Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?


- Như đã đặt vấn đề từ đầu, khi thực hiện tuyến bài viết lớp 1 - thạc sĩ, chúng tôi chỉ đề cập đến độ vất vả trong học hành, thi cử với những nghịch lý đang xảy ra của giáo dục nước nhà. Đó là, để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.

Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”.

TIN BÀI KHÁC


Trẻ gò mình luyện thi
Trước đây, sau khi học xong mẫu giáo, phụ huynh chỉ cần nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 tại các trường công lập. Thế nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cho con vào học ở các trường tư thục, bán công, trường quốc tế. Học phí của các trường này cao ngất ngưởng, nhưng vẫn thu hút rất đông học sinh, thậm chí số lượng học sinh đăng ký cao gấp nhiều lần chỉ tiêu của trường. Vì thế, cuộc đua vào lớp 1 trở nên hết sức “nóng bỏng”.
Theo đó để được học lớp 1 ở các trường có tên tuổi như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn…, ngay từ khi học xong lớp 4 tuổi, các bé đã phải gò mình học ôn tại các lò luyện để làm quen với chữ cái, đánh vần, ghép vần hay thậm chí là học cộng, trừ các số trong phạm vi 10.


Để vào được trường điểm, các bé phải dùi mài trong các lò luyện nhiều tháng ròng (Ảnh: Thanh niên)
Là một trường khá nổi ở Hà Nội, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm chỉ 400, nhưng hồ sơ đăng ký đã vượt qua con số 1.300. Như vậy, tỷ lệ chọi của trường là 1:3. Năm ngoái, trường chỉ tuyển 500 chỉ tiêu nhưng cũng có tới 1.600 hồ sơ đăng ký.
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, trường tiểu học Thực nghiệm năm 2011 có chỉ tiêu là 180 học sinh nhưng ngay trong ngày đầu đã bán hết 600 đơn, đồng nghĩa với việc có ít nhất 420 học sinh bị loại. Hay tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 là 360 nhưng số lượng đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với dự kiến.
Không chỉ tỷ lệ chọi cao mà đề thi tuyển sinh vào lớp 1 cũng rất hóc búa. Khi đề thi vượt vũ môn vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm năm nay được đăng tải trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc, phụ huynh có tên Quốc Huy cho rằng: "Đề này quá khó. So với các câu hỏi của cuộc thi đường Olympia thì đề này còn khó hơn. Đến phụ huynh còn thấy khó hiểu, thì làm sao trẻ con làm được".


Câu hỏi số 3 trong đề thi thử vào lớp 1 của trường Tiểu học DL Đoàn Thị Điểm có độ khó ngang với các câu hỏi trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Đề thi yêu cầu học sinh gạch một hình khác với các hình còn lại (Ảnh: lamchame)
"Em rất choáng váng! Ngày em 5 tuổi, em chưa biết số 10 là gì, vào lớp 1 mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên nhưng 12 năm liền em vẫn là học sinh giỏi. Vậy mà trẻ con bây giờ 3 tuổi đã biết đếm từ 1 đến 100, 5 tuổi thì biết hết chữ cái, biết ghép vần, biết làm tính. Chúng ta định đào tạo Thiên Tài chăng?", mẹ Trường Giang chia sẻ.
Đề thi tuyển vào lớp 1 của Trường Nguyễn Siêu năm nay yêu cầu học sinh đếm số chân các con vật trong hình và nối kết quả với các đáp án cho sẵn. Theo báo Giáo dục Việt Nam, với đề thi này, nhiều học sinh bị trượt vì đáp án không trùng khớp với tư duy con trẻ. Đề yêu cầu học sinh đếm số chân từng loại con vật và phải biết cộng số chân đó theo số lượng con vật in trong hình trong khi hầu hết các trẻ vẫn luôn mặc định rằng gà có 2 chân, cá sấu có 4 chân.
Ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, đáng ra trẻ phải được phát triển tự nhiên, chơi mà học, học mà chơi, chưa phải lo việc ôn luyện, thi cử thì tâm lý sính trường “top trên” của phụ huynh đã vô tình làm con mất đi những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ.
Cao học – cứ thi là đậu
Trái ngược với các bé 5- 6 tuổi phải căng sức học trong các lò luyện thi thì chuyện thi cao học lại dễ dàng đến không ngờ.
Nếu trước kia, điều kiện để thi cao học là phải có hai năm kinh nghiệm làm việc hoặc phải có bằng giỏi thì bây giờ sinh viên tốt nghiệp có thể dự thi cao học ngay sau khi ra trường. Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành năm 2011, thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp đúng ngành hoặc phù hợp với ngành dự tuyển, không cần có thâm niên công tác là có thể dự tuyển.
Các trường thường tổ chức hai đợt tuyển sinh cao học vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm, kể cả khi số lượng thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi bán hồ sơ dự tuyển, các trường tổ chức lớp học ôn trong khoảng 1-2 tháng. Bạn Nguyễn Thị H., học viên cao học ngành Lịch sử Việt Nam, K20, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: “Học ôn trong khoảng 20 buổi cho cả 3 môn và chỉ điểm qua kiến thức cơ bản. Cái chính là các thầy cho giới hạn và phạm vi đề để tập trung ôn luyện. Hầu hết những người đi học ôn đều đỗ cả, nếu trượt thì có thể là vì điểm ngoại ngữ quá kém”.


Trong khi trẻ em phải nhoài người tập viết, tập tính nhiều tháng ròng chỉ để được vào lớp 1 thì quá trình thi và học để có được bằng thạc sĩ lại quá dễ dàng (Ảnh: Dân trí)
Qua tìm hiểu của PV VietNamNet, ở một số trường đại học hiện nay, sinh viên dễ dàng thi đỗ cao học một phần do tỷ lệ chọi rất thấp. Thậm chí có những ngành, số học viên đăng kí dự thi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Do đó, nhiều trường hợp, chỉ cần đóng tiền, nộp hồ sơ và tham gia học bồi dưỡng vài buổi là cơ hội đỗ tới 90%.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2010, có 729 hồ sơ dự thi cao học vào 12 ngành đào tạo nhưng số lượng trúng tuyển lên đến 607 thí sinh, tương ứng tỉ lệ đỗ là 83%. Ngành báo chí học, được xem là ngành “hot” nhất của trường cũng chỉ có 186 hồ sơ dự thi, trong đó số lượng trúng tuyển là 88 (tỉ lệ chọi 1:2). Một số ngành còn lại, rơi vào tình cảnh ảm đạm hơn nhiều khi số lượng hồ sơ nộp vào quá ít, điển hình như ngành Quản lý xã hội, năm 2010 lấy 10/14 hồ sơ dự thi, ngành Xuất bản lấy 19/25, Lịch sử Đảng lấy 21/34 …
Năm 2010, hệ đào tạo sau đại học của ĐH Sư phạm Hà Nội với gần 50 chuyên ngành có tỉ lệ chọi cũng rất thấp. Cụ thể, trong tổng số 2.870 hồ sơ dự thi thì có tới 1.476 thí sinh trúng tuyển, tương ứng tỉ lệ chọi 1:2.
Thí sinh dự thi trình độ thạc sĩ sẽ thi 3 môn bao gồm: Ngoại ngữ, môn cơ bản và môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo. Thí sinh trúng tuyển chỉ phải đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10 ở các môn thi cơ bản, môn thi cơ sở, còn môn ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của từng trường. Các số liệu thống kê cho thấy, số điểm một thí sinh đỗ cao học rơi vào khoảng từ 11-14 điểm cho 2 môn thi. Do đó, đối với các thí sinh thuộc diện ưu tiên, chỉ cần đạt tối thiểu mỗi môn 5 điểm là đã có thể ung dung đỗ cao học.
Không ai phủ nhận việc học cao học là cần thiết, nhưng với quá trình thi cử quá dễ dàng, liệu sau vài năm học, những học viên đó có thành những thạc sĩ ưu tú hay sẽ thành những tiến sĩ giấy? Trong khi đó những bé 5-6 tuổi đang tuổi ăn tuổi chơi thì lại phải “dùi mài kinh sử” nhiều tháng ròng trong các lò luyện và trải qua kỳ thi sát hạch khắt khe chỉ để được vào lớp 1.
Minh Anh

Ý kiến bạn đọc

Trương Duy Quang, gửi lúc 25/10/2011 15:06:50
"Nên nhìn nhận vấn đề theo đúng bản chất của nó!": Vấn đề Minh Anh nêu ra cũng chỉ là một khía cạnh thôi, phải có cái nhìn bao quát và đúng bản chất của hiện tượng trên. Vì sao thi vào lớp 1 lại khó đến thế? điều này không ít lần báo chí đã nêu ra, nào là tâm lý chuộng trường điểm, muốn học trường gần nhà, muốn theo trường cùng tuyến để sau này học lên cấp trên dễ dàng hơn...tuy nhiên Tôi chỉ muốn nói đến bản chất của vấn đề đó ở đây là Cung - Cầu. Hiện tại thì Cầu vào lớp 1 đã vượt Cung, và càng vượt xa thì việc thi cử càng gặp khó khăn. Tương tự như vậy cũng có thể giải thích được vì sao thi cao học lại dễ đến vậy? tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện khách quan khác nữa ảnh hưởng đến.
sơn, gửi lúc 25/10/2011 11:54:09
"xóa mù...": Mình đã từng tham gia thi đầu vào cao học tại 1 trong những trường bài báo này nói. Để xảy ra như vậy chung quy lại là tại chế tài mà thôi. Ngày trước có nạn bằng cấp này đâu bây giờ sinh ra mốt xóa mù cao học... trong khi chất lượng vẫn thế chứ không muốn nói là tụt lùi. Mà nghe đâu gv đại học sắp tới phải là tiến sĩ mới được giảng lý thuyết...mà ts giấy thì nhiều hơn ở phố hàng mã... nên có sự nhìn nhận đúng đắn vấn đề này.
pham Cuong, gửi lúc 25/10/2011 15:05:39
"thi vào lớp 1 khó hơn thi vào cao học": Ngành giáo dục vô cảm với thực trạng xã hội rồi. Nản.
nguyên hà, gửi lúc 25/10/2011 11:54:20
"học thạc sĩ thử rồi biết": tôi thấy mọi người cứ coi thường học thạc sĩ ở Việt Nam, không biết tác giả bài báo đã đi học thử chưa hay chỉ nghe nói mà đã vội phán như thế. Không thể so sánh giữa lớp 1 và cao học, sự so sánh vô cùng phản khoa học và đầy cảm tính
nguyen thinh, gửi lúc 25/10/2011 11:54:56
"đừng so sánh!": Vẫn biết bài viết muốn nhấn mạnh việc trẻ phải học hành nặng nề thế nào, áp lực thế nào, vất vả thế nào nhưng xin đừng đem gộp chung 2 bậc học cách nhau hàng chục năm ra so sánh, hơn nữa lại cho rằng trẻ cấp 1 học khổ hơn, thi khó hơn bậc thạc sĩ như thế. Ý kiến của tác giả hoàn toàn chủ quan và cũng chưa đúng khi nhìn một cách toàn diện. So sánh để làm nổi bật chủ đề bài viết, rất tốt. Nhưng nếu muốn so sánh thì nên so sánh xưa và nay. So sánh cách học, dung lượng bài trong SGK, bài vở các bé học trên lớp, học thêm và tự học ở nhà, kết quả đạt được và khả năng tiếp thu hiện nay so với nhiều năm về trước như thế nào. Tương tự với bậc thạc sĩ. Cách so sánh bậc tiểu học với bậc thạc sĩ của tác giả không chỉ là có cái nhìn phiến diện một chiều mà còn là một sự xúc phạm, hạ thấp với những người đã và đang theo học bậc cao học.
Budar, gửi lúc 25/10/2011 15:05:18
"Thi cao hoc de nhu mau 1 bo rau !": Ban da biet gi ve thi cao hoc do truong DAI HOC VINH lien ket voi DAI HOC SAI GON chua ? Thac si giao duc thi dau vao de nhu ra cho mua mot bo rau !
Ha Duc, gửi lúc 25/10/2011 11:55:56
"Can di sau hon ve van de nay! ": Tôi rất tán thành quan điểm của tác giả bài viết về vấn đề này - cần dóng những hồi chuông cảnh báo thực trạng đào tạo bất hợp lý của GD Việt Nam hiện nay. Nhất là trong lãnh vực đào tạo Sau đại học. Cơ sở nào cũng cho mở mã ngành đào tạo - để thu tiền!!! - mà chất lượng thì .... khỏi biết! -- học viên chưa trải nghiệm thực tiễn, mới học xong Đại học! - vào học cũng chỉ nghe lại mấy điều đã học - chẳng có đều kiện nghiên cứu gì mới - rồi chọn lấy 1 đề tài mà thực lực nghiên cứu không là bao, giá trị thực tiễn chẳng có gì! - ì ạch một hồi cũng vì các thầy với nhau - thế nào cũng bảo vệ thành công với mức > 8, thậm chí > 9. Vậy là Thạc sĩ!!!! Chưa nói đến việc: làm việc chuyên ngành này, cố giữ vị trí của mình nên gắng học Cao học 1 chuyên ngành chẳng bổ ích gì cho công việc của mình - vẫn cứ học. Tôi mong nên tập trung có nhiều bài báo mổ xẻ vấn đề này - để bộ GD có cái nhìn lại về việc đào tạo của mình!
Dương Ngọc Lan, gửi lúc 25/10/2011 11:57:07
""Thật đáng buồn cho nền giáo dục nước nhà!"": Đó là một thực tế có lẽ là "rất đáng buồn" cho nền giáo dục Việt Nam. Chắc chắn sẽ không ít người khi đọc bài viết trên sẽ phải chau mày suy nghĩ. Các bé đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà đã sớm bị lôi vào "vòng quay của cuộc sống cạnh tranh"! Thật không hiểu nổi... Còn chuyện "cao học" nếu chúng ta cứ đào tạo ồ ạt, lao vào "số lượng" mà không quan tâm đến "chất lượng" với hình thức "học tiền" như vậy thì thử hỏi nền giáo dục Việt Nam sẽ đi đến đâu? Chắc chắn số lượng "Thạc sĩ, tiến sĩ giấy" sẽ không dừng lại ở con số như hiện tại!
 

Tin mới nhất



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét