Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hàng loạt DN FDI “đánh bài chuồn” do nợ khủng



Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục rút khỏi hoặc bỏ trốn tại các tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai… do nợ thuế khủng hoặc khó khăn về tài chính.


Nhiều DN FDI trong lĩnh vực dệt may bỏ trốn khỏi TP.HCM do nợ khủng. Ảnh mang tinh minh họa.


Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM (Hepza) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, TP có 10 doanh nghiệp FDI ngưng hoạt động và giải thể trước thời hạn.

Trong đó, nguyên nhân chính là do các DN này lâm vào tình trạng nợ đọng thuế với con số khủng nên họ “đánh bài chuồn” về nước.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Silver Star Việt Nam, có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đã nợ thuế tới 29,6 tỷ đồng. Đến khi cơ quan hải quan đến xác minh thì chủ DN đã “bốc hơi”, chỉ còn chỏng trơ lại cái nhà xưởng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết thêm, tính riêng trong lĩnh vực gia công dệt may trên địa bàn TP.HCM, hiện đã có gần 100 DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Còn ở những ngành nghề khác như bất động sản, thương mại, ăn uống, dịch vụ… tình trạng cũng diễn ra tương tự.

Tình hình này cũng diễn ra nhức nhối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tình trạng DN khó khăn dẫn đến phá sản, ngưng hoạt động không chỉ diễn ra tại những DN trong nước mà còn xảy ra đối với nhiều DN FDI.

Tính trong năm 2012, Đồng Nai có 5 DN FDI gồm King May Craff, Brandon Miles, Fine Cubicle, Mir Vina, Cửu Dương ngưng hoạt động vì khó khăn trong hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn thu hồi 32 dự án FDI, với tổng số thu hồi vốn khoảng 170 triệu USD.

Trong đó, tại các KCN Đồng Nai có 17 dự án ngưng hoạt động và mất liên lạc. Phần lớn những dự án này chủ đầu tư đều nợ thuế, nợ lương công nhân và bỏ về nước mà không làm thủ tục giải thể.

Tuy FDI vào Việt Nam giảm không nhiều nhưng một phần cũng do chính sách đầu tư trong nước còn nhiều bất cập.

Theo Luật sư Phùng Anh Tuấn, Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM, việc thành lập DN gắn chặt với cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam làm cản trở nguồn FDI vào đây. Bởi càng kéo dài thời gian thành lập thì tiền không thể vào được mà DN cũng không thể đóng thuế được.

Còn chưa kể, muốn thành lập công ty phải xem xét hết thủ tục này đến thủ tục khác gây cản trở cho DN…

Dự báo năm 2013, tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn, nếu Việt Nam không có chính sách thông thoáng thì sẽ còn nhiều DN FDI rời bỏ thị trường cũ để tìm kiếm thị trường mới ở các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia… vì môi trường kinh doanh của họ tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét