Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

“Dịch vụ… chết người” chỉ có ở Việt Nam


Văn Quang 

Quả thật có nằm mơ tôi cũng không thể tin rằng ở Việt Nam đã có một “dịch vụ chết người” như thế này. Bạn muốn có tin nhắn của bất kỳ một ai đó trên mạng điện thoại của hãng Vinaphone, chỉ cần cầm máy của người đó bấm cái nhoáy một cái là bao nhiêu tin nhắn của người đó được chuyển về máy bạn ngay lập tức, rất trọn vẹn. Tôi không biết dịch vụ này được “triển khai” từ bao giờ – nói theo kiểu của nhà mạng – tức là được bắt đầu từ bao giờ. Tin tức này không được công bố rộng rãi cho tất cả khách hàng của dịch vụ Vinaphone, chính tôi là khách hàng trung thành của hãng này từ bao năm nay vẫn không hề hay biết. Nhưng đã có rất nhiều người biết và sử dụng trong những tháng vừa qua. Khi tin này được tiết lộ ra, nhiều ông, nhiều bà “chết đứng” vì bao nhiêu bí mật của riêng mình đã bị chồng, hoặc vợ hoặc người yêu nắm trọn vẹn. Còn hơn là thám tử tư vừa đắt vừa phức tạp. Bởi đã từng có chuyện hai ông bà cùng thuê thám tử tư và cùng được báo cáo là “đối tượng bị theo dõi rất ngoan”, đang cần cù làm việc trong văn phòng, trong khi ông hay bà đều cùng đang dung dăng dung dẻ với tình nhân ở một nơi mát mẻ nào đó như khách sạn. Bởi tay thám tử tư “ăn cả hai đầu”, chơi trò hai mang. Tin nhắn thì hoàn toàn không thể ai mua chuộc được, do chính hãng tin gửi cho. Bạn hãy nghe cô nhân viên của hãng này trả lời khách hàng về “sự tiện lợi” và dễ dàng của việc muốn lấy tin nhắn của người khác.

Chỉ cần nhấn 2 số máy là nhận tin nhắn của “đối tượng”

Qua số tổng đài 18001091 của Vinaphone, khách hàng bấm số 9191 được nhân viên số 151 của nhà mạng này hướng dẫn nhiệt tình:
“Chỉ cần 2 thuê bao mạng Vinaphone, dùng máy muốn copy thì soạn tin nhắn SCON gửi đến 9335 để đăng ký dịch vụ. Sau đó, cần copy tin nhắn gửi đến số máy nào thì nhắn SCT SĐT (số điện thoại) gửi 9335, còn nhận tin nhắn gửi đi soạn SCD SĐT gửi 9335”.
Cũng theo nhân viên trên, sử dụng dịch vụ này không mất tiền thuê bao tháng, tin nhắn ngoại mạng 350 đồng/tin, nội mạng 290 đồng/tin. Nhân viên này cho biết thêm: “Theo Công Văn số 1189 thì Vinaphone áp dụng từ 20-4-2011. Bên em triển khai lâu rồi và không qua công ty trung gian nào cả”.
Sau khi khách hàng làm đúng như những gì hướng dẫn, chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, tất cả những tin nhắn gửi đi, gửi đến số của thuê bao thử nghiệm, đã được chuyển đến một số máy thứ ba cùng một thời điểm và không kèm theo bất cứ thông báo nào chứng tỏ tin nhắn trên đã được chuyển đến một số máy khác. Nói cho rõ hơn là người bị lấy cắp tin nhắn gửi cho ai đó không hề biết mình vừa bị lấy cắp tin, cứ yên tâm là nó hoàn toàn bí mật. Trong khi đó, số máy thứ ba nhận được tin nhắn lại kèm theo cả số điện thoại của người gửi tới. Quả là vô cùng tiện lợi mà chỉ mất có vài trăm đồng. “Địch thủ” không còn chối cãi vào đâu được.
Dịch vụ “theo dõi” tin nhắn này đang khiến thuê bao của mạng Vinaphone – nhiều người tỏ ra vô cùng hoang mang, bực bội, lo ngại dữ kiện riêng tư của mình bị đánh cắp, vài người thì tỏ ra hứng khởi.

Những chuyện oái oăm, tác hại không nhỏ
Anh X. (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã hết sức cẩn trọng: cài đặt mã cho điện thoại, xóa sạch tin nhắn ngay sau khi đọc… nhưng ròng rã 5 tháng trời, vẫn không hiểu vì sao mình liên tiếp bị vợ bắt quả tang lăng nhăng với bồ nhí. Cho đến một ngày anh chết đứng người khi biết vợ mình dùng dịch vụ sao chép tin nhắn (copy sms) của nhà mạng Vinaphone để theo dõi.
Bị vợ nghi ngờ ngoại tình từ lâu, nhưng câu chuyện gia đình anh X. chỉ vỡ lỡ khi chị vợ trưng ra bằng chứng toàn bộ số tin nhắn mùi mẫn mà anh trao đổi với “người thứ ba”. Giản dị là cách đó vài tháng, vợ anh đã dùng máy điện thoại của chồng ghi tên vào dịch vụ sao chép tất cả tin gửi đi, gửi đến sang máy của mình, tất cả chỉ bằng một thao tác gửi tin nhắn nhanh gọn.
Kể lại câu chuyện này, tới giờ anh X. vẫn còn bàng hoàng bởi suốt một thời gian dài anh đã không hề biết mình bị theo dõi. Điều đáng nói, dịch vụ “chết người” này được đăng ký một cách quá giản dị, dễ dãi.

Tan cửa nát nhà
Sáng 14-5, anh Đoàn Phước Long, chánh văn phòng một doanh nghiệp lớn ở Q. Ba Đình (Hà Nội) có số điện thoại 091300…, cho báo chí biết vì tin nhắn “gián điệp” mà vợ chồng anh đang ly thân, cả hai đều tổn thương nặng nề khó có cơ hội hàn gắn. Long kể: “Cách đây chừng 5 tháng, gia đình tôi rơi vào không khí căng thẳng vì mọi hoạt động của tôi, đi đâu, làm gì, với ai, cô ấy đều biết và nói bóng nói gió rất khó chịu. Lúc đầu tôi nghĩ là cô ấy thuê thám tử theo dõi nhưng sau một hôm đi tập thể thao, tôi chỉ nhắn một tin và bị vợ tôi biết, lúc đó tôi mới biết là cô ấy theo dõi qua điện thoại”. Anh Long cho biết do đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp khách, đặt phòng ăn phòng nghỉ cho khách của sếp nên anh bị vợ nghi ngờ lập “phòng nhì”. Trên thực tế có rất nhiều sự việc “tình ngay lý gian” khiến anh không thể thanh minh.
Anh G.N (nhà ở phố Hoa Bằng, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy) cũng từng đối diện với lá đơn xin ly hôn khi bị vợ sử dụng dịch vụ sao chép tin nhắn của Vinaphone để theo dõi. Ấm ức từ lâu nhưng anh không biết nguyên do từ đâu mà vợ biết được tất cả các tin nhắn đi và đến điện thoại của mình. Sau khi báo chí đăng tải vụ “gián điệp điện thoại”, anh mới biết là do nhà mạng tiết lộ thông tin cá nhân.
Lợi dụng tin nhắn để trục lợi bất chính
Trong khi đó, anh N. Long – làm tại công ty xây dựng vô cùng hứng thú khi lợi dụng lúc sếp đi họp để quên máy điện thoại trên bàn, anh liền “đăng ký dịch vụ” đẩy hết tin nhắn của sếp sang máy của mình. Thế là bao nhiêu thông tin nội bộ của cơ quan luôn cập nhật trước các đồng nghiệp, bao nhiêu ý kiến của sếp với cấp trên, cấp dưới anh đều nắm gọn trong lòng bàn tay, kể cả chuyện riêng tư của sếp để dễ bề thăng tiến sự nghiệp. Anh có thể “tiên đoán như Khổng Minh” rằng chị B. làm sai nhưng chỉ bị sếp “kiểm điểm” rồi thôi. Anh cá với mọi người rằng cuối tháng sếp có kỳ nghỉ vài ngày với ai đó ở một vùng núi… Đấy là chưa kể có người lợi dụng những chuyện vặt ấy để tống tiền.
Cũng rất có thể có những anh “đăng ký” số của cô bạn gái khó tính, lấy thông tin tình cảm của cô để tống tình, mọi chuyện sẽ trôi đi trong yên lặng.
Còn chị Anh Thư nhà ở Ba Đình, Hà Nội rơi vào trạng thái hết sức mâu thuẫn sau khi biết được dịch vụ này, bởi chị nửa muốn theo dõi chồng mà nửa lại không muốn vì lỡ có biết được bí mật gì đó lại vô tình làm tan nát hạnh phúc gia đình sau bao nhiêu năm vun đắp. Chị nói: “Có nên tin tưởng chồng mình không, hay cứ sử dụng dịch vụ để theo dõi, vì thà biết trước để trị còn hơn cứ để kéo dài rồi lại vô phương cứu chữa”.
Nhưng nguy hại hơn là trong hoạt động kinh doanh, hành động này được coi như tình báo kinh tế. Nhiều người đã gọi đó là “dịch vụ chết người”.
Anh Phương – giám đốc CTCP Thương Mại Và Quốc Tế CDC, nói trong sự lo ngại: “Tôi thường xuyên trao đổi thông tin làm ăn qua tin nhắn, có khi nào bị lộ hợp đồng, bị theo dõi thông tin nội bộ bởi những dịch vụ hết sức nguy hiểm như thế này khi mà họ chỉ cần lấy máy và đăng ký quá dễ dàng như vậy?”.
Chắc cũng đã từng có những vụ thua lỗ nặng nề vì tin tức của đấu thầu hoặc giá cả lên xuống của nhiều công ty đã bị tiết lộ cho đối thủ mà đến nay vẫn không hiểu tại sao. Mầm mống nghi ngờ công ty có kẻ “làm phản” chắc không tránh được.
Tự hại mình
Theo ông Bùi Trường Sơn, giám đốc Công ty Felix (chuyên về cung cấp các giải pháp thông cho thiết bị di động), các dịch vụ mà nhà mạng đưa ra đều nhằm mục đích tăng doanh thu và phải đánh trúng vào nhu cầu nào đó của thị trường. Chắc chắn là Vinaphone đã phải đầu tư lớn cho hệ thống để chạy dịch vụ này. Cũng cần lưu ý là dịch vụ này chỉ có nhà mạng mới có thể cung cấp khi họ nắm trong tay hệ thống.
Đại diện của Vinaphone cho biết dịch vụ copy SMS nhằm hỗ trợ khách hàng dùng nhiều máy có thể dễ dàng quản lý thuê bao của mình nhưng nếu có ý thức hơn về việc này, họ có thể áp dụng chính sách đăng ký dịch vụ chặt chẽ hơn. Bình thường một khách hàng mất sim phải rất khó khăn mới có thể lấy lại được với các loại giấy tờ đăng ký như hợp đồng cung cấp dịch vụ, chứng minh nhân dân. Rất khó hiểu khi với dịch vụ nhạy cảm như thế lại có những kẽ hở dễ bị lợi dụng đến vậy?
Để chống lại việc bị lợi dụng thông tin đã có nhiều người đã sử dụng sim rác cho những liên lạc quan trọng sau đó vứt đi. Như vậy nếu có ai đó cố tình lấy thêm thông tin của họ cũng vô ích. Việc khách hàng không tin tưởng dẫn đến sự không trung thành với nhà cung cấp dịch vụ. Các nhà mạng Việt Nam có thể nghĩ rằng mình đang có ưu thế tuyệt đối và không có sự cạnh tranh. Nhưng thực tế cho thấy ngày càng có nhiều tin nhắn, thoại đang được chuyển qua các dịch vụ khác được tích hợp trên điện thoại di động như Yahoo! Messenger, Facebook, Skype… Hiện Viber và WhatsApp đang là hai điển hình cho trào lưu sử dụng điện thoại nhưng chỉ trả cước dữ liệu (tối đa khoảng 50.000 đồng/tháng). Điều đáng nói là điện thoại và tin nhắn đều là các dịch vụ cơ bản để mang lại doanh thu cho nhà mạng. Nếu người dùng tăng cường sử dụng các dịch vụ tích hợp trên điện thoại thì câu hỏi đặt ra là doanh thu nhà mạng sẽ đến từ đâu?
Có người cho rằng cứ “ăn ở hiền lành” thì chẳng có gì đáng sợ, cứ để cho họ làm, may ra tìm được cho những người có hoạt động mờ ám có cơ hội trở về. Nhưng bạn có yên tâm không khi bất cứ lúc nào cũng có thể có người nghe trộm chuyện của bạn và vợ con bạn? Bạn có muốn lúc nào cũng có thể có người săm soi vào công việc của bạn dù bạn chẳng làm điều gì mờ ám?
Luật pháp ở đâu?
Theo ủy viên thường trực Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Ngô Văn Minh: “Việc Vinaphone cung cấp dịch vụ sao chép tin nhắn như báo chí thông tin là vi phạm pháp luật, làm lộ bí mật thông tin đời tư người khác. Luật pháp hiện hành đều quy định rất rõ những thông tin cá nhân không được phép để lộ cho người khác, vì vậy cần phải làm rõ đúng – sai trong việc cung cấp dịch vụ này, cũng như xem xét trách nhiệm của nhà mạng trên cơ sở mức độ thiệt hại, ảnh hưởng mà khách hàng phải chịu.
Về phía các cơ quan quản lý, cần xem xét mức độ vi phạm của Vinaphone để quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự”.
Phải xử nghiêm 
Phó chủ nhiệm Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Không những dịch vụ mà bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào để lộ bí mật đời tư đều là vi phạm pháp luật. Từ vụ việc này, cần phải tăng cường quản lý nhà nước hơn. Các doanh nghiệp phải có ý thức trong việc nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật. Đối với người tiêu dùng có lẽ cũng phải biết bảo vệ mình, có thái độ với kiểu cung cấp dịch vụ như thế. Cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa, chấn chỉnh là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra”.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật Gia ở Sài Gòn) cho biết: “Tin nhắn là một dạng thông tin điện tử thuộc bí mật đời tư đã được pháp luật bảo hộ. Khi được coi là bí mật của một người thì không ai được thu thập, quảng bá, phổ biến cho người khác biết, trừ khi có sự đồng ý của người đó hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định pháp luật, khi một người bị xâm phạm về bí mật đời tư thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người phải chịu trách nhiệm là đơn vị đã cung cấp dịch vụ tạo ra kẽ hở, hoặc người đã trực tiếp có các thao tác để lấy thông tin về bí mật đời tư. Theo pháp luật, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Biết hay nhắm mắt làm liều?
Từ hơn 1 năm nay, dịch vụ, phải nói cho đúng tên là “dịch vụ lấy cắp tin nhắn cung cấp cho người khác” được công khai sử dụng do một hãng cung cấp dịch vụ lớn vào bậc nhất Việt Nam có hàng triệu người thuê bao, ngang nhiên thực hiện.
Vinaphone được thành lập vào ngày 26 tháng Sáu năm 1996, là mạng thứ hai và nhà cung cấp viễn thông lớn thứ ba tại Việt Nam, đóng góp 20% tổng số thị trường truyền thông di động (sau MobiFone với 41%, Viettel Mobile với 34%).
Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ một đại công ty có cổ phần của nhà nước, nhưng các vị cầm đầu công ty hay nói theo chữ nghĩa là “các vị lãnh đạo công ty” lại không hiểu gì về pháp luật sao? Hay là hiểu đấy nhưng vì lợi nhuận của công ty và vì mục đích cạnh tranh nên nhắm mắt vượt rào?
Mãi đến ngày 14-5 mới đây, công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ sao chép tin nhắn. Theo Vinaphone, việc tạm dừng cung cấp dịch vụ này kể từ ngày 14-5 là do tiếp thu phản ảnh của báo chí đồng thời để tránh gây hiểu nhầm cho khách hàng trong thời gian sử dụng dịch vụ. Có nghĩa là họ vẫn né tránh, không nhận là mình đã sai, đã vi phạm pháp luật!
Nhưng nếu giả dụ như một công ty nào đó phát giác và có đầy đủ bằng chứng là vì bị ăn cắp tin nhắn cho đối thủ mà họ bị thiệt hại hàng triệu Mỹ kim thì sao? Chuyện này rất có thể xảy ra. Lúc đó Vinaphone nghĩ sao?
Dư luận của khách hàng
Có rất nhiều ý kiến của độc giả chống đối quyết liệt, tôi chỉ nêu vài ý kiến chính:
Bạn Huy viết: “Làm ăn chỉ biết đến lợi nhuận, không tôn trọng khách hàng, không lường trước được những hậu quả xấu cho khách hàng do mình gây ra! Mọi người hãy tẩy chay Vinaphone”.

Bạn Chu Kim Long: “Giật mình! Vinaphone đã làm một việc rất nguy hiểm, thực hiện hành vi trái pháp luật để trục lợi. Liệu các thuê bao còn dám tin tưởng vào nhà mạng này nữa không? Các thương vụ mà đối tác nhắn tin cho nhau bị đánh cắp thì quả là gây thảm họa. Pháp luật không thiếu để xử vấn đề này, điều duy nhất là có dám làm không? Hay doanh nghiệp quốc doanh là con cưng thì bỏ qua?”.
Bạn Dửng viết: “Vì lợi nhuận bất chấp tất cả! Là một doanh nghiệp quốc doanh lớn mà có cách làm ăn không thể nào chấp nhận được. Chương trình Triệu Phú SMS cũng là một hình thức dẫn dụ, hay nói trắng ra là lừa đảo khách hàng rồi, giờ lại tới dịch vụ này!”.
Dịch vụ lạ, chỉ có ở Việt Nam
Ông Andreas von Maltzahn, chuyên gia của Công ty Delta Partners chuyên cố vấn đầu tư trong lĩnh vực viễn thông ở các thị trường mới nổi, vô cùng sửng sốt khi nghe về dịch vụ chuyển tin nhắn từ một số điện thoại này sang một số điện thoại khác của Vinaphone. Ông bàng hoàng nói: “Có thật vậy ư? Tôi chưa từng nghe loại dịch vụ này trên thế giới”.
Ông von Maltzahn hiện đang ở tại Singapore cho biết thêm: “Các nhà cung cấp dịch vụ cần hết sức thận trọng trong việc bảo đảm sự riêng tư của khách hàng. Thật đáng sợ khi biết mọi trao đổi qua tin nhắn điện thoại di động của mình có thể lọt vào tay người khác dễ dàng như vậy. Các cơ quan quản lý cần phải có quy định để kiểm soát”.
Cũng hôm 14-5, Delta Partners phối hợp với trường kinh doanh hàng đầu thế giới INSEAD công bố tại Singapore bản “sách trắng” 20 thị trường viễn thông sôi động nhất thế giới, còn chưa đạt đến trạng thái bão hòa về thuê bao. Việt Nam là một trong số đó với tổng doanh thu hằng năm khoảng 5 tỉ Mỹ kim và dự báo còn gia tăng.
Cái “dịch vụ chết người” này chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Đúng là Việt Nam nhiều cái “nhất” thật. – (VQ)
18-5-2012
Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét