Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Lớp học của những học trò áo sọc

http://www.phapluatvn.vn/phapluat/ky-su/201108/Lop-hoc-cua-nhung-hoc-tro-ao-soc-2057618/

Cập nhật 27/08/2011 09:03 (GMT+7)
Bàn tay phạm nhân Tráng A Sồng (70 tuổi, lớn tuổi nhất lớp học xóa mù của Trại giam Thanh Xuân) run run nắn nót những nét chữ đầu tiên, ánh mắt rạng ngời niềm sung sướng. Tuy nét chữ còn vụng về, chưa tròn vành rõ nét nhưng đã thể hiện được sự cố gắng vượt bậc của các phạm nhân và cũng là kết quả đáng khích lệ của công tác giáo dục ở trại giam. Không chỉ dạy chữ, các cán bộ đã khơi dậy được lòng nhân, tính thiện, tinh thần vượt khó vươn lên của từng phạm nhân để họ quyết tâm làm lại cuộc đời.
Lớp học trong trại giam
Công tác dạy chữ xóa mù cho phạm nhân là chủ trương chung được Tổng cục 8 quán triệt tới các trại giam. Ngoài việc học giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và kỹ năng sống mà tất cả các phạm nhân vào trại cải tạo đều được trang bị kiến thức, những phạm nhân nào chưa biết chữ (mù chữ) sẽ được tổ chức dạy chữ.

Lớp học ở Trại giam Thanh Xuân.
Lớp học ở Trại giam Thanh Xuân.

Giáo viên giảng dạy là cán bộ trại giam, giáo viên nữ hay nam đều được phạm nhân gọi bằng “thầy”. Học trò là những phạm nhân đủ các lứa tuổi, phạm đủ loại tội, họ cũng đến từ nhiều vùng miền khác nhau, từ Bắc chí Nam. Thậm chí có những người phạm trọng tội như giết người, hiếp dâm, ma túy từng bị tuyên án tử hình rồi may mắn được ân giảm.
Phạm nhân Trần Phạm Duy (32 tuổi, quê Nha Trang) thụ án tù chung thân về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” tại Trại giam Hoàng Tiến kể về cuộc đời giang hồ, không được học hành, từ nhỏ đến lớn thiếu tình thương, kiếm miếng cơm manh áo cho bản thân bằng con đường cướp bóc giành giật. Chỉ đến khi vào trại trả giá cho tội ác, Duy mới được dạy những bài học làm người, được dạy chữ, dạy nghề. “Cháu đã nhờ bạn tù viết thư báo về nhà, biết cháu được học chữ, học nghề gia đình cháu mừng lắm!”- Duy khoe.
Phạm nhân Nguyễn Thị Hoa (28 tuổi, quê Hải Phòng) thụ án ma túy tại trại Hoàng Tiến thì phấn khởi tâm sự: “Giờ em đã đánh vần và đọc được những hàng khẩu hiệu rồi, em cố gắng học để sau này nhận thư nhà em không phải nhờ chị em đọc hộ nữa!”.
Lớp học xóa mù của Trại giam Thanh Xuân đã duy trì được từ 20 năm nay, hiện có một lớp nam và một lớp nữ đang học. Phạm nhân Sùng A Sếnh (người dân tộc Mông, quê Sơn La) cả đời chỉ quen lao động, đôi bàn tay chai sần vốn chỉ quen cày cuốc giờ cầm cây bút mới lóng ngóng làm sao, vã mồ hôi mới viết xong một chữ. Cũng như Sếnh, nhiều phạm nhân học khó vào, tỏ ra chán nản nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình, động viên khích lệ của cán bộ nên họ kiên trì học hỏi, thi hết khóa học đều đủ tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ xóa mù. Khi được hỏi, Sếnh tâm sự những lời gan ruột: “Những ngày được học tập ở trong trại đã thức tỉnh trong tôi nhiều điều. Các thầy không chỉ cho chúng tôi cái chữ, mà còn dạy chúng tôi bài học làm người, chúng tôi hứa từ nay sẽ sống lương thiện”.
Những người gieo mầm Thiện
Trong chuyến công tác ở một số trại giam, chúng tôi đã gặp gỡ với một số cán bộ trại giam trực tiếp dạy chữ trong các lớp học đặc biệt này. Hầu hết những người thầy của các lớp học này đều còn trẻ, đầy nhiệt huyết. Trong đó, câu chuyện về hai “cô giáo” Phạm Thị Hồng Minh (giảng dạy lớp xóa mù cho phạm nhân tại Trại giam Hoàng Tiến) và Bùi Thị Thúy (giảng dạy lớp xóa mà cho phạm nhân Trại giam Thanh Xuân) để lại trong tôi sự xúc động lẫn cảm phục về lòng quả cảm, yêu nghề của những nữ cán bộ ngành công an biết vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.  
Chị Bùi Thị Thúy (24 tuổi, quê Hòa Bình) trông trẻ đẹp như một hoa khôi, nhưng đời tư lại đầy sóng gió. Trong thời gian xuống Hà Nội học Đại học Sư phạm I, Thúy kết duyên với một chàng trai ở quận Hà Đông (Hà Nội), họ có một cậu con trai bụ bẫm, đẹp như tranh. Nhưng rồi bất hạnh đột ngột ập xuống gia đình nhỏ khi một vụ tai nạn đã khiến người chồng vĩnh viễn không trở về, Thúy trở thành góa bụa khi mới ngoài hai mươi tuổi. Nén nỗi đau thương, Thúy gửi con trai về Hòa Bình cho ông bà chăm sóc, còn chị ở lại tập thể Trại giam Thanh Xuân để tiện công tác, vài tuần mới về thăm con. Trẻ trung và đầy nhiệt huyết, ngoài các bài giảng trên lớp, Thúy còn tự biên soạn các bài tập thực hành trên máy tính, sau đó in, phát cho từng học viên. Dưới sự giảng dạy tận tình của “thầy” Thúy, nhiều phạm nhân từ chỗ mù chữ đã biết đọc biết viết, có thể viết thư về cho gia đình.   
Chị Minh (32 tuổi, quê Quảng Nam) làm công tác dạy chữ cho phạm nhân tại Trại giam Hoàng Tiến thấm thoát đã được 3 năm. Chồng Minh là giáo viên trường Trung học cảnh sát trại giam 6 (Bộ Công an) đóng tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, cuối tuần mới về sum họp gia đình nên trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái do Minh đảm nhiệm. Vợ chồng Minh chưa có nhà riêng nên ở tập thể của trại giam, cuộc sống còn khó khăn vất vả nhưng Minh biết khắc phục hoàn cảnh, luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Cô giáo Minh (Trại giam Hoàng Tiến)
Cô giáo Minh (Trại giam Hoàng Tiến)

Học trò của Minh đủ các lứa tuổi, phạm đủ loại tội, trước kia có thể họ là những tay anh chị khét tiếng nhưng khi vào đây họ đều ngoan hiền, chăm chỉ dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của “thầy” Minh. Chị Minh khoe, có những phạm nhân sau khi mãn hạn tù, đã viết thư bày tỏ lòng cảm ơn thầy đã tận tình dạy cho họ cái chữ. Họ còn tâm sự, chia sẻ với “thầy” về công việc hiện tại khi về lại cuộc sống tự do sau những năm tháng lỗi lầm. Với Minh, đó cũng là niềm hạnh phúc trong công việc khá nhọc nhằn, nan giải của mình.
Quà tặng cuộc sống
Chúng tôi được xem một “bằng chứng” rất xúc động về thành quả dạy chữ cho các phạm nhân ở trại giam, đó là những lá thư của những “cựu học sinh” sau khi mãn hạn tù đã gửi thư cảm ơn đến các thầy cô giáo. Chị Phạm Thị Hồng Minh khoe với chúng tôi một trong số những lá thư như vậy được lưu tại Thư viện Trại giam Hoàng Tiến. Những dòng chữ to, nắn nót đề người gửi là Lường Văn Sinh (ở Hà Quảng, Cao Bằng) với lời lẽ mộc mạc, chân phương: “Từ ngày ra tù, tôi trở về làm ruộng, làm rẫy nuôi con. Có người xấu lôi kéo tôi làm việc cho họ  nhưng tôi nhớ tới lời cán bộ dạy nên đã từ chối. Cảm ơn cán bộ đã dạy cho tôi biết cái chữ, cải tạo cho tôi thành người lương thiện, từ giờ tôi hứa sẽ tránh xa ma túy và  tệ nạn...”.
Những câu chữ còn thô mộc, vụng về nhưng cảm động vì đã thể hiện được sự cố gắng vượt bậc của các phạm nhân, đó cũng là thành quả của công tác giáo dục ở các trại giam, là “quà tặng cuộc sống” quý giá đối với cán bộ trại giam. Không chỉ là dạy chữ, các cán bộ còn khơi dậy được lòng nhân ái, tinh thần vượt khó vươn lên của từng phạm nhân trong hành trình tìm lại chính mình về nẻo thiện.
Thành Nam
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét