dân nghèo đói, thiếu cái chữ là đến ép đuổi đi, người ta có đất đai đường hoàng, tự dưng bắt dồn lên chung cư. Vô lý, đất này là đất của trời sinh ra, của tạo hóa chứ của gì thằng cha chủ tịch, thằng cha địa chính, thằng cha đảng, càng không phải của ông nội hắn đẻ ra, để lại, sao hắn cứ ép dân?!”
Căn bếp của nhà dân ba-đờ-ghe có nét rất giống với căn bếp lạnh của những hộ nghèo đói ở Thanh Hóa. (Hình: Phương Minh/Người Việt)
Anh Tin xua tay, cố làm cho không khí nhẹ bớt: “Thôi thôi, bác hơi nóng nảy rồi, chuyện này dài dòng lắm, có lẽ do người ta bận bịu, không tới chỗ khỉ ho cò gáy này được. Dân ở đây cần một sự công bằng, cần công lý, mà công lý thì xa với kẻ nghèo nên vậy thôi bác ơi! Chúng tôi cũng tính rồi, với đà cứ ép dời hết chỗ này đến chỗ khác, chưa kịp ở nóng chỗ như vậy thì còn nước mà biểu tình. Nghiệt nỗi biểu tình thì càng bị bóp chết. Cuối cùng cũng bế tắt à! Chúng tôi cần công lý, mà công lý ở xa quá!”
Câu nói của anh Tin làm tôi liên tưởng đến cái khoảng cách tuy rất gần về địa lý nhưng lại quá xa về tâm lý giữa cư dân thành thị với dân ba-đờ-ghe. Nó xa đến độ họ đang sống ngay trong thành phố nhưng nếu hỏi ai đó về dân ba-đờ-ghe, người ta sẽ lắc đầu không biết hoặc trả lời rằng đi hết cầu Thuận Phước, nhìn xuống chân cầu, thấy một bãi đất cỏ mọc hoang vu, đất đá lỏm chỏm, giữa bãi cỏ hoang có một dãy nhà lợp tôn cũ, màu xám xịt, trông na ná một trại tâm thần cũ, đó là nơi ở của họ, nơi ở của nhưng cư dân thành thị nhà không số, phố không tên.
Nhưng tên gọi của họ là ba-đờ-ghe. Họ, những con người đang sống trong thời hiện đại nhưng nếm đủ tất cả khí quyển thời mông muội loài người, những thiệt thòi của kẻ vô gia cư!
0
0
 
Rate This