Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014
Vì sao giá xăng ở Việt Nam cao gấp đôi Malaysia?
Giá xăng hiện tại của Malaysia chỉ nhỉnh hơn một nửa so với giá xăng Việt Nam, thấp nhất khu vực Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/4 so với giá xăng của Anh.
Giá xăng Malaysia rẻ đến mức nào
Malaysia là quốc gia có giá xăng dầu rẻ thứ tám trên thế giới.
Trong tổng số 227 quốc gia sử dụng xăng dầu trên toàn thế giới, giá xăng dầu của Malaysia rẻ thứ tám, chỉ khoảng 13.600 đồng/lít.
Lần tăng giá xăng gần đây nhất của Malaysia là vào tháng 9.2013, khi chính phủ cắt giảm trợ giá nhiên liệu 20 cent (hơn 1.200 đồng) cho một lít xăng dầu. Giá xăng Malaysia dừng lại ở mức là 2,1 ringgit/lít (13.600 đồng) và dầu diesel là 2 ringgit/lít (13.000 đồng). Mức giá này vẫn duy trì ổn định cho đến hiện tại.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Datuk Ahmad, sở dĩ giá xăng dầu rẻ phần lớn là do chính sách trợ giá của chính phủ. Ở Malaysia, các loại nhiên liệu thiết yếu cho cuộc sống người dân như xăng, dầu diesel và gas đều được nhà nước trợ giá.
Theo một nghiên cứu được mạng lưới kế toán quốc tế UHY có trụ sở tại Lonndon (Anh) công bố, Malaysia là quốc gia trợ giá xăng dầu nhiều nhất thế giới trong số các nền kinh tế lớn.
UHY giải thích rằng Malaysia trợ giá khoảng 30 % đối với xăng và 40 % cho dầu diesel, cung cấp chi phí nhiên liệu ở một mức giá thấp hơn rất nhiều so với nhiều nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là đối với các quốc gia châu Âu. Vương quốc Anh là nước có giá xăng dầu cao nhất châu Âu và cũng là cao nhất thế giới.
Điều này có nghĩa là một người dân Malaysia chỉ cần bỏ 0,6 USD cho một lít xăng so với 2,23 USD/lít ở Anh, giá xăng của Malaysia chì bằng 27 % so với Anh và thấp hơn 56 % so với giá trung bình của thế giới.
Trong khi đó, giá dầu diesel của Malaysia là 0,57 USD/lít, bằng 25 % giá của Anh (2,33 USD/lít) và thấp hơn 53 % giá dầu diesel của thế giới.
Nhưng trợ giá xăng dầu vẫn chưa là đâu so với gas, một bình gas 14 kg ở Malaysia được bán với giá 26,6 ringgit (177.000 đồng) thay vì 47,46 ringgit (315.000 đồng), tức bình quân mỗi bình gas 14 kg sẽ được chính phủ trợ giá 20,86 ringgit ( gần 140.000 đồng), chiếm 56 % giá trị bình gas.
Trong thực tế, tổng số tiền mà chính phủ chi cho trợ giá nhiên liệu là một con số khổng lồ lên đến 14 tỷ USD mỗi năm. Chính sách trợ giá này làm giá nhiên liệu rẻ hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Trung Quốc và Indonesia, làm xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Chính sách trợ giá xăng dầu của chính phủ đã mang lại rất nhiều lợi ích cho những tầng lớp dân nghèo và thu nhập thấp trong xã hội cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Malaysia.
Tại sao phải trợ giá
Trong khi đó, tại các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức, xăng dầu không những không được trợ giá mà trái lại còn bị đánh thuế rất cao. Chính phủ các nước này đánh thuế vào xăng là 60 % và từ 40 đến 60 % đối với dầu diesel.
Những nhà vận động hành lang trong ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp châu Âu luôn phàn nàn về chính sách thuế cao nhắm vào xăng dầu. Chính sách này làm chi phí vận chuyển cao hơn, từ đó đẩy giá các loại hàng hóa và các loại dịch vụ lên cao, chi phí sinh hoạt của người dân sẽ đắt đỏ hơn và bản thân doanh nghiệp do chịu gánh nặng nhiên liệu mà sẽ khó có tích lũy để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm.
Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Âu vẫn biết rằng việc đánh thuế cao vào xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều mặt nhưng họ vẫn uy trì chính sách này.
Sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu sẽ tăng lượng khí thải độc hại. Nếu Trung Quốc bất chấp mọi thứ để tăng trưởng kinh tế và hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiệm trọng, làm tăng tỷ lệ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác thì các nước châu Âu lại chú trọng bảo vệ môi trường và làm mọi cách để cắt giảm khí thải nhà kính. Một số loại nhiên liệu thay thế xăng dầu được chính phủ đánh thuế 0% để khuyến khích người dân sử dụng.
Trong khi đó, chính phủ Maylaysia bắt buộc phải tiếp tục trợ cấp giá xăng dầu với hy vọng nền kinh tế mau chóng hồi phục, đạt tốc độ tăng trưởng cao sau cuộc suy thoái vừa qua, mà nguyên nhân là ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.
Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác như Viêt Nam, Indonesia, Ấn Độ hay Brazil, Malaysia cần phải tập trung mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chính sách thuế nới lỏng và trợ giá khi cần thiết.
Chính sách trợ giá xăng dầu của chính phủ Malaysia đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau cuộc suy thoái, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng có khả năng phục hồi sản xuất nhanh nhất.
Chính sách duy trì giá xăng dầu thấp sẽ khiến các doanh nghiệp này nhanh chóng tái sản xuất và khởi động lại guồng máy của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực phân phối và bán lẻ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ trở thành động lức chính để khôi phục kinh tế sau một cuộc khủng hoảng hay suy thoái.
Chuyên gia kinh tế Alvin Tee của mạng lưới kế toán quốc tế UHY nhận định: “Chính phủ Malaysia đã quyết định đánh đổi số tiền khổng lồ 14 tỷ USD cho trợ giá nhiên liệu để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”, và họ cũng chấp nhận những rủi ro, trước hết là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng chồng chất.
Chính những chính sách ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế của chính phủ Malaysia đã mang lại tốc độ tăng trưởng cao, kèm theo đó là tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng. Trong ba tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia đã vượt hơn dự kiến, đạt 6,2 %.
Để kiềm chế lạm phát, bên cạnh việc duy trì chính sách trợ giá xăng dầu, Ngân hàng Negara – ngân hàng trung ương Malaysia – ngày 11.7 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 3 % được áp dụng từ năm 2011 lên 3,25 %.
Giá nhiên liệu rẻ ở Malaysia khiến người dân quay lưng với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, mà sử dụng phương tiện riêng, làm trầm trọng thêm tình trạng kẹt xe tại các thành phố lớn
THEO MỘT THẾ GIỚI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét