Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Phụ nữ Afghanistan - món hàng giải quyết mâu thuẫn bộ tộc

 Để giải quyết các xung đột trong bộ tộc, phụ nữ Afghanistan đã bị biến thành một món hàng sống và có thể phải lấy người thân lớn hơn mình hàng chục tuổi.

Không ai muốn mình bị giam giữ trong bóng tối của nhà tù, thế nhưng phụ nữ ở Afghanistan lại sợ hãi cùng cực khi được thả ra ngoài, vì công lý chưa bao giờ mỉm cười với họ.
Sống tại thủ đô Kabul, Afghanistan, cô Sakina (20 tuổi) có đôi mắt sâu thẳm đầy tuyệt vọng, và chỉ sáng lên tia hy vọng trong giây lát khi nhìn thấy đứa con trai 9 tháng tuổi của mình, Mirwais. Hai mẹ con cô hiện đang bị giam giữ tại nhà tù dành cho phụ nữ - Badam Bagh ở Kabul, vì con cái nữ tù nhân phải ở trong tù cùng với mẹ của chúng.
Tuy nhiên, cuộc sống trong tù không phải là điều khiến người phụ nữ này tuyệt vọng nhất, vì cô đang sợ hãi khi biết rằng mình có thể sớm được thả ra. Sakina nói: “Họ sẽ trả tôi về với gia đình, với cha tôi. Ông ấy chắc chắn sẽ giết tôi, rồi giết Mirwais hoặc bán thằng bé đi”.
Bi kịch bắt đầu khi Sakina mới 5 tuổi, sống cùng cha, mẹ kế và anh trai. Anh cô và vợ của người anh họ đã phạm phải một tội lỗi tày trời khi cùng nhau bỏ trốn. Hình phạt cho tội ngoại tình là bị ném đá cho tới chết. Tuy nhiên, sau khi bị bắt về bộ lạc, các trưởng lão tha tội chết và cho phép họ kết hôn với nhau. Đổi lại, Sakina phải lấy người bác 70 tuổi, chính là cha của anh họ cô (người bị vợ mình phản bội).
Câu chuyện của Sakina không phải là trường hợp cá biệt tại nước này. Việc cô ngồi tù bắt nguồn từ nỗ lực thoát khỏi tình trạng trao đổi phụ nữ và trẻ em, để giải quyết mâu thuẫn trong bộ tộc theo luật “ba'ad”.
“Ba'ad” là một cách giải quyết tranh chấp truyền thống, khi các cô gái được trao đổi để giải quyết mâu thuẫn. Những cô gái trẻ sau khi bị trao đổi có thể trở thành vật tế thần, tượng trưng cho sự đau buồn và tức giận của gia đình mới được gả. Bên cạnh đó, họ có thể phải kết hôn với một thành viên nam trong gia đình bất kể tuổi tác và tính tình.
 Majabin (13 tuổi) và Zalayha (29 tuổi) đều là vợ của nông dân Mohammed (45 tuổi). Mohammed được nhận Majabin như là một món hàng trả nợ (hay ba'ad), sau khi một người bạn không trả hết tiền nợ vì thua bạc.
Chính trị Afghanistan từ lâu đã xảy ra nhiều cuộc tranh giành quyền lực, đảo chính đẫm máu và chuyển giao chính quyền trong tình trạng bất ổn. Nước này đang cố gắng thiết lập một chính phủ trung ương và xóa bỏ hệ thống pháp luật không chính thức trong nhiều thế kỷ qua. Tại Afghanistan, về cơ bản có hai hệ thống pháp luật song song tồn tại.
Thứ nhất là hệ thống tư pháp của chính quyền trung ương tại Kabul. Mặc dù nhận được tài trợ từ Mỹ và quốc tế trong nhiều năm qua, nhưng chính quyền này vẫn đầy rẫy tham nhũng, mất uy tín và hầu như không quan tâm đến dân chúng. Thứ hai là hệ thống được xây dựng trên nền tảng thực thi pháp luật cổ xưa, trong đó có “Ba'ad” và các trường hợp xét xử tại toà án địa phương cùng bộ lạc.
Mỹ và cộng đồng quốc tế gần đây bắt đầu làm việc với các bộ lạc. Kết quả của các cuộc điều tra chỉ ra rằng, có đến 90% khiếu nại hình sự và dân sự trong hệ thống tư pháp không chính thức này. Toà án hoàn toàn bị những người đàn ông thống trị và không bao giờ công lý đến với các nạn nhân nữ.
Người đứng đầu Hiệp hội Đào tạo Nhân quyền cho phụ nữ Afghanistan, bà Roshan Sirran cho biết: “Điều này không phải là tin tốt đối với những người phụ nữ đang bị bạo hành tại Afghanistan. Trong các tòa án tại bộ lạc, người phụ nữ phải hy sinh đầu tiên và luôn luôn là như thế. Bất kì một tranh chấp về lãnh thổ hay nguồn nước tại đây đều được giải quyết bằng những cô gái”.
Mặc dù cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực trong việc cải thiện cuộc sống của phụ nữ sau sự sụp đổ của chính quyền Taliban, nhưng vấn đề bạo lực vẫn diễn ra và cuộc sống đau khổ của người phụ nữ Afghanistan tiếp tục hứng chịu nhiều bất công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét