Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Ngại tiếng gièm pha sau khi đem “ngọc” đổi gạo



Cơn bão đầu tiên của năm 2013 khiến cho bầu trời u ám, trời mưa lâm râm kéo dài suốt cả ngày làm cho sắc quê càng ảm đạm. Anh Ba Ni (Trần Văn Ni) ở ấp Láng Hầm A (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) ngồi trong căn nhà mới nhìn ra cửa bằng ánh mắt đượm buồn. Dường như anh đang trong tâm trạng bồn chồn về điều gì đó.


Chính quyền địa phương vẫn thường hay lui tới thăm hỏi, động viên.


“Bây giờ ảnh rất ít chơi với ai vì sợ sẽ có nhiều người biết chuyện ảnh vừa mới đi đình sản; ở nông thôn người ta nói đi… thiến hông hà, nghe vừa quê mà vừa đau nữa!”, người vợ tên TTKX nói giọng trách hờn.

Đem “ngọc” đổi gạo

Cầm tách trà nóng để cho nó nguội dần, Ba Ni kể: “Hồi đó, vợ chồng tui cưới nhau trong hoàn cảnh nghèo, mấy năm trời sống trong cảnh khó, có hai đứa con rồi mà không có miếng đất cấy trồng nào, quanh năm suốt tháng, cả chồng lẫn vợ chỉ biết đi làm mướn nuôi con.” Vợ chồng Ba Ni có hai đứa con trai, đứa lớn năm nay tám tuổi, còn thằng em mới lên ba. “Chỉ riêng tiền nhà trẻ cho thằng nhỏ, mỗi tháng tui phải mất 500.000 đồng, bằng số tiền công nhật của cả hai vợ chồng tui làm trong suốt một tuần lễ”, Ba Ni than.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, giám đốc trung tâm Dân số huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), mấy năm trước, cán bộ dân số đến vận động phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai nhằm giãn khoảng cách thời gian giữa hai lần sinh, thì mấy ông chồng lại không ủng hộ. Nhưng anh Ba Ni thì ngược lại, anh tình nguyện nhận phần việc đình sản về mình. Anh nói: “Mình ở tuổi 30, nhưng nghèo, nếu có nhiều con thì nuôi sao nổi. Bây giờ đi đình sản thì sẽ không còn cơ hội sinh thêm con, mà mình còn được Nhà nước bồi dưỡng thêm cả tiền nữa, lợi cả đôi bề”. Đang lúc khó khăn, túng thiếu, vợ anh Ba Ni đồng ý dù trong bụng cũng không thật sự đồng tình. Chị nói: “Hồi đó cưới nhau lành lặn, bây giờ… làm vậy thấy nó ngồ ngộ! Phải chi bị tai nạn hay bệnh tật gì mà buộc phải vậy thì đành chịu, đàng này… Nhưng thôi, số mình nghèo nên chịu… vậy!”

“Từ nhỏ tới lớn, tui rất sợ bác sĩ với dao, kéo, kim, thuốc… nhưng đã quyết định vụ này rồi thì tui phải ráng gồng mình. Cũng may, nhờ các bác sĩ làm rất nhanh, chỉ mất khoảng 20 phút và cảm giác cũng chỉ hơi… tê tê”, anh Ba Ni kể. Sau đợt tiểu phẫu này anh Ba Ni được nhận thuốc uống dùng trong bảy ngày, cộng với 800.000 đồng tiền mặt và một thẻ bảo hiểm y tế. Nói về ý nghĩa của số tiền 800.000 đồng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đây là khoản tiền Nhà nước hỗ trợ nhằm bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ cho người đã thực hiện việc đình sản”. Tuy nhiên, đối với anh Ba Ni, anh nói: “Số tiền đó tui đem về cho gia đình để dành… mua gạo ăn dần, chứ không dám làm gì khác”.

Ở cùng ấp với anh Ba Ni, nhà của anh Nguyễn Văn Huỳnh nằm tréo về phía bên kia con rạch. Muốn tới nhà anh Huỳnh, chúng tôi phải đi qua một đoạn dài đường đất ngoằn ngoèo, vượt qua một cây cầu nông thôn mới xây xong, nhưng đang còn phải chờ… đường. Do mặt cầu cao hơn đường khoảng 5 tấc, nên cây cầu dù có kiên cố, nhưng nó vẫn đứng chơi vơi, trơ trọi. Người dân xứ này buộc phải gom ván, góp công, đóng hai chiếc thang nối từ mặt cầu xuống nền đường đất ở hai bên đầu cầu cho việc qua lại được dễ dàng.

Ngồi trước hành lang của căn nhà tình thương do Công đoàn mới vừa trao tặng, quay nhìn về phía vườn cam mật rộng khoảng 1.000m2 mới vừa trồng lại, anh Huỳnh hồi tưởng chuyện xảy ra cách đây hơn mười năm. Anh Huỳnh kể: “Đầu những năm 2000, cán bộ dân số đã đến vận động vợ chồng tui đình sản, nhưng lúc đó, vợ chồng tui mới có đứa con đầu, nên cả hai đứa tui đều từ chối thẳng thừng. Năm 2008, vợ chồng tui có thêm một đứa con thứ hai, thế rồi kinh tế gia đình ngày càng bị suy kiệt. Lúc đó, nhìn hai đứa con mà tui muốn đứt từng khúc ruột, tui nghĩ, nếu đẻ thêm một đứa nữa, cuộc sống của gia đình tui sẽ ngày càng tệ hơn, trong khi mình cũng có đủ con trai, con gái rồi, nên tui nghĩ phải ngưng đẻ thôi”. Sau đó, anh Huỳnh quyết định đăng ký đình sản, nhưng lại giấu không cho vợ hay biết, thậm chí, ngay cả số tiền được nhận sau đình sản (800.000 đồng), anh cũng giấu luôn, không dám khoe với vợ.

Tuy nhiên, giấu vợ không được bao lâu, sóng gió lại đến với anh khi vợ anh biết được chuyện này. Vậy là gia đình anh bắt đầu lục đục, vợ anh thường cằn nhằn, trách móc anh tại sao lại tự ý đình sản mà không bàn với vợ. “Có rất nhiều biện pháp tránh thai khác, sao anh không chọn cho vui vẻ cả nhà?”, chúng tôi hỏi. Anh Huỳnh cười xoà: “Mấy bữa đi làm về mà có nhậu rồi thì tui lại quên tuốt luốt, không còn nhớ biện pháp tránh thai nào cả!” Bây giờ, đời sống của gia đình anh Huỳnh có được cải thiện đôi chút, vườn cam của nhà anh mới được trồng lại, cuộc sống của gia đình anh cũng tạm ổn với nguồn thu từ nghiệp làm mướn của vợ chồng anh.

Nam giới đình sản là chủ yếu

Trong thực tế, có rất nhiều người sau khi đình sản, họ trở về sống thu hẹp các mối quan hệ xã hội do họ vẫn còn bị mặc cảm. Ông Trần Văn Việt, trưởng ấp láng Hầm A (thị trấn Rạch Gòi) thừa nhận: “Trần Văn Ni từ sau khi đình sản tới giờ đã gần một năm, nhưng chỉ có vợ và trong gia đình anh Ni biết thôi, chứ đối với bên ngoài, anh ta luôn kín miệng”.

Là người có bề dày kinh nghiệm trong công tác dân số, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Cán bộ, cộng tác viên dân số của các xã, thị trấn phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân cho các trường hợp đình sản của nam hay nữ. Thậm chí cán bộ phải thực hiện trước để làm gương để mọi người làm theo”. Theo bà Hồng, điều đáng chú ý là, trong năm 2012, chỉ tiêu đình sản được tỉnh Hậu Giang giao cho huyện Châu Thành A là 78 ca, nhưng kết quả thực hiện được tới 386 ca, trong đó, có 368 trường hợp đình sản được thực hiện ở nam giới và đa phần rơi vào những hộ nghèo.

Điển hình như, ở thị trấn Rạch Gòi, năm 2012, chỉ tiêu huyện giao là tám ca, kết quả thực hiện được đến 78 ca, với 100% là nam giới. Bà Lê Hồng Trực, cán bộ dân số thị trấn Rạch Gòi, cho biết: “Sau mổ đình sản, nếu là nam giới, họ có thể trở về nhà ngay trong ngày, nghỉ ngơi khoảng ba ngày và không được làm những công việc nặng. Còn đối với nữ giới, sẽ phức tạp hơn như: họ phải nằm lại cơ sở y tế thực hiện thủ thuật để nghỉ dưỡng từ ba – bốn ngày, về nhà họ phải tiếp tục nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa”.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ nổi đình nổi đám nếu như “khi ra đường mà nghe ai đó nói thằng này thiến rồi là tui khó nhịn được”, anh Nguyễn Văn Huỳnh thú thật như vậy. Quả thật, theo anh Huỳnh, đây là vết thương khó lành nếu như những người tự nguyện đình sản không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng; hoặc mọi thứ sẽ lên tới đỉnh điểm xung đột gia đình khi người chồng đã đình sản mà người vợ vẫn mang thai. Trong tình huống trái khoáy này, theo anh Huỳnh, bà vợ sẽ khó trả lời với đức ông chồng và hậu quả sẽ khó mà lường được. Giải thích về “sự cố” này, bà Hồng khẳng định: “Nam giới sau khi đình sản, người vợ vẫn có khả năng mang thai do tỷ lệ không thành công trong đình sản còn khoảng 2%”.

Theo anh Ba Ni, bây giờ, ngồi trong căn nhà tường (căn nhà tình thương), nền lót gạch men sạch sẽ khiến cho anh Ba Ni nhớ lại cái mùi ẩm mốc xông ra từ vách lá mỗi độ mưa dầm, anh nhớ cả những tiếng mưa dột lách tách đọng thành vũng to, vũng nhỏ trên nền đất bên trong nhà lúc gia đình anh còn nghèo khó. Mặc dù vết mổ đình sản đã lành từ lâu, nhưng cả anh Ba Ni, anh Hai Huỳnh… đều cảm thấy vết thương trong lòng vẫn còn do họ vẫn bị mặc cảm và lo ngại một ngày nào đó, chuyện sẽ ra sao khi mọi người chung quanh biết được chuyện đình sản của mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét