Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Ngỡ ngàng lọt vào chợ rắn Đồng Tháp

Đã từ lâu nghe nói về chợ Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều loại thủy sản đặc trưng vùng sông nước Cửu Long, nhưng vẫn chưa thể hình dung ra sự quy mô của nó nếu không một lần mục sở thị.

Lột da rắn.




Được Hai Cẩn, một người bạn nhà ở Tam Nông (Đồng Tháp), mời về quê anh chơi, chúng tôi rất tò mò muốn biết về cái xứ Tràm Chim ra sao. Hơn nửa ngày đường lặn lội từ TP.HCM, tới Tam Nông cũng đã xế chiều, trong đó mệt nhất là đoạn đường gồ ghề gần 40km từ thành phố Cao Lãnh về thị trấn Tràm Chim. Gặp nhau, Hai Cẩn hồ hởi bảo: “Xế chiều rồi, mấy ông vào rửa mặt, rửa tay cho mát, nghỉ ngơi chút. Tui biểu vợ tui mần mấy con rắn ri cá bọn mình lai rai. Sáng sớm mai tui dẫn mấy ông đi xem chợ rắn”.

6 giờ sáng, Hai Cẩn dẫn chúng tôi thăm “chợ rắn” ngay trung tâm thị trấn Tràm Chim. Tên đầy đủ là chợ thực phẩm Tam Nông, nhưng nổi tiếng về rắn. Ngoài ra, chợ còn bán các loại chim trời, cá nước, toàn loài hiếm thấy ở các vùng khác như chích cồ, cúm núm, vạc… và cả rùa, chuột đồng nhung nhúc trong lồng sắt.

Khi chúng tôi tới, chợ rắn nhộn nhịp người mua, kẻ bán nhưng Hai Cẩn cho biết: “Mình đến giờ này là hơi muộn rồi. Khoảng 5 giờ sáng là mấy thương lái đã đến đây mua rắn, chim, rùa để giao cho các mối hàng ở xa”. Anh dắt chúng tôi đến vựa rắn của bà Tám, một người có thâm niên chục năm buôn bán rắn ở chợ này, nên có biệt danh Tám “rắn”.

Ở vựa rắn của bà Tám, phía trước là một dãy bể kính với rất nhiều rắn sống đủ kích cỡ, từ loại rắn chỉ to bằng ngón tay. Bể kính có chiều dài gần 3m, cao khoảng 50cm và được chia thành 3 ngăn. Hỏi chuyện, bà Tám, cho biết bà chỉ mua bán chủ yếu các loại rắn như: ri cá, ri voi, bông súng… Mỗi ngăn để các con rắn có cùng kích thước chứ không phân loại rắn gì. Xung quanh thấy rất nhiều thùng bằng tôn hoa được đậy kín.

Chỉ vào một thùng, bà Tám cho biết đây là các thùng đựng rắn ri voi có trọng lượng trên 1kg/con. Loại rắn này bán chậm tại đây, nhưng các thương lái từ TP.HCM rất thích, nên bà phải gom hàng từ khắp nơi mới đáp ứng được nhu cầu. Mỗi ngày bà bán được vài trăm ký rắn các loại, trong khi cái chợ này có cả chục hộ kinh doanh rắn như thế. Rắn ri voi thì có giá từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg tùy theo trọng lượng. Còn mấy loại rắn nước khác có giá từ 100.000 – 400.000 đồng/kg.

Theo nhiều hộ kinh doanh rắn tại đây, nguồn rắn được đưa từ Campuchia qua cũng nhiều và từ người dân đi săn bắt quanh khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim cũng có. Cứ vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, những chủ vựa rắn bắt đầu thu mua tấp nập và bán ngay sau đó cho các thương lái.

Về đồng bằng sông Cửu Long mà không biết đến những món khô nổi tiếng như: khô cá lóc, cá sặt, mắm cá trèn, mắm cá linh… thì coi như chưa biết đến vùng đất chín rồng. Tuy nhiên, ở Tam Nông lại có một món khô “độc nhất vô nhị” đó là món khô… rắn.

Anh Trần Văn C., con bà Tám “rắn” cho biết: một ngày vựa anh thu mua hàng trăm ký rắn từ khắp nơi đổ về, kể cả từ Campuchia qua, nên cũng có một phần rắn bị thương, bị ngộp không thể bán tươi được. Cách duy nhất để gỡ vốn đó là chế bến thành khô rắn. Để có được một ký khô rắn, phải cần đến 10 ký rắn tươi.

Phía sau nhà anh C., là một thùng đựng rắn vừa mới chết gần 50kg, đang chờ hai thợ chế biến lột da lấy thịt và xương đem ướp muối. Sau đó phơi nắng và công đoạn cuối cùng là tẩm ướp gia vị, sấy khô. Còn phần da rắn sẽ bán lại cho các cơ sở sản xuất phân bón và làm thức ăn cho cá. Hiện nay, món khô rắn với thương hiệu Tám “rắn” được bán tại chợ Tam Nông với giá từ 350.000 đồng/kg khô thịt và 100.000 đồng/kg khô xương. Anh C. cười nói: “Khô rắn nhà tui nổi tiếng nhất huyện Tam Nông. Số lượng khô rắn làm ra không nhiều. Tính sơ sơ mỗi tuần chỉ làm được 50 – 60kg khô nên có bao nhiêu là bán hết luôn”.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi được anh C. khoản đãi món lẩu rắn bông súng, rắn ri cá và cả món khô rắn “chính hiệu”. Anh cho biết khách phương xa biết tiếng thịt khô rắn ngọt, vừa dai, vừa mềm nên đến tìm mua nhưng toàn là mua phải khô rắn làm giả từ thịt trăn.

Ở Tam Nông, mùa nước nổi, nhà nông trồng lúa phải “trông đứng, trông ngồi” vì sợ ruộng đồng ngập úng, mất mùa. Nhưng thiên nhiên lại “ban tặng” cho người dân nơi đây những sản vật như: rắn, rùa, lươn, ếch, cá, chim… Mùa nước nổi, người dân đi săn bắt rắn, rùa một đêm, có người kiếm được gần 2 triệu đồng là chuyện bình thường. “Bây giờ, đêm nào cũng có khoảng 20 thợ vào Vườn quốc gia Tràm Chim để bắt rắn, rùa và các loài chim nước để bán cho thương lái trong vùng. Loài nào có giá trị, có nguồn tiêu thụ, là bắt hết. Bởi vậy, mấy ông thích ăn các loại chim trời, rắn, rùa cỡ to, cỡ nhỏ gì ở đây cũng có”. – anh C. nói.

Anh C. bước vào trong nhà và đem ra mấy quả trứng chỉ bằng nửa quả trứng gà khoe với chúng tôi. Đây là trứng rắn hổ mang quý hiếm, các ông là khách quý nên tôi mời mấy ông ăn thử. Theo anh C., “chỉ gia đình nào kinh doanh rắn thì mới có trứng rắn ăn thôi. Món “độc” này đi tìm mua chẳng có đâu”.

Nhìn số lượng rắn, rùa và nhiều loại động vật khác thu mua về chợ Tam Nông rồi phân phối đi khắp các nơi hàng ngày, giật mình không biết cảnh “chim trời cá nước” liệu còn kéo dài được tới bao giờ? Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang làm đề án về phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Đó mới là phương cách hay nhất để giải quyết được vấn nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã ở đây. Bởi chỉ có phát triển du lịch để giải quyết việc làm cho người dân, thì mới giữ được hàng trăm loài động vật hoang dã quý hiếm đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long này”. Theo ông Hùng, đề án này có thể được UBND tỉnh Đồng Tháp trình Bộ NN&PTNT phê duyệt trong năm 2013, lúc đó chúng tôi mới có kinh phí để triển khai.

Rất hy vọng một ngày không xa, khi trở lại Tràm Chim chúng tôi sẽ không còn phải chứng kiến cảnh mua bán tấp nập động vật hoang dã ở chợ huyện như thế này nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét