Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Cháy xe – dân ráng chịu!

“Không phát hiện bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua; trong tổng số các vụ cháy nổ xác định được nguyên nhân thì có tới 30,25% là do chập điện... lỗi chủ yếu là do người sử dụng, chưa xác định được lỗi do nhà sản xuất”.
Cháy xe – dân ráng chịu!
Những vụ cháy ôtô, xe máy liên tiếp xảy ra gần đây gây nhiều lo ngại trong xã hội. Ảnh: Quang Phong
Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố tình hình kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp chống cháy nổ xe cơ giới do liên bộ Công an - Giao thông Vận tải - Khoa học Công nghệ - Công Thương tổ chức sáng 26.4 tại Hà Nội.         

Cháy do... chập điện
Tại cuộc họp báo, đại tá Nguyễn Văn Tươi - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ CA - cho biết, trong hai năm 2010 - 2011, toàn quốc xảy ra 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô và 48 vụ cháy, nổ xe máy). Kết quả điều tra đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, TNGT và do đốt. Đặc biệt, nguyên nhân chập điện chiếm 30,25%.
Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy. Đã điều tra làm rõ 25 vụ, kết quả cho thấy có 9 vụ cháy do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do TNGT và 1 vụ do đốt.
“Những dấu vết đặc trưng do sự cố chập điện để lại khá rõ. Tuy nhiên do cái gì gây ra chập điện thì chúng tôi không thể truy nguyên được mà chỉ có thể phỏng đoán là do côn trùng cắn, lão hóa dây vỏ, quá tải công suất điện nguồn do lắp thêm còi, đèn hoặc đấu nối sai... Đối với sự cố kỹ thuật dẫn đến cháy, chúng tôi cho rằng do các nguyên nhân nổ diot, chập IC, mòn lốp gây cháy, bục gioăng dầu, bục ống dẫn nhiên liệu... lỗi này không phải do nhà sản xuất, nhưng cụ thể là do cái gì thì chúng tôi cũng chưa có nghiên cứu sâu” - đại tá Nguyễn Văn Tươi cho biết.
Tuy nhiên, Cục Cảnh sát PCCC cũng khẳng định, một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy tự nhiên xe nổ, cháy; xe chết máy tháo buzi phụt lửa gây cháy; xe đang chạy bị tắt máy, khởi động lại gây cháy... vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Cháy cũng có thể là do xe quá... hiện đại!
Cũng tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCTCĐLCL) Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, đã lấy 56 mẫu xăng, dầu của các xe bị cháy và không xác định được xăng, dầu có liên quan đến nguyên nhân trực tiếp gây cháy. Đại diện Viện Khoa học hình sự Bộ CA cũng khẳng định qua khám nghiệm những vụ bị cháy xe đều không phát hiện nguyên nhân trực tiếp gây cháy là do xăng, dầu bởi lẽ khi xe cháy nhưng hệ thống xăng, bình xăng vẫn còn nguyên.
Với cách trả lời như vậy, hàng loạt PV báo chí tỏ ý nghi ngờ và đặt câu hỏi với ban tổ chức về việc chất lượng xăng không đủ tiêu chuẩn. Dẫn chứng được các báo nêu ra là trong thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ gian lận trọng kinh doanh xăng dầu. “Có tới hơn 13.000 cây xăng trong cả nước, vậy làm sao có thể khẳng định được họ không pha tạp chất vào xăng?” - các nhà báo đặt câu hỏi.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, cơ quan này quản lý toàn bộ đầu vào của xăng dầu và có những quy định ràng buộc hệ thống bán lẻ phải bán xăng đảm bảo chất lượng. Ông Trần Văn Vinh cho biết, TCTCĐLCL đã lấy 704 mẫu xăng, dầu tại các cây xăng trong cả nước.
Kết quả cho thấy có 552 trong tổng số 704 mẫu đạt chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2009/BKHCN (chiếm 78,4%). Chỉ có 147 mẫu (20,9%) không đạt chất lượng về chỉ số octan và 5/704 mẫu (0,7%) có metanol. “Tuy nhiên với cả các mẫu không đạt chất lượng về chỉ số octan và methanol cũng cho thấy chưa có bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua” - ông Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng nhiên liệu xăng có pha hàm lượng etanol, hoặc metanol cao có thể dẫn đến lão hóa đường ống nhiên liệu hoặc gioăng caosu làm rò rỉ nhiên liệu dễ gây cháy nổ khi có chập cháy, tia lửa điện. “VN hiện nay có rất nhiều xe, máy hiện đại được thiết kế theo tiêu chuẩn Euro 4, 5 trong khi xăng dầu của chúng ta chỉ phù hợp cho tiêu chuẩn Euro 2. Với chất lượng xăng, dầu như vậy khi hoạt động cũng có thể làm nóng máy, gây cháy khi tiếp xúc với các vật dễ cháy” - ông Vinh khẳng định.
PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng - GĐ Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN - đề nghị TCTCĐLCL cần xem xét lại tiêu chí giám định xăng dầu. Ông Hùng cho rằng, việc chỉ căn cứ vào hai chỉ số octan và metanol theo quy chuẩn cũ, chưa đề cập đến những chất hóa học khác trong xăng cũng là chất gây cháy của phía cơ quan nghiên cứu là chưa phù hợp.
Cuối cùng, để trấn an các nhà báo, Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - cho rằng: “Đây chỉ mới là kết quả ban đầu, để có kết quả thật cụ thể thì các cơ quan cần phải có thêm thời gian nghiên cứu”.
Nguyên nhân chập điện chiếm 30,25% các vụ cháy xe. Ảnh: G.H
Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Hoàng Mạnh Hùng: “Phải có kiến thức chuyên môn mới làm được xăng rởm”.
Có 3 loại phụ gia có thể pha vào xăng là ethanol, acetone và methanol. Mục đích pha phụ gia vào là để làm tăng trị số ốctan trong xăng lên. Vì lợi nhuận nên khi pha chế với hàm lượng lớn, lên tới 10-15% thì các phụ gia sẽ gây tác hại khác. Khi đưa acetone hay methanol vào trong xăng sẽ làm tăng hợp chất chứa gốc ôxy trong xăng, làm quá trình cháy tốt hơn.
Nhưng ở lượng lớn, các phụ gia sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt độ bình thường, làm thay đổi cân bằng về hơi, áp suất hơi trong động cơ cũng bị thay đổi theo. Xăng dầu rởm là do các nhiên liệu khi được pha trộn không đảm bảo các thành phần theo như tiêu chuẩn đã quy định để kiếm lợi nhuận và phải là người có kiến thức chuyên môn mới làm được.
Kỹ sư Lê Văn Tạch - Cty ôtô Toyota VN: “Thay đổi thiết kế xe là không an toàn”.
Trước khi một sản phẩm đưa ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán chi tiết dựa trên các thông số được nghiên cứu và thử nghiệm của nhà thiết kế đưa ra với các hệ số an toàn cao. Nhưng trong quá trình sửa chữa hoặc lắp ráp thêm các chi tiết phụ tải, thợ sửa chữa đã  tiết kiệm chi phí dùng dây tiết diện nhỏ hơn thiết kế, dẫn đến không an toàn.
Việc người sử dụng lắp thêm một số thiết bị như còi, đèn... dẫn đến tăng phụ tải, trong khi đó tiết diện dây nhỏ hơn so với thiết kế, vỏ nhựa cũng mỏng, khi hoạt động dễ nóng và cháy vỏ nhựa, hở lõi đồng và tạo ma sát với thành máy sẽ phát ra tia lửa mà gặp xăng thì rất dễ cháy. Xét tổng thể thì việc thay đổi thiết kế của xe là không an toàn.    Đ.T ghi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét