Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Chân dung nghi phạm thảm sát trường học Mỹ


Adam Lanza, kẻ xả súng trường học làm 27 người thiệt mạng ở bang Connecticut, học giỏi nhưng sống cô độc và bị nhiều người quen biết cho là "có vấn đề".

Adama Lanza, nghi phạm xả súng, gây ra cái chết của 27 người, trong đó có 20 trẻ em, tại trường tiểu học Sandy Hook. Ảnh: ABCNews


Adam Lanza, 20 tuổi, được xác định là kẻ dùng hai khẩu súng ngắn nã đạn vào trường tiểu học Sandy Hook, ở Newtown, bang Connecticut vào 9h30 sáng qua, làm 26 người thiệt mạng rồi tự sát. 20 người trong số các nạn nhân là trẻ em.

Trước đó, y đã bắn chết mẹ mình, bà Nancy Lanza, tại nhà rồi lái xe đến trường tiểu học, gây ra vụ thảm sát trường học nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử Mỹ. Ngay sau khi gây án, y đã tự sát bằng súng.

Bạn của gia đình Lanza cho hay người thanh niên này có vấn đề, và mô tả bà Nancy là một người cứng rắn. "Adam không gần gũi với những đứa trẻ khác", một người bạn nói.

"Nó chắc chắn có vấn đề trong một khoảng thời gian dài", Beth Israel, mẹ của một học sinh cùng lớp Adam ở trường trung học Newtown, nói.
Cô độc

Trong quãng đời ngắn ngủi của đời mình, Lanza để lại rất ít dấu vết, trên mạng hay ở bất cứ nơi nào khác. Khác với anh trai Ryan, y không có tài khoản Facebook. Tốt nghiệp trung học phổ thông khóa 2010, Adam Lanza thậm chí còn không có ảnh trong cuốn kỷ yếu của trường. Ô của Lanza có ghi "không thích chụp ảnh". Những người tốt nghiệp năm ấy không tin là cậu đã học xong.

Matt Baier, sinh viên cuối cấp đại học Connecticut, và một số bạn cùng lớp cấp ba của Adam Lanza nhớ lại về việc hắn không thoải mái thế nào trong môi trường xã hội. Một số người nghĩ rằng Lanza bị rối loạn phát triển. Họ được kể đó là hội chứng Asperger, một dạng của chứng tự kỷ. Người bị mắc chứng này có trí thông minh và ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng kém khả năng giao tiếp trong xã hội.

"Nếu nhìn vào y, bạn không thể thấy bất cứ cảm xúc nào trong đầu hắn", Olivia DeVivo, bạn cùng lớp của Adam Lanza cho biết. Sau khi nghe tin về vụ xả súng, cô liên lạc lại với bạn bè ở Newtown. "Họ không bất ngờ", cô nói. "Họ luôn nghĩ y là kẻ có thể làm điều đó, bởi y không thực sự gắn kết với trường phổ thông của chúng tôi, và cũng không thực sự gắn kết với thị trấn của chúng tôi", DeVivo cho hay.

Baier, người ngồi cạnh Lanza trong lớp cho biết y gần như không nói một từ nào trong cả năm học, nhưng lại có điểm cao. Cậu biết điều này chỉ khi nhìn trộm điểm của Lanza khi giáo viên trả bài kiểm tra cho học sinh.

Các quan chức hành pháp cho biết họ đang điều tra kỹ lưỡng liệu Lanza có mắc chứng rối loạn này hay không.

Dưới cái nhìn của bạn cùng lớp, thời niên thiếu của Lanza dường như có nhiều sóng gió. Năm 2006, anh trai của y tốt nghiệp cấp ba và chuyển đến đại học Quinnipiac ở Connecticut, để lại y sống một mình với bố mẹ, với cuộc hôn nhân đang rạn nứt. Năm 2008, họ ly hôn sau 17 năm chung sống, theo ghi chép của tòa án. Cha y chuyển sang nơi khác và tái hôn. Còn y sống với mẹ trong một ngôi nhà ở Newtown, cách trường tiểu học nơi bà Nancy Lanza dạy học khoảng 8 km.

Giấy tờ tùy thân của Ryan Lanza được tìm thấy trên thi thể của em trai, gây ra sự nhầm lẫn của cơ quan hành pháp.
Thảm sát

Anh trai của y, Ryan Lanza, 24 tuổi, đang bị cảnh sát thẩm vấn. Trước đó, một quan chức thi hành pháp luật đã công bố nhầm người anh trai là thủ phạm. Trên trang Facebook của mình, vào chiều hôm qua, Ryan viết "không phải tôi", và "Tôi đã ở cơ quan".

Ba khẩu súng được tìm thấy tại hiện trường, trong đó có hai khẩu súng ngắn Glock và Sig Sauer, và một khẩu súng trường. Khẩu súng trường được tìm thấy đằng sau xe ôtô của y tại trường.

Bà ngoại của nghi phạm, Dorothy Hanson, 78 tuổi, quá đau khổ và kinh hãi đến mức không thể trả lời điện thoại của phóng viên.

"Tôi không biết, tôi không thể nói gì bây giờ", bà Hanson nói với giọng run rẩy qua điện thoại, rồi khóc. Bà nói thêm rằng chưa được thông báo chính thức nào từ giới chức về cái chết của con gái và cháu ngoại. Rồi bà gác máy.

Hàng xóm nhà Lanza cho biết bà Nancy, mẹ của nghi phạm sát thủ, là một người hiền lành, thích làm vườn và thường tham gia chơi game cùng một nhóm phụ nữ láng giềng. "Bà ấy rất dễ chịu, cũng bình thường như bao người khác ở đây", một người hàng xóm kể. "Bà ấy thường trang trí nhà cửa cho đẹp vào những dịp lễ".

Tổng thống Mỹ Barack Obama gạt nước mắt trên truyền hình, khi ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân. Ông đề nghị treo cờ rủ và hứa sẽ thực hiện những hành động có ý nghĩa nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự, bất chấp sự phức tạp của chính trị. Đây ít nhất là vụ xả súng hàng loạt thứ 10 ở Mỹ kể từ khi ông Obama lên nắm quyền hồi tháng 1/2009. Nhiều vụ khác xảy ra những năm trước đó.

Vụ xả súng ở Newtown diễn ra chưa đầy 6 năm sau vụ nổ súng trường học tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Vào ngày 16/4/2007, sinh viên Seung Hui-cho, 23 tuổi, đã giết 32 người, làm bị thương 17 người khác trước khi tự sát ở đại học Virginia Tech, bang Virginia. Bất chấp những thảm kịch này, thái độ đối với việc siết chặt luật sở hữu súng đạn vẫn còn trái chiều. Nhiều người Mỹ phản đối việc hạn chế sở hữu súng tại nhà, điều họ coi là quyền được quy định trong hiến pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét