Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Tin Thứ Hai 28/05/2012.

Tin Thứ Hai 28/05/2012.

Điểm tin thời sự thế giới thứ Bảy, ngày 26/05/2012
(Vivian tổng hợp và chuyển ngữ)

Anh trai của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành mất tích

BEIJING – Luật sư Liu Weiguo cho hãng thông tấn Reuters biết, ông Trần Quang Phục, anh trai của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đã bỏ trốn ra khỏi nhà ở Quảng Đông đến Bắc Kinh, tìm trợ giúp về pháp lý để bảo vệ con trai của ông là Trần Khoa Qúy đang bị giam giữ và bị cáo buộc tội hình sự. Tối thứ Sáu không thấy ông trở về khách sạn. Trần Khoa Qúy, 32 tuổi, cháu trai của ông Trần Quang Thành bị cáo buộc “cố ý giết người,” vì dùng dao chống lại quan chức địa phương, khi họ xông vào nhà ông ngày 27-04, một ngày sau khi họ phát giác ra người chú khiếm thị của anh trốn thoát. Ông Trần Quang Phục nói rằng, ông bị cấm ra khỏi làng. Cảnh sát hăm dọa, nếu ông trả lời phỏng vấn con trai của ông sẽ bị tăng án, và có thể bị tử hình. Ông Trần Quang Thành ở Hoa Kỳ, rất lo ngại cho anh mình, đã nhờ bạn hữu tìm kiếm ông Phục. Ông Michael Posner, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động cho biết trong ngày thứ Năm rằng, Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ vấn đề gia đình của ông Trần ở Trung Quốc.

Một tay súng trên mái nhà bắn chết 02 người

HElSINKI – Một người đàn ông 18 tuổi mặc quần áo ngụy trang, nổ súng từ trên mái nhà giết chết 02 người, khiến 07 người khác bị thương, trong đó có một nữ cảnh sát hiện đang ở tình trạng nguy kịch. Cả hai nạn nhân cũng 18 tuổi, là một nam và một nữ. Các phương tiện truyền thông loan tin, vài người bị thương kể cả một người bị sát hại, là thành viên của đội bóng chày Phần Lan Hyvinkaan Tahko, vừa giành chiến thắng hôm thứ Sáu. Chánh thanh tra khu vực Timo Leppala cho biết, cảnh sát nhận được báo cáo đầu tiên về các vụ nổ súng lúc 02am (07pm EDT). Nghi phạm tẩu thoát nhưng hai giờ sau đã bị bắt giữ, cảnh sát tìm thấy 02 cây súng trường. Nghi phạm không có tiền án, dường như hành động một mình, cũng không rõ anh ta có biết nạn nhân hay không. Sự việc xảy ra tại Hyvinkaa, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Helsinki khoảng 56km. Phần Lan là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất thế giới. Hàng loạt vụ nổ súng nhắc nhở chính phủ phải nghiêm khắc hơn, về luật lệ giữ súng trong nước vào cuối tháng Sáu. Cảnh sát cho biết, nghi phạm nổ súng bắn chết người không có giấy phép dùng súng.

Al-Qaeda bắt cóc nhà ngoại giao của Ả Rập Saudi

CAIRO – Xuất hiện trong một video clip dài 04 phút trên trang mạng của chiến binh Al-Qaida vào cuối ngày thứ Sáu, nhà ngoại giao Abdulla al-Khadi thỉnh cầu quốc vương Abdullah cứu ông ra khỏi nơi giam giữ của tổ chức Al-Qaida, bằng cách thực hiện các điều kiện của họ. Trong đoạn video, ông Al-Khadi nói, đồng nghiệp của ông đã làm gián điệp giúp người Mỹ. Ba quan chức an ninh Ả Rập Saudi can dự “vào việc thu thập thông tin và dữ liệu, cũng như theo dõi những người chỉ huy và các vùng của al-Qaida…; thông tin này được chuyển cho Mỹ để gửi máy bay đến các mục tiêu.” Bộ Nội Vụ Ả Rập Saudi xác nhận, nhà ngoại giao Abdullah al-Khadi, phó lãnh sự Ả Rập Saudi tại thành phố cảng Yemen Aden, bị chi nhánh Al-Qaida ở Yemen bắt cóc hồi cuối tháng Ba. Mashaal al-Shawdakhi, một công dân Ả Rập Saudi có tên trong danh sách các nghi phạm khủng bố mà vương quốc đang tầm nã, đã đưa ra những điều kiện cho đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Yemen qua điện thoại. Al Qaida yêu cầu một số tiền chuộc, trả tự do cho các tù nhân hàng đầu của Al-Qaida ở Yemen và Ả Rập Saudi, cũng như phải thả nửa tá nữ tù nhân bị giam giữ ở đó. Nhà ngoại giao có thể bị giết, nếu các điều kiện của Al-Qaida không được đáp ứng.

Ngoại Trưởng Clinton đi thăm Scandinavia, Caucasus, Turkey

WASHINGTON – Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo, tuần tới Ngoại Trưởng Hillary Clinton sẽ có chuyến đi tám ngày đến Scandinavia, Caucasus và Turkey. Chuyến đi bắt đầu ngày 31-05 đến ngày 07-06, để tới Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, chủ yếu tập trung vào vấn đề môi trường. Ngày 01-06, Ngoại Trưởng Clinton phát biểu tại hội nghị y tế toàn cầu ở Oslo. Bà sẽ đến thăm Tromso, phía bắc của Bắc Cực trong ngày 02-06 để đàm phán về biến đổi khí hậu, về phát triển nguồn tài nguyên chưa được khai thác tại vùng này. Sau đó, Ngoại Trưởng Clinton sẽ đến Armenia, Georgia, và Azerbaijan, thảo luận về “an ninh khu vực, dân chủ, phát triển kinh tế và chống khủng bố.” Một chủ đề chắc chắn được đưa ra tại Armenia và Azerbaijan là mâu thuẫn của họ, trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Chuyến đi kết thúc ngày 07-06 ở Istanbul. Ngoại Trưởng Clinton nói chuyện tại diễn đàn chống khủng bố, tổ chức hội đàm với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, nơi Tổng Thống Assad đang tìm cách đè bẹp cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của ông. Ngoại Trưởng Clinton cũng sẽ nói về chương trình hạt nhân của Iran, mà Hoa Kỳ nghi ngờ được thiết kế để phát triển vũ khí nguyên tử.

Máy bay không người lái của Mỹ giết chết 04 người ở Pakistan

PESHAWAR, Pakistan - Máy bay không người lái của Mỹ bắn hai hỏa tiễn vào tiệm bánh ở phía tây bắc Pakistan trong ngày thứ Bảy, giết chết 04 người bị nghi ngờ là chiến binh. Cuộc tấn công mới nhất này xảy ra tại Miran Shah, thị trấn chính trong khu vực bộ lạc Bắc Waziristan. Nạn nhân đang mua thực phẩm tại tiệm bánh, khi hỏa tiễn bắn vào, và đều là người ngoại quốc, nhưng không biết danh tánh và quốc tịch. Các quan chức cho biết tin này với điều kiện ẩn danh, vì họ không được phép trao đổi với các phương tiện truyền thông. Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái, cho dù Pakistan yêu cầu phải ngưng lại. Đây là cuộc tấn công thứ ba trong chưa đầy một tuần. Dùng máy bay không người lái tấn công vào khu vực bộ lạc ở Pakistan, nơi chiến binh Afghanistan và các chiến binh khác trú ẩn, là chiến thuật quan trọng của các quan chức Hoa Kỳ, trong cuộc chiến chống lại al-Qaida và người hỗ trợ Taliban. Tuy nhiên, nhiều người Pakistan phẫn nộ trước các cuộc tấn công, họ coi đây như một sự sỉ nhục trên chủ quyền của họ.

Dấu vết làm giàu uranium là “vấn đề kỹ thuật”

TEHRAN, Iran – Hãng thông tấn chính thức IRNA thông báo, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran cho biết, dấu vết làm giàu uranium tìm thấy tại một hầm ngầm là “vấn đề kỹ thuật thường xuyên.” Thông báo cũng trích dẫn lời ông Ali Asghar Soltanieh, đặc phái viên Tehran tại Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế của LHQ (IAEA) nói rằng “Vấn đề này cho thấy một số (điều/người) có ý gây tổn hại sự hợp tác mang tính xây dựng giữa Tehran và IAEA.” Uranium tìm thấy tại khu vực này ở ngưỡng cần thiết, có thể chế tạo hỏa tiễn hạt nhân hơn là mức độ làm giàu uranium trước đây của Iran. Trong báo cáo hôm thứ Sáu, IAEA yêu cầu Tehran đưa ra lời giải thích đầy đủ về các dấu vết này. Nhưng báo cáo này rất thận trọng, để tránh bất kỳ ý kiến nào cho rằng Iran đang cố tình làm tăng mức độ làm giàu uranium. Theo Iran, phát hiện này là một trục trặc kỹ thuật. Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao cho biết phiên bản của Iran có vẻ chính đáng.

Ma-rốc tổ chức liên hoan Mawazine, nhưng bỏ tù ca sĩ của đất nước

RABAT, Morocco – Liên hoan Mawazine “Nhịp Điệu của Thế Giới” được tổ chức tại thủ đô Rabat đã 11 năm, luôn nổi bật vì những mâu thuẫn nội tại của Ma-rốc. Đất nước này chi ra hàng triệu đồng thu hút các ca nhạc sĩ hàng đầu trên thế giới đến trình diễn tạ buổi hòa nhạc miễn phí, khi dân chúng vẫn còn ngụp lặn trong nghèo đói. Và điểm trớ trêu nhất là Ma-rốc đã không tôn trọng tự do ngôn luận của những nghệ sĩ trong nước, nhưng lại chào đón những người được quốc tế biết vì họ ca hát để ủng hộ tự do ngôn luận và để đấu tranh chống phân biệt chủng tộc như Angelique Kidjo, Mariam Makebe, Lenny Kravitz…v.v…Một tuần trước khi lễ hội bắt đầu, nhóm Giám Sát Nhân Quyền đã chỉ trích Ma-rốc bắt giam ca sĩ nhạc rap Mouad Belghouat -còn gọi là El-Haqed- 01 năm tù, vì tội “bày tỏ sự khinh miệt” các viên chức phục vụ qua bài hát “Dogs of the State” (“Những con chó của nhà nước”) nói về sự tham nhũng của cảnh sát. Belghouat nổi tiếng nhờ các hoạt động chính trị, và có những ca khúc gay gắt nhắm vào sự bất công xã hội, vào chế độ quân chủ và tham nhũng. Nhà thơ bất đồng chính kiến Youssef Belkdim cũng bị kết tội tấn công cảnh sát, và bị kết án hai năm tù, vì ông đứng ra tổ chức hỗ trợ Belghouat.

Phóng viên Mỹ bị bắt tại Ethiopia “được trả tự do”

ETHIOPIA/VOA – Phát ngôn viên chính phủ Shimeles Kemal cho hãng thông tấn AFP biết, phóng viên Peter Heinlein bị bắt trong cuộc biểu tình tại thủ đô Ethiopia, sẽ được trả tự do “ngay” trong ngày thứ Bảy. Theo lời ông Shimeles, Heinlein bị bắt vì ông không xuất trình thẻ căn cước, lúc cảnh sát hỏi đến. Trong khi đó đài VOA nói rằng phóng viên Heinlein bị bắt, khi đang phỏng vấn các thành viên của nhóm Hồi Giáo thiểu số Ethiopia. Một số nhà báo bị giam giữ và bị buộc tội tại Ethiopia trong những tháng gần đây, kể cả 02 nhà báo Thụy Điển bị kết án 11 năm tù hồi tháng 12, theo luật chống khủng bố của đất nước này. Cơ quan giám sát Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo cho biết, truyền thông báo chí ở Ethiopia là một trong những truyền thông báo chí bị hạn chế nhất trên thế giới.

Hơn 90 người Syria chết trong cuộc tấn công Houla

BEIRUT - Cuộc tấn công vào Houla ở tây bắc trung tâm thành phố Homs, là một cuộc tấn công đẫm máu nhất, trong suốt 15 tháng nổi dậy ở Syria. Các nhà hoạt động tại khu vực này cho biết, lực lượng của chế độ bắn súng cối vào cuộc biểu tình lớn chống chế độ hôm thứ Sáu. Sau trận pháo kích, những tên côn đồ ủng hộ chính phủ gọi là Shabiha đã đột kích các làng xã, giết đàn ông trên đường phố, đâm chết phụ nữ và trẻ em ở trong nhà. Những đoạn video nghiệp dư cho thấy người chết được quấn trong chăn, hay được ướp bằng nước đá để giữ xác chờ mai táng. Người ta cũng nhìn thấy 14 xác trẻ em xếp hàng dài trên mặt đất. Có ít nhất hàng chục người bị bắn vào đầu và mặt, gục chết trên thềm giáo đường. Chính phủ Syria đổ lỗi vụ thảm sát này cho “các nhóm vũ trang khủng bố,” nhưng không cho biết chi tiết hay số nạn nhân bị chết. Các nhà hoạt động nói rằng, giáo phái xuất hiện trong vụ thảm sát ở Houla, nâng cao lo ngại rằng cuộc nổi dậy tại Syria, ngày càng giống các loại chiến tranh giáo phái đang xâu xé Iraq, nước láng giềng phía đông Syria. Điều này cũng cho thấy, kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Kofi Annan, chưa hề được lực lượng chính phủ và quân nổi dậy thực hiện trọn vẹn.

Tội phạm chiến tranh Faber chết tại Đức

BERLIN - Ông Klaas Faber, 90 tuổi, người Hà Lan chạy trốn sang Đức, khi bị Hà Lan kết án là tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã, đã qua đời. Một quan chức bệnh viện ở Ingolstadt nơi ông Faber sống, xác nhận ông ta đã chết. Quan chức này cho biết với điều kiện ẩn danh, vì ông không được phép bình luận chính thức về việc ông Faber qua đời hôm thứ Năm. Được biết, Klaas Faber là nhân vật thứ ba có tên trong danh sách truy nã Đức Quốc Xã của Trung Tâm Simon Wiesenthal, bị kết án năm 1947 vì tham gia giết hại 22 người, và vì trợ giúp Đức Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan. Ông bị án tử hình, sau đó giảm xuống tù chung thân. Năm 1952 ông trốn thoát chạy sang Đức, sống tự do ở xứ này dù có nhiều lần bị yêu cầu dẫn độ. Mới gần đây, một công tố viên của thành phố Ingolstadt đã đệ đơn kiến nghị để Faber thụ án tại Đức.
Reply With Quote
  #2  
Chưa đọc hôm nay, 05:13 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Tàu chiến các cường quốc kéo ra Biển Đông.


Tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân Mỹ ở Biển Đông

(VnMedia) - Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough hiện nay, Biển Đông đang trở thành điểm nóng đáng chú ý nhất thế giới bởi cuộc “đua” tàu chiến rầm rộ giữa 4 cường quốc.
Những cường quốc tham gia vào cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông lần này gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Sau khi tàu ngầm hạt nhân tối tân của Mỹ đến vùng biển đang dậy sóng, Trung Quốc cũng “không vừa” khi triển khai cùng lúc 5 tàu chiến hàng đầu của mình đến khu vực. Nối tiếp hai siêu cường Trung, Mỹ, đến lượt Ấn Độ và Nhật Bản cũng đưa tàu chiến của mình ra Biển Đông.
Tất nhiên, không phải vô cớ mà các nước trên triển khai tàu chiến ở Biển Đông. Đằng sau vỏ bọc là các chuyến thăm hữu nghị, sự hiện diện của những chiếc tàu ngầm, tàu chiến, tàu quân sự ở Biển Đông đều mang một thông điệp, một ý đồ hay một ẩn ý sâu xa nào đó.

“Nóng” cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông

Mở màn cuộc đua tàu chiến ở Biển Đông là Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, cũng là nước đang can thiệp tích cực vào cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines.
Nằm trong kế hoạch quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, trong thời gian gần đây, Mỹ đã không ngừng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Khi vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh nổ ra, với tư cách là đồng minh của Philippines, Mỹ có cái cớ để tăng cường sự hiện diện ở vùng biển giàu tài nguyên này. Hơn nữa, Mỹ cũng tuyên bố, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự an toàn cho các tuyến đường chiến lược ở Biển Đông.
Vì vậy, hồi giữa tháng 5, Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Đây chính là nơi chứng kiến cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Philippines và Trung Quốc trong gần 2 tháng qua.
Tàu ngầm USS North Carolina thuộc lớp Virginia của Mỹ đã cập cảng Subic Freeport, gần bãi cạn Scarborough, hôm 13/5 và ở lại đây đến ngày 19/5. Theo phát ngôn viên Hải quân Philippines - Trung tá Omar Tonsay cho biết, tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông để thực hiện sứ mệnh bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ tại Philippines.
USS North Carolina là chiến hạm thuộc thế hệ tàu ngầm tấn công đa chức năng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia. Con tàu này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.. Với chiều dài hơn 106m và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông đã khiến Trung Quốc tức giận và lo ngại. Bắc Kinh tin rằng, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc và nó cũng cho thấy Mỹ đang ngấm ngầm ủng hộ Philippines.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã có hành động đáp trả Mỹ và Philippines. Sau khi tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân của Mỹ vừa rời đi thì Trung Quốc lại khiến Biển Đông nổi sóng lớn bằng việc triển khai cùng lúc 5 tàu chiến ra Biển Đông.
Hôm 19/5, đúng ngày tàu ngầm USS North Carolina của Mỹ rời khỏi vịnh Subic của Philippine, Trung Quốc đã điều động 5 tàu chiến đến gần hải phận của nước láng giềng đang có tranh chấp với họ. Những con tàu này gồm có 2 tàu khu trục lớp Type-052B, hai tàu khu trục nhỏ lớp Type-054A và một tàu vận tải đổ bộ Type-071.
Theo thông báo của Bắc Kinh, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, 5 tàu chiến của Trung Quốc còn được giao trách nhiệm hỗ trợ cho các tàu thuyền đánh cá nước này ở khu vực bãi cạn Scarborough nếu có tranh chấp xảy ra.
Cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông chưa dừng lại ở hai “kỳ phùng địch thủ” Mỹ-Trung. Chỉ vài ngày sau sự xuất hiện của 5 tàu chiến Trung Quốc, một loạt tàu của Lực lượng Hải quân Ấn Độ cũng rầm rập tiến tới Biển Đông. 4 tàu của Hải quân Ấn Độ có mặt tại Biển Đông gồm tàu INS Rana, Shakti, Shivalik và Kurmak.
Sự hiện diện cùng lúc của 4 tàu Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông khiến cho cuộc đua tàu chiến của các cường quốc ở vùng biển đầy sóng gió này thêm “nóng”.
Góp phần “gia tăng nhiệt” ở Biển Đông là Nhật Bản – một trong những cường quốc hàng đầu ở khu vực Châu Á và cũng là “địch thủ” lâu đời của Trung Quốc. Tin từ Manila cho biết, Nhật Bản đang cử 3 chiếc tàu huấn luyện quân sự đến Philippines trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày vào tuần tới. Theo lịch trình, nhóm tàu chiến của Nhật Bản dưới sự chỉ huy chung của Chuẩn Đô đốc Hidetoshi Fuchinoue sẽ đến vùng biển ngoài khơi đảo Corregidor của Philippines vào ngày 28/5. Đây là chuyến thăm được tuyên bố là để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hải quân hai nước.

Đằng sau cuộc đua tàu chiến ở Biển Đông

Quan chức các nước tham gia cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông khẳng định, hoạt động của họ chỉ đơn thuần là những chuyến thăm định kỳ, không liên quan gì đến căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, sự thực là đằng sau cuộc “đua” đặc biệt đó có những thông điệp và ý đồ của mỗi nước.
Với Mỹ, việc nước này triển khai tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân ở Biển Đông ngoài mục đích trấn an nước đồng minh thân thiết Philippines còn mang theo thông điệp gửi đến Bắc Kinh.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Thông điệp mà Washington muốn gửi đến Bắc Kinh là họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm vùng biển quan trọng này.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn phát đi tín hiệu răn đe và cảnh báo với Mỹ và Philippines thông qua sự điều động 5 tàu chiến của nước này đến Biển Đông ngay sau sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Bắc Kinh một mặt muốn răn đe Manila không được lôi kéo bên thứ 3 vào cuộc tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cảnh báo Mỹ tránh xa khu vực Biển Đông và tránh xa cuộc tranh chấp lãnh hải của nước này với Phillipines ở bãi cạn Scarborough.
Về phần mình, với tư cách là hai cường quốc trong khu vực Châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản chắc chắn cũng không muốn để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh cũng như vị thế của hai nước này trong khu vực. Việc huy động tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản ẩn chứa hàm ý của hai nước này là họ sẽ không đứng ngoài các vấn đề ở khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, Tokyo còn muốn phát đi thông điệp, nước này sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc, giống như Philippines đã làm. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở đảo Senkaku.
Kiệt Linh
Reply With Quote
The Following User Says Thank You to KienHoa For This Useful Post:
tu.nhan.dan. (hôm nay)
  #3  
Chưa đọc hôm nay, 05:16 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Lady Gaga hủy buổi diễn tại Indonesia do phản đối của phe Hồi giáo.
Cập nhật 27/05/2012.



Một phụ nữ Hồi giáo với biểu ngữ phản đối ca sĩ Lady Gaga, tại Jakarta ngày 24/05/2012. REUTERS/Supri

Ngôi sao nhạc pop Lady Gaga đã từ bỏ ý định trình diễn tại Indonesia, đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, sau những “đe dọa”’ của phe phản đối người Hồi giáo là sẽ gây rối. Công ty tổ chức buổi trình diễn hôm nay 27/05/2012 cho biết là đã hủy chương trình này.

Sau nhiều ngày thương lượng khó khăn nhằm xin được giấy phép, các nhà tổ chức cuối cùng đã bỏ cuộc. Ông Michael Rusli, giám đốc công ty Big Daddy chịu trách nhiệm tổ chức chương trình của cô ca sĩ tuyên bố trong cuộc họp báo : « Rất tiếc là phải hủy buổi biểu diễn của Lady Gaga ».
Luật sư của công ty Big Daddy, Minola Sebayang cho biết : « Các lý do rất phức tạp. Không chỉ là vấn đề an ninh của Lady Gaga, mà còn cho các khán giả ».
Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) vốn nổi tiếng là thường tổ chức các cuộc đột kích thô bạo vào các quán bar và cơ sở mát-xa, đã hứa hẹn sẽ gây « rối loạn » nếu ngôi sao thường gây xì-căng-đan này biểu diễn ở Jakarta. FPI đe dọa sẽ tập hợp 30.000 người biểu tình để cản trở Lady Gaga, ca sĩ ủng hộ đồng tính luyến ái, « loan truyền đức tin của quỷ sa-tăng ». Tổ chức này đã mua các vé vào cửa để có thể vào được khu vực trình diễn.
Tuần trước cảnh sát Indonesia đã cho biết không cấp giấy phép cho buổi trình diễn dự kiến ngày 3/6, trong khi 50.000 vé đã bán hết chỉ trong vòng hai tuần. Sau đó đã có các cuộc thương lượng kéo dài nhằm cố gắng đạt đến một thỏa thuận, và nhà tổ chức cam đoan rằng Lady Gaga sẵn sàng giảm nhẹ những phần khiêu khích nhất của buổi diễn.
Trước đó Troy Carter, người quản lý của ngôi sao ca nhạc cho rằng Lady Gaga vẫn sẽ trình diễn. Còn hôm nay giám đốc Big Daddy cam đoan là việc hủy chương trình không phải do vấn đề giấy phép, mà do các quan ngại về mặt an ninh.
Trả lời AFP, chủ tịch FPI, Habid Salim Alatas giải thích vì sao chống đối việc Lady Gaga đến biểu diễn : « Cô ta chỉ mặc mỗi quần lót và áo ngực. Hãy hối cải đi Lady Gaga. Hãy ăn năn đi. Cô phải mặc một chiếc abaya (áo choàng trùm kín người), choàng khăn trên đầu và ngưng hát các bài hát độc hại ».
Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo, định chế tôn giáo cao nhất tại Indonesia cũng đã yêu cầu cấm diễn, cho biết « Không thể dung thứ cho các loại trang phục và kiểu trình diễn sexy của Lady Gaga ».
Vòng lưu diễn thế giới của ngôi sao ca nhạc này, bắt đầu từ ngày 27/4 tại Seoul, đã gây ra nhiều phong trào phản đối tạo châu Á, đặc biệt là tại đất nước công giáo Philippines. Lady Gaga sẽ bắt đầu biểu diễn tại Singapore ngày mai, và theo chương trình thì tiếp đến sẽ là Indonesia, Úc, New Zealand và châu Âu./Thụy My (RFI)
Reply With Quote
  #4  
Chưa đọc hôm nay, 05:20 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Liên Hiệp Quốc bị chỉ trích để xẩy ra vụ thảm sát Houla, Syria.
Cập nhật 27/05/2012.



Thi thể những nạn nhân của vụ thảm sát Houla gần Homs, ngày 26/05/2012. Reuters / Houla News Network

Cộng đồng quốc tế hôm nay 27/05/2012 đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt 14 tháng bạo động đã làm trên 12.600 người chết tại Syria, sau vụ thảm sát ở Houla khiến hàng trăm người thiệt mạng. Kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan vốn hiếm khi được áp dụng trên thực tế, và nay rõ ràng đã thất bại.

Tuy nhiên, ông Annan vẫn đến Syria ngày mai để cố gắng giải quyết khủng hoảng. Thông tín viên Karim Lebhour của RFI tại New York tường trình:
Đối với ông Kofi Annan, đây là kịch bản tệ hại nhất. Không chỉ là thỏa thuận ngưng bắn ở Syria chưa bao giờ được tôn trọng, mà vụ thảm sát ở Houla còn đánh dấu một sự leo thang, với 60 người lớn và 32 trẻ dưới 10 tuổi bị sát hại. Các quả đạn súng cối bắn đi từ xe tăng được các quan sát viên Liên Hiệp Quốc tìm thấy tại chỗ, cho thấy trách nhiệm của lực lượng an ninh Syria là khó thể nghi ngờ.

Ông Kofi Annan đang được chờ đợi tại Syria trong những ngày tới, nhưng công việc hòa giải của ông xem ra đã cùng kiệt. Đã hẳn là sự hiện diện của các quan sát viên cũng có lợi trong việc chứng kiến các vụ bạo lực, nhưng họ lại không thể ngăn cản bạo lực diễn ra.

Trong nội bộ, các nhà ngoại giao tại New York nhìn nhận là nhiệm vụ của ông Kofi Annan trên thực tế không có cơ hội thành công. Bản thân ông Annan cũng đã thổ lộ là ông sẽ không theo đuổi vô hạn định nhiệm vụ, nếu không có tiến triển. Nhưng biện pháp ngoại giao đang ở trong ngõ cụt. Những người chống đối ông Assad chỉ còn mỗi một cách là cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy, với nguy cơ làm cho cuộc xung đột thêm trầm trọng.
Hoa Kỳ có ý định đối thoại với Nga để thảo luận một kế hoạch trong đó Tổng thống Al Assad phải ra đi. Pháp kêu gọi Nhóm các nước bạn của nhân dân Syria họp lại ở Paris, và Koweit với tư cách chủ tịch Liên đoàn Ả Rập quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn về tình hình Syria. Về phần Quân đội Syria Tự do cho biết sẽ không tiếp tục tôn trọng ngưng bắn, nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không can thiệp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng biển máu tại đây./Thụy My (RFI)
Reply With Quote
  #5  
Chưa đọc hôm nay, 05:22 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Anh lập kế hoạch ngăn chặn nhập cư nếu eurozone sụp đổ
Cập nhật lúc 27-05-2012 18:23:43 (GMT+1)

Nếu eurozone sụp đổ, có thể hàng triệu người Hy lạp sẽ rời quê hương đến các nước giàu có hơn để tìm việc. Ảnh internet.

Chính phủ Anh đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư khẩn cấp để hạn chế nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước Liên minh châu Âu khác trong trường hợp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sụp đổ

Cư dân trong Liên minh châu Âu, trừ một số nước mới gia nhập khối là Rumani và Bungari, đều có thể đến làm việc ở bất cứ nước nào trong eurozone. Tuy nhiên, ngày càng có lo ngại rằng nếu Hy Lạp buộc phải từ bỏ đồng ơrô thì hàng triệu người sẽ mất việc làm và ra nước ngoài tìm việc, trong đó nước Anh được coi là điểm đến hấp dẫn vì nước này nằm ngoài khu vực đồng tiền chung. Ngoài ra cũng có lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể sẽ nhanh chóng lan rộng sang các nước khác như Tây Ban Nha, Ailen và Bồ Đào Nha.

Bộ trưởng May thông báo về kế hoạch dự phòng trên khi cuộc khủng hoảng đồng ơrô có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn. Ngày 25/5, Bankia, một trong những ngân hàng lớn ở Tây Ban Nha đã đề nghị chính phủ rót thêm 19 tỷ euro trong gói cứu trợ ngân hàng lớn nhất ở nước này.

Theo số liệu của Bộ Nội Vụ Anh gần đây, người Hy Lạp đang sống ở Anh (từ 5 năm trở lên) xin nhập quốc tịch Anh đã tăng 30% trong năm 2010-2011 do lo ngại Hy Lạp phải ra khỏi Liên minh châu Âu nếu nước này buộc phải từ bỏ đồng euro.
Nguồn: TTXVN
Reply With Quote
  #6  
Chưa đọc hôm nay, 05:25 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Báo chí Ý nói về vụ bê bối tại Tòa Thánh Vatican.
Cập nhật 27/05/2012.


Ông Paolo Gabriele (ngồi trước), người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, bị bắt hôm 25/5/2012. REUTERS/Alessandro Bianchi

Ngay sau hôm giám đốc Ngân hàng Tòa Thánh Vatican Ettore Gotti Tedeschi bị cách chức, ngày 25/05/2012, lực lượng cảnh sát của Tòa Thánh Vatican đã ra lệnh bắt giam ông Paolo Gabriele, người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, vì bị tình nghi làm “nội gián” với các hoạt động nhằm tẩu tán ra ngoài các văn kiện “bí mật nhà nước” Vatican.

Vụ bê bối tại Vatican đang gây xôn xao dư luận Ý với những tin đồn đấu tranh giành quyền lực nội bộ Tòa Thánh La Mã. Thông tín viên Huê Đăng từ Roma tường trình:
Ngày 24/05/2012 vừa qua, ủy Ban điều hành của cơ quan Viện Giáo Vụ (IOR – Istituto per le Opere Religiose), mà thực chất là Ngân hàng của Tòa Thánh Vatican, đã chính thức quyết định bãi nhiệm chức giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi với những lý do như ông “đã không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, hoặc có những “hành vi thất thường và sai trái”, hay “tập trung thái quá vào tay các chính sách quản lý”, lại còn thêm “không có khả năng thu thập thông tin về các họat động của ngân hàng để bảo vệ cho chính ngân hàng”.
Đó là một vài phán xét được ghi trong thông báo của chính ủy ban điều hành về quyết định bãi nhiệm nói trên. Thông cáo cũng nói rằng ông Ronald Hermann Schmitz, đương kim phó giám đốc sẽ tạm thời thay thế ông Tedeschi trong chức vụ giám đốc.
Theo tin báo chí Ý, quyết định bãi nhiệm giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi được coi như là cao điểm cuối cùng của một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh Vatican trong quá trình tìm cách áp dụng các uy luật tài chính của châu Âu trong chính sách nhằm phòng chống các hoạt động rửa tiền của các ngân hàng.
Trong thời gian gần đây, Jp Morgan, một trong những tập đoàn hoạt động tài chánh hàng đầu trên thế giới, đã tuyên bố đóng cửa tất cả các “tài khoản” với IOR vì cho rằng IOR đã trở thành một “đối tác có quá nhiều khả năng rủi ro”. Và cũng như báo chí loan tin, vào khoảng tháng 3 năm nay, chính Tòa án Roma đã mở một số điều tra về các hoạt động của ngân hàng IOR bị nghi ngờ là có vi phạm các điều luật phòng chống rửa tiền.
Thậm chí, hồi tháng 9 năm 2010, Tòa án Roma cũng đã quyết định cho tịch biên 23 triệu Euro nằm trong một tài khoảng của một chi nhánh của một ngân hàng Ý là “Credito Artigiano” vì số tiền này đã đang sắp được chuyển đến ngân hàng Jp Morgan Frankfurt và một ngân hàng Ý khác là “Banca del Fucino”. Theo điều tra của Tòa án Roma thì tài khoảng nói trên đều nằm trong tay của IOR, nhưng IOR không có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc của số tiền này từ đâu đến. Chính trong vụ điều tra này, giám đốc IOR lúc đó là Gotti Tedeschi cũng bị ghi tên vào danh sách những nghi phạm.
Hiện nay , vẫn theo tin báo chí Ý, đang có nhiều vụ điều tra trên số lượng tiền vài trăm triệu Euro bị tình nghi là đã được “sử dụng một cách không phù hợp với các nguyên tắc của Viện Giáo Vụ”, đặc biệt là Tòa án Milano bắt đầu điều tra về những quan hệ giữa Cơ sở Y tế San Raffaele và Ngân hàng của Vatican.
Cũng nên nhớ là Cơ sở Y tế San Raffaele gần đây đã được báo chí nhắc đến với những vụ bê bối về quản trị tài chánh của cố đạo Don Verzé, người đã sáng lập ra San Raffaele, rất gần gủi với cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Don Verrzé vừa mới đột ngột từ trần hồi cuối năm 2011, do đó, các vụ điều tra về bê bối tài chính lại càng thêm khó khăn.
Điểm đáng ghi nhận là trước các phóng viên báo chí, khi được hỏi về quyết định bãi nhiệm, ông Gotti Tedeschi đã tuyên bố nửa úp nửa mở rằng “Tôi không muốn tuyên bố chi cả, vì nếu tôi mở miệng thì tôi chỉ nói lên những điều xấu xa nhơ nhớp”.
Được biết, chính Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh của Tòa Thánh, năm 2008 đã đề nghị đưa ông Gotti Tedeschi vào làm giám đốc Ngân hàng IOR .... Nhưng theo thời gian lần lần sau đó, quan hệ giữa ông Tarcisio Bertone và ông Gotti Tedeschi trở nên có vấn đề, nhất là từ khi chính ông Bertone tìm cách cứu vãn Cơ sở Y tế San Raffaele của cố đạo Don Verzé đang trên đường phá sản ... thì lúc đó, ông Gotti Tedeschi lại có những thái độ kình chống lại quyết định của ông Bertone và cuối cùng là kế hoạch cứu vớt San Raffaele đã không thành.
Vào cuối năm 2010, khi các điều lệ về quản lý tài chánh được thỏa thuận giữa Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Châu Âu bắt đầu trở nên có hiệu lực, thì Ngân hàng IOR bắt đầu phải có quy trình thay đổi phương cách quản trị cho phù hợp với quy định quốc tế về biện pháp phòng chống rửa tiền, còn được gọi là Moneyval.
Hiện nay Ngân hàng IOR của Tòa Thánh không được xếp vào danh sách “Bạch thư” (White list), tức là danh sách của những ngân hàng được Hội Đồng Châu Âu đánh giá có tiêu chuẩn quản trị phù hợp với chính sách phòng chống rửa tiền Moneyval. Và cũng theo lịch trình thì đến tháng 7 sắp tới, Hội Đồng Châu Âu sẽ phải tuyên bố quyết định có đưa IOR vào danh sách “Bạch thư” hay không ... Và chính đây là lý do khiến ông Gotti Tedeschi đã bắt đầu có vấn đề trong ngân hàng của Tòa Thánh.
Tin về bãi nhiệm của giám đốc Ngân hàng Tòa Thánh Vatican chưa ráo mực ... thì ngày hôm sau 25/05/2012, báo chí lại đưa tin lực lượng cảnh sát của Tòa Thánh Vatican đã ra lệnh bắt giam ông Paolo Gabriele, người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, vì bị tình nghi làm “nội gián” với các hoạt động nhằm tẩu tán ra ngoài các văn kiện “bí mật nhà nước” của Vatican.
Theo các cuộc điều tra sơ khởi thì cảnh sát Vatican đã tìm thấy ngay trong nhà riêng của ông Paolo Gabriele rất nhiều bản sao của các tư liệu mật của Tòa Thánh. Cũng được biết là gần đây, một ký giả Ý, ông Gianluigi Nuzzi, vừa tung ra một quyển sách mang tựa đề “Sua Santità” (Đức Cha) với phụ chú “Những tư liệu mật của Benedetto XVI”, trong đó quyển sách đã sao chụp lại rất nhiều tư liệu đã bí mật được tuồn từ Tòa Thánh ra ngoài. Do đó, người ta tình nghi chính người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng là người bí mật đã cung cấp tài liệu cho tác giả của quyển sách nói trên.
Nhưng, theo các nhà quan sát am tường thế giới Vatican, người ta nghi rằng ông Paolo Gabriele chỉ là một con “cá bé”, chỉ là “tay sai” của một nhóm người nào đó cao cấp trong hàng giáo phẩm đang tìm cách nói xấu Đức Giáo Hoàng nói riêng, bôi nhọ Tòa Thánh nói chung trong một chiến dịch đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh. Nhưng đây là điều mà chính các cơ quan điều tra của Tòa Thánh cũng vẫn chưa có khả năng làm sáng tỏ.
Trước mắt, Đức Giáo Hoàng Benedetto đã tuyên bố là Ngài rất đau lòng trước những gì đang xẩy ra trong Tòa Thánh./Huệ Đăng/Đức Tâm (RFI)
Reply With Quote
  #7  
Chưa đọc hôm nay, 05:27 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Áo: Biểu tình lớn ủng hộ người dân Tây Tạng.
Cập nhật 27/05/2012.


Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng tại Vienna, Áo ngày 25/05/2012. REUTERS/Leonhard Foeger

Hôm qua, 26/05/2012, hàng nghìn người - theo ban tổ chức thì có khoảng 10 ngàn - đã tập hợp ở quảng trường chính tại thủ đô Vienna, Áo, để bầy tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Tây Tạng và nghe phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng kêu gọi : « Cần phải gìn giữ văn hóa Phật giáo, môi trường và các quyền cơ bản ».

Từ bục diễn đàn tại Quảng trường « Các Anh hùng » có treo biểu ngữ : « Tây Tạng đang cần các bạn, ngay bây giờ », lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã phát biểu khoảng 30 phút. Ngài nhấn mạnh đến việc tách bạch giữa lĩnh vực văn hóa và lĩnh vực tôn giáo trong đạo Phật và kêu gọi : « Cần phải gìn giữ văn hóa Phật giáo, môi trường và các quyền cơ bản ».
Trước đó, thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay tuyên bố rằng dân chủ mang tính phổ quát và nêu ra những ví dụ liên quan đến các thay đổi tại Libya, Ai Cập, Tunisia và cả trường hợp nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cũng tham dự cuộc biểu tình theo lời mời của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông kêu gọi các lãnh đạo châu Âu hãy đồng hành với Tây Tạng, quan tâm đến vấn đề Tây Tạng hơn nữa.
Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong tại Ấn Độ từ năm 1959. Ngày 30/05/2011, Ngài tuyên bố rút lui khỏi hoạt động chính trị.
Trong khuôn khổ chuyến công du Áo, từ ngày 17/05, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, ngày 25/05, đã gặp phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Áo, ông Michael Spindelegger và hôm qua, thủ tướng Áo, Werner Fraymann đã tiếp Ngài.
Như thường lệ, chính quyền Bắc Kinh trước đó đã lên án các cuộc gặp và coi đó là những hành động « can thiệp vào công việc nội bộ » của Trung Quốc. Về phần mình, thủ tướng Fraymann tuyên bố rằng nước Áo luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh cho nhân quyền và ông tự quyết định lịch tiếp khách của mình.
Theo AFP, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng có mối quan hệ đặc biệt với Áo, bởi vì từ năm 1946 đến 1951, một trong những thầy giáo của Ngài là vận động viên leo núi người Áo, ông Heinrich Harrer, qua đời năm 2006. Tuy nhiên, quá khứ của ông Harrer gây nhiều tranh cãi do các hoạt động thân phát xít của ông trong những năm 1930 và 1940./Đức Tâm (RFI)
Reply With Quote
  #8  
Chưa đọc hôm nay, 05:29 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Trung Quốc: Cưỡng bức lao động cho người bất đồng chính kiến
Cập nhật lúc 27-05-2012 17:58:00 (GMT+1)

Những người bị tuyên án ở Trùng Khánh 2010. Ảnh: Der Spiegel

Không cần những biện pháp của một nhà nước pháp quyền, nhà cầm quyền Trung Quốc giam giữ các nhà hoạt động chính trị không được ưa thích trong những trại lao động. Một người được trả tự do tường thuật lại đoạn đường đau khổ của mình.

Đó là mùa Xuân, khi Fang Hong bị đưa vào “Trại cải tạo lao động và cai nghiện”. Fang không phải là dân nghiện ngập mà là một blogger, người chống đối và phê phán các ông to trong Đảng. Đầu tiên, cơ quan nhà nước về an ninh công cộng ở thành phố Trùng Khánh trong miền Tây Nam Trung Quốc chỉ mời ông ấy đến và cảnh cáo, thế nhưng vài ngày sau đó, nhà bất đồng chính kiến 45 tuổi này đã biến mất vào trong trại mà không cần đến tòa án xét xử.
Đó là trong tháng 4 năm 2011. Trong khi bên ngoài cây cỏ đang xanh tươi thì những người canh trại đã bàn tán sôi nổi về Giáng Sinh sắp tới. Họ phải giữ đúng những thời hạn cung cấp nghiêm ngặt, và với một sự cứng rắn không thương tiếc, họ thúc giục những người trong trại sản xuất dây đèn trang trí – để xuất khẩu sang Đức.
Một ngày khắt khe trong khu nhà nhiều tầng ở quận Bồi Lăng trong Trùng Khánh bắt đầu với lần đánh thức dậy mỗi sáng vào lúc sáu giờ. Một giờ sau đó, Fang và những người cùng bị giam phải bắt đầu sản xuất hàng trang sức cho cây Giáng Sinh, bản thân ông thì hàn những điốt phát quang vào dây.
Đấy là một việc làm cực nhọc, những người bị cưỡng bức lao động nhận được tám nhân dân tệ (khoảng một euro) như là tiền lương tháng. Sản lượng được quy định trước cho họ cao gấp rưỡi so với công nhân trong các nhà máy Trung Quốc bình thường, Fang nói.
Một Chủ nghĩa Tư bản hiện thực thống trị cuộc sống trong trại cải tạo Xã hội Chủ nghĩa: tù nhân phải mua đồng phục của họ bằng chính tiền riêng của mình. Và ai còn có dư đôi chút thì được phép cải thiện một ít phần ăn của mình với số tiền đó.
Tất cả mọi người đều có nhiệm vụ phải làm việc, tù nhân chính trị cũng như những người nghiện ngập. Fang thuật lại: “Ai làm việc chậm quá và không đạt được chỉ tiêu sẽ bị những người canh tù xịt nước lạnh như băng vào mắt hay dùng gậy đánh.”
Có những người tù rõ ràng là đã mất trí vì những cực hình hàng ngày. Một người trong số họ, Fang nói, đã móc mắt ra vì tuyệt vọng.
Cho tới lúc nghỉ trưa, tù nhân chỉ được phép đi nhà vệ sinh một lần duy nhất, vào buổi trưa là hai. Thông thường, ca làm việc kéo dài cho tới 18 giờ. Nhưng họ hay phải làm thêm giờ để sản xuất cho Giáng Sinh – thường cho tới trước nửa đêm.

Fang rót một tách trà có màu đỏ nâu và nhìn ra cửa sổ căn hộ của ông ấy. Vào cuối tháng tư, sau một năm, ông ấy được trả tự do, nhưng sự hành hạ đấy đã để lại dấu ấn lên người ông. Nhờ cuộc khủng hoảng mới vừa rồi trong giới lãnh đạo mà nói chung là ông ấy mới có thể thuật lại được sự đau khổ của mình mà không bị gây phiền toái. Trong tháng 3, Bạc Hy Lai, bí thư nhiều tham vọng của Trùng Khánh, mất chức, chẳng bao lâu sau đó, các địch thủ của ông ấy ở Bắc Kinh cũng tước bỏ toàn bộ các chức vụ còn lại trong Đảng Cộng sản của ông ấy. Người cựu quan chức cấp cao ở tỉnh bị tố cáo là đã “vi phạm kỷ luật”.
Kể từ lúc đấy, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rõ ràng là vẫn còn bàn cách làm sao và với lý do gì để vô hiệu hóa vĩnh viễn Bạc. Thuộc vào trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Bắc Kinh cũng là việc đối thủ của Bạc đã liên tục tung lên giới truyền thông Phương Tây và các trang mạng ở nước ngoài những phác giác mới về con người đã bị lật đổ này, để nói xấu ông ấy như một bạo chúa tham lam ở địa phương.
Và trong lúc đó, cựu tù Fang bước vào cuộc. Đối với chế độ ở Bắc Kinh, ông ấy hiện giờ là một nhân chứng được chào đón: Fang, một nhân viên nhà nước trong sở kiểm lâm ở địa phương, biến mất vào trong trại lao động, vì ông ấy đã phê phán Bạc và sếp cảnh sát Vương Lập Quân của người này trên Internet.
Nhưng nhân chứng buộc tội người lãnh đạo Đảng đã bị lật đổ cũng tường thuật về sự chuyên quyền của những kẻ đang cầm quyền mà cả đất nước đang phải chịu đựng họ. Khi Fang bị nhà chức trách triệu tập vì blog của mình trên Internet, ông ấy đã chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi việc. Cha mẹ của ông ấy đã bị thất sủng trong cuộc Cách mạng Văn hóa; ông biết rằng Đảng vẫn trừng trị những người nổi dậy một cách không thương xót như thế nào.
Là tù nhân chính trị, ông ấy bị đối xử khắt khe hơn là mười một người bạn tù trong phòng giam của ông ấy: ông không được phép ăn thịt, không được phép hút thuốc lá và trên thực tế là hầu như không được nghỉ ngơi.
Mỗi tối, khi bạn tù của ông ấy ngủ bắt đầu từ lúc chín giờ rưỡi, Fang phải thức thêm một giờ. Nếu những người canh tù bắt quả tang ông ấy đang ngủ gật, họ sẽ giật chăn của ông hay đổ nước lên giường ông.
Khi những người tù còn sản xuất dây đèn trang trí, chuyên viên của công ty xuất khẩu Shenzhen Kingland Lighting (khẩu hiệu quảng cáo. “Hãy để cho cả thế giới sáng lên”) luôn kiểm tra chất lượng, Fang tường thuật. Một nhân viên của công ty xác nhận theo chất vấn của SPIEGEL, rằng công ty cho sản xuất trong trại lao động. Tuy vậy, không ai muốn cho biết rằng công ty có cung cấp các dây đèn trang trí đó sang Đức hay không.
Nhưng Fang lại rất chắc chắn. Họ sợ nhất “là các dây đèn trang trí đó có chứa vật liệu độc hại”. Giám thị trại giam đã có thể trấn an được những người bị cưỡng bức lao động. “Họ nói với chúng tôi: ‘Đèn Giáng Sinh là cho nước Đức, và không có quốc gia nào quan tâm đến bảo vệ môi trường nghiêm ngặt như người Đức.’”
Sau này, Fang quấn dây đồng cho ổ cứng máy tính xách tay, người đặt hàng là một công ty điện tử ở Trùng Khánh. Sau đấy, ông làm ống hút một công ty dược phẩm của thành phố. Nhiều tù nhân mang bệnh truyền nhiễm, Fang thuật lại. Ông ấy nghi ngờ rằng các sản phẩm của trại thật sự là hoàn thiện về mặt vệ sinh.
Bạc Hy Lai lúc còn đương chức. Ảnh: Der Spiegel

Bây giờ, sau khi ra tù, Fang đặc biệt lo lắng cho người con trai đã trưởng thành của mình. Cùng với cô bạn gái, anh ấy đầu tiên đã bị giữ lại trong một công viên vui chơi giải trí trong mùa Hè năm 2011. Anh ấy bị bắt giam từ tháng 10. Anh ấy đã cố gắng nhờ qua luật sư và giới truyền thông nước ngoài để người cha được trả tự do.
Cả câu chuyện mà bây giờ Fang kể về người con trai của ông ấy cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trong Trung Quốc. Chúng kể về việc các cơ quan an ninh bắt cả thân quyến của những người bất đồng chính kiến về chính trị cũng phải cùng chịu trách nhiệm – tương tự như gia đình của nhà bất đồng chính kiến mù Trần Quang Thành hiện đang phải chịu đựng ở miền Đông Trung Quốc.
Trong trường hợp của Fang, các cơ quan an ninh đe dọa rằng người con trai có thể thiệt mạng trong một tai nạn ô tô hay chết đuối trong một con sông nếu như người cha đang bị giam cầm không thuyết phục người con trai từ bỏ chiến dịch vận động.
Fang nhượng bộ. Ông ấy ký tên vào một tờ tuyên bố mà theo đó ông ấy và người con trai sẽ không tiếp xúc với luật sư hay nhà báo. Ông ấy cũng sẽ không phát biểu ý kiến trong Internet. Đánh đổi qua đó, Fang đồng thời cũng được thả ra khỏi trại.
Nhưng khi nhà bất đồng chính kiến vừa mới được tự do thì ông ấy đã chat như thường lệ trên Internet và ngoài ra còn cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh. Qua đó, ông đã tạo cớ cho cơ quan nhà nước lại đưa ông trở vào trại lao động ngay lập tức. Cuối cùng thì chỉ nhờ cuộc lật đổ chính trị ở Trùng Khánh mà ông ấy lại được tự do tuy vẫn không chịu khuất phục.
Fang muốn yêu cầu đền bù cho những bất công mà ông ấy đã phải chịu đựng trong trại lao động, một tòa án ở Trùng Khánh đã nhận đơn kiện của ông rồi.
Đối diện với lần thay đổi đường lối triệt để trong thành phố quê hương của mình, cơ hội của người phê phán Bạc không phải là xấu. Nhưng Fang vẫn chưa cảm thấy an toàn thật sự: “Ở Trung Quốc không có nhà nước pháp quyền”, ông ấy nói, “ngày hôm nay là tôi, ngày mai có thể là bạn.”
Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 21 / 2012
Nguồn: Phanba Blog
Reply With Quote
  #9  
Chưa đọc hôm nay, 05:32 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Tại Ai Cập, ứng viên Hồi giáo sẽ vào vòng hai đấu với một gương mặt của chế độ Mubarak.
Cập nhật 27/05/2012.


Bích chương với ảnh chân dung của ông Mohamed Morsi, ứng viên đảng Huynh đệ Hồi giáo (REUTERS)

Tuy kết quả chính thức vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập chỉ được công bố sớm lắm là ngày mai, nhưng theo các kết quả tạm thời vào hôm nay 26/05/2012, thì xu hướng cho thấy là ứng viên của đảng Huynh đệ Hồi giáo, Mohamed Morsi dẫn đầu, bám sát theo là Ahmed Shafiq, thủ tướng cuối cùng của ông Mubarak, thứ 3 là Hamdeen Sabahi, đảng Xã hội Ai Cập.

Ngay vào tối hôm qua 25/05/2012, Đảng Huynh đệ Hồi giáo đã tuyên bố với báo chí là theo toàn bộ số liệu vòng đầu mà họ nắm được, ứng viên của họ sẽ đối đầu với thủ tướng chế độ cũ Ahmed Shafiq ở vòng hai, vào hai ngày 16, 17/06/2012.
Theo giới quan sát thì hai phe đã bắt đầu ngay cuộc vận động cho vòng hai. Một lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo đã tấn công đối thủ Shafiq, cảnh báo là bầu cho nhân vật này đồng nghĩa với việc đưa đất nước vào vòng nguy hiểm.
Trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, có tất cả 13 ứng viên. Đảng Huynh đệ Hồi giáo kêu gọi những người thua cuộc là hãy ‘đối thoại’ với đảng này để cứu vãn ‘cách mạng’, cản đường ông Shafiq.
Theo al-Masry al-Yom, tờ báo lớn tại Ai Cập, khoảng cách giữa hai ứng viên Hồi giáo và chế độ cũ rất xít xao : Mohamed Morsi được 24,9% phiếu bầu, Ahmed Shafiq : 24,5%, Hamdeen Sabahi : 21,1%.
Cuộc đọ sức từ đây đến vòng hai, theo phân tích của nhiều người sẽ khá khốc liệt và có thể chia rẽ nghiêm trọng đất nước đang lún sâu vào khủng hoảng trên cả bình diện kinh tế lẫn chính trị : Hiến pháp mới chưa có, trong khi hiến pháp cũ thời Mubarak bị dẹp qua một bên, với hệ quả là quyền hạn của tổng thống chưa rõ là như thế nào./Mai Vân (RFI)
Reply With Quote
  #10  
Chưa đọc hôm nay, 05:35 PM
Thống soái
 
Ngày Gia Nhập: Dec 2010
Số Bài: 3,030
Thanks: 1,097
Được cảm ơn 1,254 lần trong 815 bài
Default

Buôn lậu san hô từ Việt Nam vào Anh.
Cập nhật lúc 27-05-2012 16:12:11 (GMT+1)

Các nhà sưu tầm thích các loại san hô đến từ các vùng biển nhiệt đới và Thái Bình Dương ( Reuters / Ove Hoegh-Guldberg)

Các nhân viên hải quan người Anh ở sân bay Manchester đã choáng khi phát hiện thấy lô hàng san hô bất hợp phá kỷ lục trong lịch sử nước Anh. Công ten nơ hàng 750kg đã bay hàng chục ngàn cây số từ Việt Nam sang Anh, chở theo trên 650 cụm san hô và 60 con sò với kích cỡ hơn 20cm.

Tất cả đều là hàng cấm theo công ước quốc tế về bảo vệ động vật quí hiếm và môi trường sống, viết tắt là CITES (the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora).
Hiện tại vụ việc mới chỉ được thông báo sơ bộ và có một người đàn ông 23 tuổi bị bắt rồi được đóng tiền tại ngoại hầu tra, cho nên chưa có nhiều thông tin chi tiết, nhưng tin tức về vụ bắt giữ đã tràn ngập các diễn đàn của người yêu biển và bảo tồn thiên nhiên trên thế giới.
Ở Việt Nam, từ lâu thú chơi san hô đã trở thành phổ biến. Người ta không ngại dùng nhân công giá rẻ lặn xuống đáy biển miền trung bẻ những cành san hô còn sống lên phơi rồi đem về thành phố bán cho những người chơi hòn non bộ. Các đại gia còn chơi sang hơn, học đòi theo mốt phong thủy của người Hoa mà đặt những bể cá nuôi bằng nước biển tốn kém trong nhà, có những cành san hô còn sống lung linh ngũ sắc.
Thế nhưng rất nhiều người thiếu kiến thức cơ bản rằng để có được một cành san hô to và dài thì thiên nhiên có thể mất đến hàng ngàn năm. San hô không chỉ tạo ra môi trường đáy biển cho các loài sinh vật sống như bóng cây cho con người trú nắng, mà còn tạo nguồn thức ăn cho mắt xích đầu tiên trong dây chuyền thức ăn trên thế giới: cá nhỏ ăn nhuyễn thể, rồi cá lớn ăn cá nhỏ, và đến các loài thú trên bờ lại có thức ăn, và con người thì ăn thịt nhiều loài thú.

San hô cũng là nguồn tạo ra oxi cần thiết, giữ cân bằng cho bầu khí quyển và môi trường sống của con người. Nhiều nước như Úc còn tài trợ cho các dự án nuôi cấy và tạo môi trường cho san hô phát triển để bảo vệ môi trường. Trong khi đó ở Việt Nam thì thú chơi san hô tàn phá bề mặt đáy biển, yếu tố mạnh nhất khiến khu vực biển gần bờ ngày càng ít cá.

Đó là nói về ý thức giữ gìn môi trường để phát triển bền vững, mà xưa nay nhiều ý kiến vẫn đánh giá thấp Việt Nam. Gần đây thú chơi bể cá biển bắt đầu phát triển ở các nước phương Tây, đặc biệt là sau bộ phim hoạt họa về chú cá nemo khiến nhiều trẻ em yêu thích, và bể cá biển thực sự có nhiều màu sắc hơn là một bể cá vàng hay cá la hán.
Những chuyến hàng xuyên quốc gia khiến nạn tàn phá đáy biển ở các nước nghèo đang phát triển như Việt Nam ngày càng tăng. Và thế giới đã thông qua công ước quốc tế về bảo vệ các loài sinh vật hoang dã mà san hô là một trong số những loài được chú ý nhất. Lô hàng công ten nơ 750kg cho thấy qui mô và lượng hàng luân chuyển từ Việt Nam ra thế giới là rất lớn, tạo nguy cơ đáy biển ven bờ của Việt Nam bị phá hoại hoàn toàn và không còn cá là vô cùng cao.
Câu hỏi mà nhiều thành viên trên các diễn đàn đặt ra là tại sao các quan chức cửa khẩu ở Việt Nam, vốn kiểm tra rất ngặt nghèo những vấn đề khác lại không nhìn thấy một lô hàng to như vậy và nguy cơ phá hoại đất nước lớn đến như vậy ?
Lần này khi vụ việc xảy ra ở một nước có hệ thống luật pháp được quốc tế hóa như nước Anh này, hi vọng trong quá trình điều tra và xét xử sẽ có nhiều điều được tiết lộ cho báo chí để giải đáp câu hỏi này, và mối quan tâm của dư luận quốc tế có thể tạo đủ áp lực để khiến chính quyền Viêt Nam tự bảo vệ môi trường sống cho người dân tốt hơn.
Nguồn: RFI
Reply With Quote
Trả lời
http://thegioinguoiviet.net/showthread.php?p=46288#post46288

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét