Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Chuyện tình buồn chàng 38 nàng 90 ở Sapa



Hai người ấy mỗi lần gần nhau là cứ như thể có 'giông bão trong rừng'. Nhưng giờ người đã bị con cái nhốt, người thì bỏ đi biệt xứ.

Hai năm trước đây, chuyện tình của “nàng 88 và chàng 36” từng là chủ đề bàn tán không ngớt. Người thì cho rằng, đó là chuyện tình của người tâm thần, kẻ lợi dụng, người thì cho rằng, đó là sự suy đồi đạo đức. Lãnh đạo địa phương đã phải vào cuộc nhiều lần để tìm hiểu thực hư chuyện tình này. Thậm chí, một vị lãnh đạo ở Lào Cai đã đích thân đưa Giàng A Linh, người tình trẻ của cụ bà xuống tận Hà Nội, khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nhưng kết quả cho thấy Linh hoàn toàn bình thường.

Sau khi nhận được kết quả từ bệnh viện, Giàng A Linh rất vui, bày tỏ với các bác sĩ rằng: "Sau khi mối tình của mình trở nên nổi tiếng, mình càng thấy yêu bà Sông hơn". Ông Trần Ngọc Lâm, người được mệnh danh là "người rừng", là người có kinh nghiệm sống với đồng bào dân tộc, khẳng định rằng, chuyện tình ấy là có thật. Bản thân ông cũng đã trò chuyện nhiều lần với anh chàng Giàng A Linh và với tư duy của một thầy thuốc, ông khẳng định đầu óc của Linh hoàn toàn bình thường.

Còn về phía bà Hạng Thị Sông, thì ông Lâm biết rất rõ. Bà Sông có lẽ là người có thâm niên bán hàng rong ở thị trấn Sapa lâu nhất. Ở tuổi 88, bà vẫn cuốc bộ đều đặn từ nhà ở xã Sử Pán vượt quãng đường 20 km đến thị trấn Sapa để bán hàng rong kiếm sống. Bao năm nay, cụ bà này vẫn tự kiếm sống. Ngoài tiền thuê trọ, ăn uống, bà dành dụm gửi về cho con cháu. Ở tuổi bà vẫn làm được như thế thì không thể có chuyện bị tâm thần được.

Bà Lịch, chủ nhà trọ, nơi cặp tình nhân Sông và Linh thuê ở cùng nhau, bụm miệng cười rúc rích kể rằng, cặp tình nhân này mỗi lần bên nhau chả khác gì đôi chim cu gáy, “cứ như thể có giông bão trong rừng…”. Những người đàn ông ở xóm trọ, quanh nhà bà Lịch thực sự ghen tị với anh chàng Giàng A Linh. Anh Linh được người tình chăm bẵm rất chu đáo. Đêm nào bà Sông cũng nấu nồi nước lá để người tình ngâm chân cho ấm.

Cặp tình nhân Sông - Linh 3 năm trước.

Chuyện tình của họ không những đầy đủ về mặt tinh thần, mà còn cả cảm xúc thể xác. Đã nhiều lần hỏi đi hỏi lại câu chuyện tế nhị này, song cụ bà đã mấy đời chồng và anh chàng đã 2 đời vợ này, đều bẽn lẽn khoe rằng, mỗi lần ở bên nhau, họ quên cả trời đất, "làm phiền” cả xóm trọ.

Cảm động với chuyện tình của 2 người, bà Lịch đã thuê thợ đắp cái cửa sổ căn phòng “đôi chim cu gáy” thuê trọ thành hình trái tim. Bà Lịch rất tâm đắc với ý tưởng đó của mình và coi biểu tượng đó là sự bất diệt của tình yêu. Nhưng rồi, bà Lịch buộc lòng phải làm một cái việc, mà trong lòng bà cũng cảm thấy bất nhẫn, đó là “cắt hợp đồng thuê trọ” với cặp tình nhân này. Nhiều người nói vào tai bà rằng, người già như thế, mà yêu nhau đắm say, thì dễ đột tử lắm. Nhỡ cụ bà nổi tiếng này đột tử, thì ai còn dám thuê nhà trọ của bà nữa.

Thời điểm đó, khách du lịch lên Sapa, ngoài việc đi thăm thú cảnh quan, thì đều muốn tìm gặp cặp tình nhân này. Không ít người dò hỏi bà Sông rằng bà uống thuốc gì mà được hưởng niềm hân hoan lâu vậy. Câu chuyện tình ầm ĩ xuất hiện đã tròn 3 năm. Cộng với 6 năm họ chìm đắm trong men tình, đến hôm nay đã là năm thứ 9. Chàng trai ấy giờ đã ngót 40, còn “em” của chàng giờ đã tròn 90 tuổi, cái tuổi thượng thọ. Nhưng gần đây những người lên chợ Sapa không còn bắt gặp cặp tình nhân này uống rượu với nhau, tay trong tay đi trong sương mờ huyền ảo Sapa nữa.

Ông Lâm trao đổi bằng tiếng Mông với mấy người ở gần nhà bà Sông, thì được cho hay, cụ bà Hạng Thị Sông đang bị “nhốt” ở nhà ông Vàng A Đỏ, là con trai của bà. Thấy đoàn khách đến, chủ nhà hồ hởi ra đón. Chị nói giọng tiếng Kinh lơ lớ: “Khổ lắm! Bà mẹ mình già rồi mà vẫn thích trai trẻ, làm xấu mặt cả nhà ta. Nhà ta ngượng với làng bản lắm rồi”.

Cụ bà Hạng Thị Sông tuy đã già, dáng dấp nhỏ, gầy, nhưng nước da căng bóng. Vừa nhắc đến Giàng A Linh, cụ bà đã vén vạt áo lau nước mắt. Mấy năm trước, khi nhắc đến chuyện Giàng A Linh bị bệnh, thi thoảng lại lăn ra co giật, bà Hạng Thị Sông thương người tình đã tuôn nước mắt. Giờ nhắc đến Linh, bà lại khóc được ngay.

Một cô chắt xen vào: “Cụ con nhớ người yêu đấy các chú ạ. Ngày nào cụ cũng tâm sự với bọn con. Cụ bảo cụ nhớ chú Linh như con nai nhớ rừng, như con cá nhớ sông, con đại bàng nhớ núi. Cụ con hay khóc lắm. Cứ nhắc đến chú Linh là cụ khóc ngay”.

Rồi bà Sông nắm tay khách, hỏi: “Cháu có gặp Linh không? Nó có khỏe không? Có có còn nhớ bà hay quên bà rồi?” Hỏi han một hồi, rồi bà quay sang mắng nhiếc đám con. Bà kể rằng, đám con đã chia rẽ mối tình của bà, đã bắt bà về, nhốt như tù nhân.

Mỗi lần nhắc tới người tình, bà lại rớt nước mắt. Bà bảo với người khách: "Nếu gặp Linh thì bảo bà nhớ Linh nhiều lắm. Bà yêu Linh nhiều lắm. Linh giữ gìn sức khỏe nhé. Đừng uống rượu nhiều"

Chị Dính cũng rơm rớm nước mắt kể rằng, việc nhốt mẹ ở nhà là việc cực chẳng đã. Cuộc đời mẹ chị vốn nhiều bất hạnh, đã qua tới mấy đời chồng mà chẳng được bình yên khi những người chồng lần lượt ra đi. Bao năm cô đơn, chèo chống nuôi con, đến cuối đời, bà Sông mới lại có được một cuộc tình trong mộng, với chàng trai sinh năm 1975, tức kém bà tới 52 tuổi. Họ đã có thời gian yêu nhau say đắm ngót một thập kỷ.

Chị Dính bảo: “Họ yêu nhau kinh lắm, không sao tách ra được. Có đến cả chục lần đích thân mình và các cháu về Sapa, nói nặng có, nói nhẹ có, nhưng chẳng ăn thua gì. Lần nào, mẹ cũng tránh mặt, không thèm nói chuyện, đuổi về. Mình gặp thằng Linh, bảo nó đừng yêu bà già nữa, đi tìm gái trẻ mà lấy, nhưng thằng Linh lại bảo chỉ yêu mẹ mình thôi, không yêu ai khác nữa.

Suốt mấy năm trời can ngăn chẳng được, nên gia đình cũng nản, mặc kệ mẹ muốn làm gì thì làm, muốn yêu thì yêu nhưng nhất định không cho cưới. Mẹ mình cũng từng dẫn Linh về đòi cưới, nhưng nhà mình đuổi thẳng cổ, nên không dám về nữa”.

Theo chị Dính, cách đây mấy tháng, khi nghe tin bà Sông ốm nặng, chị Dính và anh trai là ông Đỏ, cùng đám con cháu tức tốc xuống thị trấn Sapa đón bà Sông về nhà chăm sóc. Sau khi được thầy lang bốc thuốc, được chăm bẵm tận tình, thì bà Sông khỏi bệnh. Bà đòi về thị trấn bán hàng, nhưng đám con cháu không cho đi nữa.

Từ bấy đến nay, mấy người con phân công nhau trông nom, không cho bà bước chân xuống đường cái. Hễ bà bước chân ra đường cái là đám con cháu chạy theo kéo bà về. Nhiều lần bà nổi khùng, chửi bới, đòi đi, nhưng đám con cháu nhất định không cho bà đi nữa.

Bà nhớ Sapa, nhớ người tình, đám con cháu cũng làm ngơ. Mấy lần Linh tìm đến, nhưng cả nhà xua đuổi, không cho vào nhà gặp cụ. Lâu nay không thấy lên nữa. Trước khi khách về, cụ bà còn dặn dò: “Nếu gặp Linh thì bảo bà nhớ Linh nhiều lắm. Bà yêu Linh nhiều lắm. Linh giữ gìn sức khỏe nhé. Đừng uống rượu nhiều…”.

Giàng A Linh, do chuyện tình bị ngăn cấm nên đã bỏ đi biệt xứ.

Đại gia đình nhà Giàng A Linh sống rải rác trên gần đỉnh ngọn La Pán. Gọi cửa một hồi thì cụ bà Má A Chỉnh lò dò ra đón khách. Cụ bà bảo: “Trước thì ta ở với thằng Linh, nhưng lâu nay nó bỏ đi đâu không biết nữa". Nhắc đến người con trai Giàng A Linh, mặt cụ bà buồn rười rượi.

Cụ bà lắc đầu kể: “Ta không đồng ý chuyện nó và bà Sông đâu. Ta chỉ cho lấy người nào 25 tuổi thôi. Bà đó già lắm rồi. Nó khác gì con lợn già rụng hết răng đâu. Chả mấy năm nữa thì chết thôi. Lấy nó về thì lên nương làm sao được nữa”.

Theo lời cụ Chỉnh, cụ khổ sở vì cậu con Linh gần 10 năm nay rồi. Cuộc đời Giàng A Linh bi đát, tâm hồn Linh lại đau khổ như con nai lạc đường về. Cụ giận Linh vì không chịu nghe lời, nhưng cụ cũng thương Linh vì cứ mãi lận đận đường tình duyên.

Khi 16 tuổi, Linh lấy vợ hơn 4 tuổi do sắp đặt. Cô vợ này lớn tuổi hơn, biết lo lắng cho gia đình chồng, biết lên nương, làm lụng mọi thứ. Cuộc hôn nhân không tình yêu đó đã biến thành bi kịch. Không có tình yêu với bà chị trong bản, nên Linh lạnh nhạt. Ở với nhau 4 năm thì chia tay.

Mấy năm sau, gia đình lại cưỡng ép Linh lấy cô vợ khác cho đỡ buồn nhưng ở với nhau một thời gian, thì cô vợ xuống UBND xã kiện chồng vì tội… không chịu ngủ với vợ. Ngày đi làm nương cùng nhau, nhưng đêm Linh trèo lên gác ngủ, để vợ nằm một mình. Bỏ vợ, Linh ở vậy với mẹ. Hàng ngày, Linh lên nương lầm lũi làm việc như con trâu, con bò. Một mình Linh cày ruộng, gieo hạt.

Hai mẹ con sống với nhau bao năm nay, Linh không để mẹ phải thiếu đói bao giờ, cho dù, ở bản nghèo, toàn núi đá này, mỗi năm đồng bào thiếu đói vài tháng. Ngày rỗi thì Linh tìm xuống Sapa uống rượu với bà Sông, rồi ở với bà Sông như vợ chồng vài ngày. Linh chỉ đáo qua nhà ngó nghiêng xem mẹ thế nào, rồi lại đi tìm người tình hơn mình 52 tuổi.

Theo bà Chỉnh, đã có mấy lần Linh dẫn người tình già về nhà xin cưới, nhưng cả gia đình bà không đồng ý, đuổi thẳng. Gia đình tin rằng Linh bị trúng bùa mê thuốc lú, nên đã nhờ cậy thầy cúng giải bùa. Hai người anh trai ra sức khuyên can, mắng chửi, nhưng Linh không nghe. Có người bảo Giàng A Linh đau khổ vì mất người tình nên say xỉn suốt ngày ở Sapa.

Khi được thông báo, con cháu đã nhốt bà Sông ở nhà, không cho về Sapa gặp Linh nữa, bà thoáng vui mừng, kể: “Thảo nào mấy lần trước thằng Linh về nhà mặt mũi cứ buồn rười rượi. Hỏi gì nó cũng không nói. Đến bữa thì mang chai rượu ra ngồi lầm lũi uống. Say rượu thì nó nằm khóc trong buồng”. Theo bà Chỉnh, lâu nay Linh ít về nhà. Có người bảo từng gặp Linh say lướt khướt ở thị trấn Sapa, có người bảo Linh theo bạn đi đào đãi vàng, có người bảo Linh về xuôi đi làm thuê làm mướn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét