Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

“Sao cô giáo viết sai chính tả nhiều thế?"

Câu hỏi của một đứa cháu hàng xóm làm tôi giật cả mình, sững người lại dù là chuyện không mới. Cháu học lớp 6 ở một trường cấp II có tên tuổi trong thành phố này.

Để rèn luyện cho các em “văn hay chữ tốt”, chính các thầy cô phải tự rèn mình trước (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Hoàng Hương .
Thường ngày cháu vẫn hay chạy sang chơi. Hôm ấy, sau giờ học, cháu ôm cả cặp sách vào thẳng nhà gặp tôi với vẻ mặt nghiêm trọng. Và rồi, câu đầu tiên cháu hỏi tôi: “Sao cô giáo mà lại viết sai chính tả nhiều đến thế hả chú?”.

Hỏi đến ngọn ngành thì ra lớp cháu học đang có mấy em sinh viên sư phạm về thực tập dạy học và quản lý lớp. Ác một nỗi, ngay giờ giảng ngữ văn đầu tiên, giáo sinh thực tập đã viết sai khá nhiều lỗi chính tả ngay trên bảng đen. Điều ấy như một vết in ngay vào đầu những học sinh ngồi bên dưới. Từ dấu hỏi, dấu ngã cho đến có “g”, không có “g” ở cuối... và những lỗi sai cơ bản khác.

Cháu hàng xóm của tôi bảo cả lớp len lén nhìn nhau chứ không dám cười. Sai nhiều vậy mà suốt tiết các giáo sinh thực tập và cả giáo viên hướng dẫn tiết dạy vẫn không nói gì để điều chỉnh cả. Hình như không giáo viên hay giáo sinh thực tập nào phát hiện. Học sinh ngồi dưới thì càng ngày càng không thể tập trung vào bài học mà thi nhau đếm lỗi chính tả của cô giáo để rồi lại... nhìn nhau trong những nỗi sợ. Tiết học cứ nặng nề trôi qua như một cực hình.

Trước câu hỏi bất ngờ của cháu hàng xóm, tôi phải vò đầu suy nghĩ rất lâu. Tôi cũng từng được đào tạo sư phạm, cũng đã có những tháng ngày đứng trên bục giảng dạy môn ngữ văn với tư cách giáo sinh thực tập. May mắn, trong những lỗi tôi mắc phải trong giờ giảng không có lỗi viết sai chính tả. Tôi cho đó là một may mắn, bởi không ai dám chắc là cả đời mình không viết sai một lỗi chính tả vì bất cứ lý do gì chăng nữa.

Nhưng các bạn cùng khóa của tôi cũng có người mắc lỗi sai chính tả, dù không nhiều lắm. Ngay khi ngồi trên giảng đường, các thầy cô giáo giảng dạy chúng tôi cũng không quan tâm lắm đến việc điều chỉnh những lỗi sai chính tả của sinh viên mình. Thậm chí có thầy còn bảo sửa lỗi chính tả là nhiệm vụ của thầy cô giáo cấp I chứ không phải của giảng viên đại học.

Đành phải trả lời với cháu hàng xóm bằng một cách khác. Tôi bảo với cháu rằng ngày trước tôi cũng từng đi thực tập sư phạm, dạy ngữ văn cấp II. Lần đầu tiên lên bục giảng rất là run. Mà khi run, mỗi người sẽ có những biểu hiện bất thường khác nhau. Mà riêng giáo sinh thực tập ở lớp cháu biểu hiện là viết sai nhiều lỗi chính tả.

Cháu bé gật gù ra về, nhưng trông có vẻ vẫn chưa đồng ý lắm với cách giải thích của tôi. Nhưng tôi không thể nói toạc với cháu là trường đại học đào tạo “cô giáo” của cháu và cũng là đào tạo tôi không quan tâm đến việc định hướng, giúp sinh viên sư phạm sửa dần những lỗi sai chính tả ngay khi ngồi trên giảng đường. Bởi thế, cháu về rồi, lòng tôi càng ray rứt hơn...

Tôi đã không được chọn bảng đen phấn trắng là nghề sau khi tốt nghiệp sư phạm ngữ văn, điều ấy không biết đáng buồn hay đáng vui. Vì đôi khi nghĩ lại thấy mình vẫn chưa đủ kiến thức và tư cách để đứng trên bục giảng dạy một đứa trẻ (chứ chưa nói đến nhiều đứa trẻ) sau những năm được đào tạo ở trường đại học. Và mỗi lần nghe chuyện của hàng xóm, của bạn bè cùng lớp giờ đã đi dạy mà thấy lòng nặng trĩu. Như chuyện lỗi chính tả mà cháu hàng xóm tôi nói chẳng hạn.

Nếu ngay từ trên ghế nhà trường, sinh viên sư phạm ý thức được mình sau này sẽ là giáo viên, nhà trường ý thức được mình sẽ cho ra lò những thầy cô giáo thì có lẽ không có những chuyện dở khóc dở cười về giáo viên được kể vô cùng tận...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét