Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Phí bảo trì đường bộ: Người nộp muốn công bằng?


(VOV) - Chủ phương tiện cần công bằng khi nộp phí, nhân dân cần từng đồng phí phải được sử dụng hữu ích, minh bạch.


Hôm nay (3/1), bước sang ngày thứ 3 quy định thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực. Sau 2 ngày áp dụng thu phí đã thu hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, thậm chí bức xúc đa chiều, nhưng nhìn chung vẫn quanh một vấn đề then chốt: Thu sao cho công bằng?!





Thu sao cho công bằng?

Vậy là Nghị định 18/2012 đã có hiệu lực, chủ sở hữu của khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô trên cả nước không thể không chấp hành nộp phí. Vấn đề nóng trong dư luận hiện nay không còn là thời điểm phải nộp phí nữa mà là đòi hỏi sự công bằng. Lẽ thường, người thu phí luôn tìm ra lý lẽ để chứng minh mình làm đúng, còn người nộp phí cũng luôn có lý (nhất là trong một đất nước có dân chủ, pháp quyền) khi đòi quyền được công bằng khi nộp phí.

Nhìn lại sau 2 ngày đầu thu phí được 11 tỷ đồng, đây có lẽ là tín hiệu mừng so với tính toán của Bộ GTVT rằng, mỗi năm số tiền thu phí từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. Càng mừng hơn khi mục đích đặt ra của việc thu phí này nhằm góp phần bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước.

Sau 2 ngày thu phí, cả nước đã có hơn 6.000 ô tô nộp phí sử dụng đường bộ.



Song, dư luận vẫn lấn cấn về sự công bằng giữa các chủ phương tiện trong thụ hưởng hiệu quả của phí đã đóng. Bởi phí làm đường là tiền của nhân dân, là tài sản chung của xã hội, nhất là mọi phương tiện phải nộp phí, thì trước hết mọi phương tiện đó đều được hưởng lợi như nhau.

Vì thế, có nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra, chẳng hạn như: Hàng triệu phương tiện thường trực hằng ngày tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn, vùng sâu, vùng xa… với những con đường quanh năm mưa thì lầy lội, nắng mù mịt bụi thì bao giờ được bảo trì?

Hoặc có những hộ gia đình có phương tiện nhưng rất ít lưu hành mà cứ phải đóng phí đều đều như các phương tiện khác hằng ngày lưu hành trên nhiều tuyến đường?

Hơn nữa, về mức phí, xe máy nộp từ 50.000 – 150.000 đồng/xe/năm; ô tô từ 130.000 đồng đến 1,04 triệu đồng/xe/tháng, có thể không quá lớn. Nhưng nhân với con số mấy chục triệu phương tiện thì không nhỏ. Vậy cơ chế nào kiểm soát công khai, minh bạch để đảm bảo khoản phí không bị thất thoát? Ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể như thế nào nếu xảy ra thất thoát?

Cạnh đó, trong số rất nhiều kế sách được bàn thảo trên nhiều diễn đàn, từ chuyên gia đến người dân thường, xem ra kế sách được hưởng ứng nhiều nhất vẫn là đường nào làm bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước (đường làm bằng vốn ngân sách nhà nước chính là tiền của dân đóng góp) thì nên dựng trạm thu lệ phí thuộc đường đó để lấy nguồn hoàn vốn chủ đầu tư. Khi đó, xe nào đi qua sẽ phải trả phí, mà đường nào không thu được phí vì ít xe qua, chứng tỏ con đường mở không đúng nhu cầu hoặc chất lượng không đảm bảo nên không thu hút được phương tiện lưu hành.

Đồng thời, cũng có phương án cho rằng, thu phí áp vào giá xăng dầu sẽ có lý khi xe nào đi nhiều sẽ phải trả phí đường nhiều hơn.

Sau 2 ngày, đã thu hơn 11 tỷ đồng

Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ 1/1/2013 các phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Theo đó, mức phí phải đóng thấp nhất với ô tô là 130.000 đồng/tháng, cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Đối với xe máy, thấp nhất 50.000 đồng/năm và cao nhất 150.000 đồng/năm.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu phí từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.

Lý giải việc cấp bách phải thực hiện thu phí này, theo Bộ GTVT, do hiện tại nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ chỉ đạt 40% nhu cầu và có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn cho người tham giao thông.

Hơn nữa, các hình thức thu phí sử dụng đường bộ trước đây không bao quát mọi phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông, không tạo được sự công bằng trong thu phí sử dụng đường bộ, như: thu trực tiếp theo tháng; thu theo tấn/km xe chạy, theo người/km xe chạy; thu theo phần trăm trên doanh thu cước vận tải; thu gián tiếp qua xăng dầu; thu trực tiếp theo lượt xe chạy qua trạm thu phí (như hiện nay).

Tổng số phí sử dụng đường bộ thu được thấp, mới chỉ giảm bớt một phần gánh nặng của ngân sách trung ương cấp cho bảo trì hệ thống quốc lộ, không đáp ứng được nhu cầu về vốn cho bảo trì đường bộ…

Mặc dù những giải thích của Bộ GTVT chưa được dư luận đồng tình, còn nhiều phản ứng trái chiều, thì đến sáng nay 3/1/2013, Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến cuối ngày 2/1 (sau 2 ngày thu), cả nước đã có hơn 6.000 ô tô nộp phí sử dụng đường bộ với số tiền hơn 11 tỷ đồng.

Thông tin từ các trạm đăng kiểm phương tiện cho thấy, trong ngày đầu tiên, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, cơ quan nhà nước đến làm đăng kiểm và chủ động nộp phí bảo trì đường bộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét