Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Đập Thủy điện Sông Tranh 2 sắp vỡ ?

Trận động đất thứ 10 trong bốn ngày ở Bắc Trà My
TPO - Khoảng 9h27 sáng nay (7- 9) vùng Bắc Trà My (Quảng Nam) tiếp tục xảy ra động đất mạnh. Tính từ tối 3 -9 đến sáng 7-9, khu vực huyện Bắc Trà My xảy ra 10 đợt động đất và rung chấn.

Vết nứt đã được san ủi.
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biêt: “Rung chấn xảy ra kéo dài khoảng 5 giây. Động đất mạnh tương tự trận động đất tối 3 -9 và sáng 6-9 khiến người dân hoang mang hoảng sợ, bỏ chạy ra khỏi nhà!”.
Tại UBND huyện Bắc Trà My, cán bộ và lãnh đạo huyện cho biết, động đất làm toàn bộ bàn ghế và các vật dụng trong các phòng làm việc rung mạnh.
Trước đó, lúc 7h20 sáng 6 - 9, một đợt động đất mạnh 3,5 độ richter khiến người dân hoang mang và hoảng sợ.
Như vậy, kể từ tối 3 -9 đến sáng 7-9, khu vực huyện Bắc Trà My xảy 10 đợt động đất và rung chấn, người dân cảm nhận rõ rệt.

Người dân Bắc Trà My lo sợ vì động đất xảy ra liên tục.
Sáng 7 - 9, ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu đang trên đường vào Bắc Trà My để khảo sát, kiểm tra hiện tượng động đất. UBND huyện tha thiết, mong muốn các cơ quan chức năng sớm có kết luận cuối cùng trên cơ sở khoa học để người dân bớt lo lắng”.
Trong khi đó, tại khu vực chân đập Thủy điện Sông Tranh 2 vết nứt và sụt lún bất thường ở chân đập đã được Ban quản lý thủy điện Sông Tranh cho máy xúc và máy ủi san lấp bằng phẳng.
Nguyễn Thành


Dân và chính quyền đứng ngồi không yên vì động đất
TP - Động đất kèm tiếng nổ và rung chấn mạnh liên tiếp xảy ra những ngày qua khiến chính quyền địa phương cùng hơn 20 ngàn người dân trong huyện dưới đập thuỷ điện Sông Tranh 2 chưa bao giờ trong tâm trạng hoảng hốt như vậy.


Một điểm sụt lún bất thường ngay dưới chân đập Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chỉ trong vòng bốn ngày đêm từ tối 3-9, trên địa bàn toàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra gần 10 trận động đất. Trận mạnh nhất 4,2 độ richter được Viện Vật lý địa cầu đo vào tối 3-9.
Trong khi đó, ngưỡng chịu đựng động đất của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 5,5 độ richter. So với trận động đất mạnh nhất hồi cuối năm 2011 (3,4 độ richter), thì động đất dưới con đập thủy điện chứa 730 triệu m3 nước này đang có xu hướng dày hơn với cường độ mạnh hơn.
Trận động đất sáng qua, theo cán bộ và người dân địa phương, dù chỉ kéo dài khoảng chục giây, nhưng sức rung chuyển không kém trận xảy ra tối 3-9.
7h20 sáng qua một tiếng nổ lớn lại vang rền, trong vòng mấy giây, mặt đất rung chuyển, vật dụng trong nhà dân rung lên bần bật, nhà cửa chuyển động. Toàn bộ khách nháo nhào chạy ra khỏi phòng. Thị trấn lại được một phen nháo nhác.
Thị trấn Trà My những ngày qua đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện động đất. Người dân liên tục cập nhật thông tin động đất từ đài truyền thanh huyện và báo chí.


Người dân Bắc Trà My lo sợ kể về động đất .

“Nhìn mặt trước đập đầy những vết dán. Người ta chống thấm kiểu gì chúng tôi không biết, nhưng thấy nó loang lổ thế kia đã thấy ớn lạnh rồi. Nay động đất nữa lại càng khiếp hơn” - anh Trần Văn Hưng, một người dân ở thị trấn nói.
“Động đất mấy ngày nay xảy ra như cơm bữa. Sống ngay chân đập không lo sao được. Sợ lắm!” - chị Lê Thị An - người dân thôn 4 Trà Tân, cho biết.
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Tân, khu vực nằm dưới đập Sông Tranh 2, cho biết: “Động đất ngày càng mạnh, người dân bắt đầu chuyển sang ở trong những nhà gỗ cũ, không dám ở nhà xây, vì sợ sập nhà. Lo nhất vẫn là những nhà tái định cư kém chất lượng xuống cấp nghiêm trọng, dễ đổ sập bất cứ lúc nào”.
Dọc theo tuyến đường ĐT 616 hàng chục hộ dân sống dọc hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng đã bắt đầu lục đục chuyển qua những ngôi nhà gỗ để ở.
Đáng ngại là dư chấn động đất đã lan rộng sang các huyện lân cận như Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, thậm chí sang vùng cách đó cả trăm cây số. Ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn) cho hay, dù cách tâm chấn động đất ở Bắc Trà My khoảng 100km, nhưng những lần động đất, một số nơi ở Quế Lộc cũng bị rung lắc.
Chị Nguyễn Thị Dung (thôn Lộc Trung), xác nhận: Sáng 3-9, lúc cả nhà đang xem ti vi thì thấy rung lắc nhẹ, sau đó trâu bò ở ngoài chuồng tự nhiên hí lên rồi húc đổ cửa chạy tứ tung. Hàng chục người dân kéo ra đường. Tình hình các ngày sau cũng y hệt như thế.
Đặc biệt, theo ghi nhận tại đập Sông Tranh 2 đang xuất hiện một vệt nứt lún sâu mới và xói lở ở ngay vị trí chân đập sau những trận động đất vừa qua. Trong khi đó, ở phía bờ vai phải bên tuyến đường ĐT 616 điểm sụt lún đang được gia cố bằng những rọ sắt bọc đá, quả núi bên cạnh xuất hiện những sạt lở, vết nứt sâu.
Ông Lê Văn Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, kể: Đêm 3-9, ngay sau trận động đất mạnh nhất xảy ra, ông cùng Chủ tịch UBND huyện Đặng Phong lập tức có mặt ở Trà Tân ngay phía dưới chân đập để kiểm tra tình hình, trấn an dân.
Lúc này người dân đang còn nháo nhác chạy ra đường, vì nhà cửa rung chuyển mạnh. Nhưng khi xe vừa dừng ở ngã ba Trà Tân, có người dân chỉ mặt lãnh đạo huyện, mà rằng: “Các ông phải làm gì đi chứ! Cứ thế này chúng tôi không thể sống nổi”.
May sao một người lớn tuổi kịp can ngăn đỡ lời: “Cán bộ đêm hôm lên với bà con là tốt rồi. Động đất họ đâu có giải quyết được gì !”. Ít ai biết, cán bộ huyện Bắc Trà My đang phải gánh chịu nhiều áp lực đến mức nào từ công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 và những trận động đất.
Ông Tuấn thở dài: “Thấy động đất mình cũng sợ, huống chi dân ! Bây giờ an dân, ổn định tâm lý cho người dân cũng rất khó. Mình làm sao dám khẳng định với dân rằng động đất, đập thủy điện không can dự gì đến tính mạng của dân? Mình đâu phải là nhà khoa học”.
Hàng ngàn người dân đã thực sự lo sợ bởi mức độ động đất ngày càng tăng, nhà cửa nứt toác sau những rung chấn. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau những trận động đất, huyện đã tự vạch sẵn một kế hoạch di dời dân lên những điểm cao đề phòng sự cố.

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra hiện tượng động đất
Chiều 6-9, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My và kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bộ KH&CN nhanh chóng phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu quá trình diễn biến động đất và lắp đặt hệ thống quan sát tại huyện Bắc Trà My vào danh mục đề tài cấp Nhà nước để sớm triển khai thực hiện; Viện KH&CN, Viện Vật lý địa cầu cập nhật, chia sẻ thông tin quan trắc động đất từ trạm quan trắc tại huyện A Lưới (TT- Huế) để có thông tin đầy đủ và khách quan trong việc đánh giá tình hình động đất xảy ra trên địa bàn Bắc Trà My nói riêng, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung.
Nguyễn Thành



Dự báo có động đất mạnh hơn
TP - Chuyên gia Vật lý Địa cầu hàng đầu VN cho hay, theo quy luật phát triển của động đất kích thích thì trận động đất 4,2 độ richter ngày 3-9 chưa phải là trận động đất mạnh nhất. Dự báo sẽ có những trận động đất mạnh hơn nhưng không vượt qua ngưỡng 5,5 độ richter.

Biểu đồ: Diễn biến động đất tại vùng thủy điện Sông Tranh 2 từ cuối năm 2011 đến nay (Đồ họa: QD).
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, diễn tiến các trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đang diễn ra đúng với quy luật của động đất kích thích.
Tức là sau hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước sẽ xảy ra các trận động đất yếu và nhiều giống như các trận động đất xảy ra hồi tháng 11-2011 và tháng 3-2012.
Động đất sau đó sẽ nhiều hơn nữa và cường độ cũng mạnh lên giống với các trận động đất xảy ra mấy ngày nay. Khi tích nước đến một thời gian, khối lượng nhất định sẽ xảy ra trận động đất mạnh nhất trong chuỗi các động đất kích thích được gọi là kích động chính.
Tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, dựa trên diễn tiến của quá trình động đất, quá trình tích nước, ngưỡng động đất cực đại 5,5 độ richter, có thể dự đoán trận động đất 4,2 độ richter có thể chưa phải là kích động chính.
Động đất sẽ còn mạnh hơn nữa và có thể đạt 5 độ richter, sau đó sẽ yếu dấn và đi vào ổn định hoàn toàn.
Câu chuyện tương tự từng xảy ra ở Hòa Bình, theo GS Xuyên. Năm 1989, sau khi tích nước ở hồ thủy điện Hòa Bình tới độ cao 86 mét, động đất kích thích bắt đầu xảy ra nhiều và yếu, sau đó mạnh dần lên với chuỗi động đất 3,5-4 độ richter vào tháng 4-1989, một tháng sau đó động đất lên đến 4,9 độ richter.
Hai năm sau, động đất mạnh 5,1 độ richter xảy ra khiến nhiều nhà dân bị đổ. Đây chính là kích động chính của chuỗi động đất kích thích xảy ra tại Hòa Bình. Sau đó động đất yếu dần và ổn định. Quá trình này tại kéo dài trong năm năm.
Vì thế, theo GS Xuyên, động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 sẽ còn mạnh hơn nhưng sẽ không vượt quá ngưỡng 5,5 độ richter, ngưỡng động đất cao nhất có thể xảy ra trên đới gãy hoạt động trong khu vực.
Cũng sẽ mất vài năm nữa, hoạt động địa chất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 mới đi vào ổn định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, cho biết, trong sáng qua, bốn trận động đất tiếp tục xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Trong đó trận động đất lớn nhất xảy ra lúc 7h17 với cường độ 3,4 độ richter, nằm ở tâm chấn 15,388 độ vĩ Bắc; 108,120 độ kinh đông, gần khu vực đập thủy điện sông Tranh 2. Tiêu chấn của trận động đất là hơn 7km. Ba trận động đất khác có cường độ xấp xỉ 3 độ richter.
Những trận động đất trên đã gây ra rung chấn cấp 6 (thang MSK-64) ở chân đập thủy điện Sông Tranh 2 và rung chấn trên cấp 7 (thang MSK-64) ở đỉnh đập. Như vậy, từ 3-9 đến 6-9 có 12 trận động đất xảy ra liên tiếp ở khu vực gần thủy điện Sông Tranh 2.
Hôm nay (7-9), Viện Vật lý Địa cầu sẽ cử hai đoàn chuyên gia khảo sát vào huyện Bắc Trà My. Các chuyên gia sẽ tiến hành tìm hiểu trong nhân dân để xây dựng đường bản đồ lập chấn ở khu vực này. Qua đó đánh giá, dự báo nguy cơ động đất trong khu vực. Đợt khảo sát dự kiến kéo dài 10 ngày.
Nguyễn Hoài



Tích nước tới cực đại, dễ xảy ra sự cố
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí học Việt Nam (GV Khoa Thủy lợi - Thủy điện ĐH Bách khoa Đà Nẵng), cho rằng: Với cường độ động đất như trong mấy ngày vừa rồi, sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục cho tích nước trong thời gian tới.
“Bắc Trà My đã nằm trong bản đồ đới đứt gãy, có khả năng động đất cao. Khi xây đập thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát cần phải tính đến áp suất cột nước sẽ gây ra động đất kép. Cột nước càng cao, áp suất càng lớn, vì thế, nếu cho tích nước tới cực đại, rất dễ xảy ra sự cố”.
Theo GS. Hùng, với một đập thủy điện bình thường, được thi công chất lượng đúng nghĩa thì không sao, nhưng thủy điện Sông Tranh 2 là bất bình thường, bằng chứng là những vết nứt gây nước chảy nhiều từ thượng lưu sang phần hạ lưu.
Về việc xử lý rỉ nước thân đập, GS. Hùng cho biết: Thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy, vì thế không thể nào xả mực nước đến tối thiểu để chữa bệnh ngay trong thân đập.
Nhà thầu Trung Quốc chỉ gia cố vết nứt ở phía ngoài phần thượng lưu, đó là giải pháp tạm thời. Nếu không có động đất, gia cố kiểu đó chỉ đảm bảo được 7 - 10 năm là cùng.
Còn bây giờ rung chấn liên tiếp như thế, không biết điều gì sẽ xảy ra. Các vết nứt sẽ bị thương trở lại, khi nước lách qua khe nứt, với hơn 700 triệu m3, cột nước cao hơn 80m thì đừng nói là bê tông, sắt nó còn cắt đứt chứ chẳng chơi.
Nam Cường
Reply With Quote

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét