Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Vội vã chuyến xe về quê


TTO - Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2011, nhiều phụ huynh và sĩ tử đã vội vã thu xếp hành lý ra bắt xe về quê. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều thấu hiểu sự khó khăn của họ trước "muôn màu chặt chém" ở thành phố trong những ngày thi.
Gia đình sĩ tử muốn nhanh chóng ra bến xe
Tranh thủ về quê để tiết kiệm tiền
9g sáng 4-7, sau khi kết thúc môn thi hóa cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh khối A, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị sẵn hành lý để đón con về quê. Không như kết thúc hai môn thi trước với đầy sự bàn tán hỏi han ở cổng trường, giờ đây gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ai nấy đều căng thẳng và trở nên gấp gáp hơn.
Rất nhiều sĩ tử vẫn tiếp tục dự thi các trường khối B, C, D tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong những ngày chờ đợi, tranh thủ về quê là giải pháp tiết kiệm nhất mà các gia đình thí sinh ở các vùng quê nghèo lựa chọn.
“Từ nay đến mồng 8-7 còn 4 ngày, mà ở lại đây sẽ rất tốn kém, mỗi ngày tiết kiệm cũng mất 300.000-400.000 đồng tiền ăn ở. Thôi mẹ con mình bắt xe về quê nghỉ ngơi vài ngày rồi sáng mồng 8 bắt xe ra Hà Nội sớm làm thủ tục dự thi” - bà Thiều Thị Lý (quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa) trò chuyện cùng đứa con gái sau khi vừa bước ra khỏi cổng trường thi.
Theo ghi nhận của PV sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, hầu hết thí sinh và phụ huynh đã có mặt ở bến xe để về quê. Bến xe Mỹ Đình lúc 11 giờ đã trở nên đông đúc. Mỗi khi có xe rời bến dòng người lại chen lấn để lên được xe. Ở cửa ra của bến xe Mỹ Đình, hai bên lề đường đã có người đứng vây kín chỉ chờ xe ra là nhảy lên. Không còn chỗ chen chân, mọi người đứng xuống hết lòng đường gây cản trở giao thông và khó khăn cho các phương tiện đi lại.
“Trong bến đông đến nỗi không thể chen được vào trong mua vé. Hai mẹ con đành phải ra lề đường chờ xe ra là nhảy lên. Nhưng từ lúc ra đón xe đến giờ đã có cả chục xe chạy tuyến về qua nhà, nhưng cứ ra vẫy xe thì họ lại không cho lên vì xe nào cũng đã nhét chặt người từ trong bến” - bà Nguyễn Thị Thắm (Thanh Hóa) cho biết.
Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình luôn tấp nập khách ra vào
Tại bến xe Giáp Bát, nhiều người đã bắt xe ôm ra bến nhưng đành phải bắt xe quay trở lại vì xe nào cũng quá đông không thể lên được. Như bố con ông Kiên (Nam Định) trước khi con thi môn cuối, hai bố con đã mang sẵn hành lý ra về. Chỉ chờ con ra khỏi phòng thi là ngay lập tức bắt xe về quê. Nhưng khi ra tới bến thì cũng đã quá đông so với ông tưởng tượng. Chờ mãi không lên được xe, hai bố con đành quay lại nhà nghỉ ở chờ sáng mai đi sớm.
Nắm bắt được tâm lý nôn nóng về quê của sĩ tử, nhiều xe khách xuất bến nhưng không chạy luôn mà lòng vòng đón khách đến nỗi xe nào cũng chật cứng như nêm. Mỗi lúc người đổ về bến một đống, xe chạy như rùa để bắt khách nên lực lượng công an đã rất vất vả dẹp trật tự và phân luồng giao thông.
Nháo nhác bến xe như “ong vỡ tổ”
Không thể đón xe ở các bến, nhiều người đã chọn cách bắt xe ôm ra tận đường cao tốc Pháp Vân đón xe.Tại bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm… chung cảnh “như ong vỡ tổ” những dòng người xếp dọc hai bên lề đường đón xe. Ban quản lý bến xe Giáp Bát cho biết năm nào bến xe cũng có cảnh nhốn nháo về quê sau môn thi cuối.
Đội xe ôm ở bến xe không kịp nghỉ và thỏa sức chặt chém. Bà Thương, một phụ huynh, cho biết: “Hai mẹ con tôi đi xe ôm từ cổng Trường ĐH Thương mại ra bến xe Mỹ Đình có hơn 1 cây số nhưng mất 50.000 đồng. Đắt thế mà nhiều người còn không gọi được xe ôm”.
Bà Lan (Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết con bà là Nguyễn Thị Hồng còn dự thi khối B Trường ĐH Công đoàn nhưng hai mẹ con tranh thủ về quê mấy ngày cho đỡ tốn kém
Đối với lực lượng xe ôm, đây là mùa “kiếm ăn” hiếm có. Trong ngày hôm nay, chỉ riêng giá xe ôm cũng tăng gấp 2 thậm chí gấp 3 lần ngày thường. Tuy nhiên, để nhanh chóng ra được bến xe, gia đình sĩ tử đành chấp nhận mà không dám kêu ca gì.
Bài, ảnh: HOÀNG NHẬT TÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét