Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Vì sao có “người hùng” trong vụ án Năm Cam bị khởi tố?


Petrotimes) - Các bị can đều khai nhận họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho và có người đứng ra chịu trách nhiệm. Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý?

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam
Ngày 7 tháng 6, tại tỉnh Tiền Giang, Cục điều tra Hình sự  của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thực hiện lệnh khởi tố và khám xét, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai ông là Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng cảnh sát Điều tra công an Tiền Giang; Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra; khởi tố, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra.
Trong số này thì Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên, từng được khen thưởng và coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu.
Cả ba bị can đều bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út
Từ năm 2005, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang.
Phạm Văn Út ôm con gái và khóc
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.
Đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng tập trung ở các nội dung sau:
- Tố cáo ông Nguyễn Văn Nên và một số cán bộ điều tra tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp trái pháp luật đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” năm 2003.
Khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định trả tự do cho ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng; ông Nguyễn Văn Nên và đồng sự không thực hiện ngay, kéo dài thời gian giam giữ đối với họ.
- Giải quyết tranh chấp dân sự trái thẩm quyền đối với tranh chấp sử dụng thửa đất 23.383m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư.
- Thu giữ trái luật 5,25 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Cư từ cuối năm 2003 để gửi tiết kiệm lấy lãi, cuối năm 2009 mới trả lại cho ông Cư.
- Dùng tiền thu giữ trong một số vụ án hình sự khác gửi tiết kiệm lấy lãi để chia nhau và dùng cho mục đích cá nhân.
Xe chở phạm nhân chờ sẵn trước cửa nhà Phạm Văn Út ở 144 đường Lý Thường Kiệt, TP Mỹ Tho (Tiền Giang)
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành xác minh nội dung tố giác và đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các đối tượng trên.
Đối với ông Nguyễn Văn Nên, ngoài các sai phạm trên còn có hành vi vi phạm khi tham gia điều tra vụ “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2002 tại tỉnh Bình Dương.
Hành vi của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự.
Để phối hợp giải quyết vụ việc nêu trên, ngày 3 tháng 8 năm 2010 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã báo cáo đồng chí Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về hành vi vi phạm pháp luật của 03 sỹ quan Công an Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út.
Người dân xem khám nhà Ngô Thanh Phong
Tháng 12 năm 2010, Bộ Công an có quyết định kỷ luật 03 sỹ quan nêu trên, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Tiền Giang xử lý về Đảng đối với Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út. Mặc dù đã có Quyết định xử lý hành chính đối với một số cán bộ có sai phạm song vẫn có dư luận cho rằng nếu chỉ xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tác dụng giáo dục phòng ngừa.
Để giữ nghiêm pháp luật phúc đáp, các yêu cầu của dư luận xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.
Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp vì thời gian xảy ra đã lâu và đối tượng nguyên là các sĩ quan Công an nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan điều tra. Điều bất ngờ là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho, và có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý hôm nay, đấy mới là điều đáng nói.
Trước đó, phóng viên báo Năng lượng Mới cũng đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.
Báo Năng lượng Mới sẽ đăng chi tiết, bắt đầu từ số 26, ra thứ Năm, ngày 9 tháng 6.
 P.V

Họ bị bắt vì tội gì? (Kỳ I)

(Petrotimes) - Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.
Ngày 7-6, tại tỉnh Tiền Giang, Cục Điều tra Hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thực hiện lệnh khởi tố và khám xét, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai ông là Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ – Công an Tiền Giang và Nguyễn Văn Nên, nguyên Trưởng CA huyện Châu Thành; khởi tố, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho Vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra. Trong số này thì Nguyễn Văn Nên, từng được khen thưởng và coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu. Cả ba bị can đều bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út.
Từ  năm 2005, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.
Đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng tập trung ở các nội dung sau:
Tố cáo ông Nguyễn Văn Nên và một số cán bộ điều tra tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp trái pháp luật đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” năm 2003. Khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra Quyết định trả tự do cho ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng, nhưng ông Nguyễn Văn Nên và đồng sự không thực hiện ngay, kéo dài thời gian giam giữ đối với họ. Ngoài ra còn có việc giải quyết tranh chấp dân sự trái thẩm quyền đối với tranh chấp sử dụng thửa đất 23.383m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư. Thu giữ trái luật 5,25 tỉ đồng của ông Nguyễn Văn Cư từ cuối năm 2003 để gửi tiết kiệm lấy lãi, cuối năm 2009 mới trả lại cho ông Cư. Dùng tiền thu giữ trong một số vụ án hình sự khác gửi tiết kiệm lấy lãi để chia nhau và dùng cho mục đích cá nhân.
Kết quả điều tra đã cho thấy nhiều sai phạm của ông Nên, Phong và Út.
Theo quy định của pháp luật, trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, Cơ quan Điều tra chỉ được phép thu giữ các tài sản là vật chứng của vụ án. Các tài sản không phải là vật chứng thì không được thu giữ. Nếu đã thu giữ thì phải trả lại cho đương sự. Tài sản là tiền sau khi thu giữ phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý. Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang không thực hiện đúng quy định. Không mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để gửi các khoản tiền thu giữ trong các vụ án. Tiền thu giữ trong các vụ án hình sự được giữ lại Cơ quan Điều tra sử dụng vào các mục đích trái quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Ngày 28-10-2002, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 40 khởi tố vụ án “Buôn lậu”, gọi tắt là vụ 502X (vụ án “Hùng Xtec”). Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ nhiều tiền, tài sản của các đối tượng trong vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã không gửi số tiền, ngoại tệ thu giữ được vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Ông Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng), ông Nguyễn Văn Nên (nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang) lại chỉ đạo ông Phạm Văn Út (nguyên Thủ kho Vật chứng) và một số cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra mang toàn bộ số tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi các ngân hàng thương mại dưới hình thức gửi tiết kiệm để lấy lãi.
Tổng cộng tiền lãi thu được là: 1.368.539.312 đồng. Số tiền lãi trên được đưa vào quỹ riêng của Phòng Cảnh sát điều tra do ông Phạm Văn Út quản lý, không nằm trong hệ thống sổ sách kế toán của đơn vị và được chi dùng cho lợi ích cục bộ, mua sắm tài sản cấp cho chỉ huy phòng, một số chia cho cán bộ, điều tra viên trong đơn vị. Đến nay đã chi dùng hết.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang còn có một số vi phạm khác trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Đến nay, còn 424 triệu đồng thu giữ của một số đối tượng được tách khỏi vụ án 502X khi truy tố chưa rõ để ở đâu, ai quản lý (!?).
Đối với ông Nguyễn Văn Nên, ngoài các sai phạm trên còn có hành vi vi phạm khi tham gia điều tra vụ “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2002 tại tỉnh Bình Dương như:
Tháng 4-2003, ông Nguyễn Văn Nên với tư cách là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang đã ký và thực hiện Lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng trái thẩm quyền không đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật về các trường hợp được bắt, khám xét khẩn cấp.
Không thực hiện kịp thời Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đối với ông Phạm Văn Hướng kéo dài việc tạm giam thêm 26 ngày. Không thực hiện Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình kéo dài việc tạm giam thêm 5 ngày đối với họ.
Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam.
Biết Cơ quan Điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, biết rõ thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương không liên quan đến vụ án hình sự đang giải quyết, nhưng ông Nguyễn Văn Nên vẫn tự ý giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất (thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương) giữa Công ty cổ phần Hưng Thịnh do ông Bùi Mạnh Lân làm Giám đốc và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư. Thu giữ sổ đỏ thửa đất trên từ ông Bùi Mạnh Lân để trả lại cho bà Huỳnh Thị Thu, dẫn đến kéo dài việc giải quyết dân sự.
Thu giữ trái quy định số tiền 5,25 tỉ đồng do ông Nguyễn Văn Cư nộp trả ông Bùi Mạnh Lân từ cuối năm 2003. Số tiền này không phải là vật chứng của vụ án nhưng không trả ông Lân, để lưu giữ tại Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang. Tháng 9-2009 mới ra quyết định xử lý vật chứng, trả lại cho ông Nguyễn Văn Cư, gây thiệt hại cho công dân.
Hành vi của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ Luật Hình sự.
Tháng 12-2010, Bộ Công an có quyết định kỷ luật 3 sĩ quan nêu trên, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Tiền Giang xử lý về Đảng đối với Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út. Mặc dù đã có quyết định xử lý hành chính đối với một số cán bộ có sai phạm song vẫn có dư luận cho rằng, nếu chỉ xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tác dụng giáo dục phòng ngừa.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận thấy:
Hành vi sử dụng tiền thu giữ từ 502X gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại thu lãi 1.363.539.312đồng để nhập quỹ riêng, sử dụng vào lợi ích cục bộ, chia nhau… của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ Luật Hình sự. Hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng được thực hiện trong một thời gian dài, thực hiện nhiều lần, số tiền sử dụng trái phép lớn, gây dư luận xấu trong xã hội và trong Công an tỉnh Tiền Giang.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp vì thời gian xảy ra đã lâu và đối tượng nguyên là các sĩ quan công an nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan Điều tra. Điều đáng nói là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho và có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến vòng lao lý hôm nay, đấy mới là điều đáng nói.
Trước đó, phóng viên Báo Năng lượng Mới cũng đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.
Để bạn đọc hiểu kỹ và những bài học trong công tác chấp hành luật pháp qua vụ án này, chúng tôi  sẽ bắt đầu từ câu chuyện của một người đã 2 lần tự tử nhưng không… được chết khi bị giam tại trại giam CA Tiền Giang.
Ông là Bùi Mạnh Lân…

Chuyện về một người hai lần tự tử nhưng không… được chết!

(Petrotimes) - Những ngày ở trại giam đối với ông Lân thật khủng khiếp. Chịu không nổi sự đau đớn giày vò vì bị bắt oan và bị hành hạ bởi đủ kiểu mà đám giang hồ nhốt chung nghĩ ra, ông Lân bèn tìm đến cái chết.
>> Vụ 3 sĩ quan Công an Tiền Giang bị khởi tố: Họ bị bắt vì tội gì?
Phóng sự điều tra của Nguyễn Như Phong
Ngắm nhìn những tấm ảnh ông cười rạng rỡ khi đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, rồi ảnh ông điềm tĩnh ngồi đàm phán với đối tác nước ngoài, hoặc ảnh  ông ký kết hợp đồng kinh tế… Tôi cứ thấy ớn lạnh trong người với suy nghĩ: Ngày ấy, nếu như sợi dây ông treo cổ không bị đứt, nếu như cái gã giang hồ Hải “bánh” không về đúng lúc, thì hẳn bây giờ ông đã được con cháu, bạn bè tổ chức lần giỗ thứ… 8. Và cái chết của ông sẽ là dấu chấm hết cho một đơn vị kinh tế có tiếng bậc nhất ở Bình Dương và chắc chắn là niềm vui vô bờ bến cho một số người đã bất chấp pháp luật, vu cho ông cùng các cộng sự đủ thứ tội. Họ tạo cớ để bắt ông và các cộng sự vào nhà giam, rồi dùng đủ mọi thủ đoạn nhằm bắt họ phải nhận những hành vi mà dù có nằm mơ ông cũng không nghĩ tới.
Ông là Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hưng Thịnh.
Vóc người nhỏ nhắn nhưng rắn chắc và nhanh nhẹn, cùng với cách nói cương quyết của ông, khiến người khác dễ nghĩ ông như một… võ sư. Ông lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng chịu đựng đủ mọi khó khăn vất vả của cuộc đời, vậy mà có lúc buông xuôi, tìm đến cái chết để mong được giải thoát…
Tôi hỏi ông: “Vì sao ông lại tìm đến cái chết, chả lẽ ông không biết đó là lối thoát tiêu cực nhất?”.
Ông Bùi Mạnh Lân nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007.
Ông cười buồn và bảo: “Bây giờ nói thì dễ, nhưng lúc ấy… Anh thử nghĩ xem, một người như tôi…, dù chẳng phải là quan chức quyền lực gì, nhưng là người được bạn bè, xã hội xem trọng, đang mang hết tâm huyết của mình ra xây dựng kinh tế, được chính quyền tin cậy. Vậy mà chỉ trong chốc lát, trở thành kẻ nằm trong “Chuyên án Năm Cam giai đoạn 2”, bị nhốt chung với những kẻ giang hồ, lưu manh như Hải “bánh”; bị cắt thăm nuôi, cắt tiếp xúc, bị quát nạt, bị vu oan, xỉ nhục, bị ngày cũng như đêm phải trả lời những câu hỏi mà không liên quan gì đến “hành vi phạm tội” theo như lệnh bắt khẩn cấp.
Lần theo hồ sơ vụ án này, chúng tôi thấy quả là chuyện không thể nào tin nổi.
Năm 2003, ông Bùi Mạnh Lân là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Hưng Thịnh là Công ty lớn ở tỉnh Bình Dương, và là chủ đầu tư khu Công nghiệp Đồng An để cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thuê. Cũng phải nói thêm rằng, khu Công nghiệp Đồng An rộng 145hécta là khu công nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký giấy phép số 01 và cấp giấy phép vào ngày 1-1-1997. Năm 2002 đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Vào thời điểm đầu năm 2003, khu công nghiệp đã có gần 100 nhà đầu tư nước ngoài đến thuê mặt bằng sản xuất. Ngoài thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, ông Lân cũng rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Có một điều khác với nhiều doanh nhân là ông lặng lẽ làm từ thiện, lặng lẽ đóng góp và rất ít tiếp xúc với báo chí. Mỗi năm, ông chi hàng chục tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội, nhưng hầu như không mấy ai biết. Khi nói chuyện với ông, tôi thấy ông rất ghét cái lối mượn danh nghĩa làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi.
Trong Khu Công nghiệp Đồng An có một đơn vị kinh tế chuyên làm nghề kinh doanh sang chiết gas đến thuê mặt bằng sản xuất, đó là Công ty Cổ phần Gas Bình Dương. Công ty này có 4 sáng lập viên là ông Đỗ Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Viết Tạo là Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đức Bình là Ủy viên HĐQT, ông Phạm Văn Hướng là Ủy viên HĐQT và là Phó tổng giám đốc.
Trong quá trình làm ăn, giữa 4 vị sáng lập viên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này, thì các ông Bằng, Hướng, Bình cho rằng ông Tạo có những biểu hiện lạm quyền, bộc lộ ý đồ chiếm đoạt tài sản của công ty. Vụ việc được đưa ra tòa Kinh tế thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết. Nhưng các bên vẫn nghi ngờ nhau về tài sản. Ngày 18-9-2000, thấy ông Tạo có hành động tẩu tán tài sản, ông Đỗ Cao Bằng bèn đưa một số bạn bè, chiến hữu vào nhằm ngăn chặn. Ông Tạo đưa bảo vệ công ty ra chống lại… Thấy tình hình có nguy cơ “đụng dao kiếm”, Công an tỉnh Bình Dương đã điều lực lượng đến và vụ việc chấm dứt ở đó. Sau đấy, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng An và Công an tỉnh Bình Dương đã mời các bên ngồi lại và giải quyết. Mọi khúc mắc coi như chấm dứt vào cuối năm 2000.
Vụ việc tưởng như chìm vào quên lãng thì đến đầu năm 2003 lại sinh chuyện.
Số là vào thời điểm từ năm 2001 đến đầu 2003, vụ án Năm Cam gây chấn động xã hội. Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành hay còn được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương – anh Tư Bốn, là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, và là Trưởng ban Chuyên án Năm Cam (Z501), hàng chục tên tội phạm cờ bạc, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi v.v… đã bị bắt, kèm theo đó là hàng chục sĩ quan Công an bị kỷ luật hoặc bị đưa ra truy tố, trong đó có cả ông Bùi Quốc Huy, Giám đốc CA TP Hồ Chí Minh…  Ông Tư Bốn trở thành  “người hùng” trong đấu tranh chống tội phạm, được nhân dân yêu quý gọi là “Bao Công mới”. Trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam và về sau này nữa, hầu như tất cả các đối tượng bị bắt, nếu là ngoài lực lượng Công an đều không được giam ở trại của Bộ mà ông Tư Bốn đưa hết về  trại giam  của Công an tỉnh Tiền Giang. Để “tăng cường sức mạnh”, ông cho thành lập một tổ điều tra đặc biệt mang mật danh A4 gồm một số điều tra viên của Phòng Cảnh sát Điều tra – Công an Tiền Giang và Nguyễn Văn Nên, Phó trưởng phòng được giao làm tổ trưởng. Vào thời điểm này, uy tín của ông Tư Bốn rất cao và quả thực là “trên thì giời, dưới thì… Tư Bốn”. Ông Tư cũng là người có “biệt tài” sử dụng báo chí làm công cụ cho mình. Lịch sử Công an nhân dân chưa bao giờ có cảnh mỗi khi Công an đi bắt tội phạm thì lại có hàng chục xe máy của nhà báo phóng theo. Chuyện về ông Tư Bốn, chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài điều tra khác.
Một góc Khu công nghiệp Đồng An.
Trở lại vụ án của ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng…
Dù đã được Tòa án Bình Dương giải quyết theo luật định, dù đã được Công an Bình Dương và Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng An giải quyết xong, nhưng ông Nguyễn Viết Tạo vẫn ấm ức. Thế là ông gửi đơn lên Ban Chuyên án Z501, tố cáo ông Bằng, ông Hướng và một số thành viên trong HĐQT của Công ty Hưng Thịnh  đã thuê các đối tượng trong băng nhóm Năm Cam đến chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương. Ông Tư Bốn giao việc điều tra cho tổ A4.
Sau gần 2 tháng điều tra, ngày 6-1-2003, Nguyễn Văn Nên đã gửi báo cáo số 15 gửi ông Tư Bốn về kết quả xác minh “14 tên xã hội đen, do Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình (là đàn em của Năm Cam) thuê mướn đến gây rối và chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương”. Đồng thời đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự với tội danh “gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản” rồi ủy thác cho Cơ quan CSĐT, CA Tiền Giang điều tra.
Hai ngày sau, ông Tư Bốn có bút phê chỉ đạo: “Gửi anh Bình, PCTC16, anh Việt – Phó CTC14. Đọc báo cáo của tổ A4, thấy đây là vụ xử lý tranh chấp ngang nhiên, trắng trợn, trái pháp luật của Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình. Tổ A4 đã điều tra, xác minh khá chu đáo, chặt chẽ, có cơ sở xử lý theo pháp luật vụ này. Vì vậy đề nghị hai anh có cuộc họp cùng tôi để dự  bàn: xác định rõ chứng cứ, kế hoạch bắt và bắt khẩn cấp, giải tỏa Công ty Gas Bình Dương đi vào hoạt động; bắt trước 2 tên hay bắt cả 4 tên. Tôi yêu cầu hai anh quan tâm đến vụ này. Không thể bất lực với bọn côn đồ này…”.
Ngày 22-3-2003, vào lúc 14giờ, Ban Chuyên án họp và thống nhất chỉ đạo: “Làm thủ tục bắt, khám xét khẩn cấp 05 tên: Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình và 03 đối tượng được thuê đến gây rối là Trang Quốc Thọ, Nguyễn Văn Có và Phạm Văn Luông; giao C16 khởi tố vụ án rồi ủy thác điều tra cho PC16 Công an Tiền Giang điều tra. Thống nhất ý kiến của đồng chí Tiến – Phó trưởng phòng 5/C16 khởi tố thêm tội cưỡng đoạt tài sản, củng cố chứng cứ trong 07 ngày sau khi bắt khẩn cấp 05 đối tượng trên để xin VKSNDTC phê chuẩn lệnh tạm giam. PC16 Công an Tiền Giang làm thủ tục tố tụng (lệnh bắt, khám xét khẩn cấp); C14 theo dõi bám sát đối tượng; C17 theo dõi Nguyễn Đức Bình (vì Bình là đối tượng buôn bán ma túy trước đây Việt Nam – Nhật Bản); thực hiện lệnh bắt khám xét khẩn cấp vào ngày 25/3/2003”.
Thật khốn khổ cho Nguyễn Đức Bình, một người trước đây có đánh hàng “ xì-cơn-hen” từ Nhật về, nay bỗng dưng thành “buôn bán ma túy”.
Nhưng tội của Nguyễn Đức Bình chưa là “cái đinh gì”, so với tội của ông Bằng. Ông Đỗ Cao Bằng là người rất có tiếng tăm mà không vì cái chức Chủ tịch HĐQT. Ông là một bác sĩ quân y đã chiến đấu ở các chiến trường Lào, chiến trường B5, Campuchia. Năm 1972, trong một trận đánh ác liệt ở Quảng Trị, ông bị thương khá nặng (sau này xếp hạng 2/4). Được chữa khỏi, ông lại  đòi đi chiến đấu và ngày 30-4-1975, ông đã có mặt ở Sài Gòn trong đoàn quân chiến thắng. Rồi năm 1979, ông lại sang Campuchia, chiến đấu ở với quân Pôn Pốt ở tỉnh Krache… Sau này, khi làm doanh nhân, ông vẫn không quên những đồng đội đã ngã xuống.  Suốt bao năm, ông lặng lẽ đi tìm hài cốt đồng đội, xây dựng hàng chục miếu thờ… Ngày 18-3-2003, ông ra Gò Công để giao nhà tình nghĩa cho thương binh nặng và bàn bạc với chính quyền xây nhà cho 12 đồng chí thương binh khác nữa… Nhưng trời ạ, tất cả hoạt động của ông trong những ngày ấy đều được báo cáo về tổ A4 và người ta nhận định rằng Đỗ Cao Bằng đang đi “rửa tiền”.
Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương.
Ngày 27-3-2003, vào lúc 15giờ. Khu Công nghiệp Đồng An náo loạn bởi hàng chục cảnh sát với vũ khí trong tay rầm rập ùa vào từng phòng và “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đang họp tại phòng họp lớn cũng được lệnh ngồi im tại chỗ. Có ông Tây nhìn cảnh sát súng AK trong tay lăm lăm canh giữ, sợ phát khóc. Lệnh bắt khám xét khẩn cấp  đối với Đổ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình cùng ba đối tượng khác là Thọ, Có và Luông  được Phòng CSĐT CA Tiền Giang thực hiện.
Câu đầu tiên mà Nguyễn Văn Nên hỏi ông Đỗ Cao Bằng tại trại giam của CA Tiền Giang là: “Mày đi rửa tiền ở Gò Công à?”.
Bắt nhốt được ông Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình vào trại xong, Nguyễn Văn Nên lại điều tra về ông Bùi Mạnh Lân vào Phạm Văn Hướng. Ngày 27-4, Cục Cảnh sát Hình sự  – Bộ Công an (C14 ngày ấy) có Công văn số 03/C14B báo cáo nhanh gửi ông Tư Bốn về việc Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đang tìm cách bán nhà, bán cổ phần, tài sản, không về nơi thường trú và có dấu hiệu bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giám sát của trinh sát… Báo cáo cũng đề xuất áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn để bắt giữ Lân và Hướng.
Ngày 28-4, ông Tư Bốn có bút phê và cho lệnh bắt khẩn cấp với ông Lân và Hướng. Việc bắt này phải được thực hiện trước ngày 30-4.
Ngày 29-4, Nguyễn Văn Nên ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng về tội “Gây rối trật tự công cộng”…
Lệnh bắt được thực hiện vào chiều ngày 29-4, ông Lân được đưa về Tiền Giang giam chung với Hải “bánh”.
Công ty Hưng Thịnh như rắn mất đầu. Hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đang yên ổn làm ăn nay hoảng sợ, bỏ của chạy lấy người. Hàng loạt công trình bị bỏ dở, thiệt hại về vật chất lên gần 100 tỉ.
Những ngày ở trại giam đối với ông Lân thật khủng khiếp. Chịu không nổi sự đau đớn giày vò vì bị bắt oan và bị hành hạ bởi đủ kiểu mà đám giang hồ nhốt chung nghĩ ra, ông Lân bèn tìm đến cái chết. Lần thứ nhất, lợi dụng lúc phòng giam không có ai, ông bèn xé quần áo bện làm dây, treo lên xà nhà… Nhưng số ông chưa… được chết. Sợi dây bị đứt, quăng ông xuống nền nhà, đập chân vào cạnh bệ xi măng, rách toạc ra. Ông lại nghiến răng chịu đau, bện  tiếp sợi dây khác. Đúng lúc đó, Hải “bánh” đi cung về, vội vàng ngăn lại. Hiểu nỗi lòng của ông, Hải “bánh”  ôm lấy ông và khóc rưng rức, bởi lẽ trong lòng Hải “bánh” cũng chứa chất quá nhiều nỗi niềm mà phải đào sâu chôn chặt.
Mấy ngày sau, ông lại tìm đến cái chết bằng cách lao đầu vào bể nước, nhưng cũng không… được chết!
Hải “bánh” vội vàng bẩm báo Nguyễn Văn Nên và ông bị chuyển sang phòng giam khác.
Trong những ngày ông Lân bị giam thì ở bên ngoài, giữa Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát Tối cao đã có những cuộc “đối đầu” căng thẳng.

Họ đã coi thường pháp luật như thế nào?…

(Petrotimes) - Cho đến bây giờ mặc dù đã gần 8 năm trôi qua, nhưng ông Đỗ Cao Bằng vẫn không thể nào quên được những ngày ông bị giam tại Trại giam Công an Tiền Giang.
>> Chuyện về một người hai lần tự tử nhưng không… được chết!
Phóng sự điều tra của Nguyễn Như Phong
Ông kể cho tôi nghe những ngày đày ải ấy rồi cho tôi xem những vết sẹo vẫn còn trên cổ tay ông. Tôi hỏi: “Tại sao lại có vết sẹo như thế này?”, thì ông nói với giọng uất ức: “Tôi bị họ treo lên và đánh…”. Thật ra những điều ông kể tôi cũng đã được nghe từ lâu nhưng đây quả thực là việc khó. Bởi như người ta nói “án tại hồ sơ” không có chứng cứ, không ai “bắt tận tay, day tận trán” thì làm sao có thể xử lý được. Ông bị giam chung cùng với một số tay giang hồ cộm cán khác như: Hồ Việt Sử, Minh “cùi”… và cũng phải khá khen rằng, những tay giang hồ này vẫn còn có lương tâm. Từ chỗ chúng là người giám sát ông, bẩm báo lên điều tra viên mọi nhất cử, nhất động của ông nhưng rồi dần dà cảm phục trước ý chí và nhân cách của ông, chúng đã tôn ông lên hàng “đại ca”.
Ông Đỗ Cao Bằng đang giới thiệu về Khu công nghiệp Đồng An
Tôi hỏi ông Bằng: “Vậy trong những ngày bị giam họ có tìm thêm được chứng cứ gì về cái gọi là “Hành vi gây rối trật tự” của ông không?”, thì ông nói: “Họ rất ít hỏi về việc đó mà chủ yếu họ lại hỏi về những việc chẳng liên quan gì như: chúng tôi làm ăn với ai? Ai là người giúp đỡ chúng tôi trong làm kinh tế? Nghe những câu hỏi ấy tôi lờ mờ hiểu ra rằng, họ bắt chúng tôi chỉ là cái cớ còn mục đích của họ lại là việc khác”. Nhưng thôi.
Việc “thâm cung bí sử” của vụ án này sẽ được các Cơ quan điều tra làm rõ thêm cũng như những hành vi sử dụng nhục hình đối với ông Bằng, ông Lân và nhiều người khác.
Tính đến ngày 29-4-2003, tổng cộng đã có 7 người bị bắt khẩn cấp về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước đó gần 3 năm và điều kỳ lạ là, tài liệu để Nguyễn Văn Nên cùng tổ A4 dựng nên thành tội để bắt 7 người chỉ dựa vào 1 biên bản do Công an tỉnh Bình Dương, Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp, Công an xã Bình Hòa, Công an huyện Thuận An và một số người khác như ông Tạo, ông Bần, ông Hướng, ông Lân, ông Bình ký với nhau. Biên bản chỉ có vẻn vẹn mấy dòng:
“Ý kiến ông Tạo: Nghe tin báo của công nhân, tôi tới thì thấy có một xe biển số 53L-2247 và một số người không phải là công nhân của công ty do đó tôi nhờ cơ quan giải quyết, hiện tại không có xảy ra xô xát.
Ý kiến ông Lân: Khi tôi nghe tin báo của Công ty Gas Bình Dương có tình hình gây mất trật tự, tôi có đến nhưng không thấy có tình hình gây rối ở trong Công ty Gas.
Qua sự việc, Cơ quan Công an có yêu cầu bảo vệ dẫn một số người nhà đi theo trên xe biển số 53L-2247 ra khỏi Công ty Gas để tránh việc xảy ra mất trật tự công ty”.
Kết thúc biên bản này đại diện của các cấp chính quyền công an cũng như ông Bằng, ông Hướng đã ký, riêng ông Tạo thì có ghi thêm rằng:
“Tôi phản đối hành động của ông Đỗ Cao Bằng đã có những hành động bất hợp lý ngăn cản sản xuất”.
Tất cả chỉ có vậy. Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 người, lúc đầu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng bởi vì ông Lân không phải là chủ mưu và ông Hướng cũng không phải là đồng phạm với Đỗ Cao Bằng (Công văn số 1125/VKSTC-V1 ngày 9-5-2003). Nhưng Cơ quan CSĐT vẫn không chịu trả tự do cho những người này. Mặc dù có Công văn của VKSTC như vậy nhưng ông Tư Bốn chỉ thị: “Tiếp tục giam Lân, Hướng để điều tra, có báo cáo lãnh đạo liên ngành, tiếp tục kiến nghị VKSNDTC phê chuẩn giam Lân và Hướng”. Bốn ngày sau, Cơ quan điều tra lại có Công văn số 658 gửi VKSNDTC đề nghị Viện trưởng chỉ đạo cho Vụ 1 thực hiện việc phê chuẩn việc tạm giam ông Lân và ông Hướng. Rồi đến ngày 19-5, lại cũng cơ quan này có Công văn 687 gửi lãnh đạo Liên ngành Trung ương đề nghị xem xét lại về việc VKSNDTC từ chối phê chuẩn giam Lân và Hướng.
Ngày 21-5, Vụ 1 VKSNDTC đã có Công văn 1252 thông báo ý kiến lãnh đạo VKSNDTC: “Không phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng”. Lãnh đạo VKSNDTC đã từ chối không phê chuẩn giam Lân và Hướng đồng thời đã thông báo cho Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan CSĐT – Bộ Công an. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát lúc đó là ông Trương Hữu Quốc đã yêu cầu Cơ quan CSĐT thực hiện đúng quy định của pháp luật không vi phạm luật tố tụng và tránh phức tạp xảy ra. Công văn này do Thượng tá Nguyễn Thế Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra ký.
Đọc công văn này, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã hết chịu nổi bởi từ khi có vụ án Năm Cam xảy ra, chưa một ai, chưa một cấp nào dám làm trái ý ông. Có thể nói rằng, tất cả những người nếu như không có ý kiến đồng tình với ông đều có thể bị ông coi đó là đồng bọn của Năm Cam và có ý đồ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Và ông đã có bút phê vào công văn của Thượng tá Nguyễn Thế Bình lời lẽ như sau:
“Để chấp hành pháp luật triệt để và sự chỉ đạo của cấp trên. Tôi đề nghị C16 có bổ sung chứng cứ mới xin VKSTC phê chuẩn giam Lân và Hướng vì hành vi phạm tội của Lân và Hướng đã rõ.
Nếu Lân và Hướng bị bắt oan thì tôi Việt Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”.
(Vậy bây giờ bắt oan sai đã rõ ràng, ông Thành có chịu trách nhiệm không)
Trước những lời lẽ như vậy và do nhiều áp lực khác, ngày 11-6-2003, Vụ 1 VKSNDTC mới phê chuẩn lệnh tạm giam 3 tháng đối với Bùi Mạnh Lân. Riêng ông Phạm Văn Hướng, VKSNDTC kiên quyết từ chối phê chuẩn. Do vậy, ngày 12-6, Cơ quan CSĐT phải ra Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Hướng. Lệnh trên được giao cho Nguyễn Văn Nên để giao cho Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang và bị can. Nhưng ông Nên không thực hiện với lý do còn phải báo cáo xin ý kiến của ông Việt Thành – Trưởng ban Chuyên án và đến 20 ngày sau thì ông Hướng mới được trả tự do sau khi bị giam 60 ngày không có lệnh của VKS, trong đó có 26 ngày bị giam sau khi cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Ngày 7-8-2003, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an có Quyết định vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSNDTC đề nghị truy tố.
Ngày 27-8-2003, Kiểm sát viên VKSNDTC Trần Thị Bích Hòa giao cho ông Nguyễn Văn Nên các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của VKSNDTC với 3 bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, yêu cầu thực hiện. Nhưng ông Nên không thực hiện việc giao các Quyết định đó cho Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang và các bị can, mà báo cáo đề xuất với ông Nguyễn Việt Thành, cho rằng: “Bị can Lân đang bị mở rộng điều tra làm rõ việc chiếm đoạt số tiền 8 tỉ đồng của Epco từ năm 1997; đồng thời liên quan đến việc chiếm đoạt hơn 23.000m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu. Nếu giải quyết cho Bùi Mạnh Lân tại ngoại thì gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng vụ án”. Thực tế, sau này chính ông Nên cũng phải xác định ông Lân không có hành vi chiếm đoạt tiền, đất như nhận định trước đó.
Ngày 1-9-2003, ông Nên và ông Dũng mới thực hiện Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các ông Lân, Hướng, Bình. Như vậy họ đã bị giam thêm 5 ngày sau khi đã có Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 16-8-2004, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 7 bị can trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” nêu trên.
Nhưng sự việc cũng lại chưa dừng ở đấy mà còn có một sự việc “quái quỷ” khác. Đó là Cán bộ điều tra của Công an Tiền Giang lại đi thụ lý tranh chấp quyền sử dụng thửa đất hơn 23 ngàn m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Ngay khi tiến hành xác minh, điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, tổ A4 do Nguyễn Văn Nên là tổ trưởng đã nhận được đơn của vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư tố cáo ông Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt thửa đất 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Quá trình xác minh, tổ A4 biết trước đó tranh chấp về chủ quyền đối với thửa đất 23.383m2 đã được Tòa án nhân dân huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết. Mặc dù biết rõ Cơ quan điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, nhưng Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã đứng ra giải quyết tranh chấp dân sự này.
Trong quá trình hỏi cung ông Lân, Nguyễn Văn Nên, và Nguyễn Tuyến Dũng đã gợi ý ông Lân trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho vợ chồng Thu, Cư và nhận lại số tiền 3 tỉ đồng mà ông Lân đã nộp tiền sử dụng thửa đất đó cho Nhà nước thay bà Thu. Cũng trong quá trình điều tra, ông Lân phải nhận đã chiếm dụng hơn 40 tỉ đồng của Công ty Epco do Liên Khui Thìn làm Giám đốc. Trong các lần hỏi cung, ông Lân đã khai với Nên và Dũng: Đã chiếm đoạt của Epco khoảng 8 tỉ đồng. Mặc dù chưa có cơ sở để xác định bị can Lân có chiếm đoạt 8 tỉ đồng của Công ty Epco hay không, nhưng Nên và Dũng vẫn động viên oLân tự nguyện bán nhà riêng ở đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (dự kiến được 5 tỉ đồng) và nhận lại 3 tỉ đồng do bà Thu trả, tổng cộng được 8 tỉ đồng nộp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang để trả lại Công ty Epco. Còn ông Lân, trong hoàn cảnh bị giam giữ như vậy, cho nên đành chấp nhận tất, bởi ông biết rõ đây là vụ ông Nên đứng ra đi đòi nợ thuê, vì thế, không theo ý họ thì chưa biết chừng chẳng còn “đường về quê mẹ”.
Ngày 7-8-2003, ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã trích xuất ông Bùi Mạnh Lân ra khỏi phòng giam, cho gặp vợ chồng Huỳnh Thị Thu và Nguyễn Văn Cư để thỏa thuận việc trả lại sổ đỏ, nhận lại tiền. Ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đứng ra lập biên bản (về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp lô đất 23.383m2 giữa bị can Bùi Mạnh Lân với ông Nguyễn Văn Cư, bà Huỳnh Thị Thu). Theo đó, ông Lân đồng ý nhận lại số tiền 3 tỉ đồng và trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho bà Thu, ông Cư. Hai bên thống nhất thời gian nộp tiền và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 25-8-2003 tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang. Ngày 15-8-2002, ông Cư nộp 3 tỉ đồng cho Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng. Trong báo cáo số 754/BC-PC đề ngày 24-8-2003 gửi các ông Nguyễn Việt Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Nguyễn Thế Bình – Phó cục trưởng C16, Nguyễn Chí Phi – Phó giám đốc Công an Tiền Giang, Nguyễn Văn Nên nhận định: Bùi Mạnh Lân đã chiếm đoạt 8 tỉ đồng của Công ty Epco, có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm và chiếm giữ trái phép tài sản; đề xuất Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố bị can và tiếp tục ra Lệnh tạm giam đối với Bùi Mạnh Lân. Nhưng ông Nguyễn Việt Thành cho ý kiến: “Chưa khởi tố Bùi Mạnh Lân lúc này. Lúc này thông qua Lân để động viên gia đình sớm bán nhà để nộp Kho bạc Nhà nước…”. Ngày 5-9-2003, ông Bùi Mạnh Lân (lúc này đã được tại ngoại) nộp sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho Nên và Dũng. Ngày 21-9-2003, ông Nguyễn Văn Nên ra Quyết định xử lý vật chứng, trả lại sổ đỏ thửa đất 23.383m2 cho Huỳnh Thị Thu, nhưng không trả lại số tiền 3 tỉ đồng cho ông Lân hoặc Công ty cổ phần Hưng Thịnh như biên bản thỏa thuận. Mặc dù trong hồ sơ do Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng quản lý chỉ có biên bản thỏa thuận ngày 7-8-2003, theo đó bà Huỳnh Thị Thu và ông Nguyễn Văn Cư phải trả lại cho ông Bùi Mạnh Lân 3 tỉ đồng. Ngoài ra không có thỏa thuận nào khác. Nhưng ngày 20-11-2003, ông Cư nộp thêm cho ông Dũng 1 tỉ đồng; ngày 23-2-2004, nộp 1,25 tỉ đồng. Như vậy từ tháng 8-2003 đến tháng 2-2004 hai ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã thu giữ 5,25 tỉ đồng do ông Nguyễn Văn Cư nộp.
Ngày 9-12-2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có Báo cáo số 1822/C16-C3 báo cáo ông Nguyễn Việt Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân kết quả xác minh đơn của Liên Khui Thìn tố cáo Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt tài sản của các công ty “con” thuộc Công ty Epco. Tại báo cáo này, Cơ quan CSĐT đã khẳng định việc Liên Khui Thìn tố cáo là không có cơ sở. Bản thân Liên Khui Thìn đã rút đơn.
Ngày 19-12-2003, Nguyễn Văn Nên có Báo cáo số 80/PC16 gửi các ông Nguyễn Việt Thành, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Chí Phi về kết quả điều tra theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Cư và bà Huỳnh Thị Thu về việc Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 23.383m2 tại Khu Công nghiệp tỉnh Bình Dương đã nhận định: “Đây là vụ tranh chấp dân sự giữa Bùi Mạnh Lân và Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư, không có dấu hiệu lừa đảo”. Đồng thời đề xuất trả lại số tiền 4 tỉ đồng đã thu của Nguyễn Văn Cư cho Bùi Mạnh Lân.
Thực tế, số tiền 5,25 tỉ đồng do Nguyễn Văn Cư nộp, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng không nộp ngay vào Kho bạc Nhà nước, cũng không trả cho Bùi Mạnh Lân hay Công ty Hưng Thịnh, cho đến ngày 15-10-2007, Nên và Dũng mới mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang và chuyển tiền vào đó. Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp dân sự nói trên góp phần gây khó khăn cho Tòa án nhân dân trong việc giải quyết vụ kiện này. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2009/DS-GĐT ngày 14-5-2009, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xử Giám đốc thẩm, tuyên bố bác bỏ tư cách khởi kiện của bà Huỳnh Thị Thu đối với thửa đất 23.383m2. Tháng 9-2009, Ông Nguyễn Văn Cư đã nhận lại số tiền này. Như vậy, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng đã thu giữ 5,25 tỉ đồng của đương sự trong suốt thời gian từ năm 2003 đến 2009 là 6 năm.

Một kiểu kiếm tiền

(Petrotimes) - Trong số những sĩ quan công an bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND) khởi tố lần này, còn có Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) và Phạm Văn Út, nguyên thủ kho tang vật. Đây cũng được coi là vụ án quái quỷ.
Kỳ III trong Phóng sự điều tra “Vì sao có “người hùng” trong vụ Năm Cam bị khởi tố?” của Nguyễn Như Phong.

Ngày 28-10-2002, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 40 khởi tố vụ án “Buôn lậu” gọi tắt là vụ án 502X. Sau đó, ông Ngô Thanh Phong với tư cách Trưởng phòng CSĐT – Phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan CSĐT ra Quyết định số 225 ngày 30-10-2002, phân công Phạm Thế Kim – Điều tra viên Cơ quan CSĐT chịu trách nhiệm chung về toàn bộ quá trình điều tra vụ án và 4 điều tra viên, 4 cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế điều tra vụ án.
Văn phòng Công ty Hưng Thịnh ở Khu Công nghiệp Đồng An (Bình Dương)
Xác định đây là vụ án buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn, tài sản thu giữ trong vụ án nhiều, nên ngày 26-11-2002, UBND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định số 4728/QĐUB thành lập Hội đồng định giá tài sản Chuyên án 502X do Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Trung là Chủ tịch Hội đồng để xử lý số tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố xét xử vụ án. Cùng ngày Hội đồng định giá tài sản ra Quyết định số 5047/QĐ-HĐĐGTS thành lập tổ chuyên viên giúp việc gồm đại diện Cơ quan CSĐT, VKSND tỉnh và một số cán bộ đại diện cơ quan hữu quan của tỉnh Tiền Giang giúp việc định giá, xác minh, thẩm định các tài sản của vụ án để chuẩn bị các thủ tục bán đấu giá, chuyển giao tài sản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TATC-VKSTC-BCA-BTC-BTP. Hội đồng định giá đã mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang để gửi số tiền thu được khi xử lý tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng định giá tài sản đã gửi vào tài khoản này số tiền 22.906.065.708 đồng. Trong khi đó, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang cũng tạm giữ tiền, tài sản, kê biên tài sản của các bị can, đương sự trong vụ án, nhưng không mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước để quản lý mà đem gửi tiết kiệm lấy lãi, nhập quỹ riêng đơn vị.
Ngày 14-11-2002, ông Nguyễn Văn Nên – Phó trưởng phòng CSĐT phụ trách hậu cần có văn bản viết tay chỉ đạo các điều tra viên Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út (thủ kho vật chứng), Bùi Văn Nhứt: “Toàn bộ số tiền thu của vụ án 502X đem gửi ngân hàng, gửi không kỳ hạn. Các đồng chí thực hiện, có thể gửi ba nơi (Nông nghiệp, Công Thương, Đầu tư)”. Trên cơ sở chỉ đạo đó, các cán bộ dưới quyền đã thực hiện như sau: Tổng số tiền thu giữ của các bị can, đương sự từ tháng 10-2002 đến năm 2004 gồm 12.597.821.136 đồng và 249.419USD. Đã gửi 11.400.516.000 đồng và 206.050USD vào Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang dưới hình thức gửi tiết kiệm có thời hạn 3 tháng bằng 25 cuốn sổ tiết kiệm, đứng tên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn – Điều tra viên Đội án Kinh tế, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang.
Về sau này, Bùi Văn Nhứt giải thích: “Lý do chỉ huy phòng chỉ đạo gửi tiết kiệm không kỳ hạn là để tiện rút về bất cứ lúc nào, nếu phát sinh yêu cầu. Nhưng do gửi có kỳ hạn 3 tháng, lãi suất cao hơn, nếu rút trước hạn vẫn được tính lãi theo thời hạn thực gửi, nên sau đó chỉ huy phòng đã đồng ý gửi tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng. Số tiền còn lại, một số được gửi tiết kiệm lấy lãi để lập quỹ riêng của Đội án Kinh tế. Một số tiền mặt được dùng tạm ứng chi tiêu cho chuyên án, khi xin được kinh phí do UBND tỉnh cấp thì hoàn lại”.
Sau khi gửi tiết kiệm, Nhứt và Sơn nộp sổ tiết kiệm vào kho vật chứng do Phạm Văn Út là thủ kho, kiêm thủ quỹ nhận và quản lý bằng 10 phiếu nhập vật chứng. Phiếu này lập thành 2 bản, điều tra viên và thủ kho, mỗi người giữ một bản. Đến kỳ trả lãi, Út đưa sổ tiết kiệm cho Nhứt và Sơn rút lãi về nhập quỹ và trả lại sổ cho Út giữ.
Theo lời khai của Bùi Văn Nhứt thì việc gửi và rút tiền được tiến hành như sau: Tháng 5-2004, lãnh đạo Phòng CSĐT lấy lý do VKSND tỉnh yêu cầu kiểm tra vật chứng nên chỉ đạo rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm về. Phạm Văn Út đã làm phiếu xuất vật chứng để xuất 25 cuốn sổ tiết kiệm cho Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn rút tiền. Trong hai ngày 28-5 và ngày 31-5-2004, Sơn và Nhứt đã rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm, nhập quỹ 11.400.516.000 đồng và 206.050USD (bằng 2 phiếu vật chứng). Số tiền lãi thu được đến ngày 31-5-2004 là 968.889.900 đồng được nộp cho thủ quỹ Phạm Văn Út theo 12 phiếu thu.
Quỹ do Út quản lý và được chi dùng theo quyết định của lãnh đạo phòng, nhưng không phải để phục vụ các chuyên án. Vì số tiền UBND tỉnh cấp cho các chuyên án hàng tỉ đồng, nên không thiếu.
Nhứt còn khai nhận: Thực chất không có việc VKSND tỉnh kiểm tra vật chứng mà do lãnh đạo Phòng CSĐT ngại nhiều người biết việc gửi tiền nên rút về. Kiểm sát viên Nguyễn Trường Sơn – nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, VKSND tỉnh Tiền Giang khẳng định không có việc kiểm tra vật chứng trong quá trình điều tra vụ án 502X.
Cuối tháng 6-2004, theo chỉ đạo của chỉ huy Phòng CSĐT, Phạm Văn Út trực tiếp đứng tên tiếp tục gửi tổng số tiền 12.100.000.000 đồng vào Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang dưới hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng (sổ số NA 0120767 gửi 300 triệu đồng ngày 22-6-2004 và sổ số NA 012767). Đến kỳ hạn, Phạm Văn Út đã rút cả gốc lẫn lãi về. Tiền lãi thu được là 199.650.000 đồng do Phạm Văn Út trực tiếp quản lý.
Cũng trong ngày 24-9-2004, Phạm Văn Út làm phiếu xuất vật chứng, xuất 10.343.516.000 đồng và 195.700USD cho điều tra viên Bùi Văn Nhứt để chuyển vào tài khoản của Cơ quan Thi hành án tỉnh Tiền Giang tại Kho bạc Nhà nước theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang. Ngày 27-9-2004, số tiền này được nộp vào tài khoản của Thi hành án tỉnh Tiền Giang.
Như vậy, tổng số tiền lãi thu được trong hai đợt gửi tiền này là 1.168.549.900 đồng, do Phạm Văn Út trực tiếp quản lý, không có sự kiểm soát của kế toán đơn vị.
Phạm Văn Út, ôm con gái trước khi vào trại giam
Ông Ngô Thanh Phong – nguyên Trưởng phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang (sau này là Đại tá – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) đã khai nhận: Có biết và đồng ý để ông Nguyễn Văn Nên – Phó trưởng phòng PC16 và cấp dưới dùng tiền thu giữ trong vụ án “Hùng Xtẹc” (vụ án 502X) gửi tiết kiệm lấy lãi. Tiền lãi thu về đã chi dùng chung trong phòng (lời khai ngày 30-12-2009).
Còn Nguyễn Trường Sơn,  nguyên điều tra viên Phòng CSĐT khai nhận có đứng tên thu giữ trên 2 tỉ đồng do người nhà bị can trong vụ án “Hùng Xtẹc” nộp. Sau đó theo chỉ đạo của lãnh đạo gửi tiết kiệm lấy lãi. Tiền lãi nộp Phạm Văn Út là thủ kho PC16 (lời khai ngày 30-12-2009).
Nguyễn Văn Nên khai: Năm 2002, Phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang có thụ lý vụ án “Buôn lậu xăng dầu…” còn gọi là chuyên án 502X. Trong lãnh đạo phòng gồm ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và các phó, trưởng phòng khác bàn bạc và quyết định sử dụng tiền thu giữ trong chuyên án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi và giao cho một số cán bộ cấp dưới thực hiện. Quá trình thực hiện, cấp dưới yêu cầu phải có ý kiến chỉ đạo cụ thể việc gửi tiền, nên Nguyễn Văn Nên đã viết ra giấy ý kiến chỉ đạo, đưa cho cấp dưới. Tổng số tiền gửi Nên chỉ nhớ khoảng vài tỉ. Tiền lãi thu về khoảng vài trăm triệu đồng, giao Phạm Văn Út quản lý. Việc chi tiêu do lãnh đạo phòng quyết định. Theo Nên nhớ, đã dùng tiền từ quỹ này mua khoảng 10 xe Honda cấp cho lãnh đạo cấp phòng, các đội thuộc phòng để sử dụng, mua máy vi tính cho phòng, trả khoản nợ trên 100 triệu do bộ phận đời sống của Phòng CSĐT kinh doanh thua lỗ trước đó để lại… Cuối năm 2004, khi thành lập Cơ quan CSĐT theo mô hình mới, số tiền còn lại chia hết cho anh em trong phòng. Ông Nên biết việc làm trên là sai nhưng vì lợi ích của phòng, vì phải trả món nợ của phòng nên đồng ý thực hiện (lời khai ngày 8-4-2010).
Và cũng thật kỳ lạ, việc chi tiêu từ tiền vụ án như thế vậy mà có hai Phó trưởng phòng là Nguyễn Chí Kiên, Trần Thanh Trước lại không biết gì về việc đưa ra chủ trương đem tiền thu giữ trong vụ án 502X gửi tiết kiệm lấy lãi làm quỹ riêng đơn vị cũng như việc chia tiền tháng 10-2004.
Phạm Văn Út – nguyên thủ kho, thủ quỹ của Phòng CSĐT khai: Cuối năm 2002 thấy điều tra viên trong chuyên án 502X thay vì nộp tiền thu giữ trong vụ án vào kho lại nộp sổ tiết kiệm. Nhưng khi biết đó là chủ trương của lãnh đạo phòng, Út chấp hành và làm phiếu nhập kho (lập 2 bản, Út giữ 1 bản, điều tra viên giữ 1 bản). Người đứng tên gửi tiền chủ yếu là Bùi Văn Nhứt. Đến thời hạn lấy lãi, Út làm phiếu xuất vật chứng đưa sổ cho điều tra viên đứng tên đi rút lãi về nhập lại cho Út. Tổng số tiền gửi theo Út nhớ khoảng 7-8 tỉ đồng. Có cả ngoại tệ nhưng Út không nhớ số lượng. Tiền lãi thu được khoảng 700-800 triệu đồng do điều tra viên Nhứt, Sơn nộp cho Út có làm phiếu thu gồm 2 bản, điều tra viên nộp tiền và Út mỗi người giữ 1 bản. Việc chi dùng do lãnh đạo Phòng CSĐT duyệt theo đề xuất của cán bộ trong phòng. Việc mua sắm Út khai như Nên đã khai, trong đó có việc mua 4 xe Honda Future, đăng ký biển trắng cấp cho 4 cán bộ chỉ huy phòng sử dụng. Tháng 10-2004 khi chuyển đổi Phòng CSĐT thành Văn phòng Cơ quan CSĐT đã chia nốt tiền quỹ cho cán bộ, chiến sĩ trong phòng theo 3 mức: Chỉ huy phòng được chia 24 triệu một người, chỉ huy đội được 8 triệu, cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ được 4 triệu đồng. Sổ theo dõi và chứng từ thu chi quỹ này Út đã để thất lạc từ khi chuyển đổi mô hình Cơ quan CSĐT theo pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đến nay chưa xuất trình được. Do vậy, chưa có cơ sở để xác định cụ thể số tiền lãi 1.168.549.900 đồng do Phạm Văn Út quản lý từ tháng 11-2002 đến tháng 10-2004 được sử dụng như thế nào.
Tháng 9-2005, Cơ quan CSĐT ra Quyết định 06/QĐ xử lý vật chứng: Giao cho Phạm Thị Ánh (là bị can trong vụ án 502X, được tại ngoại, là vợ bị can cầm đầu vụ án Trần Thế Hùng) tìm khách hàng và ký Hợp đồng mua bán vỏ tàu (là vật chứng trong vụ án). Sau đó Phạm Thị Ánh bán vỏ tàu 5.000 tấn cho Công ty CP Vận tải và Du lịch Hải Phòng được 16,5 tỉ đồng, thể thức thanh toán nhiều lần. Ngày 4-12-2005, Phạm Thị Ánh làm đơn xin nộp số tiền 10.302.559.000 đồng vào tài khoản Cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh Tiền Giang.
Trong thời gian đó, ông Ngô Thanh Phong (lúc này là Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT – Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang) chỉ đạo kế toán của đơn vị mở tài khoản gửi tiền không kỳ hạn số 710100000442405 cho Văn phòng Cơ quan CSĐT do ông Phong đứng tên chủ tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Tiền Giang. Ngày 30-12-2005, Công ty CP Vận tải và Du lịch Hải Phòng đã chuyển 5,8 tỉ đồng vào tài khoản này. Sau đó ông Phong lại yêu cầu kế toán Lê Anh Tuấn mở tài khoản tiền gửi có thời hạn 1 tháng, lãi suất 0,4%/tháng để chuyển số tiền 5,8 tỉ đồng vào tài khoản mới này (TK 71010000423018) vào ngày 3-1-2006.
Đến ngày 26-10-2006, Cơ quan CSĐT chuyển 5,8 tỉ đồng sang tài khoản của Phòng Thi hành án tỉnh Tiền Giang. Số tiền lãi thu được là 199.989.412 đồng. Tháng 3-2007, ông Ngô Thanh Phong bị bà Nguyễn Thị Thu Vân, trú tại xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong đó có hành vi gửi 5,8 tỉ đồng vào ngân hàng lấy lãi. Thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xác minh, xác định vi phạm trên là có thật. Ngày 30-7-2007 có báo cáo kết quả, đề xuất Ban Giám đốc thu hồi 199.989.412 đồng tiền lãi thu từ việc gửi tiết kiệm 5,8 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước; đồng thời đề nghị kiểm điểm kỷ luật ông Ngô Thanh Phong theo quy trình do Bộ Công an quy định. Quá trình kiểm điểm, ông Phong trình bày việc gửi tiền bán thanh lý vật chứng vào ngân hàng lấy lãi là chủ trương chung của ban chỉ huy và cấp ủy đơn vị. Tuy nhiên, kết quả xác minh của Cơ quan Điều tra thuộc VKSND Tối cao thể hiện ông Phong đã tự quyết định việc gửi tiền mà không thông qua tập thể chỉ huy và cấp ủy. Cuối năm 2007, Bộ Công an đã ra Quyết định cảnh cáo đối với ông Ngô Thanh Phong. Số tiền lãi 199.989.412 đồng, ông Nguyễn Chí Phi – Giám đốc Công an tỉnh có ý kiến: Theo kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy không thu hồi số tiền 199.989.412 đồng theo đề xuất của Thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang. Còn việc gửi tiền thu trong vụ án 502X diễn ra trước tháng 10-2004 chưa được phát hiện, xử lý.
Như vậy trong quá trình điều tra, xử lý vụ án 502X, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang đã ba lần gửi tiền thu trong vụ án vào ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Lần thứ nhất: Gửi 25 khoản, tùy theo thời điểm thu giữ tiền, từ tháng 11-2002 đến cuối tháng 5-2004, tổng cộng 11.400.516.000 đồng và 206.050USD, kỳ hạn 3 tháng. Thu lãi: 968.899.900 đồng; Lần thứ hai: Gửi hai khoản tổng cộng 12.100.000.000 đồng kỳ hạn ba tháng, từ 22-6-2004 đến 24-9-2004. Thu lãi: 199.650.000 đồng; Lần thứ ba: Gửi số tiền 5,8 tỉ đồng từ 30-12-2005 đến 26-10-2006 kỳ hạn 1 tháng. Thu lãi 199.989.412 đồng. Tổng cộng tiền lãi thu được là 1.368.539.312 đồng. Người có trách nhiệm xuyên suốt quá trình vi phạm này là: Ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên; Phạm Văn Út.
Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang còn có một số vi phạm khác trong việc thu giữ bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong vụ án 502X. Đến nay, còn 424 triệu đồng thu giữ của một số đối tượng được tách khỏi vụ án 502X khi truy tố, nay chưa rõ để ở đâu, ai quản lý. Điều tra viên Phạm Thế Kim thụ lý chính vụ án (nay là Phó văn phòng Cơ quan CSĐT) chưa giải trình được. Ngoài ra, còn có dấu hiệu vi phạm trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tiền, tài sản thu giữ trong các vụ án hình sự khác, chưa có điều kiện làm rõ.

Tôi đã định kết thúc loạt phóng sự điều tra này bằng "Bài học rút ra từ vụ án này", nhưng không hiểu sao, khi đặt dấu "chấm hết" tôi lại hình dung ra khuôn mặt tròn, phúc hậu nhưng đau khổ đến tuyệt vọng của anh và thế là tôi không thể không lên tiếng...
Kỳ IV: Số phận một sĩ quan công an
Vào một buổi sáng Chủ nhật hồi đầu tháng 2, tôi vừa đến cơ quan thì có điện thoại. Từ đầu dây đằng kia, một giọng nói của người miền Nam cất lên rụt rè, anh tự giới thiệu rằng anh là Bùi Văn Nhứt, anh đang ở Hà Nội để đội đơn đi kêu oan. Nghe đến tên Bùi Văn Nhứt, tôi giật mình và nghĩ ngay đến vụ án mà tôi đang đi điều tra bấy lâu nay. Nghe anh nói bị oan, thực sự lúc đầu tôi cũng chẳng tin, bởi trong hơn ba chục năm cầm bút, tôi đã gặp không ít người oan thật và cũng chẳng ít người oan giả. Nhưng cứ nghe giọng nói rụt rè, pha chút sợ sệt và nghèn nghẹn của anh tôi có linh cảm rằng, có thể anh oan thật và thế là tôi mời anh đến tòa soạn. Cũng phải nói thêm rằng, ngày ấy Báo Năng lượng Mới chưa ra mắt mà đang trong quá trình làm thủ tục xin phép, tòa soạn mới chỉ là một gian hơn 240m2 do Tập đoàn cấp cho, chưa có bàn có ghế và dĩ nhiên cũng chẳng có nhân viên.
Bùi Văn Nhứt
Khoảng hơn nửa tiếng sau, Bùi Văn Nhứt tới. Đó là người đàn ông thấp, đậm, khuôn mặt tròn và ôm theo một chiếc cặp căng phồng. Đúng là “phong cách” của một người đang đội đơn đi kêu oan. Anh mở cặp và đưa ngay cho tôi một tập hồ sơ dày cộp, tôi liếc qua và thấy đó là đơn của anh gửi kêu oan đến các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát. Rồi rất nhiều các thứ tài liệu kèm theo. Trong đó có cả bút tích của những người có trách nhiệm, phê vào các văn bản chỉ đạo; các hóa đơn chứng từ liên quan đến tiền bạc. Mục nào ra mục nấy, tài liệu nào cũng được ghi chú bên ngoài rất cẩn thận để cho người nghiên cứu được dễ dàng.
Anh giao tài liệu cho tôi rồi nói vội vã: “Anh cứ nghiên cứu bộ hồ sơ này, nếu anh cần giải thích gì thêm em sẽ gặp anh để trình bày”. Bùi Văn Nhứt chỉ nói như vậy rồi nhấp nhổm định về, tôi ngạc nhiên trước thái độ của anh và hỏi: “Tại sao anh có vẻ vội vã thế?”. Bùi Văn Nhứt nhìn quanh bằng ánh mắt sợ sệt rồi nói: “Anh không biết tình cảnh của tôi đâu. Tôi đang bị săn đuổi, bị đe dọa. Những ngày này ở Hà Nội, tôi không dám ở nhà trọ nào quá hai ngày”. Nghe anh nói mà tôi vừa buồn cười, vừa thương anh. Tôi bảo: “Anh từng là sĩ quan Công an mà sao lại có thể bạc nhược như vậy? Nếu kẻ nào đó quyết tâm hại anh để “giết người diệt khẩu” thì anh làm gì có cơ hội mang đơn đi khắp nơi như thế này”.
Thế rồi sau khi được tôi động viên và an ủi, Bùi Văn Nhứt bình tĩnh trở lại và lúc ấy anh mới kể tóm tắt cho tôi nghe tình trạng của anh hiện nay. Tôi nghe và thực sự không thể tưởng tượng được. Một người đang là Trung úy Công an Nhân dân, là Đảng viên, có nhà có cửa, có vợ, có con… Nay bỗng dưng trở thành kẻ tứ cố vô thân, sống lang bạt kỳ hồ, nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè và của cả những người cùng cảnh ngộ. Bị tước danh hiệu Công an Nhân dân, bị khai trừ ra khỏi Đảng, buộc phải ly dị vợ, phải bán nhà bán cửa để lấy tiền trả nợ. Ngần ấy nỗi đau khổ ập lên đầu một con người, nếu không phải là người có ý chí chắc cũng khó có thể nào sống nổi…
Hỏi chuyện anh được một lát thì anh lại vội vã ra đi và thế là từ đó số phận người sĩ quan Công an đen đủi này cứ ám ảnh tôi và tôi cũng bắt đầu đi điều tra những sự thật về nỗi oan của anh.
***
Bùi Văn Nhứt khi cải trang để trốn
Tháng 12-2002, Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an Tiền Giang được Bộ Công an, Tổng Cục Cảnh sát giao khám phá và thụ lý điều tra Chuyên án 502X – Buôn lậu xăng dầu. Lúc này, Bùi Văn Nhứt là điều tra viên tham gia chuyên án với tư cách là thành viên giúp việc cho Hội đồng xử lý tài sản của chuyên án theo Quyết định số 5047/QĐ-HĐĐGTS ngày 26-11-2002, do ông Trần Thanh Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký. Nhưng Nhứt không được giao nhiệm vụ đúng theo trách nhiệm của một điều tra viên và nội dung của Quyết định 5047/QĐ-HĐĐGTS, mà lại được giao việc khác.
Và đó là những công việc mà ngay từ đầu, Nhứt lờ mờ cảm thấy có điều gì đó không minh bạch.
Đầu tháng 11-2002, Phạm Thế Kim lúc này là Đội phó Đội 4 chỉ đạo cho Nhứt tập hợp toàn bộ số tiền vật chứng thu giữ trong Chuyên án 502X gửi tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Công Thương và Ngân hàng Đầu tư.
Bút tích của Nguyễn Văn Nên
Vì số tiền quá lớn, hơn nữa bản thân không phải là thủ kho nên không có điều kiện bảo quản tập hợp vật chứng nên nhiều lần Nhứt đề nghị Phạm Thế Kim cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện. Phạm Thế Kim đưa cho Nhứt một văn bản photo đề ngày 4-11-2002 do Nguyễn Văn Nên ký, nội dung là chỉ đạo Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út và Nhứt đem toàn bộ vật chứng thu giữ trong Chuyên án 502X gửi ngân hàng. Khi đã nhận được văn bản chỉ đạo buộc Nhứt phải thực thi, Nhứt đã tập hợp đem gửi ngân hàng 13 tỉ đồng và 249.000USD. Toàn bộ số lãi thu được từ việc gửi tiền này hàng tháng Nhứt đều giao đủ cho Phạm Văn Út nhập sổ quỹ và có phiếu thu tử tế.
Rồi Phạm Thế Kim truyền đạt ý kiến của Ngô Thanh Phong chỉ đạo cho Nhứt giữ lại một số tiền từ nguồn tiền vật chứng để tạm ứng chi cho việc tiếp khách, điện thoại, tiêu xài… của Ban Chỉ huy phòng. Căn cứ vào các ý kiến đề xuất có sự đồng ý bút phê hoặc chỉ đạo miệng của Ban Chỉ huy phòng, từ năm 2002 đến 2004, Nhứt đã chi 650.000.000 đồng, chủ yếu là tiền chi cho các cá nhân. Nhưng khi tập hợp lại chứng từ thanh toán thì chỉ khoảng 200.000.000 đồng, vì vậy khi giao lại khoản tiền vật chứng này đã bị thâm hụt 450.000.000 đồng. Lý do khi lãnh đạo ra lệnh miệng là phải đưa, nhiều lần như vậy nên Nhứt không nhớ nổi. Khi kết sổ lại để chuyển thi hành án thì số tiền bị thiếu hụt như đã nêu trên. Vì vậy không còn cách nào khác Nhứt phải bán nhà đất và vay mượn thêm với lãi suất cao để nộp đủ vào ngày 27-9-2004 cho Cơ quan Thi hành án, nếu không sẽ bị vi phạm pháp luật và bị đưa ra khỏi ngành.
Sự đen đủi chưa buông tha Nhứt. Tháng 10-2007, bà Phạm Thị Ánh (vợ ông Hùng trong vụ án 502X) có đơn khiếu nại còn 2 khoản tiền 5.500USD và 40.200.000 đồng là tiền vật chứng vụ án 502X xét xử xong đã lâu nhưng không được xử lý. Số tiền này trước đây do người khác nhận, Nhứt không biết. Nhưng chẳng hiểu sao, chỉ huy phòng vẫn quy trách nhiệm và bắt Nhứt phải đền số tiền này mặc dù anh ta không thu giữ.
Vào đầu năm 2003, Phạm Thế Kim chỉ đạo cho Nhứt vào trại giam làm việc với bị can Trần Thế Hùng và vợ là Phạm Thị Ánh đồng ý cũng như tự nguyện viết văn bản chấp nhận bán một số tài sản gồm xe Landcruiser, Meccedes đời mới, tàu chở xăng dầu và một lượng lớn xăng dầu với giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường cùng thời điểm số tiền bán tài sản là vật chứng hơn 22 tỉ đồng. Ngoài ra, Phạm Thế Kim còn bảo Nhứt mang các biên bản khống vào để ép các bị can ký khống vào các biên bản trao trả tài sản, sau đó giao bản khống lại cho ông Kim tự ghi nội dung trao trả.
Khi kết thúc chuyển truy tố chuyên án thì còn lại là phần các đối tượng tiêu thụ hàng xăng dầu nhập lậu từ vụ 502X, tuy không bị xử lý hành chính và hình sự nhưng họ vẫn phải nộp số tiền 425.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra. Quá trình thống kê Nhứt phát hiện Phạm Thế Kim và Phạm Văn Út đã quản lý và sử dụng hết số tiền nêu trên của các đối tượng giao nộp.
Tháng 10-2004, Nhứt được điều động về công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, nhưng Phạm Thế Kim và Ngô Thanh Phong có văn bản xin giữ Nhứt ở lại đến tháng 12-2006, mục đích để buộc anh ta lập chứng từ khống để quyết toán kinh phí điều tra với số tiền 830.000.000 đồng đã được UBND tỉnh Tiền Giang cho tạm ứng trước đó để làm án.
Toàn bộ số tiền lãi thu được từ việc gửi vật chứng ở ngân hàng cùng với những khoản tiền khác trong đó có phần lớn từ nguồn tiền kinh phí điều tra, tổng cộng gồm nhiều tỉ đồng đã được Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Thế Kim, Phạm Văn Út quản lý, sử dụng, chi xài và đây cũng là việc mà Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đang tập trung làm rõ…
Nguyễn Văn Nên còn chỉ đạo Nhứt giữ lại một ít sổ tiết kiệm số tiền 800.000.000 đồng, không giao nộp cho Phạm Văn Út để rút lãi làm quỹ riêng của Đội sử dụng tiêu xài đám tiệc và quan hệ công tác.
Sự chi tiêu bạt mạng của Ban Chỉ huy, cách làm ăn tùy tiện theo kiểu “lệnh miệng”, đã khiến cho Nhứt dở sống, dở chết vì khoản nợ khổng lồ lên đến trên 700 triệu đồng – đây là số tiền phải nộp cho Cơ quan Thi hành án. Do không có số tiền lớn nên Nhứt phải bán nhà đất cũng không đủ, cùng đường anh ta phải vay mượn nóng của những người cho vay nặng lãi bên ngoài có lãi suất cao với hy vọng trong một thời gian ngắn được quyết toán lại số tiền trên để trả lại cho những người đã vay mượn. Nhưng không ngờ sự việc cứ kéo dài. Nhứt đã nhiều lần yêu cầu chỉ huy phòng xem xét lại cho được thanh toán một phần số tiền trên để có tiền trả nợ vì anh ta còn lưu giữ đủ chứng từ chỉ đạo, duyệt chi của lãnh đạo phòng, nhưng không được ai giải quyết.
Trong vụ việc này, không thể nói là Bùi Văn Nhứt không có “tội” gì? Cái “tội” to nhất của anh là nhắm mắt làm bừa theo lệnh miệng của cấp trên. Nhưng cũng thật khó cho một người như Nhứt, là nếu cấp trên ra lệnh mà không thực hiện thì làm gì còn tồn tại được. Hơn nữa vì nghĩ “đã có trên chịu trách nhiệm” cho nên Nhứt luôn nghĩ là chắc không sao. Tuy nhiên, khi thấy sự chi tiền ngày càng quá đà, Nhứt đã khôn ngoan lưu lại một hồ sơ đầy đủ các chứng từ, bút tích thể hiện việc làm sai của cấp trên.
Thảm kịch của Nhứt và gia đình bắt đầu từ đây.
Vì quá bức xúc, Nhứt tuyên bố với Phạm Thế Kim là nếu không giải quyết thì sẽ tố cáo toàn bộ việc làm khuất tất này. Phạm Thế Kim báo cáo việc này lên Chỉ huy phòng và Giám đốc là ông Nguyễn Chí Phi, tất nhiên họ sợ nếu vụ việc tiền bạc này bị phanh phui thì sẽ lộ ra nhiều sai phạm khác trong thu giữ vật chứng vụ án, kể cả Chuyên án Z501 (Năm Cam). Lúc này thì một số người có trách nhiệm bắt đầu lo sợ và bởi những gì mà Bùi Văn Nhứt có trong tay.
Vụ việc cứ đẩy đưa cho đến ngày 30-4-2009, Nhứt không còn cách nào khác để có được tiền trả nợ, nên đã thành khẩn trình báo với đơn vị mong được sự can thiệp giúp đỡ. Nhưng không ngờ lợi dụng cơ hội này, Ban Giám đốc CA tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo thành lập tổ xác minh tiến hành thu thập đơn tố cáo Nhứt từ những người cho vay nặng lãi để có cớ xử lý hình sự đối với anh ta.
Qua xác minh, tổ công tác không thu thập được gì, bởi những người cho vay không dám tố giác vì bản thân họ chính là những người cho vay nặng lãi (hiện Nhứt còn giữ đủ các giấy tính lãi suất cao của họ). Sau 2 tuần xác minh không thu được kết quả, lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân và khai trừ Đảng đối với Nhứt, đồng thời chuyển hồ sơ sang điều tra để khởi tố, xử lý hình sự đối với anh ta. Liền trong 2 tuần, Ban Giám đốc đã ra 3 quyết định gồm: Quyết định tạm đình chỉ công tác, Quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân, Quyết định khai trừ Đảng đối với Nhứt). Hồ sơ vụ việc được nhanh chóng chuyển sang Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, giao cho ông Nguyễn Văn Hồng, Trung tá, Đội trưởng tiến hành thu thập, để khởi tố xử lý hình sự bằng được. Ông Nguyễn Văn Hồng đã thực hiện bằng mọi thủ đoạn nghiệp vụ để quy kết cho Nhứt phạm tội lừa đảo. Khi làm việc, ông Hồng buộc Nhứt giao nộp nhiều tài liệu liên quan tới sai phạm của lãnh đạo phòng và Ban Giám đốc nhưng không lập biên bản liệt kê thu giữ tài liệu…
Vì hồ sơ vụ việc liên quan đến Nhứt là dân sự nên VKSND tỉnh Tiền Giang đã không đồng ý khởi tố vụ án và phê chuẩn lệnh tạm bắt giam theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Hồng. Tuy VKSND tỉnh Tiền Giang không phê chuẩn, nhưng Nhứt luôn lo sợ là họ sẽ tìm cách bắt và khi đã vào trại giam của CA Tiền Giang thì “gỗ đá cũng phải nhận… tội”. Để tránh liên lụy đến vợ con, Bùi Văn Nhứt phải ly dị vợ và trốn đi khỏi địa phương…
Sau này, chịu không nổi nữa, Bùi Văn Nhứt đã mang toàn bộ tài liệu còn lưu giữ được đi tố cáo tội ác với cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc khi có kết luận của Cục Điều tra Hình sự của VKSND Tối cao…

Chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út lại dám liều lĩnh làm thế - đặc biệt là với Nguyễn Văn Nên.
Phóng sự điều tra của Nguyễn Như Phong

Kỳ cuối: Họ sai như vậy, do đâu?

Trong quá trình đi điều tra về những sai phạm của 3 bị can là Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều việc làm có những biểu hiện mờ ám của Nguyễn Văn Nên và một số cộng sự, trong đó có việc xử lý khoản tiền 2,7 tỉ của Ngô Đức Minh và cô vợ hờ là Nguyễn Thị Nghiệp.
Đây cũng là vụ việc có nhiều tình tiết rất quái quỷ mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài điều tra khác. Cũng trong quá trình đi điều tra, chúng tôi thu được nhiều chứng cứ về một số việc làm lạm dụng chức quyền của tướng Nguyễn Việt Thành. Chúng tôi đã cung cấp cho Cục Điều tra Hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và mong muốn Cơ quan điều tra sớm điều tra làm rõ về sự thực những tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp.
Ông Bùi Mạnh Lân ký hợp tác đào tạo công nhân với công ty nước ngoài
Trở lại vụ án, chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út lại dám liều lĩnh làm thế – đặc biệt là với Nguyễn Văn Nên.
Nguyễn Văn Nên được coi là một cán bộ điều tra có năng lực và được đào tạo cơ bản, cho nên không thể nói là anh ta ấu trĩ về mặt luật pháp hoặc về các nguyên tắc nghiệp vụ công an. Nhưng tại sao lại xảy ra như vậy? Điều đó hoàn toàn có thể lý giải được rằng, nếu như không có tướng Nguyễn Việt Thành là người trực tiếp chỉ đạo, thậm chí bảo lãnh theo kiểu “nếu sai, tôi Việt Thành chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì chắc chắn Nên không thể nào dám làm. Trong các bản giải trình theo kiểu “kêu oan” của mình, Nguyễn Văn Nên cũng nhất nhất khai, tất cả mọi việc anh ta làm đều là thực hiện theo lệnh của ông Việt Thành hoặc của cấp trên.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng, nếu không có báo cáo trinh sát của Nguyễn Văn Nên theo kiểu “dựng tội” cho những người như ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng và nhiều người khác, thì chắc chắn ông Thành cũng chẳng có căn cứ nào mà ra lệnh. Một người có thừa nhiệt huyết chống tội phạm nhưng lại chẳng có mấy kiến thức nào về luật pháp thì chắc chắn không thể không trông cậy vào những báo cáo của cấp dưới. Vì vậy, dưới báo cáo thế nào, ông tin tưởng và ra lệnh thực hiện thế đó.
Vụ bắt oan sai ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng… là điển hình của việc “hình sự hóa” một vụ việc tranh chấp dân sự, mà điều đáng nói là vụ việc đã được giải quyết ở tòa án tỉnh. Việc tổ chức bắt ông Lân, ông Bằng cũng là điển hình của việc vi phạm luật pháp. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương, nhưng Công an Tiền Giang thực hiện lệnh bắt, rồi huy động hàng chục cảnh sát xông đến trụ sở một đơn vị kinh tế, như thể đây là một ổ tội phạm cực kỳ nguy hiểm… đó là những việc làm thể hiện rằng “ta đây có quyền lực” và bất chấp các quy định về tố tụng!
Những tài liệu mà Nguyễn Văn Nên có được về vụ ở Công ty Hưng Thịnh chủ yếu là thông tin một chiều lấy từ ông Tạo và từ đám giang hồ bị bắt trong vụ Năm Cam.
Các đối tượng bị bắt trong vụ Năm Cam ở ngoài xã hội hầu hết là dân lưu manh chuyên nghiệp cho nên chúng thừa thủ đoạn để làm vừa lòng cán bộ điều tra. Chỉ cần nghe cán bộ điều tra hỏi về một nhân vật A, nhân vật B nào đó thì lập tức chúng đã có thể dựng lên những câu chuyện để cung cấp thông tin “mới” cho cán bộ điều tra. Với một vụ án truy xét kiểu như vụ Năm Cam giai đoạn 2, người điều tra rất dễ mắc bẫy nếu như cứ tin vào lời khai của các đối tượng. Đấy là chưa tính tới trường hợp người điều tra không có TÂM, muốn dùng lời khai đối tượng làm chứng cứ gián tiếp để “hạ” người khác, hoặc cố làm để lấy thành tích.
Đã có một thời kỳ dài, không ít điều tra viên kết tội đối tượng bằng niềm tin nội tâm – nghĩa là kẻ này phải tham ô, phải tham nhũng hoặc phải ăn cắp, ăn trộm thì mới có tiền mua xe, xây nhà; hoặc trong bữa cơm mời nhau đấy chắc chắn chúng sẽ bàn chuyện chạy án… Cho nên họ tìm cách bắt “khẩn cấp” người hiềm nghi rồi khi vào trại giam thì áp dụng đủ mọi biện pháp, kể cả dùng nhục hình biến tướng để người bị bắt “nhận tội”.
Cứ với một kiểu suy diễn như vậy cho nên trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam đã không ít cán bộ bị khốn khổ, phải giải trình với Ban Chuyên án do ông Việt Thành làm Trưởng ban. Bất cứ lời khai nào của một đối tượng ngoài xã hội về nhân vật nào đó – mà nhất lại là người mà ông Thành “không ưa” thì ông cũng có thể ra lệnh điều tra và bắt phải giải trình, báo cáo. Bây giờ nhớ lại không khí “bắt bớ, đấu tố” của những ngày ấy, tôi vẫn còn thấy rùng mình.
Chúng tôi đã gặp một số người từng bị giam ở trại giam Công an Tiền Giang và khi nghe họ kể về cái trò tra tấn, hành hạ phạm nhân ở đây thật ngoài mức tưởng tượng. Đã có phạm nhân cứ nhận tội bừa cho xong để thoát bị hành hạ… Việc ông Bùi Mạnh Lân phải tìm đến cái chết để giải thoát là một minh chứng. Chúng tôi rất mong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho điều tra làm rõ những lời tố cáo của một số người đã bị dùng nhục hình tại đây.
Một việc rất nghiêm trọng nữa trong vụ án này, đó là Cơ quan điều tra, mà trực tiếp là ông Việt Thành đã sử dụng báo chí làm công cụ cho mình rất giỏi. Bất cứ một đối tượng nào khi bị Cơ quan Công an điều tra hoặc bắt thì họ đã tuồn tài liệu cho phóng viên bằng cách rỉ tai và nói theo kiểu “không chính thức”. Thế là các phóng viên tha hồ phóng bút viết với một dòng chữ mào đầu hết sức “bí mật”: “Theo nguồn tin riêng của báo…”. Có thể nói đây là một món võ rất hiểm và thâm độc bởi vì một đối tượng, nếu là cán bộ hoặc là người đang có vị trí xã hội mà bị báo chí bêu riếu với đủ các thứ tội mà đặc biệt trong đó có tội “đồng lõa” hoặc là “đệ tử” của Năm Cam thì còn ai dám bênh vực, ai dám lên tiếng bảo vệ nữa.
Việc Cơ quan điều tra sử dụng báo chí làm công cụ đã gây ra một sự bức xúc trong dư luận đến nỗi đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ cũng phải lên tiếng. Ngày 10-12-2003, đồng chí đã phải ghi như thế này vào trong một văn bản gửi cho lãnh đạo Bộ Công an: “…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đưa trực tiếp văn bản này cho tôi và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ việc bắt giam này. Đồng chí Bí thư nói với tôi là tỉnh Bình Dương rất bất bình về việc bắt giam khẩn cấp này (công an đến bắt xét khẩn cấp mà có nhiều nhà báo cùng đi và ngay sau đó là đưa tin không đúng). Tôi chưa rõ việc này thế nào, yêu cầu đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng cho kiểm tra lại vụ việc này và có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc cho Thủ tướng Chính phủ”.
Vụ việc mà Phó thủ tướng đã có ý kiến như vậy nhưng sau đó cũng không có phản hồi và phải sau 8 năm thì việc điều tra làm rõ mới được tiến hành, đó thực sự là điều rất không bình thường.
Vụ án Năm Cam cho đến bây giờ vẫn còn nhiều uẩn khúc trong dư luận. Chúng tôi hy vọng rằng, Cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Tối cao sẽ cho điều tra lại một số trường hợp và nếu minh oan hoặc giảm tội được cho ai đó thì cũng là việc “cứu một người phúc đẳng hà sa”.

Nguyễn Như Phong
(Theo Năng lượng Mới)http://tranhung09.blogspot.com/2011/07/vi-sao-co-nguoi-hung-trong-vu-nam-cam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét