Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Hai huyền thoại tennis sống sót kì diệu sau thảm họa Titanic


 Nếu cần chất liệu cho một bộ phim bom tấn về thảm họa Titanic, các nhà làm phim Hollywood sẽ không thể bỏ qua câu chuyện sống sót thần kỳ của 2 tay vợt Howell Behr và Richard Willams.

Sống sót thần kỳ
Giống như nhiều người trong số hơn 2.220 người trên chiếc tàu Titanic, hai người Mỹ KarL Howell Behr và Richard Harris Williams II cũng đi tìm cho mình một giấc mơ. Behr theo đuổi một tình yêu còn William phấn đấu cho sự nghiệp quần vợt thành công.
Họ là hai trong số hơn 700 người may mắn sống sót khi con tàu Titanic va vào băng trôi ngoài khơi Đại Tây Dương vào ngày 14/4/1912 và chính thức chìm vào đầu giờ sáng ngày 15/4/1912, trong chuyến hải trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó. Họ không gục ngã mà đã rất nhanh chóng gượng dậy để lập nên những chiến công hiển hách nhất của lịch sử quần vợt.
Hai con người, hai câu chuyện, hai số phận sống sót thần kỳ trên chiếc tàu Titanic
Richard William đoạt danh hiệu đôi nam US Nationals chỉ vài tháng sau khi thảm họa Titanic xảy ra. Sau đó, ông tiếp tục giành được những danh hiệu cao quý khác ở các giải Grand Slam trước khi được lưu danh vào ngôi nhà các tay vợt huyền thoại vào năm 1957.
Behr không có được 1 sự nghiệp hiển hách như Williams nhưng ông cũng là tay vợt số 5 nước Mỹ ở thời điểm xảy ra thảm họa. Đến năm 1969 ông được lưu danh vào ngôi nhà của những tay vợt huyền thoại. Kỷ niệm 100 năm ngày thảm họa Titanic xảy ra, tại trụ sở của Ngôi nhà các huyền thoại ở Newport sẽ khai trương một phòng trưng bày kỷ vật và vinh danh hai tay vợt sống sót sau Titanic. Bên cạnh đó, một bộ phim có tựa đề Night to Remember sản xuất năm 1958 sẽ được công chiếu để làm sống lại những hình ảnh của hai nhân vật từng đi qua “cái chết” và sau này trở thành hai tên tuổi lớn của làng banh nỉ.
Giấc mơ trên con tàu đắm
Richard William bước lên con tàu Titanic cùng với cha mình với một hy vọng cháy bỏng. Anh chuẩn bị sẵn sàng cho việc thi đấu trong đội tennis của trường ĐH Harvard tại giải Ivy League (giải đấu của 8 trường ĐH lớn nhất nước Mỹ). Khi con tàu va vào băng trôi, họ tin rằng sẽ có rắc rối xảy ra nhưng không ngờ lại nghiêm trọng đến thế. Khi con tàu chìm dần xuống đại dương xanh thẳm, họ tình nguyện ở lại để phá bó những chướng ngại vật giúp những hành khách khác. Đến khi họ nghĩ cách tự cứu mình thì đã không kịp. Cha của Williams bị chiếc chân vịt khổng lồ nghiền nát khi nhảy xuống nước.
Không có thời gian đau đớn với cái chết của cha, Williams may mắn bám được vào phao cứu sinh hàng giờ dưới làn nước lạnh ngắt trước khi được đội cứu hộ đưa lên thuyền. Khi đó chân của ông đã không còn cảm giác và mọi cử động đều dẫn đến đau đớn. Các bác sỹ đã đề nghị cắt bỏ chân của ông để cứu tính mạng. Nhưng với khát khao cháy bỏng và ước mơ chinh phục quần vợt, Williams đã sẵn sàng đánh đổi. Ông lê từng bước khó nhọc hàng giờ đồng hồ trên sàn tàu cứu hộ để hy vọng khôi phục lại cảm giác ở đôi chân. Sức mạnh tinh thần đã giúp ông chiến thắng.
Chỉ vài tháng sau thảm họa xảy ra, Williams đã vô địch nội đung đôi nam nữ US Open cùng với Mary Browne. Sau đó ông còn đoạt HCV Olympic 1924 cũng như vô địch US Open ở nội dung đôi nam. Bên cạnh đó Richard Williams còn là thành viên của đội Davis Cup Mỹ vô địch thế giới. Tổng cộng ông đã có được 6 danh hiệu lớn.
Karl Behr và Richard Williams có 1 sự nghiệp thành công sau thảm họa
Trong khi đó, câu chuyện của Karl Howell Behr ly kỳ có thể làm chất liệu cho một bộ phim. Khi đó, ông là một doanh nhân thành đạt và chơi quần vợt một cách tài tử. Trên thực tế, ông lên tàu Titanic là theo Helen Newsom, người phụ nữ mà ông yêu nhưng không được gia đình cô gái chấp nhận. Sau khi thảm họa xảy ra, cha mẹ của Helen đã nhanh chóng có mặt trên chiếc thuyền cứu hộ nơi chỉ dành cho “phụ nữ và trẻ em”. Mặc dù vậy, Behr vẫn kiên trì bám theo lên. Cảm giác tội lỗi theo ông mãi từ đó đến cuối cuộc đời. Dù mang tiếng tham sống sợ chết nhưng sau đó chính Behr là thành viên cứu hộ tích cực nhất cứu sống nhiều nạn nhân trong thảm họa.
Vai trò của ông đã được đánh giá cao bởi những người sống sót sau thảm họa và cũng nhờ đó mà ông ghi điểm với cha mẹ của Helen. Hai người kết hôn vào tháng 3/1913. Behr có 1 sự nghiệp không đến nỗi nào khi vào đến chung kết đơn nam Wimbledon và US Open, thành tích giúp ông đứng số 3 nước Mỹ. Trong sự nghiệp, Behr đã 1 lần đụng độ với Richard Williams tại tứ kết US Open 1914, nơi ông đã thua đối thủ sau 3 set: 2-6, 2-6 5-7. Về sau họ cũng là thành viên của đội Davis Cup nước Mỹ.
Richard Norris Williams II gia nhập Ngôi nhà các huyền thoại (Hall of Fame) vào năm 1957 và Karl Howell Behr vào năm 1969, 20 năm sau khi ông mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét